Phần củ loa phía trên trong tai nghe giúp tạo ra âm thanh. Nhưng không phải củ loa nào cũng giống nhau và nó có thể tạo trải nghiệm khác biệt hẳn hoi đấy nhé.
Việc chọn lựa một chiếc tai nghe tốt trong hằng hà sa số sản phẩm trên thị trường sẽ là một điều khá tốn thời gian, nhất là đối với những bạn không quá am hiểu về âm thanh. Có rất nhiều thứ cần phải cân nhắc, từ sự thoải mái cho đến kích thước, thiết kế của tai nghe. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất khi lựa chọn một chiếc tai nghe ưng ý là cách mà nó tái tạo âm thanh và có đáng với số tiền mà bạn bỏ ra hay không.
Nhưng làm cách nào để biết tai nghe nào nghe tốt hơn mà không cần phải trực tiếp đeo thử? Đó là lúc chúng ta cần xem xét đến phần củ loa. Tuy rằng cách tốt nhất để kiểm nghiệm vẫn là đeo vào nghe thử, nhưng việc xem xét củ loa có thể giúp chúng ta biết phần nào về chất lượng của âm thanh đó. Mời các bạn cùng GVN 360 bọn mình tìm hiểu nhé.
Củ loa tai nghe là linh kiện tạo ra âm thanh
Trước hết, chúng ta cần phải biết tai nghe hoạt động như thế nào đã. Củ loa của tai nghe là phần linh kiện tạo ra âm thanh để cho chúng ta nghe. Ví dụ khi bạn cắm tai nghe vào máy và bật một bài nhạc lên, thiết bị của bạn sẽ chuyển file nhạc kỹ thuật số đó sang tín hiệu điện analog. Sau đó, tai nghe sẽ chuyển các tín hiệu điện này thành sóng âm thanh nghe được bằng cách làm rung một tấm phim mỏng bên trong củ loa, gọi là màng diaphragm.
Đối với tai nghe không dây thì tín hiệu điện sẽ chuyển thành sóng vô tuyến. Tai nghe của bạn sẽ nhận các sóng vô tuyến này và chuyển chúng trở lại thành tín hiệu điện. Lúc này thì củ loa sẽ làm nốt phần còn lại như đã đề cập trong đoạn trên.
Các loại củ loa và cách chúng hoạt động
Có 6 loại củ loa phổ biến. Mỗi loại sẽ dùng cơ chế khác nhau để chuyển tín hiệu điện thành sóng âm thanh. Chất lượng âm thanh tái tạo được và chi phí sản xuất sẽ phụ thuộc vào chất liệu và cơ chế mà những củ loa này sử dụng.
1. Dynamic hoặc Moving Coil
Củ loa dynamic có 3 thành phần chính: nam châm, voice coil, và một màng diaphragm. Voice coil là là một cuộn dây đồng giúp truyền tín hiệu điện. Cuộn dây này sau khi được tích điện sẽ tương tác với từ trường của nam châm để tạo ra một trường điện từ (electromagnetic field).
Tùy vào bản chất âm thanh mà voice coil sẽ rung cùng với màng diaphragm. Sự chuyển động nhanh chóng này gây ra sự dịch chuyển không khí, tạo ra các sóng âm thanh. Không khí bị dịch chuyển càng nhiều thì âm thanh càng to.
Củ loa dynamic là loại phổ biến nhất và có thể được tìm thấy trong earphone In-Ear Monitor, earbuds, và headphones. Chúng cần ít năng lượng và bộ khuếch đại (amplification) để hoạt động, cho nên giá thành khá là dễ tiếp cận. Củ loa dynamic phát huy tác dụng tốt nhất khi tạo ra âm thanh trầm (bass) lớn với đặc tính nghe ấm.
Nếu bạn thích nghe nhạc EDM hoặc hip-hop thì tai nghe trang bị củ loa dynamic sẽ phù hợp với bạn. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là âm lượng càng lớn thì âm thanh sẽ càng bị biến dạng, và đối với các tần số cao thì nó không thể tải tạo tốt cho lắm. Dù là thế, củ loa dynamic chất lượng cao được thiết kế tỉ mỉ vẫn cho ra âm thanh rất ấn tượng đó nha.
