Trong các linh kiện PC thì bộ nguồn (PSU) có lẽ là ít được anh em dân PC quan tâm nhất. Có lẽ là do nó không thể mang lại những giá trị rõ ràng, có thể đong đếm chính xác bằng các con số khô khan như nhiều linh kiện khác nên nhiều người không nhận ra giá trị của nó. Anh em có thể khoe card tôi mạnh lắm, CPU tớ khỏe ghê nhưng mình thấy hầu như chẳng ai khoe bộ nguồn của mình cả (chỉ trừ mấy ông dùng nguồn có LED RGB, tản nhiệt nước các kiểu thôi). Cảm giác nó thực sự không công bằng cho bộ nguồn anh em ạ.
Vai trò của PSU (bộ nguồn)
Cái này thì chắc anh em nào cũng biết rồi nhưng mình cũng xin phép nhắc lại cho nó trọn vẹn cái bài. Nguồn là linh kiện dùng để chuyển đổi từ dòng điện xoay chiều (AC) thành dòng điện 1 chiều (DC). Nguồn càng tốt thì sẽ chuyển điện càng ít hao phí, cho công suất càng lớn và dòng điện càng ổn định.
Cục nguồn cũng là linh kiện đầu tiên tiếp xúc với dòng điện từ lưới điện (nếu không dùng bộ lưu điện – UPS). Nó không chỉ có nhiệm vụ còng lưng ra cày để những cái miệng háu ăn của đám linh kiện còn lại mà còn đứng nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ cho chúng trước những tác động tiêu cực từ dòng điện như sét hoặc bất cứ thứ gì có thể làm dòng điện thay đổi đột ngột đều sẽ đe dọa đến các linh kiện khác.
Thường thì những bộ nguồn của các hãng lớn như FSP, Cooler Master, Corsair,.. đều sẽ có thể đảm bảo dàn linh kiện bình an vô sự trước sự biến đổi của dòng điện. Cho dù khủng khiếp như sét đánh hay gì đó tương tự thì cục nguồn cũng sẽ hy sinh bản thân nó để “bảo toàn đại cục”. Không dừng lại ở đó, một số dòng nguồn đặc biệt như FSP Hydro G Pro thậm chí còn được thiết kế để chống chịu môi trường khắc nghiệt với độ ẩm cao, vốn là nguyên nhân dẫn đến cái chết của không ít dàn PC tại Việt Nam. Thế mới nói bình thường thì chẳng ai để ý bộ nguồn của mình đâu, nhưng đến khi đụng chuyện thì bi kịch hay hạnh phúc đều là hệ quả của sự lựa chọn của chính bạn.
PSU – Anh hùng thầm lặng
Gắn con CPU thật mạnh vào thì anh em sẽ thấy máy chạy khỏe hơn rõ ràng, chơi game mượt hơn, xử lý công việc nhanh hơn… Gắn card mạnh hơn vào thì FPS sẽ tăng lên rõ rệt. Gắn thêm RAM bật được thêm một đống tab Chrome, chạy ứng dụng thoải mái. Ổ cứng dù không tăng hiệu năng nhưng cũng tăng dung lượng lưu trữ. Nguồn thì không được như vậy. Khi gắn một bộ nguồn xịn vào, anh em cũng sẽ chẳng thấy gì rõ ràng so với một bộ nguồn cùi cả, giá trị của một bộ nguồn chỉ được thể hiện chủ yếu trong quá trình sử dụng mà thôi nên nó không hề nổi bật và gần như chẳng bao giờ được vinh danh cho những đóng góp của nó cả. Cho dù vậy, nó cũng ngày đêm thầm lặng cống hiến như bao linh kiện khác để làm nên sức mạnh tổng thể của cả dàn PC.
Mới nghe qua thì giá trị của bộ nguồn nghe có vẻ mơ hồ quá nhỉ? Để mình giải thích cặn kẽ cho anh em dễ hiểu nhé.
Linh kiện mạnh mẽ luôn cần một bộ nguồn khỏe
Trong cùng một thế hệ thì linh kiện càng mạnh sẽ càng ăn điện nhiều hơn. Anh em muốn build PC càng mạnh thì càng phải có một bộ nguồn khỏe hơn để nuôi được nó. Để mình lấy ví dụ cho anh em dễ hiểu. Một con CPU Core i9 10900K có đến 10 nhân 20 luồng và mức xung tối đa 5.3 GHz, khi bỏ giới hạn TDP nó có thể ăn đến trung bình 220W rồi ép xung lên nữa thì nó ăn sẽ còn ăn khủng khiếp hơn. GPU như RTX 2080Ti bản FE cũng có thể ăn đến gần 280W, hơn kha khá so với công bố của Nvidia. Và đó mới là CPU và GPU thôi, chúng ta còn phải tính quạt, LED, ổ cứng các kiểu nữa.
