AMD RX 7800 XT – thế hệ kế nhiệm RX 6800 XT – đã mang đến cho game thủ một sự lựa chọn rất đáng để cân nhắc trong phân khúc GPU tầm trung.

Với việc trình làng mảnh ghép cuối cùng – chiếc card Radeon RX 7800 XT cho phân khúc tầm trung, AMD đã chính thức “chốt sổ” dàn lineup RX 7000 series của mình. Đây là chiếc card mà AMD dùng để đối đầu với Nvidia RTX 4070, mang đến cho game thủ nhiều sự lựa chọn hơn để kéo max setting những trò bom tấn ở độ phân giải 2K. Đồng thời, với mức giá bán lẻ khuyến nghị 499 USD, đội đỏ đã mang “thời đại” gaming 2K đến gần với chúng ta hơn bao giờ hết.

Như tên gọi của nó, RX 7800 XT là phiên bản kế nhiệm của RX 6800 XT ra mắt cách đây đã 3 năm rồi. Cơ bản thì 2 chiếc card này cũng không khác nhau là mấy, hay nói một cách khác thì RX 7800 XT giống như là một bản “refresh” của RX 6800 XT. Còn chi tiết như thế nào, mời các bạn cùng GVN 360 bọn mình tìm hiểu ngay sau đây nhé.

Thông số kỹ thuật AMD Radeon RX 7800 XT:

  • Chip đồ hoạ: Navi 32
  • Kiến trúc: RDNA 3
  • Tiến trình: 5 nm (TSMC)
  • Xung nhịp cơ bản: 1295 MHz
  • Xung nhịp game: 2124 MHz
  • Xung nhịp boost: 2430 MHz
  • Bộ nhớ: 16 GB GDDR6 (256-bit)
  • TDP: 263W
  • Nguồn phụ: 2 x 8 pin
  • Giao tiếp: PCIe 4.0 x16
  • Giá tham khảo từ AMD: 499 USD

RX 7800 XT cũng sử dụng thiết kế chiplet giống với RX 7900 XTX và RX 7900 XT đầu bảng. Bên trong sẽ là 1 cái die lớn gọi là Graphics Chip Die chứa 60 compute units, tức là bằng 62,5% so với RX 7900 XTX. Về bộ nhớ đệm, RX 7800 XT cũng đi kèm với 4 Memory Cache Die, mỗi cái có giao tiếp bộ nhớ 64-bit và 16MB bộ nhớ đệm L2, tổng lại là có giao tiếp bộ nhớ 256-bit và 64MB bộ nhớ đệm L2. AMD trang bị cho chiếc card này VRAM 16GB GDDR6 với tốc độ 19,5 Gbps, tức là bằng 2/3 so với RX 7900 XTX.

Cơ bản mà nói thì với mức giá 499 USD, RX 7800 XT có mức giá bằng phân nửa so với RX 7900 XTX, nhưng lại được trang bị phần cứng nhiều bằng 2/3 chiếc card RX 7900 XTX. Suy ra, xét về mặt giá trị thì RX 7800 XT ngon hơn hẳn, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Còn so với thế hệ tiền nhiệm là RX 6800 XT, số nhân của RX 7800 XT đã bị giảm đi 17%, mặc dù xung nhịp nhân có cao hơn 8% đó. Tuy nhiên, được cái là hệ thống bộ nhớ của RX 7800 XT đã được cải thiện, cho nên nó cũng phần nào bù đắp được cho vụ số nhân bị giảm kia. Dung lượng của Infinity Cache bị giảm phân nửa, nhưng băng thông lại được tăng lên đến 63%. Bus vẫn là 256-bit, nhưng VRAM của RX 7800 XT lại có tốc độ nhanh hơn – 19,5 Gbps, giúp tăng băng thông bộ nhớ 22% so với card tiền nhiệm.

Với băng thông VRAM và bộ nhớ đệm lớn hơn, số nhân của RX 7800 XT tuy ít nhưng lại có thể làm việc cật lực hơn. Nhưng như mình có nói phía trên, RX 7800 XT cũng chỉ nhỉnh hơn RX 6800 XT trong phần lớn các game được test, chứ nó không phải là một bước ngoặt về mặt hiệu năng so với RX 6800 XT đâu nhé.

