Bo mạch chủ tăng giá do lạm phát là điều bình thường, nhưng đằng này nó còn cao hơn cả mức lạm phát luôn các bạn ạ.
Nếu bạn lên kế hoạch ráp 1 dàn PC thì sẽ thấy rằng bây giờ đang có rất nhiều bo mạch chủ cho bạn lựa chọn. Và cũng như GPU, bo mạch chủ bây giờ càng ngày càng được trang bị nhiều công nghệ và tính năng, vì thế nên giá của nó cũng trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Tuy nhiên, đáng lẽ ra bo mạch chủ không đắt tới mức đó các bạn ạ.
Giá bo mạch chủ ngày trước hợp lý hơn nhiều
Lấy ví dụ như bo mạch chủ GA-990FXA-UD3 (socket AM3) được Gigabyte ra mắt vào tháng 7/2011. Có thể nói đây là một trong những bo mạch chủ được lòng người dùng nhất thời bấy giờ vì nó có mức hiệu năng trên giá thành vô cùng hợp lý. Nói cách khác, các tính năng được tích hợp trên bo mạch chủ này rất là tương xứng với số tiền mà bạn phải bỏ ra, và nó có đủ những thứ mà bạn cần: 6 khe PCIe, 4 khe RAM DDR3, và đến phiên bản rev. 3.0 (hoặc mới hơn) thì nó rất là bền bỉ. Hồi đó nó chỉ tầm trên dưới 100 USD thôi các bạn ạ, còn nếu tính theo giá bây giờ (đã tính lạm phát) thì GA-990FXA-UD3 sẽ rơi vào tầm 131 USD.
Tiếp đến là 1 dòng bo mạch chủ cực kỳ đắt đỏ: MSI MPower. Thời đó, MSI chỉ có 3 phân khúc bo mạch chủ mà thôi, bao gồm gaming (có tông màu đỏ làm chủ đạo), làm việc (có tông màu lam làm chủ đạo), và ép xung (có tông màu vàng làm chủ đạo). MSI Z97 MPower được thiết kế dành cho dân ép xung nên nó sẽ nặng hơn nhiều so với mấy dòng bo mạch chủ phổ thông khác. Giá của nó vào thời đó là tầm 280 USD, còn tính theo giá bây giờ sẽ là khoảng 356 USD. Ngoài ra, còn một điều thú vị nữa là giá của bo mạch chủ được quảng bá bao nhiêu là chúng được bán ra với giá bấy nhiêu, không hơn không kém.
Còn nếu bạn muốn tìm mua bo mạch chủ độc lạ hơn thì sẽ có EVGA Classified SR-2. Nó được trang bị tới 2 socket CPU và hàng tá tính năng xịn sò khác, với mức giá là 569 USD (tính theo giá ngày nay là 788 USD). Rất nhiều tờ báo nói rằng bo mạch chủ này quá đắt, nhưng cũng đúng thôi vì EVGA Classified SR-2 quá độc mà.
Giá bo mạch chủ bây giờ nhiều cái đủ để ráp nguyên dàn PC cao cấp ngày trước
Bây giờ thì chúng ta có ASUS ROG CROSSHAIR X670E HERO (socket AM5) với cấu hình chưa phải là hàng top nhưng giá của nó đã lên tới 700 USD. 700 USD cho một cái bo mạch chủ quả thật là một con số khó có thể chấp nhận được.
Cũng socket AM5, chúng ta có ASUS ROG CROSSHAIR X670E EXTREME với giá bán lẻ đề xuất là 1200 USD (tại thời điểm bài viết thì nó có giá tầm 1000 USD). Cơ bản mà nói thì chi phí bỏ ra để mua 1 cái bo mạch chủ ASUS ROG CROSSHAIR X670E EXTREME đủ để ráp nguyên dàn PC trang bị MSI Z97 MPower thời đó. Vậy tại sao chúng ta lại phải đối diện với sự thật này?
Lý do bo mạch chủ trở nên đắt đỏ như bây giờ không liên quan gì đến chipset hay giá cả của chipset. Nó cũng không hẳn là liên quan tới chất lượng của linh kiện trên bo mạch chủ, vì từ thời Gigabyte Ultra Durable (UD) và MSI MPower là họ đã xài tụ rắn (solid capacitor) của Nhật Bản, bảng mạch nhiều lớp (layer), cuộn cảm (choke) xịn rồi. Bản thân những món linh kiện đó không khiến cho bo mạch chủ tăng giá gấp 3 hay gấp 4 lần. Mà thực chất, cái chúng ta thấy bây giờ đó chính là sự cạnh tranh giữa các hãng bo mạch chủ với nhau. Hãng này quảng bá là có nhiều tính năng hơn hãng kia, cứ thế khiến giá thành của bo mạch chủ tăng vọt.
