Vừa rồi thì có vài thành thành viên trên Reddit phản ánh rằng Western Digital đã âm thầm “bóp” hiệu năng HDD WD Red NAS, cụ thể là đổi sang sử dụng công nghệ SMR với hiệu năng thấp hơn so với công nghệ truyền thống mà không hề thông báo cho người dùng biết. Mới đây, tiếp tục có thêm 2 hãng Seagate và Toshiba cũng xác nhận là họ đã chuyển sang công nghệ SMR mà không tiết lộ cho người dùng biết. Thậm chí, 2 hãng này còn dùng SMR cho ổ cứng dành cho desktop PC là đằng khác.
Ổ cứng SMR sẽ có tốc độ ghi ngẫu nhiên chậm hơn đáng kể so với công nghệ CMR truyền thống, và đây là một con số rất quan trọng với người dùng desktop PC vì họ thường ghi chép ngẫu nhiên nhiều tập tin. Những ổ cứng SMR thường được dùng trong các tình huống chỉ cần ghi 1 lần nhưng đọc nhiều lần (write-once-read-many – WORM), chẳng hạn như nó sẽ phù hợp để lưu trữ dữ liệu lâu dài (archive) hơn là để cài Windows, cài phần mềm như người dùng PC phổ thông hay làm.
Lợi thế của ổ cứng SMR là chi phí sản xuất thấp và có dung lượng cao hơn so với ổ cứng CMR trong cùng một diện tích (footprint), từ đó người dùng sẽ mua được ổ cứng với giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, các hãng sản xuất HDD cần phải nói rõ cho người mua biết rằng ổ cứng đó sử dụng công nghệ SMR với hiệu năng bị giảm đi rõ rệt. Tiếc thay, các hãng này giờ đây đã thực hiện chiến thuật “trộn” những ổ SMR với ổ CMR trong cùng một dòng sản phẩm mà không hề báo cho người dùng biết cái nào là cái nào.
Chẳng hạn như WD Red 2TB-6TB thì sử dụng drive-managed SMR, còn 8TB-14TB thì vẫn sử dụng CMR; Toshiba thì dùng SMR cho ổ cứng desktop dòng P300; Seagate thì dùng SMR cho 4 mẫu, trong đó có mẫu Desktop HDD 5TB. Tuy nhiên, Seagate, cùng với những hãng khác, có đánh dấu một vài loại HDD lưu trữ là có sử dụng công nghệ SMR cho người dùng biết, còn những loại HDD phổ thông (mainstream) thì không ghi gì cả.
Vì SSD ngày càng trở nên phổ biến, các hãng HDD đành phải nghĩ ra “chiến thuật” làm sao để vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa tăng dung lượng HDD nhiều nhất có thể, cho dù có phải hi sinh hiệu năng đi chăng nữa.
Nguồn: tom’s HARDWARE