Sản phẩm của Razer luôn có chỗ đứng vững vàng trong lòng giới game thủ, không phải chỉ bởi thương hiệu mà còn là vì những giá trị mà chúng mang lại. Razer không phải tự nhiên mà có. Để có được vị thế ngày hôm nay là cả một quá trình dài mà Razer đã dùng để viết tên mình lên nền công nghiệp thiết bị gaming mà chúng ta vẫn thấy ngày nay.
Chuột Razer tuy nhiều nhưng họ lại có hệ thống đặt tên khá hay. Những con chuột có form giống nhau sẽ nằm chung một dòng, sau đó họ sẽ chỉ thêm một số hậu tố như V2, Essential, Elite, Ultimate… để phân biệt các dòng với những đặc tính nhau mà thôi. Thế nên mình sẽ kiệt kê ra từng dòng cho anh em tiện theo dõi và so sánh.
*Anh em có thể click vào đường link mình chèn trên các đầu mục để tham khảo thêm về sản phẩm nhé
Abyssus
Đây là dòng chuột có mức giá dễ chịu nhất của nhà Razer, nó có thiết kế đối xứng nhỏ gọn, thích hợp cho kiểu cầm Fingertips và Claw. Nếu như bạn muốn có một con chuột giá vừa mềm, vừa có cái logo rắn 3 đầu siêu ngầu của Razer thì đây sẽ là sự lựa chọn của bạn.
Con này có thông số kỹ thuật khá cơ bản, 5000 DPI, 1000Hz, 100 IPS, vừa đủ dùng cho game thủ bình dân. Thân chuột được hòa thiện nhám tương đối tốt và 2 bên đều được ốp cao su chống trượt giúp các đầu ngón tay của bạn bám tốt hơn, kể cả khi ra nhiều mồ hôi. Khá tiếc ở chỗ con này không được hỗ trợ chỉnh màu LED bằng phần mềm và chỉ làm được vài trò cơ bản thôi.
Abyssus Essential Chroma
Nếu bạn đang muốn tìm một con chuột có thể làm được đầy đủ mấy trò LED lủng của Razer với giá yêu nhất thì có thể xem đến con này. Nó có form cầm hơi khác một chút so với Abyssus V2, có LED gầm khá bắt mắt và được hỗ trợ chỉnh LED bằng phần mềm Razer. Khối lượng chuột cũng rất lý tưởng, chỉ 78g. Nếu đánh Liên Minh, DOTA 2 bằng con này thì cũng rất ổn, nhẹ nên chơi nhiều không mỏi tay.
DeadAdder
Đây là dòng chuột thành công nhất trong lịch sử Razer. Được ra mắt từ năm 2006 qua nhiều thời kỳ và được thay đổi về mặt công nghệ cũng như chất liệu được cải tiến, DeadAdder (DA) vẫn giữ form chuột nguyên bản của mình. Tại Việt Nam, dòng chuột này cũng được rất nhiều dân chơi gaming gear yêu mến. DA có dáng công thái học thuôn dài, lưng cao và độ cong rất thoải, rất dễ cầm. Chính vì thể mà nó phù hợp với gần như mọi form tay và mọi cỡ tay. Nhiều người mà mình biết sau khi dùng qua DA rồi đã không còn muốn đổi dòng chuột nữa, về cơ bản là họ không thể tìm thấy form chuột nào hợp hơn.
Deathadder Essential
Đây là mẫu có giá mềm nhất trong dòng AD thời điểm hiện tại. Tuy thống số kỹ thuật không quá nổi bật như các mẫu chuột cao cấp nhưng vẫn là đủ cho một game thủ. Nếu bạn đang tìm một con chuột giá mềm nhưng form cầm phải thật đỉnh thì DA Essential không tệ chút nào đâu.
DeathAdder Elite
Cao cấp hơn, chúng ta có DA Elite. Nó mang đầy đủ thông số kỹ thuật của một con chuột tầm trung, tương đương với G502 HERO, M65 như mắt đọc 16.000 DPI, switch Omron độ bền 50 triệu lượt nhấn, tần số phản hồi 1000Hz… Mức giá của DA Elite cũng khá dễ chịu so với những đối thủ cùng thông số, khiến nó trở thành một trong những con chuột có hiệu năng trên giá thành ấn tượng nhất của Razer thời điểm hiện tại. Đồ Razer nhìn chung có thể xem là đắt đỏ nhưng con này là ngoại lệ.
