Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao mỗi hãng phần cứng đều có thiết kế quạt khác nhau không? Thật ra không phải chỉ để “tạo nét” thôi đâu. Đừng xem thường thiết kế của một chiếc quạt, mặc dù nó vẫn chỉ là cánh quạt thôi nhưng đằng sau mỗi thiết kế cánh quạt độc quyền là biết bao tâm huyết của các kỹ sư phát triển phần cứng đấy.

Asus ROG – Cánh quạt có viền bao

Thiết kế quạt tản nhiệt độc đáo trên các dòng card thế hệ Turing được Asus gọi là Axial-tech Fans. Như tên gọi của mình, những chiếc quạt tản nhiệt này được thiết kế để có thể hướng không khí đi theo dòng thẳng nhất có thể, song song với trục cánh quạt sau khi đi qua cánh quạt.

Khi quạt xoay, vì chịu sự tác động của cánh quạt nên dòng khí sẽ có sự tản mát và nhiễu loạn, đồng thời cũng tạo ra xoáy khí, xoay theo cùng chiều và cùng trục với cánh quạt. Dòng khí sau khi đi qua cánh quạt do có sự nhiễu loạn và chịu tác động của lực ly tâm từ xoáy khí nên sẽ luôn tản mát ra xung quanh, gây mất tốc độ và áp suất.

Để giảm hiện tượng này thì Asus đã làm viền bao cho các lá cánh quạt, nó có tác dụng như một cái ống hướng khí vậy. Dòng khí sau khi đi qua các lá cánh quạt sẽ được hướng thẳng hơn và “gom” hơn. Phần viền bao cũng ngăn hiện tượng thất thoát khí và làm giảm nhiễu khí ở phần rìa cánh quạt. Chưa hết, phần hình dáng của bản thân mỗi cánh quạt cũng “gom” khí rất tốt. kết quả là dòng khí đi ra từ các cánh quạt Axial-tech sẽ thẳng hơn, giữ tốc độ tốt hơn và cho áp suất lớn hơn.

Gigabyte – Cánh quạt xoay ngược chiều

Nếu để ý một chút thì những chiếc quạt trên các mẫu card của Gigabyte (đặc biệt là các mẫu đời mới) thì những chiếc quạt được đặt cạnh nhau luôn xoay ngược chiều với nhau. Nếu như Asus tìm cách làm cho dòng khí ổn định và hạn chế sự thất thoát khí ở khu vực rìa cánh quạt thì Gigabyte lại tận dụng dòng khí không mong muốn này để tống khí nóng ra xa khỏi khu vực heatsink.

Cụ thể là khi các cánh quạt xoay thì không khí sẽ bị cuốn theo chiều xoay của cánh quạt và xoay nhanh nhất ở phần rìa cánh quạt. Với việc đặt các cánh quạt xoay cùng chiều, luồng khí tại điểm giữa của 2 cánh quạt sẽ không bị “xé” ra như đối với các cánh quạt cùng chiều mà sẽ nhập lại làm một và vị cuốn ra xa khỏi dàn heatsink.

Điểm nhấn lớn nhất của hệ thống quạt WINDFORCE là nó có thể tận dụng phần động năng không mong muốn của luồng khí xoáy xung quanh cánh quạt để tạo lực đẩy luồng khí đó ra khỏi heatsink, giúp làm mới khí liên tục và từ đó tăng hiệu năng tản nhiệt. Nếu bạn để tay vào gần một chiếc quạt dòng WINDFORCE khi nó đang chạy thì bạn sẽ cảm thấy luồng khí xả này khá rõ ràng.

MSI – Cánh quạt kép

Cho ai chưa biết thì các lá cánh quạt cho dù được thiết kế tốt đến đi chăng nữa cũng đều để lại một khoảng nhiễu khi lướt qua không khí. Khoảng khí nhiễu động này sẽ gây ồn và làm giảm khả năng hút của lá cánh quạt. Để hạn chế khoảng nhiễu này ở mức tối thiểu, các kỹ sư của MSI đã áp dụng nguyên lý tương tự như cách mà cánh tà trước của máy bay hoạt động.

Đối với máy bay, cánh tà trước được dùng để hướng dòng khí trôi phía trên cánh, giúp giảm nhiễu cực kỳ hiệu quả, làm ổn định và tăng lực nâng cho cánh máy bay. Các lá cánh quạt TORX của MSI cũng vậy, chúng luôn đi theo từng cặp san sát ngay chứ không được gắn tỏa đều như các loại quạt khác.

Điều này giúp cho quạt giảm độ nhiễu khí đáng kể, từ đó hạn chế độ ồn và tăng áp suất hút cho các lá cánh quạt. Kết quả là những chiếc quạt trên card của MSI chạy rất êm, cho áp suất tốt đầu ra tốt và hút rất khỏe. Nếu bạn có một chiếc card MSI trang bị quạt TORX thì hãy nhìn thử xem các lá cánh quạt có phải là luôn đi theo cặp không nhé.


Trên đây là những công nghệ chế tạo cánh quạt độc quyền của các hãng phần cứng lớn là Asus, MSI và Gigabyte. Hy vọng đã đem đến được cho anh em nhưng thông tin thú vị!