Mời các bạn cùng tìm hiểu về nguồn gốc của những phím tắt Ctrl+C, Ctrl+V, Ctrl+X, và Ctrl+Z trứ danh nhé.
Đã là dân PC thì hầu như ai cũng dùng các combo phím tắt Ctrl+C, Ctrl+V, Ctrl+X, Ctrl+Z để công việc được thuận tiện, dễ dàng hơn. Theo thứ tự, đây là các phím tắt với chức năng sao chép (copy), dán (paste), cắt (cut), và hoàn tác (undo). Trên macOS thì thay vì là Ctrl, bạn sẽ có Command+C, Command+V, Command+X, Command+Z cũng với các chức năng tương tự. Vậy thì những phím tắt này từ đâu mà có, và vì sao lại dùng những nút đó? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Mọi thứ bắt đầu với Apple
Nguồn gốc của những combo phím tắt trên xuất phát từ đầu những năm 1980. “Tổ tiên” của những phím tắt này xuất hiện trên chiếc máy tính Apple Lisa vào năm 1983. Lisa chính là tiến bối của Macintosh và đồng thời là chiếc máy tính đầu tiên của Apple hỗ trợ xài chuột.
Khi phát triển giao diện người dùng cho Lisa, Larry Tesler – lập trình viên của Apple – đã chọn các phím Z, X, C, V để bấm cùng với phím Apple trên máy Lisa để kích hoạt các chức năng hoàn tác, cắt, sao chép, và dán. Cụ thế, đây là các tổ hợp phím Apple+Z, Apple+X, Apple+C, Apple+V. Trong một bức thư e-mail gửi đến Tiến sĩ Brad A. Myers tại đại học Carnegie Mellon University vào khoảng năm 2016, Tesler đã giải thích rõ vì sao anh ấy lại chọn những ký tự kia.
Lisa là hệ thống đấu tiên có các nút X, C, V, Z được gán cho các lệnh cắt, sao chép, dán, và hoàn tác khi nhấn cùng với nút Apple. Tesler đã tự chọn những phím đó vì X là ký hiệu cơ bản cho việc xóa, C là chữ cái đầu tiên trong “Copy”, V là dấu mũ được viết ngược và mang ý nghĩa là “thêm vào” hoặc “chèn vào”.
Còn Z thì nằm kế bên X, C, V trên bàn phím QWERTY thông dụng ở Mỹ. Ngoài ra, nó còn tượng trưng cho bộ 3 chức năng “Do-Undo-Redo”: nét ngang trên cùng là “đi tới”, nét xéo ở giữa là “đi ngược lại”, và nét ngang ở dưới là “đi tới một lần nữa”.
Tesler còn cho biết thêm là combo Apple+Z ban đầu có đến 2 chức năng là hoàn tác (undo) lẫn làm lại (redo), thay vì là hoàn tác từng bước liên tục như chúng ta đang dùng ngày nay (chức năng redo sẽ là Ctrl+Y). Thế nên việc sử dụng chữ Z theo như lời giải thích phía trên của Tesler cũng khá là hợp lý.
Ngoài ra, những phím này cũng nằm ở vị trí thuận tiện (góc dưới, bên trái), gần với các nút như Apple (đối với máy Lisa), Command (đối với Mac), Control (đối với PC). Vì thế nên nếu bạn xài chuột bằng tay phải thì có thể dùng tay trái để xài những chức năng thông dụng này, cũng khá là nhanh và tiện.
Khi Apple phát triển Macintosh, họ vẫn giữ lại các combo phím tắt cửa Lisa nhưng thay nút Apple thành nút Command. Vì thế nên trên chiếc Mac hồi 1984 và cho đến tận ngày nay, bạn sẽ bấm Command+Z để hoàn tác, Command+X để cắt, Command+C để sao chép, Command+V để dán.
Ctrl+C, Ctrl+V, Ctrl+X, Ctrl+Z đổ bộ lên Windows
Vào lúc Graphical User Interface (giao diện đồ họa người dùng) trên Microsoft bước vào những buổi bình minh, Apple đã cấp phép cho Microsoft sử dụng một số yếu tố của hệ điều hành Macintosh trên Windows 1.0, nhưng có 1 cái khác là họ không “sao y bản chính” các bạn ạ. Trong khoảng thời gian giữa Windows 1.0 và Windows 3.0, Microsoft đã dùng những phím tắt khác nhau cho các chức năng hoàn tác, cắt, sao chép, và dán. Chẳng hạn như:
- Hoàn tác: Alt+Backspace
- Cắt: Shift+Delete
- Sao chép: Ctrl+Insert
- Dán: Shift+Insert
Có một điều thú vị là Windows ngày nay vẫn hỗ trợ những phím tắt này đó nha. Trong lúc phát triển Windows 3.1, Microsoft đã gán những chức năng đó cho Ctrl+Z, Ctrl+X, Ctrl+C, và Ctrl+V luôn.
Brad Silverberg – cựu Phó chủ tịch của Microsoft – cho biết lý do đằng sau việc này là vì đội ngũ phát triển Windows lúc đó có thể là đang tìm cách để trở nên “đồng bộ” với các ứng dụng Office, và có một số ứng dụng đã có mặt trên Macintosh trước đó rồi. Ngoài ra, các phím Z, X, V, C cũng thân thiện với người dùng hơn, dễ nhớ hơn, và đó có vẻ như là một ý tưởng tốt. Tất nhiên, vẫn có lời ra tiếng vào về sự thay đổi này, nhưng ít lâu sau thì mọi người cũng đã quen dần với các combo phím tắt mới.
Và thế là kể từ năm 1992, tất cả phiên bản Windows trở về sau đều hỗ trợ các phím tắt Ctrl+Z, Ctrl+X, Ctrl+C, Ctrl+V để hoàn tác, cắt, sao chép, và dán.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra nguồn gốc của những phím tắt sử dụnghằng ngày. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Nguồn gốc của Caps Lock – Nút yêu thích của các “anh hùng bàn phím”
- Giải mã nguồn gốc nút Windows – “kẻ thù” không đội trời chung của game thủ
- Giải mã ý nghĩa các màu sắc của cổng USB
- Giải mã nguồn gốc biểu tượng Command đầy bí ẩn trên bàn phím của Apple
- Giải mã logo “Energy Star” đầy bí ẩn thường thấy trên laptop
- Giải mã cách đặt tên “Lake” của Intel đối với các dòng CPU
- Giải mã sự diệu kỳ của USB-C, một lỗ 2 chiều lật kiểu nào cũng nhận
Nguồn: HowToGeek
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!