Nếu max setting những game AAA ở độ phân giải 2K là điều mà bạn muốn hướng đến, thì AMD RX 7800 XT chính là chiếc card mà bạn đang tìm

Phiên bản AMD RX 7800 XT mà GVN 360 bọn mình test trong bài viết này là phiên bản reference với thiết kế 2 quạt, nhìn cũng góc cạnh và khá là cứng cáp, giống như mấy con robot trong Armored Core VI: Fires of Rubicon vậy. Dàn test bench của bọn mình gồm những linh kiện sau:

  • CPU: AMD Ryzen 9 7900X
  • Tản nhiệt: ASUS ROG RYUO III 240 ARGB WHITE EDITION
  • RAM: 2 x 16 GB Kingston FURY Beast RGB DDR5-6000 (36-38-38)
  • Bo mạch chủ: ASUS ROG Crosshair X670E HERO
  • Card màn hình: AMD Radeon RX 7800 XT
  • SSD: 512GB Plextor M9P
  • PSU: FSP Hydro G PRO ATX3.0 (PCIe 5.0) 1000W
  • Hệ điều hành: Windows 11 Professional 64-bit 22H2
  • Driver: Adrenalin 23.9.1

3DMark Time Spy

3DMark Time Spy Extreme

3DMark Port Royal

Trong bài benchmark 3DMark Time Spy và 3DMark Time Spy Extreme, dàn bench đã đạt được số điểm lần lượt là 18.329 và 9134. Trong đó, điểm đồ họa (graphics score) lần lượt là 19.258 và 9080. Còn trong bài benchmark Port Royal dùng để kiểm tra hiệu năng ray tracing theo thời gian thực, dàn bench đạt được số điểm là 10.384.

Superposition Benchmark (4K Optimized)

Superposition Benchmark (1080p Extreme)

Với Superposition Benchmark 4K Optimized và 1080p Extreme, RX 7800 XT lần lượt đạt 13.901 và 10.235 điểm.

Shadow of the Tomb Raider

Shadow of the Tomb Raider – ray tracing ultra

Trong tựa game hành động phiêu lưu Shadow of the Tomb Raider, khi bật max setting ở độ phân giải 2K thì fps lên được 95 fps. Mức này tuy chưa đủ đối với màn hình 2K@120Hz hoặc 144Hz, nhưng nếu bạn xài màn hình 2K@60Hz hay 75Hz thì dư sức qua cầu. Đến khi bật ray tracing ở mức cao nhất là ultra thì RX 7800 XT có phần bị đuối sức. Do tựa game này không hỗ trợ công nghệ FSR, cho nên fps chỉ được có 68 fps thôi – tương đối an toàn cho màn hình 2K@60Hz, nhưng để đảm bảo hơn thì mình khuyên là bạn nên hạ mức ray tracing xuống nhé, kẻo lúc đang đọ súng căng thẳng mà fps bị tuột thì mood cũng tuột theo luôn đó.

Huyền thoại Street Fighter VI cũng không còn lạ gì với anh em nữa rồi. Cơ bản thì RX 7800 XT kéo 2K max setting con game này khỏe re, vì dù gì thì mấy trò đối kháng kiểu này cũng không đòi cấu hình phần cứng xịn sò gì mấy. Cũng cần lưu ý rằng Street Fighter VI bị giới hạn ở mức 120 fps (để đảm bảo tính cân bằng khi chơi xuyên nền tảng), cho nên bạn thấy mức fps trong hình ở trên không vượt quá 120 fps là vì vậy. Đổi lại, RX 7800 XT sẽ không phải è cổ ra để chạy 100%, nghĩa là nó sẽ bớt ngốn điện và sẽ mát hơn, quạt quay chậm hơn nên sẽ giảm thiểu độ ồn để bạn tập trung tung chiêu vào mặt đối phương.

Red Dead Redemption 2

Red Dead Redemption 2 – FSR 2.1 Quality

Red Dead Redemption 2 – FSR 2.1 Performance

Đến bom tấn Red Dead Redemption 2 thì quả thật tuy đã ra mắt được 5 năm rồi nhưng nó vẫn là một thước đo về hiệu năng trong thể loại thế giới mở. Dù không có ray tracing xịn sò, chuyện max setting 2K trò này vẫn là một thử thách lớn đối với RX 7800 XT, khi mà chiếc card này chỉ kéo được có 52 fps mà thôi. May mà Red Dead Redemption 2 có hỗ trợ FSR 2.1 nên mình bật lên luôn. Với chế độ Quality thì fps đã tăng lên thành 96 fps ngon lành, chơi với màn 2K@60Hz vô tư. Còn khi chuyển sang chế độ Quality thì fps đúng là có tăng lên 105 fps đó, nhưng cũng chưa đủ cho màn 2K@120Hz nên mình thấy chọn Quality là “ổn áp” về mặt hiệu năng lẫn chất lượng hình ảnh.

