AMD có rất nhiều dòng CPU dành cho nhiều nhu cầu khác nhau, tuy nhiên trong bài viết này mình chỉ đề cập các dòng CPU Ryzen quen thuộc với chúng ta nhé. Cũng giống như Intel, AMD cũng đặt tên CPU theo quy tắc rõ ràng và khá dễ hiểu, các bạn hiểu và nhớ thì sẽ dễ dàng hình dung sức mạnh của các CPU.

Phần chữ đầu tiên

Đây là phần giúp bạn phân biệt các dòng CPU khác nhau, để dễ hiểu thì Intel sẽ dùng i3, i5, i7 và i9, còn AMD sẽ dùng Ryzen 3, Ryzen 5, Ryzen 7, Ryzen 9 và Threadripper nhé.

  • AMD Ryzen 3 là dòng CPU bình dân cạnh tranh trực tiếp với các dòng CPU core i3 của Intel. Nếu các bạn cần một dàn PC giá “mềm” dành cho làm các công việc văn phòng đơn giản, chơi game nhẹ nhàng thì Ryzen 3 sẽ là sự lựa chọn phù hợp.
  • AMD Ryzen 5 là dòng CPU tầm trung cạnh tranh trực tiếp với các dòng CPU core i5 của Intel và được tối ưu cho mục đích chơi game. Các dòng Ryzen 5 thường sẽ có 4 nhân hoặc 6 nhân, xung nhịp CPU khá cao nên có thể dùng cho một số tác vụ cần sức mạnh tương đối từ CPU.
  • AMD Ryzen 7 là dòng CPU hiệu năng cao cạnh tranh trực tiếp với các dòng CPU core i7 của Intel. Các dòng Ryzen 7 sẽ có 8 nhân và có thể phục vụ nhu cầu chơi game và những tác vụ đòi hỏi sức mạnh của CPU cao hơn.
  • AMD Ryzen 9 là dòng CPU cao cấp cạnh tranh trực tiếp với các dòng CPU core i9 của Intel. Ryzen 9 có xung nhịp CPU cao nhất và nhiều nhân xử lý nhất nên sẽ phù hợp với các chương trình, tác vụ nặng.
  • AMD Ryzen Threadripper là các dòng CPU đa nhân hiệu suất cao và sử dụng socket khác với các dòng Ryzen còn lại. Chỉ những bạn cần thực hiện dùng nhiều chương trình cùng những những tác vụ siêu nặng thì sẽ cấn đến Threadripper.

Phần số tiếp theo

Phần số tiếp theo sẽ gồm 3 phần: thế hệ CPU, sức mạnh trong cùng thế hệ và mã sản phẩm.

  • Chữ số đầu tiên sẽ là thế hệ. Ví dụ AMD Ryzen 7 3800X là thế hệ thứ 3, còn AMD Ryzen 7 2700E là thế hệ thứ 2.
  • Chữ số tiếp theo cho biết sức mạnh của CPU, số càng lớn thì sẽ có thể sử dụng cho những mục đích đòi hỏi nhiều sức mạnh CPU hơn. Ví dụ như số 8 trong AMD Ryzen 7 3800X. Những số 4, 5, 6 sẽ là những CPU có hiệu năng cao, có thể làm video, hình ảnh, âm thanh, … Còn 7, 8, 9 dùng cho người dùng chuyên nghiệp.
  • Hai số cuối cùng đơn giản là mã sản phẩm hoặc số SKU và không biểu thị cho sức mạnh.

Phần chữ cuối cùng

Có khá nhiều từ AMD dùng để đặt tên cho CPU và bạn có thể biết được công dụng của CPU đó thông qua phần chữ cuối này. Các bạn sẽ thấy trong các CPU như AMD Ryzen 5 3600X hay AMD Ryzen 5 3400G.

  • G sau cùng sẽ có nhân đồ hợp tích hợp bên trong.
  • X sẽ có xung nhịp cao nhất, sử dụng nhiều điện, hiệu suất cũng mạnh nhất và có công nghệ XFR.
  • WX sẽ dùng cho các dàn máy workstation và những tác vụ nặng.
  • E dùng cho các dòng CPU có mức TDP thấp hơn.
  • U dùng cho các dòng laptop mỏng nhẹ, có xung nhịp thấp hơn các dòng CPU dành cho PC và cũng tiết kiệm điện hơn.
  • H cũng dùng cho laptop nhưng hiệu suất cao hơn U, cần hệ thống tản nhiệt tốt hơn nên thường sẽ xuất hiện ở các laptop to, dày hơn.
  • Nếu không phần chữ cuối thì CPU đó sẽ dùng cho PC.

Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích

Nguồn: Tech Consumer Guide, Windows Central, AMD