Mỗi tựa game đều cho phép điều chỉnh mức thiết lập từ thấp nhất đến cao nhất trên chỉ với một thanh thiết lập tổng. Mức thiết lập càng thấp, khối lượng của công việc để tạo nên mỗi khung hình càng nhỏ, số khung hình trên giây (FPS) càng cao. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tiện dụng mà thôi. Để có được mức FPS tối ưu nhưng vẫn giữ được hình ảnh đẹp mắt trong game, bạn sẽ phải nắm rõ được tác dụng và mức chiếm dụng tài nguyên của từng từng mục thiết lập.
Nếu bạn để ý kĩ một chút thì sẽ thấy hầu hết các tựa game đều sẽ có những mục thiết lập tương tự và bạn sẽ có thể dùng những mẹo trong bài viết này để áp dụng cho hầu hết những tựa game đó, giúp tăng FPS hiệu quả nhưng vẫn giữ được hình ảnh đẹp mắt, dễ nhìn.
Dưới đây là những mục thiết lập, những tác vụ có mức chiếm dụng tài nguyên cao nhất trong game, và cân nhắc giảm chúng đi sẽ giúp bạn tăng lượng FPS đáng kể.
Độ phân giải (resolution)
Đây là khái niệm căn bản nhất trong bài viết này. Độ phân giải chính là số lượng điểm ảnh được hiển thị trên mỗi khung hình. Độ phân giải càng lớn thì sẽ có càng nhiều điểm ảnh cần được xử lý, từ đó tốn tài nguyên hơn. Độ phân giải càng nhỏ thì khối lượng công việc cần được xử lý càng ít FPS càng cao.
Ví dụ một chiếc màn hình có độ phân giải 4k (3840 x 2160) pixels sẽ số điểm ảnh cần được xử lý cao gấp 4 lần một chiếc màn hình Full HD (1920 x 1080).
Tóm lại bạn chỉ cần nhớ như thế này: Độ phân giải càng lớn thì khung hình càng chi tiết nhưng FPS sẽ càng thấp. Độ phân giải càng nhỏ thì hình ảnh sẽ càng mờ và ít chi tiết nhưng FPS sẽ càng cao.
Bạn hãy nhắc kĩ để cân bằng hợp lý giữa độ phân giải và FPS nhé.
Khử răng cưa (Anti Aliasing)
Không như ngoài thực tế, mỗi khung hình trong game đều được hiển thị bởi những điểm ảnh. Vì thế nên việc hiện lên một “ranh giới lởm chởm” giữa những điểm tiếp xúc của các mảng màu khác nhau trong cùng một khung hình (hiện tương răng cưa) là điều không thể tránh khỏi. Và nhiệm vụ của tác vụ khử răng cưa chính là loại bỏ, là làm mờ đi những “lằn ranh” khó chịu đó. Khử răng cưa có nhiều loại, và mỗi loại đều có những mức chiếm dụng tài nguyên khác nhau dựa trên cách thức hoạt động của chúng.
Các công nghệ khử răng cưa:
SSAA – Supersampling Anti Aliasing (còn gọi là FSAA – Full Screen Anti Aliasing): SSAA hoạt động bằng cách render ra một hình ảnh có độ phân giải rất lớn, sau đó ép nó hiển thị trên một độ phân giải nhỏ hơn, từ đó làm mờ những đường răng cưa và hình ảnh sẽ trở nên mượt mắt hơn. Đây là kĩ thuật khử răng cưa cơ bản nhất, cho hình ảnh đẹp nhất nhưng cũng ngốn tài nguyên nhất.
Ngoài ra vẫn còn các công nghệ khử răng cưa các ít tốn tài nguyên hơn như MSAA – Multisampling Anti Aliasing, CSAA – Coverage Sampling Anti Aliasing, FXAA – Fast Approximate Anti-Aliasing… Tuy nhiên, người viết sẽ không tiện mang ra khai thác trong bài viết này. Thường thì các tựa game sẽ cho phép tùy chỉnh công nghệ khử răng cưa. Để tối ưu hóa FPS thì bạn chỉ cần thử bật từng công nghệ khác nhau xem đâu mới là cái bạn cần, đâu mới là công nghệ cho FPS cao nhất và đem lại sự hài lòng cho bạn.
Nếu bạn cần FPS càng cao càng tốt thì có thể tắt luôn khử răng cưa đi. Hình ảnh có thể sẽ xấu đi nhưng FPS sẽ cao lên trông thấy đấy.
Đổ bóng (Shadow)
Hiệu ứng đổ bóng sẽ tạo nên sự khác biệt về độ sáng tối giữa các mảng của những vật thể trong game. Hiệu ứng đổ bóng sẽ làm cho một khung hình trở nên chân thực hơn rất nhiều nhưng bù lại, tác vụ này thường khá ngốn tài nguyên.
Cũng như khử răng cưa, tác vụ này cũng có nhiều công nghệ xử lý, mỗi công nghệ đổ bóng sẽ có mức hiệu quả và thâm dụng tài nguyên khác nhau. Thế nhưng lại có khá ít game hỗ trợ nhiều công nghệ đổ bóng khác nhau nên chúng ta sẽ hạn chế bàn đến vấn đề các công nghệ đổ bóng.
