Sự xuất hiện của Ryzen 7 9800X3D đã mở ra một chương mới – chương mà AMD trở thành độc cô cầu bại trong làng chip gaming.
Chip X3D của AMD đi theo một triết lý thiết kế, đó là chơi game là quan trọng nhất, còn lại chỉ là phụ. Trước là vậy, và bây giờ cũng vậy, bằng chứng chính là con AMD Ryzen 7 9800X3D mà GVN 360 bọn mình được trên tay ngày hôm nay. 9800X3D được AMD hứa hẹn sẽ là con chip chơi game tốt nhất thế giới, nghĩa là tiếp quản ngôi vương của 7800X3D.
Nếu các bạn có theo dõi GVN 360 thường xuyên thì sẽ biết ngoài việc được trang bị công nghệ AMD 3D V-Cache thế hệ thứ 2, 9800X3D còn có xung nhịp cao hơn và ngưỡng nhiệt độ hoạt động cao hơn 7800X3D. Đó là nhờ đội đỏ đã dời bộ nhớ đệm X3D xuống bên dưới die compute để CCD nằm gần hơn với tản nhiệt, giúp nó chạy mát hơn và chạy với xung nhịp cao hơn. Ngoài ra, thiết kế này còn cho phép người dùng ép xung Ryzen 7 9800X3D tẹt ga để đạt hiệu năng cao hơn – điều mà những con chip X3D trước đây chưa từng làm được.
Về khoản ép xung thì để tránh làm loãng nội dung, GVN 360 bọn mình sẽ không đề cập trong khuôn khổ bài viết này. Còn bạn nào quan tâm đến những thứ như hiệu năng, hoặc là kiến trúc của chip X3D lần này có gì khác biệt so với thế hệ trước, thì mời các bạn cùng mình khám phá ngay phía bên dưới nhé.
Thông số kỹ thuật CPU AMD Ryzen 7 9800X3D
- Socket: AM5
- Kiến trúc: Zen 5
- Tiến trình (nhân CPU): TSMC 4nm FinFET
- Số nhân: 8
- Số luồng: 16
- Xung nhịp: base 4,7 GHz; boost 5,2 GHz
- Bộ nhớ đệm L1: 640 KB
- Bộ nhớ đệm L2: 8 MB
- Bộ nhớ đệm L3: 96 MB
- Mở khóa ép xung: Có
- TDP mặc định: 120W
- TjMax: 95oC
- PCIe: PCIe 5.0
- RAM: DDR5 Dual-channel (tối đa 192 GB)
- iGPU: AMD Radeon Graphics (2 nhân, hỗ trợ USB Type-C DisplayPort Alternate Mode)
- Tản nhiệt kèm theo: Không có
Bộ nhớ đệm AMD 3D V-Cache đã trở lại và lợi hại hơn xưa với thế hệ thứ 2
Là game thủ thì ai cũng muốn trải nghiệm phá đảo thế giới ảo của mình được tốt nhất đúng không? Nếu để ý thì bạn sẽ thấy mấy trò bom tấn bây giờ càng ngày càng đòi hỏi hiệu năng phần cứng phải mạnh mẽ hơn để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, nhất là trong những tựa game thế giới mở cần bộ nhớ đệm dung lượng lớn để chứa dữ liệu và tối ưu cho việc xử lý đa luồng. Hiểu được điều đó nên AMD đã tạo ra dòng chip Ryzen X3D chuyên dành cho game thủ, và phiên bản mới nhất tại thời điểm bài viết này lên sóng là con Ryzen 7 9800X3D.
