Cuối tuần chém gió cho nó vui anh em ạ, công nghệ gì tầm này?
Hãy thử tưởng tượng một ngày đẹp trời, anh em đang phê cỏ vui. Tự nhiên một con chim bay vụt qua tầm mắt anh em, làm anh em cảm thấy rất ngưỡng mộ nó, nó trông thật tự do. Nó có thể đi đến bất cứ đâu nó muốn mà không bị ngăn trở bởi núi sông, nó đi đây đi đó không cần xe cộ vì xe cộ có khi còn không nhanh bằng nó. Thế là anh em ước rằng mình có một đôi cánh, nếu có một đôi cánh thì mình cũng sẽ bay được như chim… đúng không nhỉ?
Còn lâu nhé, vì mấy ông nặng vờ lờ ra, loài chim chim nặng nhất bay được còn tồn tại cũng chỉ nặng tầm 15kg thôi. Nếu có cánh thật thì mấy ông cũng không có sức mà vỗ như bọn “dân chơi bầu trời” đó đâu. Mấy con chim to đùng như đà điểu thì dù có cánh cũng không bay được. Còn nếu mấy ông thấy mình có cánh và bay được thật thì chắc chắn là do phê cỏ rồi đấy.
Đó là giải thích kiểu chém gió đơn giản cho anh em dễ hiểu thôi, còn chi tiết theo khoa học thì nó khác.
Về cơ bản thì ngoài vụ có cánh ra thì chim cũng có cơ thể được thiết kế cực kỳ tối ưu cho việc bay lượn chứ không phải như con người chúng ta. Vài chục triệu năm tiến hóa không phải là chỉ để cho vui, chim còn phát triển nhiều thứ rất thú vị mà có thể anh em chưa biết đấy. Sau đây mình sẽ kể ra một vài điểm chính để khẳng định rằng dù có mọc lông vũ đi nữa thì con người cũng chẳng thể nào bay được như chim. Hy vọng anh em sẽ có được những thông tin thú vị.
Hệ thống cơ ngực
Anh em thấy mấy con chim muốn bay đều phải đập cánh không? Hành động đó nói cho dễ hiểu là để kéo không khí xuống dưới để tạo lực nâng cơ thể của chúng nó lên, đồng thời chúng cũng kéo không khí về phía sau để tạo sức đẩy về phía trước. Và để làm được điều này thì chúng cần một hệ thống cơ ngực rất mạnh và có kích thước rất lớn so với cơ thể chúng. Anh em mà chặt con gà ra chắc cũng thấy miếng thịt ức gà nó to như thế nào rồi đúng không? Nếu so phần cơ đó với tỉ lệ cơ thể thì Ricardo cũng không có tuổi mà so nhé. Mà đó mới là con gà thôi, gà thì cùng lắm chỉ bay đến nóc nhà là cùng. Còn với những loài chim bay được như chim cút hay chim sẻ thì phần ức sẽ còn to hơn nữa. Mấy bác dân nhậu hay ăn chim cút, chim sẻ, gà nước thì sẽ biết.
Cơ ngực của chim so với cơ ngực của người cũng giống như động cơ của máy bay so với động cơ xe vậy. Cơ ngực của chim không chỉ rất lớn mà còn cực kỳ mạnh mẽ và có khả năng hoạt động cực kỳ dẻo dai. Nếu như cơ ngực của con người mà hít đất 1 ngày được 300 cái đã là ghê lắm rồi thì cơ ngực của một số loài chim có thể giúp chúng leo cao hàng ngàn m trên bầu trời và di chuyển vài trăm km trong mỗi chuyến bay. Tuy tùy loài chim sẽ có tỉ lệ cơ ngực với khối lượng cơ thể khác nhau nhưng dù sao thì chúng cũng có bộ cơ ngực thuộc hàng siêu bá đạo trong thế giới động vật (tất nhiên là trừ mấy con chim chạy có cánh tiêu giảm nhé)
Hệ thống hô hấp
Động cơ đốt trong muốn chạy thì cần có nhiên liệu và oxy để đốt, các bó cơ cũng vậy. Các sợi cơ muốn hoạt động được thì phải có oxy, mà muốn có oxy thì phải qua hệ thống hô hấp. Thế nên hệ thống hô hấp càng mạnh mẽ và hiệu quả thì càng cung cấp được nhiều oxy cho cơ bắp hoạt động. Hệ thống hô hấp kép của chim hoạt động hiệu quả hơn hệ thống hô hấp của động vật lớp thú như con người rất nhiều. Giờ mà giải thích ra với mấy cái sơ đồ lằng ngoằng thì chắc anh em cũng chẳng thèm đọc đâu nên mình sẽ nói đơn giản thôi.