Có thể anh em nhìn vào mấy bộ nguồn 800W, 1000W hay 1200W sẽ thấy nó dư thừa và trông giống cái lò nướng hơn là linh kiện PC. Nhưng không đâu anh em ạ, chẳng có cái gì là thừa cả. Nếu gắn một cục nguồn cho công suất vừa đủ cho dàn PC thì lúc nào nó cũng phải còng lưng ra cày để nuôi dàn linh kiện. Còn đối với cục nguồn có công suất dư dả thì nói sẽ làm việc nhàn nhã hơn, linh kiện của nó sẽ mát hơn và nó cũng sẽ sống thọ hơn.
Với một bộ nguồn mạnh mẽ, có công suất lớn hơn khá khá so với điều kiện đáp ứng tối thiểu của dàn linh kiện trong case thì anh em cũng sẽ dễ dàng nâng cấp, thay thế những linh kiện cũ bằng những linh kiện mới, có công suất và hiệu năng cao hơn. Anh em có thể thay card mạnh hơn để tăng FPS, CPU trâu hơn để cân card và làm nhiều thứ khác, nhiều ổ cứng để chứa tài liệu học tập hơn, nhiều LED cho nó sáng hơn, nhiều quạt cho nó mát hơn… hay thậm chí là thêm cả nguyên dàn tản nước custom mà không cần suy nghĩ. Đó là cái quyền của những ai đã bỏ tiền cho cục nguồn đấy.
Một bộ nguồn tốt sẽ tối ưu hóa sức mạnh của toàn hệ thống, giúp các linh kiện bền bỉ hơn
Cục nguồn giống như trái tim của cả cái case PC vậy, nguồn tốt có thể cung cấp dòng điện ổn định với điện áp hợp lý cho toàn bộ hệ thống PC của anh em. Chỉ khi có một bộ nguồn tốt thì các linh kiện trong hệ thống mới được cung cấp dòng điện ổn định, ít nhiễu, làm cơ sở để chúng hoạt động bền bỉ trong thời gian dài cũng như hoạt động mạnh mẽ hơn. Những bộ nguồn càng cao cấp, đắt tiền sẽ càng có nhiều tính năng hỗ trợ để bảo vệ dàn linh kiện của bạn tốt hơn, ví dụ như tự ngắt điện khi phát hiện sự cố, chống sét…
Nếu anh em để ý thì mấy bác dân ép xung thường thích dùng nguồn rất xịn 80Plus Gold, Platinum các kiểu con đà điểu. Câu chuyện ở đây không chỉ dừng lại ở công suất nguồn mà còn là ở chất lượng dòng điện mà nó có thể cung cấp. Khi CPU đẩy mức xung vượt ra ngoài thông số được công bố của nhà sản xuất thì nó cần dòng điện càng ổn định càng tốt. Đây chính là lúc mà những bộ nguồn cao cấp đắt tiền phát huy được tác dụng của nó. Không chỉ riêng CPU, card cũng vậy, RAM cũng vậy, main cũng vậy và mọi linh kiện khác đều vậy.
Nguồn càng xịn thì càng ít hao phí điện
Không như GPU, CPU hay các linh kiện phần cứng khác, một cục nguồn có ngon hay không thì phải cắm vào máy dùng thử rồi mới biết chứ không phải cứ test bằng phần mềm là xong. Nếu chỉ nhìn vào thông số bên ngoài của cục nguồn thì sẽ chẳng có ai biết được là nó thực sự ngon hay dở cả. Thế nên mấy ông nhà sản xuất nguồn mới tụ lại với nhau để đặt ra một tiêu chuẩn chung gọi là 80 Plus để quy chuẩn hóa chất lượng của những bộ nguồn, chủ yếu là về mức hao phí điện năng, đồng thời cũng khẳng định chất lượng bộ nguồn với người dùng luôn.
Mình sẽ quăng cái bảng ở đây để anh em tham khảo cho tiện nhé:
Nếu có cùng công suất thì nguồn càng đạt chuẩn 80 Plus cao cấp hơn sẽ có công suất hao phí trên từng mức tải thấp hơn, ít tỏa nhiệt hơn, bền hơn, ổn định hơn, nói chung là nguồn càng xịn càng tiết kiệm điện, giá cũng chát hơn. Đây cũng là thứ làm nên sự khác biệt về mức giá của những bộ nguồn cùng công suất.
