Thế giới có đủ loại người, và dân công nghệ cũng vậy

Sau đây là 6 kiểu dân công nghệ mà theo mình là điển hình nhất.

Các “đấng”

Đặc điểm nhận dạng: OverClock, mod BIOS, Nitơ lỏng, phím cơ custom… Đối với người bình thường thì họ toàn nói chuyện cứ như là “trên hành tinh khác” vậy.

Đây là những người đàn anh, những dân công nghệ đúng nghĩa nhất trong giới công nghệ. Có thể họ không xinh trai đẹp gái như các streamer, họ cũng không nổi tiếng như các KOL nhưng nếu tham gia các hội nhóm công nghệ đủ lâu thì bạn sẽ biết đến họ. Mấy ông anh này thường thích viết những bài viết chia sẻ kiến thức của mình, chúng thường hơi “khô” nhưng cực kỳ giá trị đối với những người thực sự đam mê, có những câu chuyện rất hay mà chỉ những người dùng và test rất nhiều hàng công nghệ mới có thể kể ra cho bạn.

Trong thời đại ngày nay, thời đại mà thông tin công nghệ đã bị “loãng” đi rất nhiều so với những năm về trước thì họ chính là những viên ngọc sáng, những người có đam mê thuần khiết nhất, dẫn dắt thế hệ dân công nghệ trẻ chúng ta.

Rich kid

Đặc điểm nhận dạng: Tản nước custom, full ROG, full Aorus, Alienware, i9 9900K, RTX 2080 Ti…

Chơi game không cần nhìn cấu hình, đi mua phần cứng thì không nhìn giá, hốt game không đợi sale… đó là những gì mà mình muốn nói về dạng dân công nghệ này. Họ là những người có điều kiện kinh tế mạnh và phát cuồng với những công nghệ tối tân nhất. Họ luôn có những phần cứng mới nhất, xịn nhất, đỉnh nhất và những góc gaming được mọi người ngưỡng mộ. Ngoài ra, mấy thanh niên này cũng rất thích khoe (dĩ nhiên rồi, ai có đồ tốt mà không muốn khoe chứ?), vì thế nên người ngưỡng mộ họ rất nhiều mà người ghét cũng nhiều luôn.

Newbie

Đặc điểm nhận dạng: “anh em cho mình hỏi ngu cái”, “Card này có kéo nổi màn 144Hz không?”, “CPU nọ có đi với card kia được không?”

Đây là mấy thanh niên mới bắt chập chững bước vào “cuộc chơi”, rất “gà mờ” và chưa có đủ kiến thức nền để tìm hiểu thêm về công nghệ nên sẽ thường xuyên “hỏi ngu” trên các hội nhóm công nghệ. Thường thì mấy bạn này rất dễ trở thành mục tiêu của bọn lừa đảo do thiếu kiến thức nền và cả kinh nghiệm mua hàng cũ nữa. Nếu bạn thuộc kiểu dân công nghệ này thì mình khuyên là hãy hết sức cẩn thận trước những “kèo thơm” trên facebook, dân trong ngành lâu năm có khi còn bị “thuốc” huống chi là bạn.

Kẻ chăn “gà”

Đặc điểm nhận dạng: “Giá cả Inbox”

“Chăn gà” là một từ lóng, chỉ những người lợi dụng lỗ hổng kiến thức và niềm tin của newbie để trục lợi bất chính. Thường là bán đồ vừa cũ vừa “cùi” với giá cắt cổ. “Không công khai giá chưa chắc là “chăn gà” nhưng chăn gà thì chắc chắn không bao giờ công khai giá”. Với việc không để công khai giá cả cho những món hàng của mình, mấy “ông thần” này sẽ dấu được mức giá cắt cổ của mình khỏi ánh mắt của những người có trình độ và dễ dàng dụ dỗ con mồi hơn.

Vì hành vi “chăn gà” cũng có thể tính như một dạng lừa đảo nên thành phần này bị cộng đồng lên án rất gay gắt, thế nên chúng thường “ẩn nấp” rất kỹ và không dễ bị phát hiện. Một lần nữa mình khuyên anh em nên cực kỳ cảnh giác với những lời mời gọi hấp dẫn trên mạng nhé, trừ khi là bạn cực kỳ tự tin với kinh nghiệm của mình.

Keyboard Hero

Đặc điểm nhận dạng: “580 không có cửa ăn 1060 đâu nhá”, “so kèo kiến thức không?”

Mấy thanh niên này thường là những người “khơi nguồn cảm hứng” cho những trận drama căng thẳng và dài hơi bất tận trên facebook. Kiến thức của họ có thể đúng, cũng có thể sai nhưng chắc chắn chỉ cần họ bắt đầu một cuộc tranh luận thì họ phải thắng cho bằng được. Tốt nhất là khi thấy mấy thanh niên này thì bạn đừng nên dây vào họ, tranh luận với họ không giúp bạn có thêm kiến thức, thay vào đó hãy theo dõi mấy ông anh mà mình nhắc đến trên đầu bài viết, điều đó sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn cho bạn.

Bánh bèo

Đặc điểm nhận dạng: Suốt ngày khoe smartphone, smartwatch, MacBook nhưng… chẳng biết gì về chúng cả!

Khi một từ ngữ trở nên quá hot và phổ biến thì việc nó bị lạm dụng cũng là điều khó tránh khỏi, và từ mà mình muốn nói đến ở đây là từ “dân công nghệ”. Đã là dân công nghệ thì phải biết dùng đồ công nghệ nhưng không phải ai dùng đồ công nghệ nhiều cũng nên được gọi là dân công nghệ. Số là mình có mấy nhỏ bạn, đứa nào cũng cuồng sản phẩm công nghệ cao cả smartphone cả.

Kết quả hình ảnh cho taking selfie

Tuy nhiên, không có một đứa nào biết gì về máy tính cũng như những thứ ngoài tên mã của smartphone, smartwatch, tablet cả. Thậm chí mấy cô nàng này còn không biết điện thoại của dùng chip Snapdragon, Exynos nữa cơ. Vậy mà đứa nào cũng xem mình như những “dân công nghệ chân chính” và không xem dân PC là dân công nghệ. Mình đã cố giải thích là dân công nghệ có rất nhiều dạng, không chỉ riêng kiểu người như tụi nó. Kết quả là mình bị coi như một gã lạc hậu do mình vẫn dùng con Mi Note 3 (bản 6GB) thay vì iPhone X, iPhone 11 như tụi nó. Riết rồi mình chán quá không thèm nói nữa luôn.


Đây là những kiểu dân công nghệ tiêu biểu nhất mà mình từng gặp, còn bạn, bạn có đồng ý với mình không? Nếu có thì cho mình biết nhé (hy vọng mấy nhỏ bạn của mình cũng thấy).