Trong vài năm trở lại đây thì tốc độ truy xuất dữ liệu ổ cứng đã được cải thiện rất nhiều. ổ cứng SSD NVMe có tốc độ nhanh hơn SSD SATA rất nhiều, thậm chí nhanh đến mức 5000MB/s (và sắp tới là 7000MB/s). Đồng thời, giá thành của SSD cũng có chiều hướng giảm dần, giúp nhiều người dễ dàng tiếp cận nó hơn.

Tuy nhiên, nó vẫn chưa phải là thứ nhanh nhất trong dàn máy nhà bạn. Dĩ nhiên là trong phạm trù gaming thì tốc độ đọc không có ý nghĩa nhiều lắm ngoại trừ việc nó giúp giảm thời gian bạn ngồi ngó màn hình loading. Nhưng nếu bạn muốn một ổ cứng có tốc độ nhanh hơn nữa thì có thể xài thử RAM Disk.

RAM Disk là một ổ cứng ảo trên RAM

RAM Disk, hay còn gọi là RAM Drive, là một ổ lưu trữ ảo mà bạn có thể tạo ra trong Windows bằng phần mềm của hãng thứ 3. Nôm na thì bạn ra lệnh cho PC dành ra một phần RAM để biến nó thành “ổ cứng” và xài như một ổ HDD/SSD bình thường.

Nói chứ lúc trước, PC không có ổ cứng chuyên biệt như bây giờ, còn nếu có thì chúng cũng rất đắt đỏ (năm 1980 thì HDD 5MB có giá tới… 1500USD) và rất chậm. Vì thế, người ta đã tạo ra RAM Disk để tăng tốc cho PC.

RAM Disk nhanh hơn SSD gấp 4 lần

Theo lý thuyết thì RAM Disk là một dạng SSD, nhưng nhanh hơn SSD gấp nhiều lần. Một thanh RAM thường có tốc độ nằm ở mức 21.328MB/s, còn chiếc SSD phổ thông nhanh nhất hiện nay chỉ có tốc độ là 5000MB/s, tức chậm hơn gấp 4 lần. Cho nên có thể nói RAM Disk có tốc độ đọc/ghi chỉ trong chớp mắt.

Nhưng điều này không có nghĩa là game của bạn sẽ được load tức thì, vì quá trình loading nó gồm nhiều công đoạn khác nhau, và việc đọc dữ liệu từ ổ cứng chỉ là một công đoạn trong số đó. Vì thế nên hầu hết SSD chỉ có thể giảm thời gian loading xuống còn phân nửa so với HDD, và SSD NVMe load game không nhanh hơn là bao so với SSD SATA, thậm chí có khi chỉ nhanh tương đương. Do đó, sử dụng RAM Disk để tăng tốc độ load game là vô nghĩa.

Những bất cập của RAM Disk

RAM thuộc loại bộ nhớ khả biến (volatile), nghĩa là mất điện là dữ liệu trên RAM cũng bị xóa sạch luôn, cho nên nếu bạn có dự định chứa dữ liệu trên đó thì chỉ có thể cho máy Sleep hoặc Hibernate (ngủ đông) được thôi, chứ tắt máy là toang (hoặc máy bị crash cũng toang nốt). Nếu muốn tắt máy thì phải chuyển dữ liệu ngược vào ổ HDD/SSD rồi mới tắt được, rất phiền phức.

Ngoài ra, sau khi bạn vào Windows thì cũng phải mở chương trình RAM Disk lên và chép tất cả dữ liệu cần thiết vào trong RAM, lại thêm 1 bước lằng nhằng nữa. Vả lại, Windows bây giờ cũng thông minh hơn trước rất nhiều, nó sẽ lưu các tập tin mà bạn hay truy xuất vào RAM trước rồi nên xài RAM Disk là khá dư thừa. Đó cũng là lý do vì sao reload màn chơi sẽ nhanh hơn là khi bạn mới load nó lần đầu.

Chưa kể PC chơi game phổ thông bây giờ thường chỉ hỗ trợ tối đa 64GB RAM hoặc 128GB RAM (tùy thế hệ), cho nên chỉ cần bạn chép 2-3 game bom tấn AAA, mỗi game tầm vài chục GB là đã thấy banh xác rồi. Red Dead Redemption 2 cần 150GB hả? Thôi nghỉ khỏe luôn hén.

Vì những lý do trên, việc sử dụng RAM Disk để chơi game khá là phiền phức và không cần thiết, nếu không muốn nói là nguy hiểm vì có nguy cơ bị mất dữ liệu. RAM Disk chỉ thực sự phát huy tác dụng đối với những phần mềm không thể dùng RAM làm bộ nhớ đệm mà thôi, và nhất là trong trường hợp những dữ liệu lưu trên RAM Disk không quan trọng.

Nguồn: PC Gamer