Nguồn sẽ không bao giờ lỗi thời, độ bền rất cao
Như đã nói bên trên, với đà phát triển của công nghệ thì những các linh kiện PC đều sẽ trở nên lỗi thời rất nhanh. Tuy nhiên, nguồn thì không như vậy, nó không có các đế bán dẫn và không tuân theo định luật Moore nên sẽ gần như không bị lỗi thời. Một bộ nguồn tốt sẽ có thể phục vụ bạn trong suốt vòng đời của nó hoặc cho đến khi bạn thay thế nó bằng một cái mới tốt hơn. Trong khi VGA, Main, CPU… Trở nên lỗi thời theo từng năm thì bộ nguồn sẽ vẫn mãi như vậy. Với một bộ nguồn xịn, cho công suất cao, dòng điện ổn định và linh kiện bền bỉ thì anh em có thể sử dụng nó cả chục năm mà không vấn đề gì. Đầu tư một bộ nguồn “xịn” chưa bao giờ là một khoản đầu tư lỗ vốn cả.
Nguồn hồi xưa nhìn chán lắm, giờ đỡ nhiều rồi
Bộ nguồn trước nay thường đi theo phong cách thực dụng đặt hiệu quả lên hàng đầu nên ít khi nào được show hàng, đó cũng là lý do mà nó đành “thầm lặng” bảo vệ hệ thống của anh em. May mắn thay giờ đã khác xưa rồi, xu hướng “khoe linh kiện” giúp các bộ nguồn được đầu tư ngoại hình tốt hơn nhiều. Bình dân thì kiểu như FSP Hydro series cho anh em mấy cái sticker dán vào cho đổi khẩu vị, nhưng ấn tượng thì phải nói đến mấy dòng nguồn cao cấp khi mà “tiền không phải là vấn để”. Nhiều hãng như Thermaltake đã trang bị cả LED RGB lên trên những cục nguồn của mình, Asus ROG thì có con nguồn Thor tích hợp màn hình còn FSP Hydro PTM+ thì gắn cả block nước trong nguồn của mình cho anh em tha hồ chơi tản nước custom đi nước full cả hệ thống.
Cái thời bộ nguồn chỉ được nằm trong góc khuất không ai nhìn thấy để tránh ảnh hưởng đến độ thẩm mỹ của cả dàn PC có lẽ đã bắt đầu đi qua, nhường chỗ cho thời đại mà những bộ nguồn cũng có không gian để tỏa sáng dưới mắt của người dùng, vì nó xứng đáng được như vậy. Rồi sẽ đến một ngày mà chúng ta đều cân nhắc đến độ thẩm mỹ của nguồn chứ không phải chỉ là những con số ghi trên nó nữa. 25 năm trước chẳng ai làm case có mặt kính và linh kiện ngầu lòi có LED RGB, giờ thì mọi chuyện đã khác rồi. Mình tin chắc nguồn cũng sẽ được như vậy, chẳng qua là nó đi chậm hơn những linh kiện kia mà thôi.
Ai cũng cần nguồn cả
Hễ là dân dùng desktop thì đều sẽ cần bộ nguồn, nó cũng quan trọng như bất kỳ linh kiện nào khác. Vấn đề chỉ là anh em cần bộ nguồn như thế nào mà thôi.
Nếu anh em build máy bình dân chỉ để chơi eSport thì mấy bộ nguồn bé bé xinh xinh tầm 450W cùng với chuẩn 80 Plus thường là đủ. Anh em nào chơi đến những thứ linh kiện trâu bò nhất hiện nay như Core i9, RTX 2080Ti các kiểu thì nguồn 600W, 700W, 750W các kiểu. Còn đối với mấy dân chơi hardcore thích vọc vạch ép xung thì sẽ cần đến mấy bộ nguồn vừa cho công suất lớn, vừa đạt chuẩn 80 Plus cao như Gold Platinum, Titanium… Kinh dị hơn nữa như mấy bác chơi đến HEDT, CPU dòng X, card chạy NVLink thì chơi tới mấy quả nguồn 1200W, hay thậm chí cao hơn, giá tầm chục củ cũng là chuyện bình thường.
PC càng đắt tiền thì anh em sẽ cần nguồn càng xịn để tương xứng với nó. Đầu tư một bộ nguồn tốt cũng là cách để anh em trân trọng những linh kiện còn lại trong cả dàn PC của mình.
Anh em thấy đó, dù thường không được chú ý như những linh kiện khác nhưng bộ nguồn vẫn ngày đêm cống hiến, mang đến cho chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời khi sử dụng PC. Sau bài này mình cũng hy vọng anh em có thể hiểu hơn về tầm quan trọng của những bộ nguồn. Vì chúng xứng đáng được xem là những người anh hùng thầm lặng trong mỗi chiếc PC.