Nhiệt độ trước nay vẫn luôn là một trong những mối quan tâm lớn nhất của người dùng PC, nó có thể ảnh hưởng đến độ bền và hiệu năng của linh kiện. Trong bài viết sau đây, mời các bạn cùng tìm hiểu về mức nhiệt độ lý tưởng cho các linh kiện trong PC cũng như thế nào là nóng đối với chúng. Hy vọng bài viết sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho các bạn.

Nhiệt độ quan trọng vì nó liên quan đến tuổi thọ linh kiện và PC nóng quá sẽ giảm hiệu năng

Nếu bạn muốn PC của mình đạt hiệu suất tối đa thì bạn sẽ cần quan tâm đến nhiệt độ. CPU và GPU tạo ra nhiệt lượng khi chúng hoạt động và vì thế nên bạn cần có bộ tản nhiệt cho chúng để duy trì nhiệt độ trong tầm kiểm soát. Nếu để CPU, GPU hoặc các linh kiện PC khác quá nóng thì chúng sẽ tự động giảm xung nhịp, giảm hiệu năng để tạo ra ít nhiệt hơn. Trong trường hợp nhiệt độ vẫn quá cao thì chúng có thể sẽ tự tắt hoặc nghiêm trọng hơn là hỏng luôn. Hoạt động với nhiệt độ cao trong thời gian dài cũng không tốt cho các linh kiện PC.

Ngược lại, khi được vận hành ở mức nhiệt độ mát mẻ lý tưởng, CPU, GPU và các linh kiện khác có thể duy trì hiệu năng của chúng ổn định hoặc thậm chí là cho phép tăng hiệu năng. Tất nhiên là tăng hiệu năng đồng nghĩa với việc tỏa nhiệt nhiều hơn và cần tản nhiệt mạnh hơn. Nếu bạn đã muốn ép xung CPU thì tốt nhất là nên chọn một bộ tản nhiệt khỏe cho nó, GPU cũng vậy, bạn sẽ cần chọn một dòng GPU cao cấp có hệ thống tản nhiệt tốt.

Vì tản nhiệt là rất quan trọng trong việc ép xung nên bạn có thể thấy các overclocker (chuyên gia ép xung) thường dùng đến chiêu đổ khí hóa lỏng cực lạnh vào một cái nồi ốp lên CPU. Với cách làm đó, họ có thể giữ cho CPU mát mẻ khi vận hành ở mức xung khủng khiếp và chinh phục những kỷ lục thế giới.

Tuy nhiên đối với người dùng phổ thông chúng ta thì cũng không cần dùng đến khí hóa lỏng làm gì cả. Khi bạn ép xung nhẹ nhàng thì một bộ tản khí mạnh hoặc tản nhiệt nước cho CPU và GPU là đã đủ dùng rồi.

Mức nhiệt độ nguy hiểm và lý tưởng của các linh kiện trong PC

Tùy hãng và tùy linh kiện mà mức nhiệt độ xem là nguy hiểm có thể thay đổi. Ví dụ như CPU Intel có thể chạy ở nhiệt độ dưới 100 độ C. Hàng AMD thì thường thấp hơn một chút, khoảng 90 độ C. Khi đến gần mức nhiệt độ này thì CPU hiện đại sẽ biết tự giảm xung để “bảo toàn tính mạng” cho nó và các linh kiện xung quanh nên bạn cũng không cần lo lắng quá.

Tuy nhiên cũng vì thế mà càng gần mức nhiệt độ tối đa thì hiệu năng của CPU sẽ càng giảm đáng kể. Lý tưởng nhất thì CPU nên dưới 75 độ C. GPU thì có thể nóng hơn chút, ở mức 85 độ C khi tải nặng. Đối với máy tính bàn, nếu bạn không ép xung mà nhiệt độ của máy bạn thường xuyên cao hơn mức đó thì bạn nên xem lại. Còn đối với laptop thì do hệ thống tản nhiệt hạn chế nên ít mẫu nào có thể duy trì được nhiệt độ như thế. Tuy nhiên bạn cũng không cần lưu tâm nhiều vì hãng họ đã tính cả rồi.

