Trước khi cả thể giới biết đến thuốc súng và dùng chúng cho mục đích chiến tranh thì đã từng có một loại vũ khí công thành từng tung hoành trên khắp dải lục địa Á-Âu. Nó có thể ném một viên đạn nặng hàng trăm kg đi xa hàng trăm m, khoét thủng tường thành quân địch từ khoảng cách mà phe thủ không thể bắn trả. Nó có nhiều cái tên, nhưng cái tên phổ biến nhất của nó trong thời đại ngày nay có lẽ là “trebuchet”, máy bắn đá trebuchet. Sau đây, mời các bạn cùng mình đi giải mã sức mạnh của cỗ máy hùng mạnh một thời này nhé.
Trebuchet kéo – những khẩu pháo đa năng của thời trung cổ
Trebuchet kéo, còn được gọi là Mangonel trong một số nguồn, được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ. Nhiều ghi chép cho rằng nó đã được Mặc gia sử dụng từ rất sớm, khoảng năm thứ 4 trước Công Nguyên. Về cơ bản thì nó bao gồm một cánh tay đòn dài dùng để ném đạn. Đầu bên kia cánh tay đòn sẽ được buộc dây rồi đưa cho rất nhiều người kéo. Máy có thể ném mạnh cỡ nào tùy thuộc vào sức lực của những người kéo dây.
Những chiếc máy bắn đá dạng này thường không quá to, nó cao khoảng 5m với 1m được chôn xuống đất, cánh tay đòn để ném đạn dài khoảng 10m và cần đội ngũ binh sĩ khoảng vài chục đến hàng trăm người để vận hành. Với những chiếc máy lớn nhất, nó có thể ném đạn vài chục kg đi khoảng trên dưới 100m. Đạn ở đây có thể là một viên đá bự, một quả cầu lửa, nhiều viên đá nhỏ, một đống phi tiêu, vôi, lưu huỳnh, khúc gỗ chứa than hồng, hay bất cứ thứ gì nguy hiểm mà người ta có thể nghĩ ra.
Trong thiên niên kỷ đầu tiên sau công nguyên, loại máy bắn đá này đã du nhập đến nhiều nền văn hóa khác nhau và giúp những phe sở hữu nó tạo nên nhiều kỳ tích. Nó có thể được dùng để gắn trên tàu rồi bắn phá các công sự trên đất liền hoặc ngược lại là bắn từ đất liền vào tàu thuyền quân địch. Nó có thể mang đi công thành để tấn công qua tường thành của quân địch. Nó cũng có thể được gắn trên khung bánh xe để mang đi mang lại dễ dàng hơn, đóng vai trò như những khẩu pháo đa năng thời hiện đại, tuy không có sức hủy diệt kinh hoàng như tên lửa hay pháo cỡ nòng lớn nhưng chúng hiệu quả với hầu hết các loại mục tiêu, từ công sự cho đến binh lính địch.
Nếu so với loại máy bắn đá trebuchet có đối trọng (mà chúng ta sẽ nói đến sau) thì trebuchet kéo có tính cơ động cao hơn, rẻ hơn, bắn nhanh hơn và dễ chế tạo hơn. Chỉ cần vài chục người là có thể mang một cỗ máy như thế này ra chiến trường và tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên chúng vẫn có một nhược điểm cố hữu là không thể bắn được đạn quá lớn, vì dù sao thì sức người cũng có hạn mà.
Trebuchet đối trọng – vũ khí hủy diệt của thời chưa có thuốc súng
Trebuchet đối trọng về căn bản thì nó cũng giống như trebuchet kéo thôi, tuy nhiên cái điểm khác biệt ở đây là thay vì sức người, nó dùng đến một khối tạ nặng hàng tấn để kéo tay đòn ném. Nhờ việc ứng dụng khối tạ này nên trebuchet đối trọng có thể giảm sự phụ thuộc vào sức người. Cùng với đó thì nó cũng có thể bắn ra viên đạn to hơn rất nhiều, nặng hàng trăm kg đi xa hàng trăm m.
Mấy bạn cứ tưởng tượng mà xem, nếu bạn ở thời trung cổ mà kẻ địch đem đến một thứ gì đó có thể ném hòn đá nặng tầm 200 ký vào tường thành, cổng thành của bạn, từ khoảng cách mà chẳng có thứ cung nỏ nào bắn thới thì cảm giác sẽ như thế nào? Thì sợ chết khiếp luôn chứ còn gì nữa. Nếu bạn thấy kẻ địch có trebuchet đối trọng mà thành bạn không có thì bạn đã quay vào ô bất lực rồi đấy. Tuy tốc độ bắn cực chậm, lên đến cả chục phút mỗi viên nhưng miễn là bạn không thể ra khỏi thành và không có cái gì bắn được đến chỗ nó thì xem như bạn ngồi yên chịu trận. Giờ thì bạn chỉ có thể đợi đến lúc nó giã sập cổng thành hoặc tường thành rồi để quân địch tràn vào làm gỏi bạn thôi.
Có nhiều lý do khiến trebuchet đối trọng hầu như chỉ xuất hiện trong những trận công thành. Một trong những cái dễ thấy nhất là nó quá to và nặng. Một cái máy bắn đá dạng này có thể nặng đến 30 tấn hoặc hơn thế nữa. Chúng đôi khi phải được chế tạo ngay trên chiến trường do không thể di mang đi hành quân. Nó rất hữu ích trong công thành nhưng nếu là trong những trận chiến có tốc độ cao thì nó hầu như vô dụng.
Tuy rằng xuất hiện khá trễ, vào khoảng thế kỷ 12 nhưng với sức mạnh khủng khiếp trong những trận công thành mà trebuchet đối trọng cũng nhanh chóng được nhiều phe nghiên cứu ứng dụng vào thực chiến. Nó được trọng dụng trong nhiều trận đánh từ châu Á sang châu Âu. Nổi tiếng nhất có thể kể đến trận vây hãm tại lâu đài Stirling năm 1304 và trận vây hãm thành Tương Dương từ năm 1267 đến năm 1273 (bạn nào xem kiếm hiệp Kim Dung sẽ rất quen). Tiếc là do xuất hiện quá trễ nên những cỗ máy công thành siêu khủng khiếp này không thống trị được quá lâu. Chúng dần lạc hậu khi thuốc súng xuất hiện và bị thay thế bởi súng đại bác với nhiều đặc tính ưu việt hơn vào khoảng thế kỷ thứ 15.
Trên đây là đôi nét về 2 loại chính của máy bắn đá trebuchet. Trên thực tế thì người xưa còn phát minh ra nhiều loại máy bắn đá khác nữa, và trebuchet cũng chỉ là một dạng nổi bật trong số đó mà thôi. Nếu mấy bạn ủng hộ mình sẽ còn viết thêm nhiều bài viết về công nghệ vũ khí thời trung cổ như thế này nữa. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn có một ngày tốt lành.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Xe tăng gắn động cơ phản lực thì sẽ như thế nào?
- Thật ra katana không được rèn cho cong, nó chỉ “tự” cong khi được nhúng nước
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!