Giám đốc vận hành của Irdeto cho biết những công cụ benchmark sắp ra mắt của họ sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng công nghệ chống crack game của Denuvo không hề xấu xa như lời đồn.

Chỉ cần nhắc tới chữ “Denuvo” thôi là nhiều game thủ PC sẽ phản ứng gay gắt, dễ thấy nhất là trên các diễn đàn gaming hoặc trong phần bình luận của bài viết về chủ để Denuvo. Irdeto là công ty đã mua lại Denuvo vào năm 2018, và họ cũng không bàn luận công khai gì nhiều về chuyện này, cũng như là những vấn đề xoay quanh công nghệ DRM (Digital rights management – Quản lý bản quyền kỹ thuật số) của họ.

Chính vì thế nên khi Steeve Huin – Giám đốc vận hành (Chief Operating Officer) mảng Video Games của Irdeto – đồng ý đứng ra trao đổi về vụ này với trang Ars Technica, dân tình đã đổ dồn sự chú ý về họ.

Hóa ra, đội ngũ tại Denuvo rất chú ý đến hình ảnh của họ trong ngành gaming. Ông Huin cho biết trong cộng đồng game lậu, Denuvo bị xem là một thế lực xấu xa bị họ giúp DRM tồn tại và bảo đảm doanh thu cho nhà phát hành game. Nhưng Huin cũng nhấn mạnh rằng ông ta xem Denuvo như là một thế lực thiện lành đối với cộng đồng gaming nói chung. Ông nói rằng các công nghệ chống game crack là để mang lợi ích đến cho nhà phát hành, và đồng thời nó còn có ích đối với người chơi vì nó giúp đảm bảo nguồn đầu tư của nhà phát hành, nghĩa là nhà phát hành có thể đầu tư vào tựa game tiếp theo. Tuy nhiên, thường thì chẳng mấy ai nghĩ xa đến vậy.

Ông Huin nói rằng cho dù bạn có tin hay không thì đội ngũ tại Denuvo đều là game thủ, đều là những người rất thích chơi game và muốn trở thành 1 phần trong cộng đồng gaming. THế nên họ mới phát triển ra công nghệ để giúp phát triển ngành này ngày một vững mạnh.

Ngoài câu hỏi về việc DRM có thật sự cần tồn tại hay không, phần lớn những lời bán tán xôn xao đều xoay quanh câu chuyện công nghệ của Denuvo làm ảnh hưởng tới hiệu năng khi chơi game. Đôi lúc, những lời cáo buộc này đến từ bản thân những người tạo ra game crack (và tất nhiên là Denuvo và nhà phát triển đều bác bỏ vụ này). Có khi thì nó đến từ chính nhà làm game, chẳng hạn như đạo diễn Katsuhiro Harada của trò Tekken 7 đã từng đăng 1 đoạn tweet hồi năm 2018 rằng phần mềm chống crack của bên thứ 3 (tức là Denuvo) là nguyên nhân khiến game bị giảm fps.

Hồi năm 2019, trang Ars Technica có viết 1 bài phân tích, so sánh giữa phiên bản Batman: Arkham Knight không có Denuvo trên Epic Games Store với phiên bản có Denuvo trên Steam, và họ thấy là hiệu năng chẳng có sự khác biệt nào cả. Tuy nhiên, có một series phân tích của kênh YouTube Overlord Gaming hồi năm 2018 cho thấy hiệu năng khác biệt hoàn toàn giữa 2 phiên bản game ngay trước và sau khi được gỡ Denuvo.

Ông Huin cho biết mấy bài phân tích kiểu như trên không hẳn là hữu ích cho lắm, do người chơi hầu như chẳng thể nào có trong tay cùng 1 phiên bản game trước và sau khi gỡ Denuvo. Trong suốt vòng đời của 1 tựa game, nó có thể có 1 phiên bản được tích hợp Denuvo và 1 phiên bản không có Denuvo, nhưng cả 2 không thể so sánh với nhau được vì ngoài chuyện gỡ Denuvo ra thì nhiều khi nhà phát triển còn bổ sung một số tính năng mới, sửa vài lỗi này nọ, khiến cho việc so sánh không còn chính xác nữa.

Ông Huin nhấn mạnh rằng Irdeto đã cất công tìm cách tích hợp tính năng bảo mật vào trong game mà vẫn đảm bảo hiệu năng của game không bị ảnh hưởng. Đối với công nghệ chống crack, ông Huin nói rằng game thủ sẽ không cảm thấy hiệu năng bị ảnh hưởng gì cả.

Tuy nhiên, sau nhiều năm bị cộng đồng ném đá về vụ Denuvo làm giảm hiệu năng, ông Huin biết là cộng đồng gaming chưa chắc đã tin những gì ông nói. Lời nói của Irdeto vẫn chưa đủ sức thuyết phục, do hình ảnh của Irdeto trong tâm trí game thủ đã không đáng tin ngay từ ban đầu rồi.

