Các tiêu chuẩn chung được đặt ra cho phần cứng máy tính desktop chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm cho chúng trở nên tuyệt vời. Nhờ có chúng mà các linh kiện khác nhau có thể kết hợp lại một cách dễ dàng và mang đến khả năng tùy biến cho desktop.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một trong các tiêu chuẩn như vậy, đó là 3 chuẩn kích thước mainboard phổ biến nhất dành cho người dùng phổ thông.
Các chuẩn kích thước phổ biến
Có nhiều chuẩn kích thước khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là 3 cỡ là ATX, MicroATX và Mini-ITX. Hầu hết những mẫu mainboard dành cho người dùng phổ thông sẽ nằm vào một trong 3 cỡ mainboard này. Do các tiêu chuẩn chung mà các cỡ mainboard khác nhau đều có thể gắn được cùng một loại linh kiện. Ví dụ như bạn có thể gắn cùng CPU, RAM, nguồn và ổ cứng giống nhau vào tất cả các chuẩn kích thước mainboard này.
Tuy nhiên sự khác biệt về kích thước cũng mang đến những điểm thú vị trong cách mà bạn chọn mainboard vì chúng sẽ ảnh hưởng nhiều đến hình dạng cũng những như một số tính năng nhất định của toàn hệ thống.
Ý nghĩa của các chuẩn kích thước mainboard
Cỡ ATX được Intel giới thiệu vào năm 1995 và cho đến hiện nay nó vẫn có nhiều ưu thế cho phân khúc dành cho người dùng phổ thông. Đây là cỡ mainboard tiêu chuẩn và lớn nhất trong 3 cỡ mainboard mà chúng ta nói đến trong bài viết này. Nó có kích thước chính xác là 12 x 9,6 inch (30,5 x 24,4 cm). ATX sẽ có thể có tối đa đến 6 khe PCIe để bạn có thể cắm card tẹt ga. Phiên bản mở rộng của ATX là EATX có đến tối đa 7 khe PCIe, tuy nhiên size này thường dành cho máy server và những hệ thống PC cao cấp, nằm ngoài phạm vi bài viết này nên chúng ta sẽ không nói đến.
Chuẩn MicroATX ra đời năm 1997, nhỏ gọn hơn ATX nhưng vẫn tương đối đầy đủ tính năng cho người dùng cơ bản, có kích thước 9.6 × 9.6 inch (24,4 × 24,4 cm) , có tối đa 4 khe PCIe.
Cuối cùng chúng ra có chuẩn Mini-ITX, được phát triển và cho ra mắt bởi Via Technologies vào năm 2001, là cỡ nhỏ nhất trong số 3 cỡ mainboard mà chúng ta nói đến, có kích thước chỉ 6,7 x 6,7 inch. (17 x 17 cm). Nó chỉ có 2 khe RAM và một khe cắm card đồ họa duy nhất.
Trường hợp nào? sử dụng cái gì?
Nãy giờ chúng ta nói lòng vòng nhiều rồi, bây giờ chúng ta đến chuyện chính. Như đã nói ở trên thì mặc dù bạn dùng cỡ mainboard nào thì PC vẫn sẽ chạy thôi nhưng vấn đề ở đây là bạn có thể tùy theo nhu cầu của mình mà chọn cỡ mainboard sao cho tối ưu nhất. Với mỗi cỡ mainboard thì bạn đều phải đánh đổi một chút, chính vì thế nên cỡ mainboard mới trở nên quan trọng.
Thật ra thì cũng tùy nhu cầu và tính chất của nhu cầu đó mà chúng ta sẽ lựa chọn cỡ mainboard phù hợp. Dù mỗi người mỗi khác nhưng bạn cũng có thể tham khảo một số ví dụ sau đây để hình dung ra cỡ mainboard mà mình cần.
Build máy chơi game
Nếu bạn build PC lần đầu và bạn muốn hệ thống của bạn có một “khung sườn” rộng rãi thoải mái, đầy đủ chức năng cũng như dễ dàng nâng cấp về sau thì có lẽ ATX sẽ là sự lựa chọn tốt nhất. Bạn sẽ có nhiều khe PCIe và các cổng cắm khác nhau để gắn bất cứ thứ gì mà bạn muốn. Dùng thì thoải mái mà vọc cũng dễ nữa. bạn cũng có thể dễ dàng làm cho thùng máy trông đầy đặn hơn với cỡ mainboard này. Nếu bạn dùng máy tính để làm việc thì cỡ mainboard này cũng sẽ tỏa sáng bởi tính chất đầy đủ các cổng chức năng của nó
Tuy nhiên những mẫu mainboard có kích thước ATX “full size” thường cũng có mức giá từ tầm trung đổ lên chứ cũng không phải rẻ. Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí hơn nhưng về mặt tính năng không giảm đi đáng kể thì có thể cân nhắc size MicroATX. Thường thì những mẫu mainboard có giá dễ chịu nhất sẽ dùng size này. Bạn cũng nên chú ý kích thước của vỏ case một chút vì cỡ MicroATX rất gọn, nếu bạn nhét nó vào một cái vỏ case tương thích ATX thì nhìn dàn PC của bạn sẽ rất “rỗng”. Trừ khi bạn có ý định nâng lên cỡ ATX về sau thì hãy dùng một chiếc vỏ case gọn gàng một chút, nhìn sẽ đẹp hơn và cũng tiết kiệm không gian hơn.