DeathAdder V2
DA V2 là mẫu DA cao cấp nhất của Razer thời điểm hiện tại, nó mang trong mình những công nghệ tối tân của Razer như mắt đọc Forcus + và switch chuột quang học siêu bền. Mặc dù form khá to nhưng khối lượng chuột lại cực kỳ nhẹ chỉ có 82g cho cảm giác kiểm soát tốt và giúp bạn phản ứng cực nhanh trong game. Đối với những ai chơi game thời gian dài với cường độ cao thì chắc chắn con chuột này sẽ cực kỳ thích hợp, vừa nhẹ vừa bền.
Basilisk
Dòng chuột Basilisk này được Razer giới thiệu lần đầu vào năm 2017 để dành riêng cho thể loại game FPS. Vào thời gian đầu thì nó cũng bị mang ra so sánh với G502 khá nhiều do ngoại hình khá giống. Tuy nhiên một thời gian sau khi được trải nghiệm bởi nhiều game thủ thì người ta mới nhận thấy rằng Basilisk thực sự khác biệt. Size chuột cỡ vừa, độ cao vừa, mông chuột có độ cong tương đối dịu giúp dễ dàng ôm vào lòng bàn tay. Các vị trí tiếp xúc đều được bọc cao su dày cho cảm giác cầm nắm rất bắt tay, kể cả khi bạn ra nhiều mồ hôi. Phần bệ đỡ ngón cái chìa ra giúp giảm áp lực cho tay, 2 phím trái phải chuột đều được uốn cong giúp ngón tay đặt đúng vị trí. Tối ưu cho 2 kiểu cầm Palm và Claw, nếu tay bạn to thì còn có thể cầm kiểu Fingertip nữa. Razer đã tạo nên nó với ý tưởng và sức sáng tạo của riêng mình để cho ra đời một dòng chuột độc nhất trên thị trường, cũng như cái cách mà họ đã làm với dòng DA huyền thoại.
Basilisk
Đây là bản đầu tiên của dòng chuột này. Nó có 2 bộ phận khá thú vị. Đầu tiên là một con lăn dưới bụng chuột, giúp tăng giảm độ nặng của con lăn chuột. Thứ 2 là cái nút bên hông chuột có thể được nối dài bằng 2 cái lẫy một ngắn một dài và kết nối bằng nam châm. Bạn có thể gán macro cho cái nút này hoặc dùng nó làm DPI Shift cũng đều được. Phần cao su bọc bên hông chuột cũng rất dày và mềm, cho cảm giác cầm rất chi là “bót”. Ngoài ra thì thông số kỹ thuật của em nó cũng tương đương mấy con cùng tầm giá như G502 và M65.
Basilisk V2
Về thiết kế thì nó khác bản “original” một chút, trông sắc nhọn và “gấu” hơn. Tuy nhiên thì form cầm vẫn y như cũ không có gì thay đổi. Bộ đồ lòng cũng được cải tiến toàn diện với switch quang học và mắt đọc Focus + 20000 DPI, 650 IPS. Khối lượng cũng rất lý tưởng, chỉ 92g.
Basilisk X HyperSpeed
Đây là một trong những mẫu chuột không dây mà mình đánh giá cao nhất trong thời điểm hiện tại về mức hiệu năng trên giá thành. Về kiểu dáng, form cầm thì con này cũng y như Basilisk V2. Về thông số kỹ thuật thì con chuột này được trang bị mắt đọc 5G, cho mức DPI lên đến 16000 và tốc độ theo dõi 450 IPS, tương đương với cả những mẫu chuột có dây trong cùng tầm giá.