Như những vi xử lý X3D trước đây, Ryzen 7 9800X3D cũng được tích hợp công nghệ bộ nhớ đệm xếp chồng 3D V-Cache thế hệ mới để mang đến hiệu năng gaming đỉnh của chóp. Cái giống là nó vẫn có mấy cái die compute, die I/O này nọ, vẫn có 8 nhân 16 luồng nằm trên 1 CCD, và vẫn có TDP mặc định 120W như 7800X3D; nhưng lần này 9800X3D khác ở chỗ là nó sử dụng kiến trúc Zen 5 (tiến trình 4nm so với Zen 4 5nm của thế hệ cũ) với xung nhịp base 4,7 GHz và xung nhịp boost lên tới 5,2 GHz, cao hơn 7800X3D lần lượt là 500 MHz và 200 MHz. Bộ nhớ đệm thì 9800X3D vẫn có 8 MB L2 và 96 MB L3 với 32 MB nằm ở die compute và 64 MB nằm ở die 3D V-Cache như 7800X3D. Chỉ khác một xíu là dung lượng bộ nhớ đệm L1 trên 9800X3D lên tới 640 KB, trong khi 7800X3D chỉ có 512 KB mà thôi.
Còn cái khác bự chảng đó là Ryzen 7 9800X3D lần này lại có bộ nhớ đệm X3D được xếp phía dưới die compute, thay vì là nằm trên như những thế hệ trước. Với bộ nhớ đệm 3D V-Cache xếp chồng theo kiểu mới thì AMD cho biết nó sẽ giúp tăng hiệu năng gaming một cách đáng kể, cộng với đó là cải thiện nhiệt độ của con chip vì cụm CCD bây giờ sẽ nằm gần tản nhiệt hơn, từ đó giúp CPU hoạt động tối ưu hơn.
Về mặt cải thiện hiệu năng gaming thì lát nữa mình test sẽ rõ, nhưng trước hết trên giấy tờ là thấy 9800X3D có xung nhịp cao hơn 7800X3D như nãy mình có nói rồi đó. Còn về nhiệt độ thì AMD công bố 9800X3D có TjMax (nhiệt độ hoạt động tối đa) là 95°C, cao hơn 6°C so với 7800X3D, điều này chứng tỏ đội đỏ tự tin vào thiết kế 3D V-Cache thế hệ mới. Đặc biệt, cũng nhờ vào việc bố trí lại bộ nhớ đệm 3D V-Cache mà 9800X3D chính là con chip X3D đầu tiên hỗ trợ ép xung, cho phép game thủ và những bạn đam mê vọc vạch có thể đẩy con CPU này đến cực hạn của nó.
Lúc AMD giới thiệu con chip X3D đầu tiên vào năm 2019 thì họ đã có ý định xếp bộ nhớ đệm 3D V-Cache nằm bên dưới CCD rồi. Nhưng sở dĩ tới đời 9000X3D đội đỏ mới có thể làm được điều này là vì để làm như vậy, trước đây họ sẽ phải thiết kế lại cái die từ đầu, phải bố trí lại mấy cái thành phần bên trong CCD các kiểu con đà điểu. May mắn là tới thế hệ Zen 5, AMD khỏi cần phải đập đi xây lại nữa vì bản thân nó đã được thiết kế theo kiểu đó sẵn luôn rồi, tức là Zen 5 được tạo ra với dự định “sau này tui sẽ gắn thêm 3D V-Cache cho nó” từ trước. Thêm nữa là đội đỏ giờ đã có thể sắp xếp lại các power header trên die X3D và die compute, từ đó cho phép họ đem die X3D gắn xuống phía dưới die compute.
Cấu trúc chip X3D “Zen 3” và “Zen 4” với Structural silicon (die dummy)
Tác dụng dễ thấy nhất của việc này là nó giúp CCD chạy mát hơn. Hồi trước, die X3D nằm trên có kích thước nhỏ hơn die compute bên dưới, cho nên AMD phải “dán” thêm các die dummy (die chỉ dùng để “điền vào chỗ trống” chứ không có chức năng gì cả) xung quanh die X3D nhằm tạo cấu trúc vững chắc khi xếp chồng lên die compute, cũng như là tạo bề mặt bằng phẳng và đồng đều để có thể trét kim loại lỏng indi (indium) trước khi ụp nắp IHS (Integrated Heat Spreader) lên. Điều này đã khiến die X3D và die dummy vô tình trở thành một “lớp cách nhiệt” nằm giữa CCD và nắp IHS, hậu quả là CPU dễ bị nóng và khó đẩy xung nhịp lên cao. Thế nên AMD cũng khóa tính năng ép xung trên những con chip này luôn.
