Mua cây RAM về cắm vào máy thì cái đó ai cũng làm được. Chỉ cần đúng chuẩn RAM thì nhét một hồi tự động nó cũng vô, bật máy nó cũng lên thôi. Nhưng mà cắm làm sao cho RAM chạy được hết công suất của nó thì lại là chuyện khác.
Mình sẽ nói và vấn đề chính luôn cho nó đỡ mất thời gian của mấy bạn. Ví dụ như nếu bạn chỉ cắm có 1 thanh RAM thôi thì không sao, bạn cắm vào khe nào trên main cũng được, kết quả sẽ đều như nhau và chẳng có khác biệt nào ở đây cả. Tuy nhiên các dòng main mang chipset dành cho người dùng phổ thông hiện nay đều được trang bị một công nghệ gọi là Dual-Channel (Kênh-Đôi).
*Anh em nào biết Dual-Channel là cái gì rồi thì có thể lướt qua phần này nhé, mình giải thích cho mấy anh em chưa biết một chút.
Công nghệ Dual-Channel
Cái công nghệ này cũng dễ hiểu lắm, bạn cứ tưởng tượng như thanh RAM là một cái kho dữ liệu và nó chuyển dữ liệu qua lại với CPU bằng một kênh truyền dữ liệu. Nếu như là đối với mấy cái main từ thời “đồ đá” thì cho dù bạn cắm bao nhiêu thanh RAM đi chăng nữa thì nó vẫn sẽ chỉ có một con đường duy nhất mà thôi, cắm nhiều RAM chỉ làm tăng kích thước của cái kho dữ liệu chứ không làm tăng tốc độ truyền tải dữ liệu giữa RAM và CPU.
Sau này thì người ta mới mang công nghệ Dual-Channel lên các dòng main phổ thông để giúp bạn tăng tốc độ dẫn truyền dữ liệu khi bạn cắm thêm RAM. Nếu bạn dùng 1 thanh RAM thì thanh RAM đó sẽ dùng một kênh, cắm 2 thanh thì 2 thanh RAM đó sẽ sử dụng 2 kênh dữ liệu độc lập và làm tăng gấp đôi tốc độ truyền tải dữ liệu.
Chính vì công nghệ này cho phép những thanh RAM phát huy được trọn vẹn sức mạnh của nó cho nên mình mới phải hướng dẫn các bạn cắm RAM làm sao cho đúng để dùng được Dual-Channel đấy.
Hướng dẫn cắm RAM
Nếu để ý một chút thì bạn sẽ thấy rằng chân RAM của các chuẩn RAM khác nhau đều sẽ có một chỗ khuyết. Còn các khe cắm RAM thì cũng đều có các gờ cản. Lỗ khuyết trên RAM và gờ cản của khe cắm RAM sẽ ăn khớp với nhau và ngăn không cho bạn cắm sai chiều.
Phần khuyết trên chân RAM sẽ chia chân RAM ra làm 2 phần dài ngắn không bằng nhau, gờ cản trên khe RAM cũng vậy. Khi gắn chân RAM vào khe RAM thì bạn cứ làm sao cho dài đi với dài, ngắn đi với ngắn. Cả 2 đầu của thanh RAM đều sẽ có một cái khớp, khi nhấn vào đủ chặt nó sẽ có một tiếng “click”, lúc đó là RAM đã được khóa vào khe RAM. Nhớ là làm sao cho nó kêu “click” ở cả 2 đầu mới được nha, chưa kêu là nhấn chưa chặt, lúc đó mà bật máy lên là nguy hiểm nhé.
Cắm RAM làm sao cho đúng?
Trường hợp 1 – Mainboard chỉ có 2 khe RAM
Cái này thì chắc khỏi cần nói nữa, vì mỗi khe RAM sẽ đều nối với 1 kênh RAM độc lập cho nên bạn cắm 2 thanh thì kiểu gì nó cũng chạy dual thôi.
Trường hợp 2 – Main có 4 khe RAM và bạn thì chỉ có 2 thanh RAM
Cái này thì phức tạp hơn một chút, vì có 4 khe RAM nhưng vẫn chỉ có 2 thanh RAM nên bắt buộc mỗi kênh sẽ được nối với 2 khe RAM. Bạn mà cắm 2 thanh RAM vào 2 khe khác kênh thì nó mới chạy Dual-Channel, còn nếu cắm vào 2 khe trùng kênh thì nó vẫn sẽ chỉ chạy Single-Channel (Kênh-Đơn).
Có một số mẫu main mainboard mà các khe RAM cùng kênh sẽ được làm khác màu với nhau. Nếu đang dùng một chiếc main như vậy thì bạn chỉ cần cắm 2 thanh RAM vào 2 khe cùng màu là tự động có Dual-Channel. Ví dụ một cái main có 4 khe mà trong đó có 2 khe trắng, 2 khe đen thì bạn cứ cắm RAM vào 2 khe đen hoặc 2 khe trắng
Đối với trường hợp một số mẫu main có các khe RAM cùng màu với nhau thì bạn hãy cắm RAM xen kẽ nhé. Bạn có thể đánh số các khe RAM theo thứ tự từ 1 đến 4 tính từ thanh gần với CPU nhất, sau đó cắm vào khe 1 và 3 (A1 và B1) hoặc 2 và 4 (A2 và B2). Vậy là xong.
Lưu ý: Đối với một số dòng main nhất định thì nếu không cắm trúng vào cặp khe ưu tiên thì nó sẽ bị lỗi khi bật XMP. Thế nên tốt nhất là bạn vẫn nên lôi cái cuốn hướng dẫn ra cho mình, hãng bảo ưu tiên cắm cặp khe RAM nào trước thì bạn cắm khe đó. Một số hãng sẽ có ghi chú sẵn trên main luôn là bạn nên cắm khe nào trước. Đa số anh em dùng PC cứ quan niệm là cứ ưu tiên cắm cặp khe A1 và B1 (khe 1 và 3 đến từ CPU ra), nhưng thật ra cái đó là tùy vào hãng. Điển hình là Asus sẽ ưu tiên cặp A2 và B2.
Trường hợp 3 – Main có 4 khe và bạn có 4 thanh RAM
Cắm hết vô là được nhé, nếu bạn có 4 thanh để cắm đủ cho 4 khe mà bạn còn đi đọc bài này thì bạn cũng rảnh dữ lắm đấy, nhưng mà dù sao cũng cảm ơn bạn vì đã đọc nhé.
Lưu ý nhẹ
Khi đi mua RAM về cắm thì bạn nhớ tốt nhất là hãy mua những thanh RAM giống y chang nhau cho mình. Chúng chỉ có thể phát huy hết sức mạnh của mình nếu giống toàn bộ thông số kỹ thuật mà thôi.
OK, vậy là xong, chúc anh em thành công!