Basilisk Ultimate
Nếu bạn đang quá thừa tiền hoặc đang muốn tìm con chuột đỉnh nhất của Razer trong thời điểm hiện tại thì đây chính là câu trả lời cho bạn. Nhìn chung thì đây là một mẫu chuột thuộc hàng đỉnh của đỉnh trong thời điểm hiện tại, mang trong mình những công nghệ độc quyền đầy tự hào của Razer như switch quang học, mắt đọc Forcus +, LED Chroma các kiểu con đà điểu. Từ thông số kỹ thuật cho đến độ hoàn thiện đều thuộc hàng đỉnh nhất trên thị trường hiện nay. Basilisk Ultimate không được sinh ra để trở thành một thứ gì đó có thể gọi là “quốc dân” mà để đứng trên đỉnh để trở thành biểu tượng cho công nghệ Razer, giống như cựu vương Mamba 5G đã từng vậy.
Mamba
Cá nhân mình sau khi cầm qua hầu hết các dòng chuột của Razer trong thời điểm hiện tại thì mình cảm thấy thích form cầm của dòng Mamba nhất. Thân của dòng Mamba khá to, bè và được cấu thành từ những đường cong thật mềm. Khi cầm một con chuột dòng Mamba, tất cả các ngón tay của bạn đều sẽ được nâng đỡ, đặc biệt là ngón út và áp út khiến cho cảm giác chơi game của bạn chill hơn rất nhiều so với các dòng chuột khác. Nếu bạn chơi game là để hưởng thụ và để đắm chìm vào thế giới game thì Mamba chắc chắn nên được ưu tiên số một.
Mamba Elite
Đây là mẫu chuột có thể gọi là màu mè bậc nhất của Razer hiện nay, nó sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ ngay từ cái nhìn đầu tiên với 2 dải LED Chroma dài chạy dọc thân chuột, cả trên logo và con lăn nữa. Với phần mềm Razer Synapse thì bạn sẽ làm được rất nhiều trò hay ho với đống LED này đấy. Ngoài độ sáng chói ra thì thông số kỹ thuật của em nó cũng không rất tốt, mắt đọc 5G, 16.000 DPI, 450 IPS, 1000Hz. Khối lượng của chuột là 96g, đó là khoảng lý tưởng cho mọi thể loại game.
Mamba Wireless
Trong khi Mamba Elite được thiết kế thiên về độ chói lóa thì Mamba Wireless lại tập trung vào trải nghiệm nhiều hơn. Các góc cạnh của Mamba Wireless đều được bo tròn, bớt đi vẻ hầm hố nhưng thêm vẻ mềm mại, mượt mà. Do không có 2 dải LED hông nên Mamba Wireless có diện tích ốp cao su lớn hơn hẳn so với Mamba Elite giúp cầm chắc và ôm tay hơn. Viên pin của Mamba Wireless có thể giúp nó trị được đến 50 giờ trong điều kiện chơi game liên tục, bạn cũng có thể cho nó chạy hoài không cần sạc nếu sắm thêm pad chuột Razer Firefly HyperFlux nữa. Về quan điểm cá nhân thì đây là con chuột Razer mà mình thích nhất, đủ đẹp, đủ sang, đủ ngầu, đủ dùng và cầm cực kỳ thoải mái.
Viper
Đây là mẫu chuột khá mới của nhà Razer. Nó được thiết kế chỉ với 1 mục tiêu duy nhất: Tốc độ. Tất cả những mẫu chuột dòng Viper đều có khồi lượng cực nhẹ, con nặng nhất trong dòng là Viper cũng chỉ có 74g mà thôi. Không chỉ nhẹ, khối lượng của chuột cung được phân bố rất hợp lý và cân bằng, giúp người dùng có thể chơi game cả ngày mà không hề mỏi tay. Về form chuột thì dòng Viper có thiết kế đối xứng, thân chuột dẹt và rất thoải. Đối với những ai có bàn tay cỡ vừa thì con chuột này có thể tối ưu cho cả 3 kiểu cầm chuột cơ bản là Palm, Claw và Fingertip. Có thể mới đầu dùng con chuột này bạn sẽ thấy nó hơi khó kiểm soát do nó nhẹ như đồ chơi vậy, tuy nhiên nếu dùng quen rồi thì chắc chắn bạn sẽ yêu nó.
