Tiền ít mà hít hàng thơm, nghe hơi điêu nhưng lại quá đúng với Ryzen 7 7800X3D.
AMD Ryzen 7 7800X3D là con CPU đơn giản dành cho những người đơn giản, muốn một con chip chơi game tốt nhất vào thời điểm hiện tại. Điều thú vị là khác với truyền thống “cái gì tốt nhất thường sẽ đắt nhất”, sản phẩm mới của đội đỏ lại có giá vô cùng hợp lý, chỉ 11.890.000 đồng theo website của GearVN. Ấy thế mà nó lại chơi game ngon hơn những đàn anh đắt tiền, thoạt nghe vô lý nhưng lại hợp lý vô cùng. Hợp lý thế nào thì mời bạn cùng GVN 360 bọn mình tìm hiểu ngay sau đây nha.
Thông số kỹ thuật CPU AMD Ryzen 7 7800X3D
- Socket: AM5
- Kiến trúc: Zen 4 + 3D V-Cache
- Tiến trình sản xuất: TSMC 5 nm FinFET
- Số nhân: 8
- Số luồng: 16
- Xung nhịp: Cơ bản 4,2 GHz, tối đa 5 GHz
- Bộ nhớ đệm L1: 512K
- Bộ nhớ đệm L2: 8 MB
- Bộ nhớ đệm L3: 96 MB
- PCIe: 5.0
- Điện năng tiêu thụ mặc định: 120W
- Bộ nhớ hỗ trợ: Dual-Channel DDR5
- iGPU: AMD Radeon Graphic 2 nhân
- Tản nhiệt kèm theo: không có
- Giá bán lẻ tham khảo: 11.890.000 đồng tại GearVN
AMD Ryzen 7 7800X3D – Đơn giản là CPU chơi game tốt nhất 2023
Trong cuộc sống, đôi lúc giải pháp đơn giản sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất và Ryzen 7 7800X3D là ví dụ điển hình. Là dòng CPU phân khúc “trung – cao” với duy nhất một mục tiêu là phục vụ gaming, Ryzen 7 7800X3D đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Thậm chí là tốt hơn cả những dòng đàn anh đắt tiền hơn như Ryzen 9 7900X3D và Ryzen 9 7950X3D, vốn phải gồng thêm “vài cái mục tiêu nữa”. Mọi chuyện xuất phát từ chính công nghệ 3D V-Cache, con át chủ bài của AMD trong các dòng CPU 7000X3D.
3D V-Cache nói một cách đơn giản là công nghệ cho phép AMD xếp chồng bộ nhớ đệm trực tiếp lên nhân CPU thay vì đặt cạnh như thiết kế truyền thống. Điều này giúp việc truy cập bộ nhớ đệm trở nên tối ưu hơn, đồng nghĩa với hiệu năng cũng cải thiện. Đây cũng chính là con át chủ bài giúp các dòng Ryzen 7000X3D của AMD cực kỳ hiệu quả khi chơi game. Tuy nhiên, công nghệ này cũng có một số hạn chế nhất định, một trong số đó là giới hạn 8 nhân cho một cụm CCD.
Thật ra vấn đề này không quá nghiêm trọng khi công nghệ 3D V-Cache ra mắt cùng với Ryzen 7 5800X3D, vì xét cho cùng thì đây cũng chỉ là một sản phẩm mang tính thử nghiệm. Tuy nhiên, với Ryzen 7000X3D thì khác, đội đỏ hơi tham lam khi muốn tung ra cả dòng Ryzen 9 tới tận 16 nhân. Giải pháp lúc này được đưa ra là bổ sung nhân thông qua một cụm CCD nữa, nhưng để giữ mức giá “dưới mặt đất” thì AMD quyết định là dùng kiến trúc thường chứ không xài 3D V-Cache. Lúc này chúng ta có trong tay 8 nhân hiệu suất cao nhờ sử dụng 3D V-Cache và 6 đến 12 nhân bình thường, việc cân bằng tải sẽ tuỳ theo tác vụ mà bạn sử dụng. Ryzen 9 7900X3D và Ryzen 9 7950X3D dĩ nhiên là vẫn sẽ toả sáng trong các tác vụ đòi hỏi nhân CPU nhiều, nhưng đối với gaming thì hoá ra 1 cụm CCD với 8 nhân 3D V-Cache vẫn là tối ưu nhất.
Như GVN 360 bọn mình đã chia sẻ ở trên, Ryzen 7 7800X3D là một CPU đơn giản (theo tiêu chuẩn của 7000X3D series) với chỉ duy nhất 1 cụm CCD 8 nhân tích hợp công nghệ 3D V-Cache. Điều này chẳng những giúp hạ giá thành (11.890.000 đồng so với 18.590.000 đồng của Ryzen 9 7950X3D và 15.890.000 đồng của Ryzen 9 7900X3D) mà còn giúp tối ưu khi chơi game – vốn ưu ái nhân mạnh hơn là nhiều nhân. Tuỳ theo tựa game mà bạn chơi, chênh lệch này có thể lên đến 5% so với các đàn anh đắt tiền. Vâng, tiền ít mà hít hàng thơm là đây chứ đâu.
