Nhìn chung thì cũng không thay đổi gì quá nhiều so với phiên bản gốc cả.

Sony vừa công bố tay cầm DualSense cho PS5 với thiết kế công thái học hiện đại và nhiều tính năng mới. Và mặc dù thiết kế tổng thể của tay cầm PlayStation không thay đổi nhiều qua từng năm nhưng Sony vẫn có những nâng cấp nhất định để nó tận dụng được những tính năng mà hệ máy mới mang lại.

Sony đồng thời cũng tạo ra một chuẩn mực tay cầm cho ngành gaming mà Nintendo, Microsoft vẫn tiếp tục học hỏi cho đến tận bây giờ. Sau đây là quá trình “lột xác” của tay cầm PlayStation qua từng thời kì.

1995 – PlayStation Control Pad

Thế hệ PlayStation đầu tiên được đem lên kệ tại Nhật Bản vào tháng 12/1994, sau đó một năm thì nó đã được bán trên toàn thế giới. Song song với chiếc máy màu xám này là tay cầm với thiết kế vẫn được Sony tận dụng cho đến tận bây giờ. Nó có cụm D-pad bên trái và cụm 4 nút bên phải với các hình tam giác, hình tròn, dấu X, và hình vuông trứ danh mà sau này trở thành biểu tượng đại diện cho cái tên PlayStation.

1997 – PlayStation Dual Analog

PlayStation: la evolución de sus mandos y forma de jugar | libero.pe

2 năm sau đó thì tay cầm được bổ sung 2 cần gạt analog và những tay cầm PlayStation thế hệ sau đều có cần gạt này. Việc này cũng hợp lý vì nó được dùng để ghi nhận những chuyển động 3D, và vào thời điểm đó thì game 3D là một trong những điểm “ăn tiền” của hệ máy PlayStation. Nó chỉ có một nhược điểm duy nhất là khiến tay cầm to hơn và nặng hơn mà thôi.

1998 – PlayStation DualShock

Giờ đây, các nhà phát triển đã có thể sử dụng tính năng rung tương ứng với hành động trong game nên Sony cũng nhanh chóng bổ sung công nghệ này, tạo ra tay cầm PlayStation đầu tiên với chức năng rung phản hồi. Đồng thời, đây cũng là phiên bản tay cầm cuối cùng dành cho hệ máy PlayStation 1. Đã có kha khá nhà phát triển tận dụng tính năng này, giúp game thủ có một trải nghiệm tốt hơn với các tựa game như Metal Gear Solid của Konami (cảnh trực thăng bay trên trời) hoặc Tekken 3 của Namco (khi bị dính đòn).

2000 – PlayStation 2 DualShock 2

PlayStation 2 Dualshock Controller | PlayStation 2 | GameStop

Dựa trên những thành công của tay cầm thế hệ trước, DualShock 2 tiếp tục được cải thiện với cần gạt cứng hơn một chút, giúp di chuyển và cử động chính xác hơn; phần bề mặt cần analog cũng được làm theo dạng giả da giúp tăng độ bám. Ngoài ra các nút trên mặt và 2 cần gạt cũng được tích hợp cảm biến lực nhấn giúp ghi nhận tín hiệu chính xác hơn. Nhờ đó, những game như Gran Turismo 4 được khen ngợi rất nhiều nhờ có cơ chế vật lý rất chân thực.

2006 – PlayStation 3 Sixaxis Controller

Vào thời điểm này thì cảm biến chuyển động lên ngôi (motion sensor), đơn cử là hệ máy Nintendo Wii với cơ chế điều khiển phụ thuộc vào cử động người chơi đã làm mưa làm gió thời bấy giờ. Tất nhiên, vì không muốn bị cho ra rìa nên Sony cũng bổ sung tính năng này vào trong tay cầm không dây Sixaxis. Đúng như tên gọi, nó có khả năng ghi nhận chuyển động của người chơi với cảm biến 6 trục (6 axes), cho phép nhà phát triển liên kết dữ liệu đó với chuyển động trong game, đơn cử như các phân đoạn bắn súng trong Heavenly Sword.

Nó còn có cổng USB mini-B để sạc cục pin tích hợp bên trong tay cầm và có thể kết nối với PSP Go thông qua Bluetooth. Phần vỏ nhựa cũng được Sony làm lại theo kiểu trơn bóng giống phiên bản đời đầu bởi vì môtơ rung đã bị loại bỏ, còn nút L2/R2 thì được chuyển thành dạng cò (trigger) vì game bắn súng lúc đó cũng khá phổ biến. Ngoài ra thì ở giữa tay cầm còn có nút PS để truy cập menu chính.

2007 – PlayStation 3 DualShock 3

Khi Sony biết được rằng fan vẫn chọn máy PlayStation vì nó không ép buộc người chơi điều khiển bằng chuyển động thì họ đã quay lại với thiết kế DualShock khi trước. Tay cầm DualShock 3 có tất cả tính năng của Sixaxis và kết hợp nó với công nghệ DualShock. Kết quả là tay cầm này chính thức thay thế Sixaxis, và nó cũng được Sony cho về hưu ngay và luôn sau khi DualShock 3 ra mắt.

2013 – PlayStation 4 DualShock 4

Mặc dù vẫn có một vài khuyết điểm nhưng Sixaxis vẫn là một “bệ phóng” rất vững chãi để phát triển DualShock 4. Một trong những bổ sung nổi bật của tay cầm này là nó có thêm phần touchpad ở mặt trước. Ngoài ra thì nó có thêm cổng audio 3,5mm để cắm headset, cho phép game thủ trò chuyện với nhau qua mạng.

DualShock 4 vẫn có cảm ứng chuyển động (motion detection) và chức năng rung như DualShock 3, nhưng nó có thêm một dải đèn LED giúp người chơi dễ dàng phân biệt tay cầm nào là của ai, và đồng thời nó cũng có thể đổi màu tùy theo tình tiết trong một số game nhất định, chẳng hạn như Grand Theft Auto V sẽ chớp đèn đỏ/xanh khi người chơi đang bị cảnh sát dí. Nút Start và Select cũng được thay thế bằng một nút Option ở phía trên bên phải, còn đối diện bên kia là nút Share cho phép game thủ chụp hình và quay màn hình, tạo ra những đoạn clip tuyệt đẹp để chia sẻ với bạn bè.

2016 – PlayStation 4 DualShock 4 V2

Sau khi Sony xác nhận rằng có một lô hàng nhỏ của DualShock 4 bị lỗi thì họ đã nhanh chóng ra mắt phiên bản DualShock 4 mới với một vài cải thiện nho nhỏ. Cụ thể thì nó được bổ sung giao tiếp qua USB, thời lượng pin nhiều hơn, và có thể nhìn thấy dải đèn LED từ phía trên tay cầm.

2020 – PlayStation 5 DualSense

Vừa rồi, Sony đã chính thức giới thiệu tay cầm PS5 với tên gọi DualSense, tập trung vào yếu tố xúc giác giúp game thủ dễ dàng hòa mình vào thế giới trong game hơn. Ngoài ra thì có cũng có thiết kế công thái học với tông màu trắng/đen hiện đại, khắc hẳn với những thế hệ trước chỉ có 1 màu duy nhất. Anh em có thể tham khảo thêm trong bài viết dưới đây nhé.

Nguồn: Hypebeast