Không phải ai cũng rành công nghệ nhưng có những bí quyết có thể mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời khi mua hàng công nghệ dù bạn có rành công nghệ hay không.

Khi đến một cửa hàng công nghệ nào đó, chúng ta thường kỳ vọng nhân viên tư vấn bán hàng sẽ hỗ trợ mình từ đầu đến cuối để mua được món hàng phù hợp nhất với bản thân mình. Tuy nhiên bạn cũng có thể giúp cho việc tư vấn diễn ra một cách nhanh chóng và mượt mà hơn nữa nếu biết và để ý 5 quy tắc “mềm” sau đây.

Quy tắc đầu tiên – Nụ cười

Theo kinh nghiệm sắm máy tính chục năm của mình cho thấy là thái độ thân thiện sẽ là cách hiệu quả nhất giúp bạn đạt được “món đồ mình muốn”. Dĩ nhiên nói thì dễ nhưng tính cách mỗi người mỗi khác, lỡ bạn sống nội tâm, yêu màu tím thì làm sao mà cởi mở thân thiện được với người lạ đúng không nè. Cơ mà đừng lo, mình có bí quyết này đảm bảo vừa dễ vừa hiệu quả. Bước vào cửa hàng bạn cứ cười thật tươi lên, mình khẳng định là tất cả những tư vấn viên tiếp đón bạn sẽ đáp lại bằng nụ cười cũng tươi không kém, thậm chí là còn tươi hơn luôn.

Con người mà, ai cũng vậy cả, ai cũng thích người đối diện nhìn mình với nụ cười vui vẻ trên môi. Khi người ta thấy bạn là một vị khách dễ tính và thân thiện thì dĩ nhiên là họ sẽ luôn nhiệt tình và dành những điều tốt nhất cho bạn. Nụ cười của bạn chắc chắn sẽ không bao giờ là thừa đâu, một khi đã vui vẻ và thân thiện với nhau thì cái gì cũng dễ hết.

Chốt trước mức chi phí

Trước khi đến một cửa hàng thì cái điều đầu tiên mà bạn cần lưu ý chắc chắn sẽ là mức chi phí mà bạn muốn bỏ ra để mua hàng (trừ khi bạn mua hàng không cần nhìn giá). Bạn hãy ước lượng số tiền mà bạn muốn dùng trước cái đã, sau đó đến cửa hàng sau.

Linh kiện PC thì có nhiều giá lắm, thế nên chi phí cho một bộ PC cũng nhiều vô số kể luôn cho nên nếu bạn không ước lượng trước thì người ta cũng sẽ không biết nên lên cấu hình cho bạn như thế nào cả. Ví dụ bạn đang muốn build một bộ PC với giá 20 triệu thì đừng ngần ngại mà túm một bạn nhân viên bán hàng lại và nói cho bạn ấy nghe, thế là bạn ấy sẽ dễ dàng mang lên một lèo các linh kiện cấu thành của một dàn PC trong tầm giá đó. Và việc của bạn lúc này chỉ đơn giản là xem cấu hình đó có hợp lý hay không, nếu chưa thì chỉnh sửa sao cho vừa ý rồi gật đầu, thế là xong.

Luôn có khoản dự trù

Người tính không bằng trời tính, chốt trước là một chuyện nhưng khi phát sinh gì đó thì ai mà biết được chứ? Ví dụ bạn dự trù khoảng 20 triệu đồng để build PC nhưng trong quá trình lên cấu hình thì thường rất dễ sinh ra những chi phí phát sinh, ví dụ như:

  • Bạn đã tính trước mọi linh kiện nhưng lại quên béng đi case, tản nhiệt…
  • Bạn dùng thử một con chuột mới ở showroom, muốn mua nó nhay nhưng lại lỡ cháy túi mất rồi.
  • Bạn tính toán cấu hình chưa đủ tối ưu và nhân viên tư vấn lên lại cấu hình thích hợp cho bạn, chi phí bị đội lên thêm một chút và nó nằm ngoài ngân sách của bạn.
  • Mức chi phí bạn dự định bỏ ra chưa thể thỏa mãn yêu cầu của bạn và bạn cần chi nhiều hơn để làm được điều đó

Mấy vụ phát sinh này thì nhiều lắm, mình mà đi mua đồ công nghệ 10 lần thì hết 6-7 lần là phát sinh chi phí khác. Khi tính toán ở nhà thì chúng ta có thể tính toán rất kĩ, nhưng khi đến cửa hàng thì mọi chuyện sẽ khác rất nhiều. Mình thì mình luôn có cách để xoay sở trong những tình huống đó, nhưng mà trải nghiệm thì chắc chắn nó sẽ không thể vui như mong đợi được, bạn cũng vậy đúng không nè? Thế nên một khoản chi phí dự trù sẽ luôn là cần thiết.

Nhớ năm 16 tuổi mình đi build PC lần đầu với số tiền tự kiếm được, lúc đó mình chưa có kinh nghiệm nên phải đổi nguồn và main, chính vì không có khoản dự trù nên mình đã phải hy sinh bớt 1 thanh RAM để bù cho khoản đó, và trải nghiệm của mình mặc dù vẫn cực kỳ sung sướng nhưng nó không hề được trọn vẹn. Nó cứ thiếu thiếu như thế nào ấy, và sau đó thì mình vẫn phải dành tiền để mua thêm 1 thanh RAM nữa.Cho nên các bạn đừng như mình lúc đó, hãy luôn giữ một khoản kinh phí dự trữ để lỡ thích cái gì thì lấy ngay lập tức, phát sinh chi phí thì bù ngay luôn.