Viper
Viper là bản đầu tiên trong dòng của nó. Ngay từ khi ra mắt, Razer đã chăm chút cho nó như một đứa con cưng thật sự. Con chuột này trang bị những công nghệ tiên tiến nhất của Razer như mắt đọc 5G và switch quang học. Khối lượng chuột chỉ có 69g, cộng với sợi cáp bọc dù siêu nhẹ và mềm sẽ giúp bạn thao tác cực kỳ nhanh nhạy và tự do. Cá nhân mình thực sự thích sợi cáp này, nó cho cảm giác như một con chuột không dây vậy.
Viper Ultimate
Đây là bản đắt tiền và cao cấp nhất của dòng chuột Viper trong thời điểm hiện tại. Nó được trang bị cảm biến Forcus + tối tân của Razer cho tốc độ theo dõi lên đến 650 IPS, nhanh nhất thế giới hiện nay. Switch quang học siêu bền và cho độ trễ siêu thấp. Viên pin trên Viper Ultimate có thể cho phép bạn chơi game cường độ cao liên tục trong 70 tiếng, đồng nghĩa với việc nếu bạn chơi game mỗi ngày 10 tiếng thì sẽ chơi được cả tuần trước khi phải cắm sạc lại. Ngoài ra thì bạn sẽ còn có thêm một cái đế sạc RGB chất chơi người dơi nữa.
Viper Mini
Nếu như bản Viper “original” đối với bạn vẫn còn chưa đủ nhẹ thì hãy thử Viper Mini. Đây là con chuột nhẹ nhất trong các mẫu chuột Razer hiện nay. Nó nhỏ hơn 2 bản trên kia một chút và chỉ nặng có 61g, tức là bằng một nửa con G502 chưa gắn tạ đấy. Giá của nó dễ chịu nhất trong dòng Viper nhưng vẫn được trang bị switch quang học như các dòng Viper cao cấp hơn. Nếu như bạn muốn một con chuột “nhẹ tựa lông hồng” từ một thương hiệu gaming top đầu thì chắc chắn con chuột này là phù hợp với bạn.
Naga Trinity
Dòng chuột này được Razer thiết kế riêng cho game thủ chơi MOBA và A-RPG, nó có một cụm nút phụ đặt ở vị trí ngón cái, tương tự như dòng Scimitar của Corsair nhưng hay hơn ở chỗ là bạn có thể tháo và thay đổi cụm phím này. Mỗi con Naga Trinity sẽ được đi kèm với 3 miếng ốp chỗ ngón cái, tương ứng với 3 cấu hình khác nhau để bạn có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Chuột cũng có một cái gờ nhô ra để làm điểm tự cho ngón áp úp và ngón út, giúp tay bạn thoải mái hơn trong thời gian dài. Hiện tại thì dòng chuột này mới chỉ có 1 mẫu mà thôi.
Lancehead
Lancehead là một dòng chuột đối xứng. Nó có phím back và foward cho cả 2 bên chuột. Tuy không quá ôm tay như Mamba hay DA nhưng thiết kế công thái học của con chuột này vẫn rất tốt, tối ưu cho kiểu cầm Claw.
Lancehead Tournament Edition
Con chuột này rất nổi bật với vẻ ngoài hầm hố nhưng cũng rất mềm mại uyển chuyển. 2 bên chuột đều được ốp cao su mềm xẻ rãnh giúp tăng độ bám tay. Được trang bị mắt đọc 5G, thông số kỹ thuật của dòng chuột này tương đương với những mẫu tầm trung như Basilisk và DA Elite. 2 Dải LED RGB ngắn cũng giúp cho con chuột trở nên nổi bật hơn.
Lancehead Wireless
Nếu muốn nói về con này thì thực sự mình cũng chẳng có nhiều ý để nói vì về cơ bản nó không khác gì bản Tournament Edition cả, chỉ là nó không dây nên dùng sướng hơn thôi. Dưới bụng chuột có khoang để Receiver để tiện mang đi mang về. Tuy nhiên theo mình đánh giá thì con này thực sự không đáng tiền bằng Mamba Wireless, nó chỉ hơn ở dải led 2 bên hông thôi nhưng đắt hơn khá nhiều. Tuy nhiên quyền quyết định vẫn là ở anh em, yêu thì cứ quất thôi, mình nói gì kệ mình.
Mình sẽ để một cái bảng ở đây cho anh em tiện tra nhé