Mini-ITX là cỡ nhỏ gọn nhất trong các cỡ mainboard cơ bản. Nó chỉ to bằng cỡ bàn tay của bạn mà thôi thế nên bạn cũng sẽ cần xem xét cẩn thận về việc chọn mua case, không gian cho card đồ họa và khả năng lưu thông khí trong case. Nó cũng chỉ có một khe PCIe, (có thể có) một khe M.2 và 2 khe RAM mà thôi. Build được một dàn PC mạnh mẽ với cỡ mainboard Mini-ITX là cả một nghệ thuật, nhưng vì là nghệ thuật nên việc đó không dễ đâu.
Máy tính rạp hát tại nhà (HTPC)
*HTPC hay Home theater PC là khái niệm chỉ một chiếc máy tính được sử dụng với mục đích giải trí gia đình, thay thế cho những thiết bị đã lỗi thời như đầu băng, đầu đĩa, nó cũng dễ dùng, đa dụng và có khả năng tùy biến cao hơn máy console
Đây là lúc mà cỡ Mini-ITX sẽ thực sự tỏa sáng. Khi bạn cần một thiết bị giải trí để đặt trong không gian sinh hoạt chung của gia đình thì sự nhỏ gọn, tiết kiệm không gian sẽ luôn là thứ nên được ưu tiên hàng đầu. Máy tính thì to nhỏ gì cũng là máy tính nhưng nếu bạn muốn nhét nó xuống dưới kệ TV thì bạn sẽ phải kiếm thứ gì đó nhỏ gọn một chút.
Với việc có một chiếc PC nhỏ gọn và siêu cơ động để phục vụ cho việc giải trí gia đình, bạn có thể dùng nó để xuất hình cho TV trong phòng khách. Vì bản chất phần cứng mạnh hơn smart TV rất nhiều nên bạn có thể là nhiều trò hay ho như download phim 4k về để lưu và chiếu trên màn hình lớn của TV như một cái rạp phim tại nhà. Bạn cũng có thể mua tay cầm console về để chơi game.
Sẽ thật thiếu sót nếu như chúng ta không nhắc đến dòng máy tính siêu nhỏ gọn NUC của Intel. Các mẫu dòng NUC thường sẽ nằm gọn trong lòng bàn tay của bạn, trừ mấy mẫu gaming. Chúng rất cơ động, dễ dàng thao tác, di chuyển và gần như chẳng chiếm không gian của bạn. Thậm chí bạn có thể dán chúng vào sau lưng màn hình và chẳng cần bận tâm đến việc để ở đâu cho gọn nữa.
Tương lai của mainboard
ATX là một tiêu chuẩn kỹ thuật lâu đời và khó bị thay thế. Intel đã từng cho ra mắt một chuẩn mới để thay thế cho ATX là BTX vào năm 2004. Tuy nhiên, do sự phổ biến mà ATX vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày hôm nay.
Các nhà sản xuất phần cứng PC vẫn đang thử nghiệm một số mẫu concept mới để thay thế cho ATX. Vào sự kiện Computex 2019, Asus đã giới thiệu mẫu mainboard cao cấp mới với tên gọi Prime Utopia. Nó rất tuyệt vời, thực sự đột phá và không giống như bất cứ thứ gì mà chúng ta từng thấy trước đây. Nó có phần màn hình ở mặt trước để hiển thị thông tin hệ thống một cách trực quan, dấu toàn bộ linh kiện và dàn VRM ở mặt sau, trong một khoang chuyên dụng để tối ưu hóa tản nhiệt. Asus cũng làm cho các cổng I/O về dưới dạng module dễ dàng tùy biến và tháo ra khi không dùng đến.
Mẫu concept như Prime Utopia là rất tuyệt, nhưng thì trước mắt ATX vẫn sẽ là tiêu chuẩn của mainboard và ít nhất bài viết này vẫn sẽ hữu ích trong vài năm tới. Nó vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình và quen thuộc với cộng đồng dân công nghệ trong mấy chục năm nay,
Cả 3 chuẩn mainboard cơ bản trong bài viết này đều có khả năng hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào dành cho một chiếc máy tính. Sự lựa chọn sáng suốt của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào mức kinh phí bạn có, mục đích build PC của bạn và liệu bạn có muốn mở rộng hệ thống PC của mình trong tương lại hay không mà thôi.
Nguồn: How to Geek