Không biết được mình cần một dàn PC như thế nào để chơi được tựa game mình thích luôn là vấn đề chung của rất nhiều anh em game thủ mới tập tành build PC. Mình cũng từng trong giai đoạn đó rồi nên mình rất hiểu, thế nên hôm nay chúng ta sẽ có một bài viết về cách để anh em ước lượng chính xác sức mạnh của dàn PC gaming mà mình cần. Để rồi từ đó có thể đưa ra câu trả lời phù hợp nhất với nhu cầu và hầu bao của mình.

Mình nói trước luôn rằng đây là một bài viết cơ bản và dành cho mấy bạn mới bắt đầu tập tành build PC nên sẽ không có kiến thức gì quá hay ho và thú vị đâu, dân công nghệ lâu năm đều sẽ biết. Tuy nhiên đây là mớ mẹo vặt mà mình ước rằng mình được biết khi mình build PC lần đầu tiên để khỏi phải lăn tăn đi hỏi ngu tùm lum rồi bị chửi um xùm.

Cách đơn giản nhất: Xem cấu hình đề xuất của game mình muốn chơi

Cái này thì ai cũng biết cả, lên Google gõ tên game muốn chơi kèm theo chữ System Requirements thì kiểu gì nó cũng ra cả đống kế quả. Tuy nhiên cách này hạn chế ở chỗ nó sẽ không cho bạn biết là những cấu hình đó sẽ chơi được game ở mức FPS như thế nào, chất lượng hình ảnh ra sao…

Hơn nữa nó còn thường để các phần cứng ngay lúc game ra mắt. Anh em nào mới bắt đầu tập thành build PC nhìn vào là mù màu luôn. Thế nên chúng ta mới cần bài viết này để giúp anh em đỡ mất thời gian hơn, đỡ vung tiền quá lố hơn khi xác định cấu hình PC Gaming thích hợp cho mình.


Cách chính xác hơn: Xác định từng phần

Linh hồn của một chiếc PC gaming là card đồ họa của nó, đây chính là linh kiện quyết định chủ yếu đến việc bạn chơi game này game nọ được bao nhiêu FPS. Card càng đắt tiền, càng mạnh thì bạn sẽ cho bạn số FPS càng cao. Đối với một dàn PC để chơi game thì cách đầu tư tiết kiệm nhất là bạn tìm một con card đủ đáp ứng nhu cầu của mình rồi tìm thêm một con CPU vừa đủ mạnh để chạy với con card đó. Và mọi thứ khác trong dàn PC chỉ để giúp card và CPU vận hành một cách tốt nhất mà thôi. Đó là lý do mà mình nói đến việc xác định card đồ họa đầu tiên.

Vì sao mình lại đi theo hướng đầu tư tiết kiệm? Đó là vì mình biết chắc đa số mấy bạn xem bài này chẳng có dư dả gì để mua không cần nghĩ đâu, và đối với mấy ông có thể mua PC không cần nghĩ như vậy thì đa phần không xem bài này.

Đầu tiên – Hãy xác định dòng card đồ họa mình cần

Để xác định mình cần card đồ họa nào thì anh em phải xác định mình chơi game gì đã. Ví dụ anh em chỉ muốn chơi Liên Minh max setting thì thậm chí không cần card đồ họa rời luôn, iGPU của Intel đã chơi được tạm ổn 60FPS rồi. Nhưng đối với anh em nào muốn hướng đến game đồ họa nặng thì sẽ cần cẩn thận hơn. Hãy viết ra danh sách những tựa game mà anh em muốn chơi rồi chỉ ra tựa game nào có đồ họa nặng nhất. Một khi đã xác định được rồi thì anh em có thể xác định dòng card đồ họa mình cần theo 2 cách sau đây.

Cách 1: Tra từng mã card đồ họa kèm theo tên tựa game mình cần trên Youtube

Cứ tra mấy cái clip test game trên Youtube theo tên game mà anh em muốn chơi, kèm theo từng mã card theo công thức [Tên game + Mã card]. Cứ tra như vậy đến khi nào anh em tìm được dòng card vừa ý thì thôi

Ví dụ mình chơi CS:GO, muốn chơi được tựa game này ở mức thiết lập cao nhất với số FPS trung bình là 144FPS thì mình sẽ gõ vào thanh tìm kiếm trên Youtube chữ CS:GO, rồi ghép với từng mã card mà tìm. Mình cứ tra các mã card theo gia tiền giảm dần như thế, đến khi tra đến mã card GTX 1650 là dừng lại. Đây là mã card rẻ nhất của Nvidia (đang còn bán mới ở thời điểm hiện tại) có thể đáp ứng được nhu cầu của mình, cân khỏe CS:GO ở mức thiết lập cao nhất với mức FPS trung bình trên 144. Vậy đây sẽ là dòng card mà mình mua.

Nếu anh em không thuộc mã card thì cứ lên web bán hàng của mấy đại lý bán linh kiện PC rồi tra nhé.

Cách 2 – Lấy hệ quy chiếu là dòng card mà anh em đang sử dụng rồi tìm dòng card mình cần

Ví dụ mình đang có một con card GT 1030 yếu xìu, chơi CS:GO với mức thiết lập cao nhất thì được trung bình 75 FPS. Để có thể chơi được mức FPS trung bình 144Hz thì mình sẽ cần một dòng card mạnh ít nhất là gấp đôi. Mình sẽ tra hiệu suất của nó trên techpowerup bằng cách gõ [Mã card đang dùng + techpowerup]. Techpowerup tuy không phải là nguồn chính thống nhưng cái bảng thông số card đồ họa của họ thì cực kỳ uy tín và đáng tin cậy, muốn tìm ở nguồn khác thì tùy anh em nhưng đây là nguồn mà mình tin tưởng nhất.