Xác định rõ mình cần gì

Cái này là đương nhiên rồi, chỉ khi bạn biết bạn cần gì thì bạn lựa đồ mới nhanh được. Bạn càng nêu yêu cầu của mình rõ ràng thì mấy bạn nhân viên tư vấn sẽ càng khoái bạn. Hồi trước mình làm dịch vụ cũng vậy, khách hàng nào càng rõ ràng thì mình càng thích.

Việc diễn tả cho nhân viên bán hàng biết được bạn cần một chiếc máy tính như thế nào thật ra không khó, chỉ cần bạn liệt kê ra được bạn muốn làm gì với chiếc máy tính là đủ:

  • Ví dụ như bạn đi mua một chiếc máy tính chuyên cho việc chơi game, hãy kể ra hàng loạt những tựa game mà bạn muốn chơi cho nhân viên bán hàng nghe. Người nhân viên tư vấn sẽ có thể căn cứ vào cấu hình yêu cầu của tựa game nặng nhất mà bạn muốn chơi để đưa ra cấu hình phù hợp.
  • Còn khi bạn mua máy tính để làm việc thì hãy kể cho nhân viên tư vấn nghe những phần mềm mà bạn hay sử dụng, ví dụ như Solidworks, Adobe Premiere, Photoshop… để nhân viên tư vấn có thể hình dung được cấu hình mà bạn cần.
  • Đối với laptop cũng vậy, hãy nói ra những gì mà bạn muốn làm với nó và việc của nhân viên tư vấn là mang những chiếc laptop phù hợp ra cho bạn lựa.

Mỗi khi ra cửa hàng máy tính hãy cứ tự nhiên mà nói với nhân viên bán hàng: “anh, em muốn build PC/ mua laptop, em muốn chơi game ABC, em hay dùng phần mềm XYZ… anh tư vấn cho em nhé!”. Mình đảm bảo với bạn mọi chuyện nó sẽ cực kỳ dễ dàng, không chỉ cho bạn mà còn cả với bạn nhân viên bán hàng nữa.

Chuẩn bị kiến thức trước khi đi mua hàng

Không phải cứ cái gì cũng đắt tiền mới ngon, quan trọng là phải biết cách chọn thứ phù hợp với mình” – Đó là câu nói mà mình đã nói đi nói lại rất nhiều lần với đám bạn của mình, biết càng rõ thì càng đỡ mua lầm đúng không nào?

Kiến thức về sản phẩm lúc nào cũng tốt cả, nếu bạn không có điều kiện trải nghiệm sản phẩm thì cứ xem review nhiều vào, nhớ là từ nhiều nguồn nữa nhé. Nhân viên tư vấn có thể đem đến những sự lựa chọn tối ưu nhưng họ không thể quyết định giúp bạn xem cái nào mới là tốt nhất được. Lúc này thì chỉ có kiến thức của bản thân bạn mới có thể giúp được bạn thôi. Bạn càng biết nhiều về sản phẩm, bạn sẽ càng có những quyết định thông minh hơn, mua được sản phẩm tốt và phù hợp với bản thân mình hơn. Và có như vậy thì bạn mới có thể yên tâm nhất về sản phẩm mà mình đã mua.

À, còn có việc này mà mình muốn kể với mấy bạn nữa. Hồi trước chưa biết gì, khi đi mua máy tính thì mình nói chuyện rất ít, gần như bên tư vấn họ khuyên sao thì mình nghe vậy. Còn bây giờ thì khác rồi, với mớ kiến thức công nghệ mà mình lụm lặt được thì mình đã có thể chém gió với mấy bạn nhân viên tư vấn rồi. Nhiều khi mình mua có cái pad chuột vài trăm ngàn thôi mà nói với anh nhân viên tư vấn đủ thứ chuyện từ silicon lottery cho đến phong cách làm gaming gear, phần cứng của các hãng… biết càng nhiều thì tám chuyện càng vui, con người mà, ai cũng thích được tám chuyện về chuyên môn của mình hết. Nhưng mà nhớ là trong giờ vắng khách thôi nhé, đông khách mà rủ người ta đi tám thì đảm bảo kiểu gì người ta cũng sợ bạn đấy!


Tóm lại

Để mỗi chuyến đi mua hàng công nghệ của bạn đều trở nên tuyệt vời, tiết kiệm chi phí và thời gian thì bạn nên tuân thủ những nguyên tắc nhỏ sau đây:

  • Chốt trước mức chi phí định bỏ ra.
  • Luôn có chi phí dự phòng.
  • Xác định rõ mình muốn làm gì.
  • Tìm hiểu kiến thức trước để tự tin hơn khi đi mua hàng.

Và hãy nhớ là lúc nào cũng giữ một nụ cười trên môi nhé, có như vậy thì bạn mới có những chuyến shopping tuyệt vời. Chúc các bạn có những trải nghiệm đẹp khi đi mua hàng công nghệ!