Để giải quyết vấn đề này, ông Huin cho biết Irdeto đang tạo ra 1 chương trình để cung cấp 2 phiên bản game gần như y chang nhau, 1 cái có Denuvo và 1 cái không có Denuvo, cho các kênh media uy tín. Sau khi chương trình này chạy (khả năng là trong vài tháng tới), ông Huin hi vọng rằng những bài benchmark độc lập sẽ giúp giới báo chí công nghệ cho mọi người thấy rằng hiệu năng của cả 2 phiên bản là tương đương nhau, từ đó chiếm được lòng tin của cộng đồng.

Mặc dù vẫn có nhiều mối lo ngại về vụ hiệu năng đó, nhiều hãng phát hành game lớn vẫn tiếp tục xài Denuvo trong nhiều năm qua vì 1 lý do đơn giản: cản bước những người làm game crack, hoặc thậm chí là chặn đứng kế hoạch crack game của họ luôn.

Ít lâu sau khi Denuvo trình làng hồi năm 2014, công nghệ chống crack này đã được mệnh danh là “không thể crack được”, khiến nhiều dân cracker phải đau đầu vì nó. Sau này thì có kha khá game Denuvo đã bị crack rồi, nhưng phiên bản Denuvo mới nhất vẫn khá là cứng đầu, không dễ chịu thua trước những nỗ lực của dân cracker.

Trong số 127 tựa game được Denuvo bảo vệ từ năm 2020 đến giờ, chỉ có phân nửa số đó là bị crack mà thôi. Và trong số game bị crack đó, trung bình phải mất đến 175 ngày thì phiên bản crack mới xuất hiện. Điều đó có nghĩa là phần lớn những tựa game gần đây có Denuvo đều được bảo vệ khỏi bàn tay của cracker trong vài tháng đầu mở bán, và đây cũng là khoảng thời gian mà nhà phát hành kiếm phần lớn doanh thu từ tựa game đó.

Ông Huin cho biết các nhà phát hành mua bản quyền công nghệ Denuvo trong một khoảng thời gian nhất định, tầm 6 tháng đến 1 năm gì đó, chủ yếu là để bảo toàn doanh số trong khoảng thời gian đầu mở bán. Sau khoảng thời gian đó, nhiều nhà phát hành từ chối gia hạn bản quyền, thay vào đó là tung ra phiên bản không có Denuvo. Theo một danh sách trên diễn đàn Reddit, có 103 tựa game đã tung ra phiên bản không có Denuvo sau khoảng thời gian đầu được tích hợp công nghệ Denuvo; và không ít trò trong số đó đã tự gỡ Denuvo sau khi bản crack xuất hiện trên mạng.

Ông Huin không chia sẻ nhiều về công nghệ chống crack của Denuvo, ngoài việc xác nhận là công nghệ ngày đã sử dụng một vài thủ thuật để đảm bảo rằng người khác không thể “reverse engineer” (Kỹ nghệ đảo ngược) nó được. Denuvo vẫn liên tục cải tiến công nghệ của mình để luôn đi trước cracker.

Đúng là cracker đã nhiều lần thành công trong việc đánh bại Denuvo trong nhiều năm qua, nhưng ông Huin cảm thấy rằng công ty vẫn đi trước cộng đồng game lậu 1-2 bước trong thời gian gần đây. Denuvo không ngồi đợi đến khi bản crack tiếp theo được tung ra rồi mới bắt tay vào việc nâng cấp công nghệ của mình, mà thay vào đó là họ sẽ liên tục phát triển để có thể giúp các khách hàng của mình.

Ngoài việc nổi tiếng với công nghệ chống crack, bây giờ Denuvo còn muốn nổi tiếng với công nghệ chống gian lận (anti-cheat) nữa các bạn ạ. Công nghệ chống cheat của Denuvo cũng hoạt động dựa trên một cơ chế giống với công cụ chống crack. Ông Huin cho biết phần cốt lõi thì vẫn giống vậy, nhưng chức năng của chúng thì sẽ khác nhau. Và cũng chính vì sự khác biệt đó cho nên ông Huin nói rằng phần mềm chống cheat sẽ có ảnh hưởng một chút ít đến hiệu năng của game, tầm ít hơn 1%.

Ngoài ra, hồi tháng 3/2023, Denuvo còn công bố một sản phẩm mới mang tên “Unbotify” giúp phân biệt đâu là người thật và đâu không phải là người thật khi chơi game. Nó sẽ theo dõi hành vi của người chơi để phát hiện không chỉ những con bot AI tự động mà còn phát hiện cả những tay cầm chuyên biệt giúp giảm độ giật của súng, cải thiện độ chính xác khi lia tâm, hoặc tăng tốc độ bắn trong nhiều tựa game. Ông Huin chia sẻ rằng Denuvo sẽ dần dần đi theo hướng phát hiện và ngăn chặn hành vi gian lận trong game, từ đó khiến game thủ có một cái nhìn thiện cảm hơn về công ty.

Nhưng ngay cả khi Irdeto có thể chứng minh Denuvo không ảnh hưởng đến hiệu năng game một cách công khai thì việc thay đổi quan niệm của người chơi sẽ là một câu chuyện khác hoàn toàn.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Ars Technica


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360