Đối với bo mạch chủ thì các thành phần sinh nhiệt chủ yếu là VRM và chipset. Chúng được xem là ổn nếu nhiệt độ ở dưới 80 độC và thường thì bạn sẽ không cần quan tâm đến nhiệt độ bo mạch chủ làm gì cả vì chúng hiếm khi quá nóng. Với ổ cứng thì mức nhiệt độ an toàn thấp hơn, SSD thì khoảng 70 độ C còn HDD thì tốt nhất là dưới 45 độ C.

Để theo dõi nhiệt độ của các phần cứng trong CPU thì bạn có thể sử dụng những phần mềm tổng hợp dữ liệu từ các cảm biến nhiệt trên khắp hệ thống PC như CPUID HWMonitor. Nó sẽ cho bạn biết nhiệt độ của CPU, GPU, SSD, bo mạch chủ… Thường thì mình dùng MSI Afterburner nếu muốn theo dõi nhiệt độ của CPU và GPU vì nó có tính năng show thông tin lên màn hình để tiện theo dõi kể cả khi đang chơi game.

Mình sẽ để cái bảng ở đây luôn cho mấy bạn dễ theo dõi

Khi mở case mà máy mát hơn là do lưu thông khí kém, vẫn nóng là do tản cùi

Khi máy bạn quá nóng thì vấn đề thường nằm ở bộ tản nhiệt hoặc hệ thống lưu thông khí của bạn. Nếu bạn tháo nắp case ra, quay quạt vào mà thấy nhiệt độ ngay lập tức trở về mức lý tưởng thì rõ ràng là việc lưu thông khí trong case của bạn có vấn đề. Lúc đó bạn sẽ cần quét dọn PC để giúp khí lưu thông tốt hơn. Nếu vẫn nóng thì bạn sẽ cần lắp thêm quạt để case có thể nạp khí mát liên tục, giúp các bộ tản nhiệt của CPU và GPU hoạt động hiệu quả hơn, từ đó có thể duy trì nhiệt độ lý tưởng và hiệu năng ổn định cho PC kể cả khi đóng nắp case.

Trong trường hợp bạn đã mở nắp case và chĩa quạt vào rồi mà nó vẫn không mát hơn thì vấn đề là nằm ở bộ tản nhiệt của bạn. Có thể nó quá yếu để làm mát phần cứng hoặc đang gặp trục trặc gì đó. Lúc này thì bạn có thể đưa PC ra tiệm hoặc nếu tự tin vào kiến thức của mình thì bạn có thể tự khắc phục hoặc mua cái tản xịn hơn.

Một vài gợi ý để giúp PC bạn mát mẻ hơn

Có nhiều cách để giúp bạn cải thiện nhiệt độ của phần cứng trong máy. Mình có thể kể đến một vài gợi ý như sau:

  • Vệ sinh những bộ phận liên quan đến nhiệt và khí để giúp hệ thống tản nhiệt vận hành hiệu quả hơn
  • “Vệ sinh phần mềm” cho máy, loại bỏ hết mấy phần mềm không cần thiết hoặc độc hại để giảm mức tải cho máy
  • Undervolt (hạ điện áp) để phần cứng ít sinh nhiệt hơn
  • Thay keo tản nhiệt để giúp nhiệt từ CPu truyền đến bộ tản tốt hơn
  • Lắp máy lạnh trong phòng để không khí mát mẻ hơn, từ đó các bộ tản nhiệt trong máy cũng hoạt động hiệu quả hơn

Nếu cảm thấy mình nói vắn tắt quá thì các bạn có thể tham khảo bài viết “Top 5 thủ thuật giúp PC mát mẻ quanh năm” của mình để tìm hiểu kỹ hơn.

Trên đây là bài viết về mức nhiệt độ lý tưởng cho PC cũng như việc thế nào là nóng đối với chúng. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi và chúc PC của các bạn luôn mát mẻ nhé!

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: HowToGeek


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360