Còn với 9800X3D, vì die X3D và die compute có kích thước bằng nhau nên không cần tới die dummy nữa. Thêm vào đó, die X3D giờ được xếp xuống bên dưới die compute, nghĩa là CCD sẽ nằm gần IHS và bộ tản nhiệt hơn, các lớp kết nối (bonding layer – lớp oxit kết dính và vô tình cũng là lớp “cách nhiệt” giữa các die) cũng được giảm đi đáng kể, và CCD cũng được làm dày hơn nhiều so với thế hệ trước, từ đó giúp CCD tản nhiệt tốt hơn và người dùng giờ đã có thể ép xung thoải mái.
Hiệu năng thực tế của AMD Ryzen 7 9800X3D
Về hiệu năng thì Ryzen 7 9800X3D được thiết kế để tối ưu cho việc chơi game, cho nên việc AMD tuyên bố con chip này dẫn đầu trong mảng gaming cũng là điều dễ hiểu. Đúng là 9800X3D vẫn đáp ứng được các tác vụ công việc như chỉnh sửa hình ảnh, dựng video clip, render đồ họa, vân vân, nhưng hiển nhiên nó sẽ không ngon bằng những con chip Ryzen 9 có nhiều nhân/luồng hơn.
Để xem xem Ryzen 7 9800X3D mạnh tới đâu, GVN 360 bọn mình đã ráp một dàn testbench cấu hình như sau:
- CPU: AMD Ryzen 7 9800X3D
- Bo mạch chủ: Gigabyte X870E AORUS MASTER
- RAM: 32 GB (2 x 16 GB) Trident Z5 Neo RGB DDR5-6000 (CL28-36-36-96)
- GPU: AMD Radeon RX 7900 XT (Reference Edition)
- SSD: Samsung 990 Pro 1TB
- Tản nhiệt: Corsair iCUE LINK TITAN 360 RX RGB
- Nguồn: FSP Hydro G PRO ATX3.0 (PCIe 5.0) 1000W
- Hệ điều hành: Windows 11 23H2
Lần này, GVN 360 bọn mình bắt cặp Ryzen 7 9800X3D với Radeon RX 7900 XT – 1 trong 2 GPU rời thế hệ mới nhất của AMD nằm trong phân khúc cao cấp. Tuy là Ryzen 7 nhưng hiệu năng gaming của 9800X3D cũng thuộc hàng top đầu hiện nay rồi, cho nên dù bạn có xài AMD RX 7900 XTX hay Nvidia RTX 4090 đi chăng nữa thì 9800X3D vẫn dư sức cân tốt, thậm chí mình nghĩ trong vòng vài năm tới thì 9800X3D cũng không ngán bất cứ con card đầu bảng nào đâu.
Sau khi cập nhật firmware mới nhất (tại thời điểm bài viết này lên sóng) cho bo mạch chủ thì mình có vào BIOS để bật EXPO cho RAM chạy đúng với thông số được quảng cáo, và bật PBO Enhancement cho CPU ở chế độ “90 Level 3” (preset với thiết lập nhiệt độ tối đa 90oC và Curve Optimizer -30mV cho toàn nhân). Bạn vẫn có thể chỉnh thủ công các thông số này trên tất cả bo mạch chủ chứ không riêng gì trên bo mạch chủ Gigabyte, nhưng nó sẽ hơi mất thời gian và Gigabyte thì có sẵn preset nên mình xài luôn cho tiện.
