Thế cái gì vẫn được các viện bảo tàng cổ sinh vật học trưng bày đầy ra thế kia?
Đối với những ai biết rồi thì không nói nhưng đối với những bạn chưa biết thì hẳn là sẽ thấy lạ khi đọc đề bài. Thật vậy, chúng ta chưa bao giờ thực sự tìm thấy xương của khủng long. Cái thứ mà nhiều người vẫn gọi là “xương khủng long” thực chất chỉ là… đá mà thôi. Nghe lạ quá nhỉ? vậy thì để mình giải thích nhé.
Khung xương có thể xem là bộ phận bền nhất trong cơ thể của sinh vật sống. Đối với động vật lớn như con người thì xương có thể tồn tại rất lâu sau khi chết và các phần khác bị phân hủy. Điều này là do khung xương có cấu trúc vững chắc nhưng lại ít giá trị dinh dưỡng nên ít bị phân hủy sinh học và bền trước các tác động lý – hóa. Dưới những điều kiện thông thường thì xương có thể tồn tại hàng trăm hay thậm chí lên đến hàng ngàn năm. Tuy nhiên xương chỉ là khó phân hủy thôi chứ về cơ bản thì nó vẫn phân hủy hoàn toàn được nhé.
Trong tự nhiên, một bộ xương của sinh vật có thể tồn tại qua nhiều thiên niên kỷ nhưng đến hàng chục triệu năm như từ thời mà khủng long còn đi lại đầy trên mặt đất đến nay thì không. Hầu hết các loài khủng long mà chúng ta biết đều đã đi đời từ các đây vài chục đến hơn 200 triệu năm trước rồi. Và chẳng có thứ xương quái nào có thể tồn tại lâu như thế cả. Tất cả những gì chúng ta tìm thấy đều là hóa thạch, một dạng di tích còn sót lại của các loài sinh vật cổ xưa. Về cơ bản thì chúng là đá mà thôi, còn vấn đề vì sao xương lại trở thành đá thì chúng ta lại có một câu chuyện khác.
Quá trình hình thành hóa thạch
Không phải cái thứ gì khi chết cũng hình thành hóa thạch được, nó có những điều kiện vô cùng khắt khe. Để một sinh vật có thể để lại hóa thạch sau khi chết cần rất nhiều yếu tố và cũng rất phức tạp nhưng chung quy chúng ta có thể chỉ ra những điểm chính của quy trình hình thành hóa thạch như sau:
Điều kiện đầu tiên để sinh vật để lại hóa thạch là là xác của nó phải được bao phủ để tránh sự xâm hại, phá hủy từ bên ngoài. Các sinh vật biển thường có xu hướng dễ để lại hóa thạch hơn so với sinh vật trên đất liền do khi chết chúng sẽ chìm xuống đáy biển và được cát, phù sa… vùi lấp. Đối với động vật trên cạn thì cũng có khá nhiều nhân, ví dụ như một con khủng long bị ngã vào bùn nhão hoặc một hố nhựa đường tự nhiên rồi chìm luôn trong đó chẳng hạn?
Tiếp theo sẽ đến quá trình phân hủy. Thường thì mô mềm và kém bền sẽ bị phân hủy trước, chỉ để lại những thứ rắn chắc như xương, răng, vỏ, sừng, vuốt… mà thôi. Quay lại với con khủng long xấu số lúc nãy, sau một thời gian thì nó chỉ còn lại xương và răng thôi. Nhiều năm nữa, các lớp đất đá vùi lấp bộ xương của nó ngày càng dày hơn, nén chặt xuống bộ xương của nó và đất đá xung quanh. Thời gian qua đi, đất xung quanh bộ xương tạo thành đá trầm tích rắn chắc, như một cái khuôn tự nhiên bao bọc lấy bộ xương.
Cũng trong lúc đó, nước sẽ thấm xuyên qua đá trầm tích đang bao bọc bộ xương của con khủng long và phân hủy nốt nó. Bộ xương tuy sẽ bị nước rửa trôi đi nhưng nó sẽ để lại khoảng trống giống y như hình dạng ban đầu trong đá trầm tích. Các khoáng chất có trong nước cũng sẽ tích tụ lại và thế chỗ cho những phần bị phân hủy. Cuối cùng thì đá sẽ hoàn toàn thế chỗ cho bộ xương khủng long, và thứ đá đó chúng ta gọi là xương khủng long hóa thạch.
Tuy vẫn chỉ là đá thôi nhưng hóa thạch có hình dạng không khác biệt nhiều với bộ xương ban đầu. Nghiên cứu những hóa thạch này sẽ giúp các nhà cổ sinh vật học biết thêm về các loài sinh vật từ thời xa xưa.
Sự thật về những bộ xương được trưng bày trong viện bảo tàng
Thật ra chẳng có xương hóa thạch nào ở đây cả, các mẫu hóa thạch được bảo quản tốt đã ít, cả một bộ xương thì còn hiếm hơn. Một bộ xương khủng long hóa thạch hoàn chỉnh là thứ mà các nhà cổ sinh vật học quý như sinh mạng của họ. Những bộ xương như thế sẽ được lưu trữ cực kỳ kỹ lưỡng và không có bảo tàng nào lại mang thứ quý giá như vậy ra phơi nắng, phơi sương, phơi khói bụi cho bạn ngắm đâu. Những thứ được trưng bày hầu hết chỉ là mô hình được phục dựng dựa trên bản mẫu hóa thạch gốc mà thôi.
Chỉ có xương mới hóa thạch?
Không, thật ra cả những động vật thân mềm có mật độ chất rắn cực thấp như sứa cũng có thể hóa thạch nếu chúng ở trong điều kiện cực kỳ lý tưởng. Hóa thạch trong bức ảnh dưới đây là một ví dụ điển hình.
Đây là một hóa thạch của loài Nodosaur, nó được tìm thấy vào năm 2011. Những dấu vết còn sót lại được bảo quản ở mức cực kỳ cực kỳ cực kỳ hoàn hảo trong 110 triệu năm kể từ sau khi con khủng long bị vùi trong trầm tích. Nó không chỉ là hóa thạch xương khủng long mà là nguyên cả một con khủng long hóa thạch – báu vật vô giá đối với các nhà cổ sinh vật học.
Trên đây là một số thông tin về hóa thạch, quá trình hình thành hóa thạch và lời giải đáp cho câu hỏi “liệu chúng ta có thực sự tìm thấy xương khủng long?”. Hy vọng đã mang đến được cho bạn đọc những thông tin thú vị.
Tham khảo: Wikipedia