Để có được mức FPS tối ưu trong game thì bạn chỉ cần nhớ rằng đổ bóng là một tác vụ rất tốn tài nguyên. Vì thế việc cân nhắc giảm chất lượng hoặc tắt hẳn hiệu ứng đổ bóng là điều cần thiết.
Chất lượng hình ảnh bề mặt (texture quality)
Chất lượng hình ảnh bề mặt có thể hiểu là mật độ điểm ảnh, là độ nét của hình ảnh trên các bề mặt trong game. Giá trị này càng cao thì hình ảnh bề mặt càng rõ nét, càng chiếm dụng tài nguyên và FPS càng thấp. Ngược lại, giá trị này càng thấp thì các bề mặt trong game sẽ càng mờ và FPS càng cao.
Chi tiết bề mặt tăng cường (Tessellation)
Tác vụ này sẽ dựng những khối nhỏ trên bề mặt như sỏi đá trên mặt đất, các lỗ khuyết nhỏ trên tường… làm cho cảnh vật trở nên chân thực và giàu chi tiết hơn nhưng đồng thời cũng tăng mức công việc phải xử lý cho cả CPU lẫn VGA. Giá trị của phần này càng lớn thì càng tốn tài nguyên.
Thảm thực vật (vegetation)
Cây cỏ trên mặt đất sẽ làm cho cảnh vật trong game thật hơn và đẹp hơn rất nhiều. Tuy nhiên đây cũng là mục thiết lập cực kì hao tài nguyên. Nhất là đối với địa hình phức tạp. Tăng giảm giá trị của mục này cũng sẽ ảnh hưởng khá lớn đến khối lượng công việc mà GPU phải xử lý. Từ đó ảnh hưởng đến FPS của bạn rất đáng kể.
Hiệu ứng đa lớp (Multi Layer Effect)
Hiệu ứng nhiều lớp (nhiều layer), tức là dùng nhiều nhiều lớp hình ảnh để biểu diễn một hiệu ứng. Ví dụ như sương mù, nổ, lửa, khói… thường cần khá nhiều layer chống lên nhau để kết xuất một hiệu ứng. Cho nên không có gì lạ khi hiệu ứng này cũng khá tốn tài nguyên, nhất là trong những tựa game nhiều hiệu ứng khói lửa.
Hiệu ứng mặt nước (Water Effect)
Hiệu ứng mặt nước là một trong những hiệu ứng phức tạp nhất trong game. Khi một vật thể tương tác với mặt nước sẽ tạo ra khá nhiều thứ để xử lý từ ánh sáng phản chiếu, sóng nước, hiệu ứng tóe nước… cho nên đây cũng là một trong những hiệu ứng tốn tài nguyên nhất.
Dò tia (Ray-Tracing)
Trong tác vụ Ray-Tracing, ánh sáng sẽ được mô phỏng theo đúng cách thức nó hoạt động trong thực tế như cách thức phản xạ qua các mặt bóng, đổ bóng, hắt sáng, chiếu sáng tổng thể… Tóm lại là mọi hiệu ứng liên quan đến ánh sáng đều có thể được xử lý thông qua tác vụ Ray-Tracing. Sẽ không ngoa một chút nào nếu nói Ray-Tracing chính là tương lai của VGA và công nghệ hình ảnh.
Vì tính chất đặc thù cho nên tác vụ Ray-Tracing sẽ cần đến phần cứng chuyên dụng là các nhân RT để xử lý mượt mà. Và thậm chí cho dù đối với các VGA RTX đươc trang bị nhân RT thì tác vụ Ray-Tracing cũng gây tuột FPS một cách “kinh dị”. Vậy nên bạn chỉ nên bật Ray-Tracing khi mức FPS vẫn còn trong khoảng chấp nhận được.
Trên thực tế, vì những chiếc VGA RTX dù thấp nhất là 2060 cũng đã được trang bị GPU rất mạnh cho nên việc hụt FPS trên độ phân giải phổ thông như Full HD là gần như không thể, trừ khi bạn bắt chiếc VGA làm việc quá giới hạn mà nó được thiết kế. Ví dụ bạn dùng RTX 2060 để chơi BF5 max setting và bật Ray-Tracing trên độ phân giải 4K.
Kết
Trên đây là một số hiệu ứng và tác vụ khá tốn tài nguyên trong game. Việc cân nhắc và điều chỉnh chúng có thể tối ưu được số FPS, cải thiện đáng kể hiệu suất chơi game của bạn. Tuy nhiên vì mỗi game đều có cách xây dựng đồ họa khác nhau cho nên chính bạn sẽ vẫn phải mày mò thêm một chút để đạt hiệu quả tối ưu nhất đối với game bạn đang chơi và hiệu năng máy tính của bạn. Hy vọng sẽ giúp được các bạn có số FPS cao hơn khi chơi game.
GEARVN (Axium Fox)