Các hãng bo mạch chủ chạy đua vũ trang khiến giá thành tăng vọt
Mấy bo mạch chủ tầm 10 năm về trước chẳng hề có khe M.2 NVMe, và thời đó cũng chỉ mới bắt đầu có header USB 3.0 trên bo mạch chủ mà thôi. Dần dần, các hãng bắt đầu so nhau về các tính năng bổ sung như đèn LED RGB (có cái còn được trang bị màn hình OLED), màn hình hiện mã Q-Code, header để đo điện áp theo thời gian thực, nhiều khe M.2 và cổng USB 3.0, tích hợp cổng USB-C và Thunderbolt, sử dụng PCB nhiều lớp hơn, vân vân. Và thế là giá của bo mạch chủ bắt đầu leo thang.
Đến một thời điểm, các hãng bo mạch chủ tìm cách thuyết phục người dùng rằng họ cần phải mua những sản phẩm cao cấp để có trải nghiệm tốt nhất.
Bo mạch chủ ngày nay vẫn có cái có mức giá vừa phải, nhưng xét về p/p thì không còn “thơm” như ngày trước
Vẫn có những bo mạch chủ đủ để bạn ráp một dàn PC ngon mà không khiến bạn bị cháy túi, chẳng hạn như ASUS TUF GAMING Z690-PLUS D4 sử dụng RAM DDR4 vốn có mức giá thấp hơn nhiều so với DDR5, không có những miếng giáp bự chảng che hết bo mạch chủ, và nó có giá 269 USD.
Khoảng chục năm trước, bo mạch chủ giá tầm 79 USD (tính theo giá bây giờ là 103 USD) thu hút sự chú ý của rất nhiều người dùng, do nó làm đúng chức năng của bo mạch chủ: bạn kết nối đủ các món linh kiện, bật nó lên, chấm hết. Còn bây giờ, bạn bỏ tới 269 USD ra để mua một cái bo mạch chủ cũng “na ná” như vậy (không có LED RGB, không có màn hình Q-Code,…). Trong khi 269 USD ngày trước đủ để mua bo mạch chủ đỉnh của đỉnh luôn rồi.
Một ví dụ khác là bo mạch chủ MSI MPG Edge. Nó cũng không có màn hình Q-Code, không có màn hình OLED, không có mấy tính năng màu mè hoa lá hẹ, bù lại thì nó có nhiều cổng SATA, có header USB-C và USB 3.0, 4 khe RAM, nhiều header cắm quạt và header cho đèn RGB, hỗ trợ Core i9-13900K với tính năng ép xung, và nó có giá 299 USD. Đó là chưa kể bo mạch chủ này có tới 2 phiên bản: tích hợp WiFi và không tích hợp WiFi, trong khi đáng lý ra tầm giá này là mặc định phải có WiFi sẵn luôn rồi. Với quy mô của các hãng bo mạch chủ lớn thì việc tích hợp thêm WiFi sẽ chẳng khiến chi phí đội lên thêm bao nhiêu cả.
Bo mạch chủ sẽ càng ngày càng đắt, và chúng ta phải chấp nhận sự thật này
Nhìn chung, xu hướng bo mạch chủ càng ngày càng đắt đỏ là điều chẳng hề vui vẻ một chút nào. Ai cũng nên ráp một dàn PC cho riêng mình, nhưng vấn đề ở đây là mấy bo mạch chủ bình dân ngày nay đang được bán với mức giá gần bằng với giá của những bo mạch chủ cao cấp 10 năm về trước. Đây không chỉ là lạm phát thông thường nữa mà nó là lạm phát theo kiểu “cố tình” luôn rồi. Bằng chứng là nếu tính theo lạm phát thông thường thì mức giá của mấy bo mạch chủ ngày nay không thể nào mắc đến vậy.
Đúng là chúng ta vẫn có dòng bo mạch chủ B series bình dân đó (cả AMD lẫn Intel), nhưng sự thật là phân khúc đó bây giờ không có nhiều sự lựa chọn cho lắm nếu so với dòng Z, vả lại các hãng cũng tập trung quảng bá cho bo mạch chủ dòng Z nhiều hơn là dòng B. Đó là chưa kể khoảng cách giá giữa 2 dòng này cũng không quá lớn, khiến chúng ta có xu hướng mua luôn dòng Z vì nó có thêm tính năng mà chẳng mắc hơn bao nhiêu so với dòng B.
Vì thế cho nên khi bạn quẹo lựa bo mạch chủ, hãy xem xét sản phẩm thật kỹ để quyết định là mình có cần những tính năng bổ trợ hay không. Nếu không thì bạn có thể cân nhắc chọn bo mạch chủ tầm 250 USD để dồn tiền cho những linh kiện khác như CPU hay GPU để có hiệu năng tốt hơn nhé. Để quẹo lựa những mẫu bo mạch chủ mới nhất, cũng như là mức giá và chương trình khuyến mãi hấp dẫn thì các bạn có thể tham khảo tại cửa hàng GearVN nhé.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Ráp dàn AMD Zen 4 chưa bao giờ dễ dàng đến thế với bo mạch chủ A620 giá chỉ 85 đô
- Đây là tỷ lệ lỗi và thời gian bảo hành của các hãng card đồ họa lẫn bo mạch chủ trong 2 năm qua
Nguồn: JayzTwoCents
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!