Click vào đó và chúng ta sẽ có được khá nhiều thông tin về dòng card đồ họa mình đang dùng, kể cả mức hiệu năng của nó so với các dòng card khác.

Như đã nói bên trên thì mình sẽ tìm các dòng card đồ họa có sức mạnh lớn hơn GT 1030 từ 200% trở lên. Cách này khá hữu dụng với mấy anh em thích mua đồ cũ vì cái bảng thống kê của techpowerup sẽ liệt kê gần như đầy đủ các dòng card tự cổ chí kim luôn. Tuy nhiên đối với người mới thì sẽ khá khó khăn nên mình không khuyến khích nhé.

Tiếp theo – Chọn CPU (vừa đủ gánh card)

Như đã nói từ trước thì con CPU chỉ cần đủ mạnh để kéo card mà thôi, không cần quá mạnh vì nếu bạn chỉ chơi game thì mức hiệu năng CPU dư ra sẽ trở nên thừa thãi.Chọn CPU thì có 3 cách

Cách 1: Tra bảng

Bảng đây, tra đi anh em, có cả bảng AMD và bảng Intel nhé.

Bảng Intel
Bảng AMD

Cách 2: Dùng Bottleneck Calculator

Anh em có thể dùng Bottleneck Calculator để tính xem dòng CPU nào phù hợp với card mình đang dùng. Lên Google gõ “Bottleneck Calculator” là ra.

Tiếp theo chúng ta sẽ chọn CPU và GPU. GPU chính là card đồ họa đấy. Tiếp tục với ví dụ bên trên, card đồ họa mà mình đã xác định là GTX 1650. Vậy là mình sẽ chọn card đồ họa GTX 1650 rồi chọn lần lượt các CPU cho đến khi nào chúng có tương quan sức mạnh thích hợp. Như hình dưới đây là đẹp rồi này.

Nếu anh em không thuộc mã CPU thì có thể tham khảo trong mấy trang bán hàng của các đại lý luôn nhé. Tuy nhiên anh em cũng cần nhớ đây chỉ là con số mang tính chất tham khảo là chủ yếu. Nếu phối CPU và GPU như thế này thì anh em chắc chắn sẽ không bị nghẽn cổ chai. Nhưng đôi khi chúng ta cũng có thể chọn CPU yếu hơn để có mức giá tốt hơn nhưng vẫn đủ để kéo card chạy hết công suất.

Cách 3: Hỏi mấy ông nhân viên tư vấn

Anh em đi build PC thì dù sao cũng phải ra cửa hàng mà. Anh em định mua PC ở đâu thì cứ ra đó mà hỏi mấy ông tư vấn bán hàng để mấy ổng tư vấn cho. Kiểu như em muốn một cấu hình rẻ nhất có con card này, anh build cho em đi. Thế là xong.

Cuối cùng – Xác định ổ cứng và RAM rồi chốt cấu hình

Cái này thì anh em cứ việc tham khảo cái System Requirements, nó kêu gì thì mình làm cái đó. Chỉ cần đủ RAM và ổ cứng thì mức FPS sẽ không bị ảnh hưởng. Nếu anh em dùng HDD mà load vào game quá chậm, gây khó chịu thì có thể suy nghĩ đến việc nâng cấp lên SSD SATA hoặc SSD NVMe luôn nhé.

Những thứ khác như main, nguồn… thì cũng không có gì nhiều để nói. Nếu anh em có chút kinh nghiệm thì cứ tự build mà chơi. Còn nếu không biết gì thì cứ ra tiệm cho chắc. CPU và GPU là 2 thứ đắt nhất của một dàn máy rồi (đối với PC gaming bình dân nhé, mấy thứ luxury nó khác).


Anh em có thể tham khảo các dàn máy gaming ráp sẵn của các đại lý

Để cho ra được một cấu hình PC, bất kể là chơi game hay làm việc thì mấy ông kỹ thuật viên bên các đại lý lớn sẽ phải test rất kỹ để chắc chắn rằng chúng hoạt động tốt với nhau. Thế nên anh em cứ yên tâm mà tham khảo, khi xác định được dòng card đồ họa mà mình cần rồi thì anh em cứ tìm đúng những cấu hình nào có card đó mà soi. Thấy thích thì mua luôn cho nó gọn. Hơn nữa khi mua nguyên dàn thì các đại lý thường sẽ có gói khuyến mãi, giảm giá các kiểu, anh em mua sẽ lợi hơn mua lẻ.


Anh em cũng cần lưu ý bài viết trên chỉ hướng dẫn anh em build được dàn máy phù hợp với mình tại thời điểm hiện tại mà thôi. Đê có được một dàn PC phục vụ lâu dài, chơi được những game ra mắt về sau thì anh em sẽ cần build PC vượt quá nhu cầu hiện tại của mình. Bài viết đến đây là hết, hy vọng hữu ích với anh em.

*Quảng cáo nhẹ:

Nếu anh em muốn đỡ phải lăn tăn suy nghĩ thì có thể tham khảo các dàn PC gaming được build sẵn tại GearVN nhé. Vừa tiết kiệm lại nhanh, gọn, lẹ.

Tham khảo tại đây