“Hiệu năng + Điện năng + Chi phí” – combo tối ưu hoàn hảo mà Ryzen 7 7800X3D dành cho game thủ
Ngoài pha tự tay bóp đàn anh thì thật lòng mà nói team GVN 360 bọn mình rất ấn tượng với giá trị mà Ryzen 7 7800X3D mang lại cho game thủ. Đây là con CPU hiếm hoi tối ưu được cả 3 yếu tố: “Hiệu năng – Điện Năng – Chi phí”; bạn có tiền thì cứ đập vào thôi.
Phần hiệu năng thì như GVN 360 bọn mình đã chia sẻ ở trên, Ryzen 7 7800X3D là CPU tối ưu để chơi game và đó cũng là điều mà nó làm tốt nhất. Công bằng mà nói thì nó vẫn sẽ đáp ứng các tác vụ như chỉnh sửa ảnh, đồ họa, dựng phim,… nhưng về mức độ tối ưu thì dĩ nhiên là không bằng đàn anh Ryzen 9. Còn xét về chơi game thì với sức mạnh vượt trội như hiện tại, trong 3 đến 5 năm tới chắc bạn cũng chẳng cần phải suy nghĩ về việc nâng cấp CPU làm gì cho nặng đầu.
Một trong những điều thú vị mà ít người nhắc tới khi nói về CPU AMD đó chính là sự tối ưu về điện năng sử dụng. Do công nghệ 3D V-Cache chồng bộ nhớ đệm lên trực tiếp nhân CPU nên nó cực kỳ nhạy cảm về nhiệt độ, và điều này buộc đội đỏ phải tập trung vào hiệu suất sử dụng điện năng. Kết quả chúng ta có một con CPU hiệu năng cao nhưng TDP mặc định chỉ 120W, cực kỳ khiêm tốn so với CPU Ryzen 7000 series và đặc biệt là đội xanh (vốn cực kỳ ngốn điện). Ngoài việc tiết kiệm kha khá tiền điện, Ryzen 7 7800X3D cũng không đòi hỏi bạn phải đầu tư tản nhiệt quá cao. Dàn testbench của GVN 360 bọn mình xài tản nhiệt AIO 240mm vẫn chạy vi vu.
Tối ưu chi phí là một câu chuyện cũng thú vị không kém. Khi mới ra mắt thì nền tảng AM5 của đội đỏ bị chỉ trích khá nhiều do giá bo mạch chủ X670 quá cao và buộc phải xài DDR5 đắt đỏ. Nhưng thời thế giờ đổi thay rồi, thế hệ bo mạch chủ chipset B650 với giá chỉ từ 6 triệu đồng là khá đẹp để chơi chung với Ryzen 7 7800X3D. RAM DDR5 giờ cũng trở lại mặt đất rồi, chỉ cần từ 3 triệu là bạn đã ôm được 1 cặp 2 x 8GB DDR5 tại GearVN rồi.
Hiệu năng thực tế của Ryzen 7 7800X3D
Để đánh giá sức mạnh của Ryzen 7 7800X3D, GVN 360 bọn mình đã thiết lập dàn máy test với cấu hình như sau:
- CPU: AMD Ryzen 7 7800X3D
- Bo mạch chủ: ASUS ROG Crosshair X670E HERO
- RAM: 32 GB (2 x 16 GB) Trident Z5 Neo DDR5-6000 (CL30-38-38-96)
- GPU: GIGABYTE RTX 4070 GAMING OC 12G
- SSD: Plextor M9P Plus 512 GB
- Tản nhiệt: ASUS ROG RYUO III 240 ARGB WHITE EDITION
- Nguồn: FSP Hydro G PRO ATX3.0 (PCIe 5.0) 1000W
- Hệ điều hành: Windows 11 Professional 64-bit 22H2
- Driver: 531.42_gameready_win11_win10-dch_64bit_international
Trong dàn máy thử nghiệm thì bọn mình kết hợp Ryzen 7 7800X3D với GeForce RTX 4070, dòng GPU mới toanh của đội xanh. Tuy nhiên, về cơ bản thì với sức mạnh của bộ xử lý này, bạn có thể thoải mái ghép đôi với những dòng card đầu bảng như GeForce RTX 4090 hay Radeon 7900 XTX mà không lo nghẽn cổ chai CPU. Tương lai cũng khó nói trước, nhưng theo kinh nghiệm của bọn mình thì trong vòng 5 năm tới thì bạn hoàn toàn không cần phải lo về việc nâng cấp CPU cho dàn máy chơi game của mình.
