Anh em sử dụng PC ngày nay đã quá quen thuộc với các nút nguồn, reset hoặc nút điều khiển led RGB bên ngoài vỏ case rồi. Tuy nhiên, những bộ máy tính ngày xưa thì còn có thêm của nút Turbo, khi anh em nhấn vào thì nó không giúp PC nhanh hơn mà thật ra là làm chậm PC xuống. Vậy tại sao người ta lại tạo ra một cái nút ngược đời như vậy, anh em cùng mình mình tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Những dòng PC ngày xưa “mạnh” như thế nào?
Vào tháng 8/1981, IBM ra mắt dòng máy tính tên là PC sử dụng CPU Intel 8088 có xung nhịp 4,77 MHz. Dòng máy tính này nhanh chóng chiếm lấy vị trí số một trên thị trường và tạo ra một tiêu chuẩn có tên là “IBM PC-compatible”. Một thời gian ngắn sau, các đối thủ khác của IBM như Compaq, Xerox PARC, cũng nhanh chóng thiết kế các dòng máy tính gần gần giống với máy của IBM, dùng hệ điều hành MS-DOS của Microsoft và đạt tiêu chuẩn IBM compatible.
Những dòng máy tính “nhái” thường được bù đắp những tính năng mà máy của IBM còn thiếu và có mức giá dễ chịu hơn. Một số dòng thì được tích hợp các cổng kết nối thiết bị ngoại vi, được tăng dung lượng RAM, tăng xung nhịp,… Một số hãng còn sản xuất ra các phiên bản “nhái” mạnh hơn cả phiên bản gốc của IBM, dùng CPU Intel 8086 có xung nhịp lên đến 8 MHz, nhanh hơn hai đến ba lần so với bản gốc.
Nhưng chúng ta chưa thể tận dụng sức mạnh này
Tuy nhiên, việc chạy đua phần cứng lại làm nảy sinh thêm một vấn đề mới: hầu hết các nhà phát triển phần mềm của thập niên 80 không dự đoán được rằng PC của IBM sẽ trở thành một tiêu chuẩn cho toàn bộ ngành công nghệ và các dòng máy tính “nhái” đạt hiệu suất mạnh đến bất ngờ. Kết quả là hầu hết phần mềm và game lúc đó đều được thiết kế chạy ở mức xung nhịp 4,77 MHz thôi. Nếu chày cối cho những phần mềm này chạy trên các dòng máy mạnh hơn, nhanh hơn như 8 Mhz hoặc cao hơn thì phần mềm sẽ hoạt động không ổn định, còn game thì sẽ chạy nhanh đến mức không thấy gì để mà chơi luôn.
Để giải quyết vấn đề này thì các hãng máy tính tạo thêm một cổng vật lý ở phía sau của case giúp máy có thể dễ dàng chuyển đổi hoạt động ở chế độ tốc độ tối đa hoặc chế độ 4,77 MHz. Trên một số dòng khác thì phải nhấn tổ hợp phím Ctrl + Alt + dấu cộng hoặc Ctrl + Alt + dấu xuyệt ngược (backslash) khi vào BIOS để chuyển chế độ. Dù vậy thì đây vẫn chưa phải là cái nút Turbo ngược đời nhé anh em, phải thêm một khoảng thời gian nữa thì cái nút này mới xuất hiện.
Và thế là nút Turbo xuất hiện
Nguồn gốc của từ turbo xuất phát từ bộ tăng áp “turbocharger” trên xe ô tô giúp xe chạy nhanh hơn. Vào thập niên 80, từ này được dùng với mục đích quảng cáo rằng một sản phẩm nào đó có sức mạnh hoặc tốc độ cao hơn đối thủ.
Vào tháng 7/1984, một hãng sản xuất PC có tên Egle Computer với thiệu một dòng sản phẩm mới có tên là Eagle PC Turbo. Dòng PC này cũng sử dụng con CPU 8086 có xung nhịp 8MHz và được gắn thêm một cái nút Turbo ở ngay mặt trước của case. Khi nhấn nút này thì máy tính cũng sẽ sẽ chuyển đổi qua lại giữa chế độ 4,77 MHz và 8 MHz. Tất nhiên là không một hãng nào muốn gắn mắc nhãn “Slow” cho sản phẩm của mình cả và dù nhấn vào có làm máy chậm lại thật nhưng nhấn thêm một lần nữa thì cũng là một lần tăng tốc cho PC đúng không nào. Vài năm sau khi dòng Eagle PC Turbo xuất hiện thì công nghệ tiếp tục phát triển nên chúng ta có thể sản xuất PC số lượng lớn. Thế là nhiều hãng sản xuất cũng sao chép thiết kế của Eagle Computer và nút Turbo ngày càng phổ biến.
Đến đầu thập niên 90, xung nhịp trung bình của một dàn máy IBM PC đã được nâng lên từ 16 đến 100 MHZ. Vì vậy, các hãng sản xuất PC tiếp tục để lại nút Turbo giúp chơi các tựa game cũ hơn. Thậm chí, đã từng có lúc người ta gắn thêm một cái màn hình LED nho nhỏ hiển thị CPU đang chạy ở mức xung nhịp nào, nhìn cũng khá là ngầu. Tuy nhiên, màn hình LED này chỉ cần vài bước lập trình đơn giản thôi chứ không phải lấy thông số trực tiếp từ con CPU.
Rồi dần dần biến mất khỏi giới công nghệ
Vào một thời điểm nhất định, khi các hãng phần mềm bắt đầu nhớ về việc xung nhịp, sức mạnh của CPU liên tục phát triển theo thời gian thì họ bắt đầu tạo ra các phần mềm có thể thích ứng với tốc độ của phần cứng và tự động điều chỉnh để chương trình luôn chạy ở mức vừa phải. Và đến khi các chương trình thế hệ mới được sử dụng rộng rãi hơn thì các chương trình từ thập niên 80 nhanh chóng bị lãng quên và càng ít người dùng nút Turbo.
Đến lúc Intel ra mắt các dòng chip Pentium vào khoảng giữa và cuối thập niên 90 thì phần lớn hãng sản xuất PC và case đã bỏ bớt cái nút ngược đời này để tiết kiệm chi phí sản xuất. Đến năm 2000 thì nút Turbo chính thức tuyệt chủng trên mọi dòng PC, nếu muốn sử dụng các chương trình, game không tương thích với các con CPU có xung nhịp quá nhanh thì người ta sẽ dùng thêm các chương trình như Mo’Slo hoặc CPUKILLER.
Ngày nay, khái niệm Turbo đã quay về với ý nghĩa chính xác của nó, đặc biệt là với các bạn có đam mê ép xung CPU. Các dòng mainboard nào có nút Turbo khi nhấn vào máy sẽ nhanh vào mạnh hơn thật chứ không làm chậm máy nữa anh em ạ.
Nguồn: How To Geek