Mình chọn 90oC vì Corsair iCUE LINK TITAN 360 RX RGB là tản nhiệt AIO hiệu năng cao với 3 quạt 120mm, cho nên mình tin là nó đủ sức để gánh Ryzen 7 9800X3D. Còn Curve Optimizer -30mV thì cơ bản nó là undervolt, tức là cấp bớt điện cho CPU nhằm giảm nhiệt độ, nhưng bù lại thì con chip có thể chạy không ổn định. Level càng cao thì undervolt sẽ càng nhiều (số mV càng thấp). Mình có thử để ở Level 5 nhưng không được may mắn cho lắm, cho nên mình về Level 3 để con chip chạy ổn định hơn.
Bạn nào có kiến thức, kinh nghiệm và thời gian thì có thể tinh chỉnh thêm các thiết lập khác để tối ưu Ryzen 7 9800X3D cho nó chạy mát hơn, hoặc ép xung cho nó chạy mạnh hơn. Cái này sẽ đi sâu vào kỹ thuật, cho nên để đảm bảo bài viết dễ đọc dễ hiểu đối với phần lớn game thủ và không đi “quá xa bờ” thì mình sẽ bỏ qua phần ép xung nhé.
PCMark 10
Blender
Corona 1.3
Corona 10
Cinebench R23
Cinebench 2024
Với Corona 1.3, bọn mình từng test với 7800X3D (xem chi tiết tại đây) thì nó có thời gian render là 0:01:12, trong khi với 9800X3D thì chỉ tốn có 0:01:04 mà thôi. Còn với Blender thì 9800X3D đạt 152 samples per minute trong cảnh monster, 107 trong cảnh junkshop, và 76 trong cảnh classroom; với 7800X3D thì các con số này lần lượt là 138, 85, và 66 samples per minute. Tới Cinebench R23 thì 9800X3D đạt 23.494 điểm đa nhân và 2.099 điểm đơn nhân, cao hơn nhiều so với số điểm 17.886 đa nhân và 1.741 đơn nhân của 7800X3D.
Shadow of The Tomb Raider (Ray Tracing ultra)
Shadow of The Tomb Raider (Ray Tracing off)
Call of Duty: Black Ops 6 (FSR 3 Quality)
Call of Duty: Black Ops 6 (FSR 3 Ultra Performance)
Cyberpunk 2077 (FSR 3 Performance + Frame Generation + Ray Tracing psycho)
Cyberpunk 2077 (FSR 3 Performance + Frame Generation + Ray Tracing off)
Với các game bom tấn được đem ra test ở độ phân giải 4K max setting thì mọi thứ diễn ra đúng với kỳ vọng của mình ở một dàn PC với cấu hình như trên, không có gì bất thường và cũng không có dấu hiệu bị nghẽn cổ chai (bottleneck) ở CPU. Bằng chứng là trong Call of Duty: Black Ops 6, dòng Bottleneck trong mục CPU là số 0% tròn trĩnh.
Việc Ryzen 7 9800X3D dư sức gánh RX 7900 XT trong các tựa game AAA cũng không nằm ngoài dự đoán của mình. Đơn giản là con CPU này quá mạnh để chiến game, cho nên câu chuyện bây giờ chỉ là GPU càng xịn thì fps sẽ càng cao, trải nghiệm sẽ càng mượt mà.
Nhiệt độ hoạt động của Ryzen 7 9800X3D
Với thiết kế die X3D theo kiểu mới thì GVN 360 bọn mình nhất định phải xem xem Ryzen 7 9800X3D có thể chạy nhanh tới đâu và nóng tới mức nào. Thế nên mình đã mở công cụ prime95 lên và chọn Small FFTs để CPU chạy hết công suất. Tất nhiên, vì đây là stress test nên khi chơi game Ryzen 7 9800X3D sẽ chạy mát hơn nhiều, do đó nhiệt độ và điện năng tiêu thụ cũng sẽ thấp hơn so với những gì bạn thấy dưới đây.