Call of Duty: Modern Warfare II

Call of Duty: Modern Warfare II – FSR 2.1 Quality

Tựa game bắn súng kinh điển Call of Duty: Modern Warfare II trước giờ không sát phần cứng, mặc dù hình ảnh trong game cũng chân thực và sinh động không kém gì những trò đòi hỏi cấu hình cao. Vì phần này không hỗ trợ ray tracing, nên RX 7800 XT có thể dễ dàng kéo max setting được 132 fps – quá hợp lý cho những ai xài màn hình 2K@120Hz. Còn nếu bạn xài màn hình có tần số quét cao hơn, như 144Hz chẳng hạn, thì nên bật thêm FSR để cải thiện hiệu năng nhé. Tùy nhu cầu mà bạn có thể chọn các chế độ từ Ultra Quality (ưu tiên chất lượng hình ảnh) cho đến Performance (ưu tiên hiệu năng), như trong bài test thì mình chọn thử thiết lập Quality, và RX 7800 XT đạt được 182 fps, phù hợp cho những chiếc màn hình 2K@165Hz.

Cyberpunk 2077

Cyberpunk 2077 – FSR Ultra Performance

Cyberpunk 2077 – ray tracing psycho

Cyberpunk 2077 – ray tracing psycho, FSR Ultra Performance

Hầu như bài test card nào cũng có sự xuất hiện của Cyberpunk 2077, cơ bản là vì nó được tích hợp đầy đủ các công nghệ đồ họa tiên tiến, cũng như là yêu cầu cấu hình của nó phải nói là thuộc hàng khủng các bạn ạ. Nói trò này sát cấu hình quả không sai một chút nào, khi mà RX 7800 XT chỉ kéo được có 63 fps mà thôi. Xài với màn 2K@60Hz thì được đó, nhưng vô mấy pha combat bùm chéo là fps bị tuột ngay, dễ mất hứng lắm. Mình có thử bật thêm FSR Ultra Performance (ưu tiên hiệu năng ở mức cao nhất) thì fps lúc này tăng gấp 2,8 lần, chạm ngưỡng 180 fps. Tất nhiên, hình ảnh lúc này sẽ không được bắt mắt như khi tắt FSR hoặc khi bật FSR ở chế độ Quality, nhưng nếu bạn muốn tận dụng tối đa con màn 2K@165Hz ở nhà thì Ultra Performance sẽ giúp bạn làm được điều đó.

Đến khi bật ray tracing ở mức cao nhất thì ôi thôi, fps còn có 24 fps nên không thể nào chấp nhận được. Bạn có thể hạ thiết lập ray tracing xuống hoặc tắt bớt các hiệu ứng ray tracing để cải thiện fps. Hoặc như mình là bật thêm FSR Ultra Performance luôn, và hiệu năng lúc này đã tăng vọt thành 88 fps mượt mà, tức là gấp tới 3,7 lần các bạn ạ. Tầm này thì đi với màn hình 2K@60Hz hay 75Hz là được rồi. Qua những kết quả trên, có thể thấy ngoài những thiết lập đồ họa thông thường ra, FSR cũng góp phần quan trọng trong việc quyết định hiệu năng cuối cùng khi chơi game, đặc biệt là đối với RX 7800 XT này đây.

AMD Radeon RX 7800 XT là sự lựa chọn đảm bảo cho tương lai 2K max setting về lâu về dài với VRAM 12GB GDDR6

RX 7800 XT sở hữu hiệu năng đủ để max setting những trò AAA hiện nay ở độ phân giải 2K với mức fps trên 60 fps, hoặc có thể cao hơn nếu bạn bật thêm FSR. Thêm vào đó, 12GB VRAM cũng giúp bạn an tâm hơn khi chiến những tựa game bom tấn sau này, khi mà xu hướng cho thấy chúng đang càng ngày càng ngốn nhiều VRAM hơn trước. Cộng với mức giá 499 USD – một con số tương đối dễ chịu tại thời điểm bài viết – RX 7800 XT sẽ là chiếc card đồ họa mà anh em game thủ nên săn đón nếu có ý định phá đảo thế giới ảo ở độ phân giải 1440p.

Một số hình ảnh khác của AMD Radeon RX 7700 XT:

Mời bạn tham khảo các dòng card AMD Radeon 7000 series đang bán tại GearVN:
https://gearvn.com/collections/radeon-rx

Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!

Mời các bạn xem thêm các thông tin liên quan tại GVN 360:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360