Hiệu năng gaming max setting ở 2K với RTX 4070
Call of Duty: Modern Warfare 2 – 137 fps
Cyberpunk 2077 (Ray Tracing – ON/DLSS – OFF) – 35 fps
Cyberpunk 2077 (Ray Tracing – ON/DLSS – Quailty) – 63 fps
Cyberpunk 2077 (Ray Tracing: ON/DLSS – Ultra Performance/Framrate Generate – ON) – 175 fps
Red Dead Redemption 2 (DLSS – OFF) – 32 fps
Red Dead Redemption 2 (DLSS – Quality) – 70 fps
Red Dead Redemption 2 (DLSS – Performance) – 78 fps
Shadows of The Tomb Raider (DLSS – OFF) – 81 fps
Shadow of The Tomb Raider (DLSS – Quality) – 163 fps
Shadow of The Tomb Raider (DLSS – Ultra Performance) – 213 fps
3DMark TimeSpy – 13653 điểm CPU
Superposition – 13774 điểm
Không có gì bất ngờ khi Ryzen 7 7800X3D có thể kéo nhẹ nhàng 4070 qua tất cả các tựa game được test, và giới hạn giờ đây chỉ còn nằm ở GPU mà thôi. Như bọn mình cũng đã chia sẻ ở trên, ngay cả khi bắt cặp với các dòng đầu bảng hiện nay thì bạn cũng sẽ không cần phải lo về vấn đề thắt cổ chai.
Hiệu năng với các bài benchmark về công việc
Corona 1.3
Blender
Cinebench R23
Một phần là do ở GVN 360 bọn mình toàn là game thủ, nhưng ở góc độ trung lập mà nói thì Ryzen 7 7800X3D không phải là một con CPU sinh ra để làm việc chuyên nghiệp như đồ hoạ hay dựng phim. Dĩ nhiên là nó khá mạnh đấy, nhưng xét về p/p hoặc về hiệu năng thuần thì bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn, chẳng hạn như mấy con Ryzen 9 nhiều nhân.
Nhiệt độ hoạt động và điện năng tiêu thụ
Trước hết cần phải làm rõ là bài thử nghiệm này bọn mình đưa CPU vào thế phải làm hết công suất nhằm thể hiện cho bạn được nhiệt độ và điện năng tiêu thụ tối đa của nó. Trong thực tế thì mức độ tải khi chơi game đối với CPU nhẹ hơn rất nhiều, đồng nghĩa với nhiệt độ và điện năng tiêu thụ cũng thấp hơn.
Vui vẻ với Prime95, tản nhiệt AIO ASUS Ryuujin II 240 mm khá “nhàn hạ” khi nhiệt độ tối đa chỉ 71 độ C. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là vì một lý do nào đó mà xung nhịp của CPU chỉ đạt 4,3 GHz, khả năng cao là do phần mềm Prime95 chưa tối ưu cho kiến trúc mới.
Qua Cinebench thì mọi chuyện có vẻ tối ưu khi xung nhịp tất cả các nhân đạt 4,7 GHz, mức nhiệt độ lúc này vừa chạm ngưỡng 89 độ C. Điều quan trọng là HWInfo vẫn xác định CPU không bị bóp xung. Chúng ta có thể kết luận là Ryzen 7 7800X3D là một CPU khá dễ chịu về mặt nhiệt độ, và bạn chỉ cần tản AIO 240 mm là đủ để cân rồi. Thực tế nếu bạn dùng để chơi game thì nhiệt độ sẽ còn thấp hơn.
Ryzen 7 7800X3D dành cho ai?
CPU mới nhất của đội đỏ đơn giản là sinh ra dành cho game thủ, những bạn muốn CPU tốt nhất để chơi game vào thời điểm hiện tại. Kết hợp với mức giá khá dễ chịu, không kén tản nhiệt và tiết kiệm điện năng; chúng ta thật sự có một sự lựa chọn gần như là hoàn hảo.
Ryzen 7 7800X3D nói riêng và Ryzen 7000X3D series nói chung một lần nữa cho thấy AMD đang đi đúng hướng và mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng. Trong đó game thủ đang là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Nếu bạn có hứng thú ủng hộ đội đỏ thì có thể tham khảo mua sắm tại GearVN nhé, công ty mẹ của bọn mình là một trong những nhà bán lẻ máy tính gaming hàng đầu tại Việt Nam. Với các sản phẩm máy tính chính hãng đa dạng cùng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, bọn mình tin là bạn sẽ tìm được dàn máy phù hợp với mình tại GearVN.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Tuy AMD không cho phép nhưng vẫn có người ép xung Ryzen 7 7800X3D lên tới 5,4 GHz
- AMD Ryzen 9 7950X3D – Rất mạnh và rất mát!
- Mua AMD Ryzen 7 7700 8 nhân 16 luồng được luôn tản cao cấp Wraith Prism RGB với giá chưa đến 9 triệu đồng
- AMD Ryzen 5 7600 giá 6.300.000 VNĐ đã giúp đưa nền tảng AM5 đến gần với game thủ hơn bao giờ hết
- Đặt chân lên AM5 – nền tảng của tương lai – với AMD Ryzen 5 7600X giá chỉ 7.990.000 VNĐ
- AMD Ryzen 9 7900X và câu chuyện tối ưu chi phí cho tương lai
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!