Thông số kĩ thuật của một con chuột máy tính nghe thì có vẻ phức tạp chứ thật ra rất dễ hiểu. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số khái niệm cơ bản nhé.
Độ phân giải tối đa (DPI – Dot Per Inch)
Số DPI được ghi trên thông số kĩ thuật (specs) của một con chuột là độ phân giải tối đa mà một con chuột có thể đạt tới. Ví dụ một con chuột có mức DPI tối đa là 6000, tức là con trỏ chuột của bạn có thể di chuyển tối đa 6000 điểm ảnh trên màn hình khi bạn di chuyển con chuột đi 1 inch trên bề mặt di chuột.
Chỉ số DPI phụ thuộc vào mắt đọc. Những con chuột cao cấp hiện nay đã có thể đạt đến mức DPI lên đến 18000. Tuy nhiên, chỉ số DPI trên trời này thực chất chỉ để thể hiện trình độ của nhà sản xuất mắt đọc và mang tính chất quảng cáo là chính. Trên thực tế thì người ta thường sẽ chỉ sử dụng đến mức DPI 2000 trên màn hình Full HD mà thôi.
Tốc độ theo dõi (IPS – Inch Per Second)
IPS hay inch trên giây là đơn vị thể hiện tốc độ theo dõi tối đa của chuột. Đây là tốc độ di chuột tối đa mà mắt đọc của chuột có thể theo dõi một cách chính xác. Nếu là một game thủ FPS thì bạn sẽ cần một con chuột có mức IPS 150 trở lên để đảm bảo mọi thao tác của bạn đều không nằm ngoài giới hạn của con chuột.
Tốc độ phản hồi và tần số phản hồi
Tốc độ phản hồi hay (độ trễ, thời gian delay) là thời gian từ khi chuột nhận được thao tác của bạn cho đến khi nó gởi báo cáo lên máy tính. Tần số phản hồi là số lần nó báo cáo cho máy tính trong một giây. Thường thì những dòng chuột cao cấp hiện nay đều đạt tần số phản hồi 1000Hz và tốc độ phản hồi 1ms
Tốc độ phản hồi thì đương nhiên là càng nhanh càng tốt, nhưng tần số phản hồi thì bạn phải xem lại xem phần mềm có hỗ trợ tần số phản hồi tối đa hay không. Ví dụ như game Đột Kích chỉ hỗ trợ tần số phản hồi tối đa 125 Hz, và nếu tần số phản hồi cao hơn thì game sẽ gặp lỗi.
LOD (Liff Of Distance)
Đây là thông số thể hiện khoảng cách nhận bề mặt di chuột. chỉ số này càng cao thì chuột sẽ nhận bề mặt di với khoảng cách càng lớn. Nếu thông số này quá lớn sẽ gây cảm hiện tượng “vướng” dù bạn đã nhấc hẳn chuột lên. Nếu thông số này quá thấp sẽ dễ dẫn đến việc gián đoạn tín hiệu.
Đa số các dòng chuột chơi game hiện nay có LOD khá ngắn nằm trong khoảng từ 1,5mm đến 2,5mm tính từ bề mặt di chuột đến đáy chuột.
Khối lượng chuột
Không phải cứ nặng mới là chuột “xịn”, là được hoàn thiện tốt. Điều đó còn phụ thuộc vào chất liệu và thiết kế của chuột nữa. Chuột nhẹ hơn sẽ cho phép bạn thao tác nhanh hơn, lâu bị mỏi tay hơn. Chuột nặng hơn sẽ giúp bạn thao tác chính xác hơn, đường di chuột sẽ êm hơn nhưng cũng làm cho thao tác của bạn kém nhạy bén và nhanh bị mỏi tay hơn.
Một con chuột có khối lượng lý tưởng cho game FPS sẽ nặng khoảng từ 90 đến 110 gram. Tuy nhiên đó chỉ là quy chuẩn chung, khối lượng chuột như thế nào là phù hợp sẽ tùy thuộc vào thói quen sử dụng chuột của bạn.
Loại Switch chuột
Switch chuột chính là chiếc công tắc nhỏ nằm dưới phím chuột. Chiếc công tắc này là phần tạo ra tín hiệu khi bạn click chuột, đồng thời cũng là phần quan trong nhất tạo ra cảm giác click chuột của bạn.
Phần lớn các mẫu chuột chơi game đến từ các hãng lớn trên thị trường hiện nay đều sử dụng switch chuột do Omron sản xuất. Tuy nhiên vẫn có một số hãng có hướng đi khác, ví dụ như Zowie BenQ, họ sử dụng switch chuột do Huano sản xuất không phải bởi để tiết kiệm chi phí so với switch của Omron mà là vì switch của Huano cho cho lực nhấn cứng hơn và hành trình cũng sâu hơn. Kiểu switch này lại tối ưu hóa cho những con chuột chuyên FPS.
Cùng một hãng những các loại switch cho độ bền khác nhau vẫn sẽ cho cảm giác nhấn khác nhau. Ví dụ như cùng đến từ Omron nhưng loại switch có độ bền 20 triệu lượt nhấn sẽ cho cảm giác nhấn cứng và đanh hơn rõ ràng so với loại cho độ bền 50 triệu lượt nhấn.
Vì thế cho nên không phải cứ chỉ số độ bền theo lượt nhấn càng cao là càng tốt, không phải cứ switch của Omron mới là tốt. Quan trọng hơn là bạn thích cảm giác nhấn của loại switch đó.
Trên đây là những chú thích về những thông số kĩ thuật quan trọng trên một con chuột chơi game. Hy vọng sẽ giúp ích được cho bạn.
GEARVN (Axium Fox)