Khi mới chạy được 1 phút thì mình thấy xung nhịp toàn nhân đạt 4,8 GHz và nhiệt độ rơi vào tầm 78oC, CPU Package Power là 147 W. Nhìn chung là tương đối mát mẻ và tản nhiệt Corsair iCUE LINK TITAN 360 RX RGB cũng chưa có dấu hiệu “đầu hàng” trước con chip 9800X3D.
Sau khi cắm máy chạy prime95 được hơn 30 phút thì nhiệt độ thì chỉ nhích thêm xíu lên 80-81oC mà thôi. Vì chưa chạm ngưỡng tối đa 90oC mà hồi nãy mình thiết lập trong BIOS nên CPU cũng không bị thermal throttle, thậm chí xung nhịp bây giờ còn được đẩy lên tới 4,9 GHz. CPU Package Power cũng tăng 3 W, chạm ngưỡng 150 W.
Mình lấy prime95 ra làm ví dụ vì đây là một trong những phần mềm stress test CPU phổ biến nhất. Còn nếu bạn xài những công cụ như AIDA64, OCCT, Linpack, Realbench,… thì kết quả có thể sẽ khác, vì mỗi phần mềm khác nhau sẽ có cách stress test CPU khác nhau. Tuy nhiên, theo mình thấy thì nếu bạn xài tản nước AIO 360mm như dàn testbench của bọn mình thì có thể yên tâm là nó đủ sức làm mát cho Ryzen 7 9800X3D nhé. Vả lại, nhiệt độ khi chơi game kiểu gì cũng sẽ thấp hơn so với khi chạy mấy cái stress test.
Ryzen 7 9800X3D được sinh ra để chơi game, và nó đã làm điều đó cực kỳ xuất sắc
Ryzen 7 9800X3D tồn tại là để anh em game thủ chinh phục những chân trời mới trong thế giới ảo, hoặc là để vươn đến tầm cao mới trong làng eSports cũng được luôn. Với sức mạnh vượt trội như GVN 360 đã chứng minh thì trong vòng 3 đến 5 năm tới, khả năng cao là bạn chẳng cần phải suy nghĩ về việc nâng cấp CPU làm chi cho nặng đầu.
Có thể nói Ryzen 7 9800X3D tiếp tục là một bước đi đúng đắn của AMD trong việc chiếm lấy cảm tình của cộng đồng game thủ. Đây là con chip xứng đáng để kế vị ngôi vương trong làng gaming mà 7800X3D nắm giữ, cũng như là giúp AMD giành thị phần từ tay của đội xanh. CPU màu xanh từng là những con chip chơi game ngon nhất, nhưng mình là mình thấy cái màu CPU nó đã chuyển sang đỏ từ đầu năm ngoái rồi đó; nó đỏ y như là nhiệt độ của mấy con CPU “khủng long” vậy.
Ryzen 7 9800X3D có giá bán lẻ đề xuất là 479 USD, mắc hơn 30 USD so với Ryzen 7 7800X3D hồi mới ra mắt. Khi 9800X3D xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 7/11/2024 thì mình nhắm là giá sẽ rơi vào tầm 15 triệu. Được cái là Ryzen 7 9800X3D tương thích với socket AM5, nghĩa là bạn lắp con CPU này vô bo mạch chủ 600 series hay 800 series đều được, thêm bước cập nhật BIOS nữa cho nó chạy tối ưu là xong, mở máy lên là quẩy game xả láng.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- AMD tiếp nối huyền thoại gaming với CPU Ryzen 7 9800X3D
- Tuy AMD không cho phép nhưng vẫn có người ép xung Ryzen 7 7800X3D lên tới 5,4 GHz
- Đánh giá AMD Ryzen 7 7800X3D – CPU gaming tốt nhất 2023, giá lại không cao
- AMD Ryzen 9 7950X3D – Rất mạnh và rất mát!
- Đánh giá CPU Ryzen 7 9700X – Người thừa kế xứng đáng của Ryzen 7 7700X
- Đánh giá CPU Ryzen 5 9600X – Không quá nổi bật nhưng an toàn, lợi thế đường dài
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!