Hướng dẫn xem lịch sử update của Windows 10 để tìm driver bị lỗi sau khi cập nhật.
Tính năng tự động cập nhật của Window 10 cũng rất tiện, bởi vì nếu bạn không phải là người quá khắt khe thì tính năng này sẽ giúp máy tính tự động update hết tất cả các bản cập nhật của Windows mà không cần bạn phải đụng tay, đụng chân vào. Tuy nhiên, cập nhật Windows không phải lúc nào cũng tốt do các driver mới khi được cài vào máy không phải lúc nào cũng hoàn hảo, mà chúng có thể chứa các lỗi glitch khiến cho máy tính của bạn hoạt động không ổn định, hoặc thậm chí là crash máy, vân vân.
Vậy driver là gì?
Mỗi một chiếc PC đều có 2 thành phần là phần cứng và phần mềm. Phần cứng là các linh kiện máy tính mà các bạn có thể cầm được trên tay ví dụ như CPU, card đồ họa, RAM, bo mạch chủ, vân vân. Còn phần mềm là các chương trình có chức năng giúp cho phần cứng có thể hoàn thành được công việc của nó, ví dụ như hệ điều hành Windows, Google Chrome, vân vân.
Tuy nhiên, phần cứng và phần mềm không thể nào giao tiếp với nhau được do chúng nói ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ vui để dễ hiểu thì phần cứng nói tiếng Anh, còn phần mềm thì nói tiếng Việt nên cả 2 không thể hiểu nhau nói gì. Cái mà phần cứng và phần mềm cần đó chính là 1 thông dịch viên, và đó không ai khác chính là driver. Driver sẽ có chức năng thông dịch để phần cứng và phần mềm có thể hiểu được nhau và giúp nhau hoàn thành được công việc được giao.
Vậy một driver bị lỗi có thể gây ra hậu quả gì?
Một driver bị “trục trặc kỹ thuật” có thể gây ra rất nhiều lỗi, tuy nhiên các trường hợp thường xuyên gặp nhất mà một driver bị lỗi gây ra có thể kể đến như:
- Gây sập hoặc đơ ứng dụng
- Gây ra các lỗi về hệ thống và hiệu năng
- Gây xung đột phần mềm và ảnh hưởng đến tính tương thích
- Gây ra các lỗ hổng bảo mật
- Phần cứng không hoạt động
- Không thể sử dụng được các tính năng mới mà bản cập nhật cung cấp
Hướng dẫn kiểm tra lịch sử các bản cập nhật driver của Windows update
Nếu như bạn đang gặp một trong các vấn đề trên thì có khả năng là một trong những driver mà máy tính cập nhật gần đây chính là nguyên nhân đã gây ra vấn đề này. Bạn có thể áp dụng các bước sau đây để xem lại lịch sử cập nhật của Windows update, từ đó kiểm tra xem đâu là driver bị lỗi nhé.
Bước 1: Bấm Windows + I để mở Settings, sau đó chọn Update & Security.
Bước 2: Tại mục Windows Update, bạn kéo xuống tìm và chọn mục View update history.
Bước 3: Bạn kéo xuống dưới tìm và chọn vào dòng Driver Updates.
Bước 4: Tại đây, bạn sẽ thấy một danh sách các driver đã được tải và cài đặt vào máy bạn trong khoảng thời gian gần đây, kể cả tên và số phiên bản của driver đó.
Bước 5: Để biết thêm thông tin về các driver này, các bạn copy tên và số phiên bản của các driver mới cập nhật gần đây nhất rồi paste lên Google để kiểm tra thông tin xem driver này có đang gặp vấn đề gì hay không.
Thông thường, nếu một driver bị lỗi thì bạn sẽ kiếm được các thông tin, bài báo và tin tức cho thấy rằng driver đó bị lỗi khi bạn dò tên của nó lên Google. Nếu bạn tìm thấy driver bị lỗi thì bạn có thể lựa chọn gỡ cài đặt bản cập nhật Windows 10 mới nhất bằng cách chọn vào Uninstall updates ngay trong ứng dụng của Settings của bước 3 bên trên.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Hướng dẫn sửa lỗi màn hình xanh DPC Watchdog Violation cực kỳ khó chịu trên Windows 10
- Hướng dẫn sửa lỗi 100% CPU trên Windows 10
Link tải hình nền TẠI ĐÂY!
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!