Về cơ bản là thế này. Đối với động vật lớp thú thì phổi chỉ có một đường cho khí vào và ra, hít thở bằng cách co bóp lồng ngực. Chim thì khác, chúng có thêm hệ thống túi khí hỗ trợ hô hấp. Khi bay thì cơ ngực của chim hoạt động rất mạnh nên chúng rất khó hít thở bằng cách co bóp lồng ngực, thế nên chúng sẽ cần hệ thống túi khí này để hỗ trợ hô hấp. Khi chúng nâng cánh lên và đập cánh xuống thì các túi khí sẽ co giãn để ép khí đi qua phổi liên tục, đồng nghĩa với việc đập cánh càng nhanh thì càng có nhiều oxy được bơm vào máu.Hơn nữa phổi của chim cũng có 2 đường khí vào và ra giúp phổi của chúng luôn nhận được khí mới và sạch, giúp tăng hiệu suất hấp thu khí.
Về cơ bản thì hệ thống túi khí của chim nó giống như cái cục supercharge hoặc turbocharge của động cơ piston vậy, động cơ chạy càng mạnh thì càng có nhiều khí vào và công suất lại càng mạnh hơn. Còn 2 đường khí độc lập của phổi chúng thì tương tự như đường van nạp và xả của động cơ piston, khí thải sẽ không lẫn với hòa khí được. Nói chung là hệ thống trao đổi khí của chim hoàn hảo hơn động vật lớp thú như chúng ta rất nhiều, có thể nói hệ thống hô hấp của chúng vô địch trong thế giới động vật luôn, cả về hiệu suất lẫn công suất. Hệ hô hấp của con người hoàn toàn không có tuổi.
Sự trao đổi chất
Chim có tốc độ trao đổi chất rất lớn, nhiều loài chim có thể tiêu thụ khối lượng thức ăn bằng một nửa, thậm chí bằng hoặc hơn cả khối lượng cơ thể chúng mỗi ngày. Thế nên chúng có rất nhiều “nhiên liệu” để “đốt” cho sự vận động với cường độ cực cao, một trong số đó là việc bay lượn. Một khối động cơ càng mạnh mẽ thì càng cần lượng oxy và nhiên liệu lớn hơn. Vấn đề oxy thì chim sẽ giải quyết bằng hệ thống hô hấp siêu khủng của chúng, còn vấn đề “nhiên liệu” thì chúng sẽ nạp vào cơ thể bằng tốc độ trao đổi chất ấn tượng. Tim của một con chim có thể đập nhanh như tốc độ sấy của SMG (súng tiểu liên), “quái thai” như chim ruồi thì có thể lên đến 1200 nhịp trên phút. Còn tim của vận động viên chuyên nghiệp thì cũng chỉ đến hơn 200 nhịp/ phút là cùng.
Cái này thì cơ thể con người chắc chắn không đáp ứng được rồi. Chúng ta được “thiết kế” để sử dụng năng lượng hiệu quả cho việc tạo ra giá trị lao động cũng như là tập trung năng lượng phục vụ não bộ chứ không phải để tiêu hao thức ăn với tốc độ bàn thờ như cái bọn “dân chơi bầu trời” kia.
Cấu tạo xương và cánh tay
Xương của chim giống như khung máy bay vậy, chúng được thiết kế để chịu lực lớn nhất với khối lượng nhỏ nhất. Xương chim thường rỗng bên trong và có mật độ cao bên ngoài giúp chúng có khối lượng cơ thể lý tưởng nhưng xương vẫn có thể chịu được tác động lớn.
Tổng khối lượng cơ thể
Hiện nay loài chim nặng nhất có thể bay là mấy con kền kền khoang cổ, chúng cũng chỉ nặng tầm 15kg khi trưởng thành mà thôi. Đương nhiên là trong quá khứ vẫn có một số loài biết bay to lớn hơn như thế nhiều nhưng chúng đều phải cần một cơ chế đặc biệt để tung mình vào không trung. Ví dụ như dực long Quetzalcoatlus, bọn này nặng từ 200 đến 250kg, cao 5,5m, tương đương một con hươu cao cổ và sải cánh 11m, to như một chiếc máy bay cỡ nhỏ.
Các nhà khoa học ước đoán rằng chúng sẽ sử dụng chính cơ ngực của mình như một cái động cơ máy phóng và xương cánh làm cái xà để tung mình lên không với vận tốc khoảng 40-50 km/s để có đà rồi mới bay được, hoặc chúng sẽ nhảy từ một mỏm đá, quả đồi cao nào đó chứ nếu không thì chỉ riêng việc nhấc người lên khỏi mặt đất cũng đã là rất khó khăn rồi.
Chim càng lớn thì càng khó bay. Chim sẻ có thể nhấc mình lên không chỉ với vài cái đập cánh, còn cỡ lớn như mấy con thiên nga trắng (tầm chục ký) thì phải vỗ cánh phành phạch rồi chạy lấy đà trên mặt hồ như mấy chiếc thủy phi cơ thì mới cất cánh được. Quay lại với con người, một người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh nặng tầm 70kg thì cho dù là có cấu tạo cơ thể như chim cũng sẽ gặp vấn đề rất lớn với khối lượng cơ thể mình.