Nếu như bạn đã cài đặt phần mềm GeForce Experience, chắc chắn bạn sẽ thấy một vài tác vụ Nvidia chạy nền trong máy tính của bạn. Gần đây nhất mình đếm thì thấy bên trong Task Manager có tới tận 10 tác vụ Nvidia đang chạy độc lập trong nền. Vậy những tác vụ này là gì và liệu nó có sử dụng nhiều tài nguyên phần cứng hay không? Các bạn hãy cùng mình đi tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Lưu ý: Trong bài viết này, mình sẽ tìm hiểu xem các tác vụ Nvidia có tác dụng gì bằng cách vô hiệu hóa hoặc End task chúng, và đương nhiên mình không khuyến khích các bạn làm theo bởi chúng ta sẽ không biết rằng nó sẽ gây ra vấn đề gì nếu bạn End task sai tác vụ.
Nvidia Container
Khi mở Task Manager lên, bạn sẽ thấy rất nhiều tác vụ Nvidia Container đang chạy trong máy tính của bạn. Những chương trình này thật ra có tên là nvcontainer.exe và nó có chức năng là chịu trách nhiệm trong việc chạy và chứa (containing) các tác vụ Nvidia khác.
Nếu như bạn sử dụng hệ thống phân cấp tác vụ của phần mềm SysInternals Process Explorer (hiện thuộc quyền sở hữu của Microsoft) thì bạn sẽ thấy rằng rất nhiều tác vụ của Nvidia đang được chạy bởi các tác vụ Nvidia Container này.
Ngoài ra, cũng có một số tác vụ Nvidia Container được liên kết với các tác vụ chạy nền hoạt động dưới dạng services của hệ thống. Ví dụ như khi bạn mở Services app, bạn sẽ thấy 4 services của Nvidia xuất hiện là Nvidia Display Container LS, Nvidia LocalSystem Container, Nvidia NetworkService Container, và Nvidia Telemetry Container.
Theo mặc định, ngoại trừ Nvidia NetworkService Container ra thì tất cả các services trên đều được thiết lập để chạy tự động và luôn chạy trong nền. Chỉ có điều là Nvidia không cung cấp bất kỳ thông tin mô tả nào về các services này trong Services app cả. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đoán ra được chức năng của chúng bằng cách thử tắt bật các service này.
Chẳng hạn như Nvidia Display Container LS (NVDisplay.ContainerLocalSystem), services này sẽ xử lý một số tác vụ liên quan tới việc hiển thị. Ví dụ như khi các bạn mở Nvidia Control Panel lên, chọn mục Desktop > Show Notification Tray Icon thì Nvidia Display Container LS sẽ có nhiệm vụ hiển thị icon thông báo Nvidia lên trên System Tray của thanh Taskbar. Nếu như bạn tắt services này đi thì icon cũng sẽ biến mất theo. Tuy nhiên, có vẻ như Nvidia Display Container LS không có nhiệm vụ xử lý các tác vụ hiển thị khác. Bằng chứng là khi bạn tắt service này đi thì GeForce Experience Overlay vẫn hoạt động bình thường.
Còn đối với Nvidia Telemetry Container (NvTelemetryContainer) thì services này sẽ có nhiệm vụ là thu thập dữ liệu của hệ thống rồi gửi về cho Nvidia. Mặc dù đây không phải hành động thu thập dữ liệu của bạn để đem đi bán nhưng khi biết được số lượng dữ liệu mà services này thu thập có thể sẽ khiến bạn bị choáng.
Theo chính sách bảo mật của Nvidia thì services sẽ thu thập các dữ liệu về thông số kỹ thuật GPU, các thông tin hiển thị chi tiết, cài đặt driver cho các loại game cụ thể, danh sách các game mà bạn đã cài đặt được hiển thị trong GeForce Experience, dung lượng RAM còn trống, và thông tin về các linh kiện phần cứng trong máy tính (bao gồm cả CPU và bo mạch chủ). Thật ra, hầu hết các dữ liệu này được GeForce sử dụng để gợi ý các thiết lập tối ưu cho các game trong PC của bạn.
Nvidia ShadowPlay Helper
Tác vụ Nvidia ShadowPlay Helper có tên là nvsphelper64.exe dành cho phiên bản 64-bit Windows hoặc là nvsphelper.exe dành cho phiên bản 32-bit Windows. Tác vụ này có chức năng mở GeForce Experience overlay mỗi khi bạn nhấn tổ hợp phím Alt + Z ở bất cứ đâu trên máy tính. Tổ hợp phím Alt + Z là tổ hợp phím mặc định, bạn có thể tùy chỉnh phím tắt này theo ý bạn muốn bên trong ứng dụng GeForce Experience. Nếu như bạn End task tác vụ này bên trong Task Manager thì phím tắt Alt + Z sẽ không thể mở GeForce Experience overlay được nữa.
Ngoài ra, nếu như bạn vào mục Settings > General trong GeForce Experience và tắt tính năng In-Game Overlay đi thì tác vụ này cũng sẽ biến mất. Tóm lại, Nvidia ShadowPlay là tên của tính năng quay màn hình khi chơi game, còn ShadowPlay Helper là tác vụ có chức năng mở GeForce Experience overlay.
Nvidia Share
Về cơ bản thì tác vụ Nvidia Share (Nvidia Share.exe) là một phần của GeForce Experience overlay có chức năng chia sẻ video và hình chụp screenshot trong game sang các nền tảng khác.
Nếu như bạn tắt tính năng In-Game Overlay trong GeForce Experience thì tác vụ này sẽ biến mất khỏi hệ thống. Tuy nhiên, nếu bạn đã tắt Nvidia Share rồi sau đó bấm Alt + Z để mở overlay thì tác vụ này sẽ hoạt động trở lại.
Nvidia Web Helper Service
Tác vụ Nvidia Web Helper Service (Nvidia Web Helper.exe) là một Node.js run time, do đó nó sẽ dựa trên engine JavaScript V8 của Chrome. Nvidia Web Helper Service sẽ sử dụng mã code JavaScript để chạy các tác vụ nền Nvidia khác nhau. Cụ thể thì Node.js sẽ cho phép các nhà phát triển (những người có kiến thức về Javascript) viết các phần mềm không chạy nền trên một trang web.
Nếu như bạn “ngó” vào thư mục theo địa chỉ C:\Program Files (x86)\NVIDIA Corporation\NvNode, bạn sẽ thấy được file Script mà tác vụ này sử dụng. Nếu như bạn để ý thì đoạn Script này sẽ hé lộ cho bạn biết rằng Nvidia Web Helper được sử dụng để tự động tải và cài đặt các bản driver mới cũng như các tác vụ khác như đăng nhập vào tài khoản Nvidia.
Tóm lại, nếu bạn muốn tắt một số tác vụ của Nvidia thì để đảm bảo an toàn nhất và tránh gây lỗi, bạn chỉ nên tắt tính năng In-Game Overlay trong GeForce Experience mà thôi. Khi tắt In-Game Overlay đi thì nó sẽ tắt tác vụ Nvidia ShadowPlay Helper và Nvidia Share cho tới khi bạn bật chúng lại.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Nguồn: howtogeek