Khi nhắc đến tải lại trang, thì thường các bạn sẽ nghĩ tới đó là nhấn biểu tượng Reload hoặc phím F5. Tuy nhiên, đây không phải là cách duy nhất mà Chrome cung cấp cho người dùng. Thật tế, có đến 3 cách tải lại trang khác nhau và nhấn biểu tượng Reload hoặc phím F5 chỉ là một trong số đó.
Vậy thì 3 cách tải lại trang đó là gì, sự khác nhau, và làm thế nào để sử dụng? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này nhé.
3 cách tải lại trang web trên Chrome
Chrome cung cấp cho chúng ta tổng cộng 3 cách để tải lại trang gồm:
- Normal reload (tải lại thường).
- Hard reload (Tại lại cứng).
- Empty Cache and hard reload (Xóa Cache và tải lại cứng).
Normal reload hay còn gọi là tải lại thường, cũng chính là chức năng tải lại trang khi bạn bấm vào biểu tượng Reload hoặc phím F5.
Hard reload hay còn gọi là tải lại cứng. Khi bạn sử dụng Hard reload, trình duyệt của bạn sẽ bắt đầu tải lại toàn bộ dữ liệu của trang web, bao gồm file hình ảnh, file văn bản, file JavaScript.v.v. Chỉ trừ Cache (bộ nhớ đệm) của trình duyệt. Khác với Normal reload là nếu không cần thiết thì Normal reload sẽ tránh tải lại các file hình ảnh, văn bản, và file JavaScript.v.v.
Empty Cache and hard reload hay còn gọi là xóa Cache và tải lại cứng. Khi bạn sử dụng tính năng này, đầu tiên nó sẽ xóa hết Cache (bộ nhớ đệm) có liên quan tới trang web đó rồi bắt đầu thực hiện việc tải lại cứng (tức cũng sẽ tải lại toàn bộ file hình ảnh, văn bản và file JavaScript.v.v.).
Tại sao chúng ta lại cần tới Hard reload và Empty Cache and Hard reload?
Tới đây có lẽ nhiều bạn sẽ tự hỏi rằng rằng 2 tính năng cuối sẽ dùng cho trường hợp nào rồi đúng không. Để giải đáp cho thắc mắc này, mình sẽ giải thích đơn giản như sau.
Nếu để ý thì mỗi khi các bạn truy cập lại vào một trang web nào đó mà bạn đã từng truy cập rồi. Các bạn sẽ thấy trang web đó tải nhanh hơn nhiều so với lần đầu bạn mở trang web đó lên. Đó là bởi vì trình duyệt của bạn đã lưu một bản sao của trang web đó vào Cache (bộ nhớ đệm) của trình duyệt.
Trình duyệt của bạn làm như vậy là bởi vì việc tải một trang web đã lưu trong bộ nhớ đệm sẽ nhanh hơn nhiều so với việc lên mạng và tải lại trang web đó từ đầu. Tuy nhiên, từ đó cũng gây ra hiện tượng đó là những thay đổi thực hiện trên trang web không phải lúc nào cũng được hiển thị.
Ví dụ như khi bạn thêm hay chỉnh sửa một thông tin gì đó trên Facebook. Lâu lâu bạn sẽ gặp trường hợp đó là dù đã chỉnh sửa, nhưng thông tin vẫn hiện là thông tin cũ chứ chưa được cập nhật. Những lúc như thế, bạn cần phải thực hiện Hard reload hoặc Empty Cache and hard reload để tải lại trang web từ đầu và cập nhật thông tin mới.
Cách kích hoạt tính năng Hard reload và Empty Cache and hard reload
Thông thường, các bạn chỉ có thể sử dụng cách Normal reload. Chỉ khi nào bạn bật công cụ dành cho nhà phát triển của Chrome, bạn mới có thể sử dụng 2 cách còn lại. Để bật công cụ dành cho nhà phát triển, các bạn thực hiện theo 2 bước sau:
Bước 1: Bạn bấm vào biểu tượng 3 chấm ở góc trên bên phải. Sau đó chọn Công cụ khác rồi chọn Công cụ cho nhà phát triển.
Bước 2: Tiếp theo, các bạn nhấn chuột phải vào biểu tượng Reload, các bạn sẽ thấy hiện ra danh sách gồm 3 cách tải lại trang mà mình đã đề cập ở trên.
Vậy là mình đã giải đáp xong cho các bạn 3 cách tải lại trang là gì, sự khác nhau và cách sử dụng chúng. Chúc các bạn thành công!