Bo mạch chủ Intel Z690 đắt là có lý do hẳn hoi. Mời các bạn cùng tìm hiểu nhé.

Trong thời gian gần đây có nhiều lời bàn luận về mức giá đắt đỏ của bo mạch chủ Z690 so với các thế hệ trước, thế nên trang TechPowerUp đã lặn lội đi tìm nguyên nhân sâu xa của vấn đề này. Tất nhiên là sẽ có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ quả này, nhưng trong khuôn khổ bài viết này thì chúng ta chỉ tập trung vào những nguyên nhân chính thôi nhé.

Một phần là vì bảng mạch PCB xịn hơn

Nhiều người cho rằng giá mainboard Intel Z690 tăng là do bản thân phần bảng mạch PCB. Đúng rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến bo mạch chủ Z690 đắt đỏ, nhưng cùng lắm nó chỉ khiến tăng vài USD là cùng: một phần là vì vật liệu chế tạo ra PCB phải cao cấp hơn, một phần vì bo mạch chủ hỗ trợ RAM DDR5 sẽ tốn nhiều chi phí sản xuất hơn do phải chú tâm hơn về vấn đề thiết kế.

Nhưng cái khiến giá bo mạch chủ Z690 tăng nhiều nhất chính là socket LGA17xx và cơ chế ngàm giữ CPU

Intel Z690

Điều bất ngờ lớn ở đây là thứ khiến giá thành bo mạch chủ Z690 tăng nhiều nhất lại chính là phần socket LGA17xx và cơ chế ngàm giữ CPU các bạn ạ. Cơ bản thì nó mắc hơn tầm gấp 4 lần so với socket LGA12xx.TechPowerUp không biết chi phí chính xác của 2 socket đó là bao nhiêu, nhưng dự là đâu đó trong khoảng 10-15 USD, cho dù là có mua giá sỉ đi chăng nữa. Điều này khiến socket CPU trên hầu hết bo mạch chủ Z690 là thứ đắt thứ nhì, đứng sau chipset (giá 51 USD, mắc hơn 1 USD so với chipset Z590).

Nguyên nhân tiếp theo là do phần thiết kế phần cấp điện

Một nguyên nhân khác nữa là do phần thiết kế phần cấp điện, do Intel chuyển từ IMVP8 sang IMVP9.1, nghĩa là chuyển từ DrMOS (Driver MosFet) sang môđun SPS (Smart Power Stage). Việc thay đổi thiết kế này đã làm tăng chi phí thiết kế dàn điện, và bởi vì những linh kiện này đều đang bị thiếu hụt nên mỗi pha điện (power phase) đều mắc hơn tầm gấp đôi so với bo mạch chủ Z590. Điểm cộng là chúng sử dụng điện với hiệu suất tốt hơn, hoạt động mát hơn so với thiết kế DrMOS; và khả năng là sau này giá của các linh kiện cũng sẽ dần dần “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, do các bo mạch chủ bây giờ có nhiều “power stage” hơn so với hồi trước, cho nên chi phí cho những thứ này cũng phải tăng theo. Việc sử dụng thiết kế nguồn điện IMVP8 là bất khả thi đối với bo mạch chủ Intel Z690, cho nên không thể tiết kiệm chi phí ở phần này được, trừ khi là dùng ít pha điện hơn.

Chi phí lắp đặt thêm PCIe 5.0

Đối với bo mạch chủ cao cấp có 2 khe PCIe 5.0 thì hãng sản xuất cũng cần phải có thêm “PCIe 5.0 retimer”. Giá bán của chúng không rõ là bao nhiêu, nhưng dự là con số này sẽ rơi vào tầm 20-30 USD khi mua số lượng lớn. Tuy nhiên, đối với hầu hết bo mạch chủ Intel Z690 thì không cần phải quan tâm đến vấn đề này, do chúng chỉ có 1 khe PCIe 5.0 mà thôi.

Còn về khe PCIe 5.0 SMT, chi phí sẽ chênh lệch tầm 10-20%, nghĩa là tầm vài cent cho mỗi cổng kết nối. Có 1 yêu cầu ở đây là các hãng sản xuất bo mạch chủ cần phải có đúng loại SMD/SMT và máy móc để gắn các khe PCIe 5.0 SMT. Vì thế cho nên cũng không loại trừ khả năng là một phần chi phí đầu tư vào trang thiết bị mới đã được chuyển sang cho người dùng, chí ít là cho đến khi các hãng có thể hoàn lại vốn.

Bão giá và nạn khan hiếm linh kiện đang diễn ra trên toàn cầu

Những yếu tố trên là chưa tính đến chuyện linh kiện đang thiếu hụt và bão giá đang hoành hành trên toàn cầu nhé. Từ miếng nhôm cho đến điện trở và tụ điện, hầu như cái gì cũng tăng giá các bạn ạ. Vì các hãng phải thay đổi cách đặt hàng những món linh kiện để lắp ráp bo mạch chủ nên chi phí cũng có thể bị đội lên. Dự là trong tương lai gần giá sẽ còn tiếp tục leo thang, cho nên nếu các bạn có ý định mua bo mạch chủ nói riêng hay linh kiện PC nói chung thì nên cố gắng mua càng sớm càng tốt nhé.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: TechPowerUp


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360