Trong thời điểm dịch COVID-19 lây lan hiện nay, có rất nhiều người ở nhà tránh dịch nên số lượng người dùng Internet để làm việc, học tập, giải trí gia tăng nhanh chóng và tạo áp lực chưa từng có lên hạ tầng Internet. Ngay cả các dịch vụ giải trí như Netflix và Youtube cũng đã thông báo giảm chất lượng video tại châu Âu đề phòng bị quá tải. Vậy câu hỏi đặt ra là với số lượng người dùng Internet lớn như vậy thì có làm Internet sập ngay lập tức không?

Theo các chuyên gia và các công ty về công nghệ và Internet hàng đầu thế giới thì khả năng toàn bộ Internet sập hoàn toàn là cực thấp. Chỉ có đứt cáp hoặc bị hacker tấn công thì Internet mới chậm đi thôi chứ lượng người dùng như hiện nay không đủ sức làm sập toàn bộ Internet được các bạn ạ.

Những thông tin này được rất nhiều bên xác nhận. Chẳng hạn như Paul Levinson, giáo sư ngành giao tiếp và truyền thông (communications and media) tại Đại học Fordham cho biết: “Mọi thứ trên đời, kể cả Internet đều có thể bị quá tải. Tuy nhiên, hệ thống Internet có một lượng dự trữ và sao lưu rất lớn. Dù một vài trang web, ứng dụng ngừng hoạt động thì cũng không thể kéo toàn bộ Internet sập theo được. Bên cạnh đó, số lượng người làm việc trên Internet trước khi có dịch cũng rất đông nên trong khoản thời gian tự cách ly, làm việc tại nhà này cũng không tạo ra nhiều khác biệt.”

Còn giám đốc công nghệ của Ookla (công ty tạo ra trang Speedtest.net) Luke Deryckx nói rằng hạ tầng Internet vẫn dư sức đáp ứng cho tất cả mọi người sử dụng. Nếu tốc độ mạng của các bạn bị chậm thì có thể là do tất cả thành viên trong gia đình đều đang ở nhà và cùng nhau sử dụng một mạng Wifi khiến băng thông của mỗi máy tính bị bóp lại. Theo ghi nhận của Ookla thì chỉ một số nơi bị COVID-19 ảnh hưởng nặng như các thành phố lớn của Mỹ là New York, California cùng với Italy và Trung Quốc mới bị giảm tốc độ Internet. Tuy nhiên, tốc độ Internet tại Trung Quốc thì cũng đang dần phục hồi rồi các bạn ạ.

Bên cạnh đó, hãng cung cấp hạ tầng Internet nổi tiếng của Mỹ, Cloudflare cũng khẳng định rằng Internet không thể sập được. Dù số lượng người dùng internet có tăng nhưng lưu lượng truy cập Internet vẫn ít hơn nhiều so với những lúc có các sự kiện thể thao, âm nhạc lớn trên thế giới như Thế vận hội, World Cup, … rất nhiều. Thậm chí, công ty này từng phải đối phó với các cuộc tấn công DDoS tạo lưu lượng truy cập cực lớn nên lượng người dùng như bây giờ cũng không có gì đáng quan ngại.

Như vậy, theo các nhà cung cấp hạ tầng Internet, họ vẫn dư sức đối phó với lượng truy cập như hiện tại các bạn ạ. Còn các dịch vụ giải trí, làm việc trực tuyến như Youtube, Netflix, Zoom,… do không có đủ máy chủ nên mới xảy ra tình trạng giật lag, hoặc giảm chất lượng video, không phải do Internet sập đâu.

Cũng theo lời giáo sư Paul Levinson, cách chống quá tải hiệu quả nhất không phải là hạn chế sử dụng Internet mà là nâng cấp hệ thống Internet lên. Nếu tính hình dịch bệnh kéo dài thì Internet sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày nên dù sớm hay muộn cũng phải nâng cấp hạ tầng Internet thôi.

Nguồn: How Stuff Work