2. Balanced Armature
Củ loa balanced armature sử dụng cơ chế treo lơ lửng “cánh tay” bằng kim loại bên trong một cuộn dây. Hai thứ này được cân bằng giữa 2 nam châm, và màng diaphragm được gắn vào cánh tay kia. Khi dòng điện đi qua cuộn dây điện thì cánh tay sẽ trở thành nam châm điện và sẽ đẩy/hút 2 cái nam châm kia.
Việc cánh tay này dịch chuyển sẽ khiến màng diaphragm rung động, tạo ra các sóng âm thanh. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý là những củ loa này sẽ không làm dịch chuyển không khí, cho nên phần bass của nó sẽ không được mạnh cho lắm.
So với củ loa dynamic, balanced armature sẽ nhỏ hơn và có thể tái tạo âm thanh ở tần số cao tốt hơn. Thực ra, ban đầu chúng được thiết kế với mục đích làm tai nghe trợ thính, nhưng sau đó bắt đầu xuất hiện trong ngành âm thanh nhờ có những điểm mạnh đáng chú ý. Phần lớn củ loa loại này được dùng trong In-Ear Monitor.
Do cơ chế phức tạp nên chi phí sản xuất của chúng sẽ cao hơn là củ loa dynamic. Nhưng nếu bạn nghe nhạc và chú tâm đến những chi tiết và độ trong trẻo của âm thanh thì balanced armature sẽ không làm bạn thất vọng đâu nhé.
3. Planar Magnetic
Củ loa planar magnetic có cơ chế khá là giống với loại dynamic, nhưng khác ở chỗ là thay vì từ hóa (magnetize) cuộn voice coil, màng diaphragm có hình chiếc dĩa được gắn vào cuộn dây sẽ được từ hóa. Màng diaphragm này được đặt chính giữa các nam châm, và khi tín hiệu điện được truyền qua nó thì màng diaphragm sẽ bắt đầu chuyển động bên trong từ trường.
Việc đẩy/hút màng diaphragm này sẽ làm dịch chuyển không khí, tạo ra các sóng âm thanh. Những củ loa này cần thêm nam châm, hoặc là cần nam châm mạnh để có thể từ hóa màng diaphragm một cách đồng đều. Điều này khiến tai nghe planar magnetic cồng kềnh, đắt tiền, và thích hợp để xài trong nhà nhiều hơn.
Củ loa planar dùng nam châm lớn và làm dịch chuyển nhiều không khí hơn, tạo ra âm thanh bass nghe có lực và chính xác hơn so với củ loa dynamic. Do màng diaphragm phẳng nên âm thanh ít bị nhiễu hơn, và chúng cũng tái tạo âm thanh ở tần số cao tốt hơn. Nếu bạn sẵn sàng đầu tư nhiều hơn so với tai nghe dynamic thì tai nghe planar magnetic sẽ là lựa chọn hợp lý nhé.
4. Electrostatic
Củ loa electrostatic sử dụng cơ chế khác với các loại trên. Nó có 2 tấm kim loại với các khoảng trống nhỏ cho không khí và một màng diaphragm hoặc membrane. Màng diaphragm được đặt chính giữa những tấm kim loại này.
Khi tín hiệu điện truyền qua các tấm kim loại, điện tích của chúng sẽ luân phiên giữa dương và âm. Nhờ vậy, màng diaphragm sẽ di chuyển qua lại giữa các tấm kim loại, làm dịch chuyển không khí và tạo ra âm thanh. Vì trên các bề mặt kim loại không có sự dịch chuyển nào cả nên âm thanh ít bị nhiễu hơn.
Củ loa electrostatic có khả năng tạo ra âm thanh nghe tự nhiên và thực tế hơn so với các loại củ loa khác, cho nên những ai thích âm thanh chân thực thì nên cân nhắc tai nghe electrostatic nhé. Tuy nhiên, củ loa này cần phải khuếch đại nhiều, cho nên giá thành của chúng không dễ tiếp cận cho lắm.
5. Magnetostriction hoặc Bone Conduction
Tất cả củ loa ở trên đều làm rung màng diaphragm để tạo ra sóng âm thanh truyền đến lỗ tai của chúng ta. Tuy nhiên, củ loa dạng bone conduction (truyền qua xương) sẽ làm rung phần xương thái dương để truyền rung động vào tai trong (inner ear) chứ không thông qua màng nhĩ nữa.
Củ loa dạng này tận dụng tính chất áp điện (piezoelectric) của xương, cho phép những rung động được truyền qua chúng. Một lợi thế lớn của những củ loa này là chúng có thể được sử dụng bởi những người gặp khó khăn về thính giác ở tai giữa, vì thế nên tai nghe dạng này còn được dùng để trợ thính.
Vì tai nghe dạng bone conduction không chặn lỗ tai nên bạn vẫn có thể nghe được âm thanh từ môi trường xung quanh. Điều này cũng khá là tiện lợi khi bạn đang trong những lúc cần nghe ngóng các thứ đang diễn ra xung quanh. Chẳng hạn, bạn không cần phải dừng phát nhạc hoặc gỡ tai nghe mà vẫn có thể nghe được những thứ xung quanh.
Tai nghẹ dạng này còn được dùng trong quân sự để nhận mệnh lệnh mà không bị xao nhãng khỏi tình huống trước mắt. Tuy nhiên, về mặt chất lượng âm thanh thì củ loa bone conduction không có cửa để so với những củ loa truyền thống đâu nhé.
6. Củ loa dạng lai (Hybrid)
Vì một số củ loa không thể tái tạo tốt âm thanh ở các tần số nhất định, cho nên nếu dùng chỉ 1 loại củ loa thôi thì sẽ không đủ. Đây là lúc củ loa dạng lai tỏa sáng các bạn ạ. Các mẫu tai nghe được trang bị 2 hoặc nhiều loại củ loa được cho là dùng thiết kế theo kiểu lai. Chúng thường sẽ bổ trợ cho nhau, điểm yếu của loại này sẽ là điểm mạnh của loại kia, giúp tạo ra âm thanh tốt hơn ở nhiều tần số khác nhau.
Vậy bạn nên chọn củ loa loại nào?
Khi chọn tai nghe, chất lượng âm thanh chính là một trong những yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cân nhắc đến chuyện giá thành và độ thoải mái, tiện dụng nữa nhé. Củ loa dynamic thì dễ tiếp cận với chất lượng tốt trong tầm giá. Còn nếu bạn là audiophile và muốn nghe âm thanh thật là chân thực thì tai nghe electrostatic là tốt nhất (nếu tiền không phải là vấn đề). Còn nếu bạn muốn nghe âm thanh hay hơn mà không phải đầu tư quá nhiều thì có thể chọn planar magnetic, balanced armature, và loại củ loa dạng lai nhé.
Chúc các bạn tìm được tai nghe ưng ý!
Mời các bạn tham khảo một số mẫu tai nghe đang có bán tại GearVN: GearVN tai nghe
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Ưu nhược của loa và tai nghe khi học online
- Ưu nhược của tai nghe gaming có dây và không dây
- Tai nghe gaming bọc vải và tai nghe bọc da – Ưu và nhược điểm
- Hướng dẫn sử dụng 1 PC cùng lúc phát 2 bài nhạc khác nhau ra tai nghe và loa
- Hướng dẫn tự động tắt tiếng laptop khi rút tai nghe, yên tâm học tập không sợ phiền người xung quanh
- Tai nghe true wireless là gì ? Vì sao bạn nên sở hữu một cặp cho riêng mình
- Đừng lo lắng về độ trễ trên tai nghe gaming không dây nữa, nó chẳng có thật đâu!
- Gác tai nghe trên màn hình có làm nó hư?
- Vì sao người nhạy cảm lại đau tai khi đeo tai nghe chống ồn? Đây là câu trả lời cho các bạn
- Tai nghe dù có RGB thì cũng không nhìn được, thế có để làm gì?
- Tai nghe bị bong da – Cơn ác mộng và cách khắc phục
- Giả lập 7.1 là gì? Game thủ có thực sự cần tai nghe có giả lập 7.1?
Nguồn: MakeUseOf
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!