Khủng long là một nhóm động vật cực kỳ đa dạng, xuất hiện lần đầu vào kỷ Tam Điệp (231.4 triệu năm trước) và trở thành nhóm sinh vật có xương sống thống trị sinh quyển trái đất trong suốt 165,4 cho đến khi bị chấm dứt bất ngờ vào cuối kỷ Phấn Trắng trong Sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn Trắng – Cổ cận, quét sạch 3/4 số loài sinh vật. Theo giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là được gây ra bởi sự va chạm của trái đất và một tiểu hành tinh hoặc hàng loạt các biến động địa chất quy lớn gia tăng trong thời gian ngắn và trên phạm vi gần như toàn cầu. Không loại trừ khả năng chúng diễn ra cùng lúc.
Tất cả những gì chúng ta biết được hôm nay về những sinh vật kỳ diệu này chỉ nằm vỏn vẹn trong những hóa thạch ít ỏi còn sót lại mà thôi. Thế nên vẫn còn rất nhiều bí ẩn mà chúng ta chưa thể biết hết được về chúng. Nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để làm khủng long trở thành niềm cảm hứng bất tận cho con người.
Trong bài viết này chúng ta sẽ đến với những sự thật thú vị về khủng long mà không phải ai cũng biết.
“Khủng long bay” là cách gọi sai của dực long!
Bộ khủng long là một nhóm động vật thuộc nhánh Archosauria (Thằn lằn chúa) với hàng loạt các đặc điểm nhận diện đặc trưng về cấu trúc xương và không thể nhầm lẫn với bất kỳ nhóm động vật có xương sống nào khác. Còn các loài bay bằng màng da căng trên khung xương ngón chi trước trong phim Jurassic World thuộc bộ Pterosauria, còn gọi là dực long, thằn lằn bay và thằn lằn sấm thì không có những đặc điểm đặc trưng của bộ khủng long, thế nên chúng không phải là “khủng long bay” đâu nhé, chủng chỉ đơn giản là nằm cùng một nhánh bò sát Archosauria với bộ khủng long và bộ cá sấu thôi.
Khủng long không chỉ sống trong kỷ Jura
Do “tác dụng phụ” của các sản phẩm văn hóa như game, tiểu thuyết va ảnh mà chúng ta thường lầm tưởng khủng long chỉ sống trong kỷ Jura, và Jura là tên gọi của thời đại mà khủng long sinh sống. Tuy nhiên, như trên đầu bài đã nhắc đến thì thực chất chúng là loài động vật có xương sống chiếm ưu thế lớn nhất từ kỷ Tam Điệp cho đến cuối kỷ Phấn Trắng, Kỷ Jura chỉ là thời đại mà chúng phát triển rực rỡ nhất thôi.
T-Rex thực tế không nhanh nhẹn như trên phim
Trong phim thì T-Rex (Tyrannosaurus Rex – thường gọi là khủng long bạo chúa) có thể phản ứng rất nhanh nhẹn và di chuyển tốc độ cao với sải chân cực dài. Tuy nhiên thì các nhà cổ sinh vật học đã chỉ ra rằng loài này chỉ có thể đạt tốc độ tối đa đâu đó khoảng 27km/h, dựa trên hàng loạt các số liệu ước tính như khối lượng cơ bắp và, kích thước xương, góc quay của khớp xương, tổng khối lượng cơ thể và hàng loạt các thống số khác.
T-rex không phải là loài khủng long ăn thịt to nhất từng được tìm thấy
Thật ra thì T-Rex không hẳn là loài khủng long ăn thịt lớn nhất mọi thời đại đâu, nó chỉ nổi tiếng nhất thôi. Con T-Rex hóa thạch hoàn chỉnh lớn nhất từng được tìm thấy có biệt danh “Sue”, dài 12,3m. Còn có 2 một loài khủng long ăn thịt khác có mẫu hóa thạch lớn nhất to hơn là Giganotosaurus Carolinii (13.2m) và Spinosaurus Aegyptiacus (15.0m).
Chim là hậu duệ của khủng long
Có thể bạn chưa biết nhưng lớp chim, bao gồm cả chim trời, chim cánh cụt, chim chạy và mấy con gà vịt mà bạn ăn thịt hằng ngày đều là hậu duệ của một số loài khủng long thuộc phân bộ khủng long chân thú (Theropod), phần lớn các loài này ăn thịt, một số ít ăn sâu bọ, ăn thực vật và ăn tạp. Chúng sống qua được sự kiện đại tuyệt chủng và tiếp tục tiến hóa để sống đến ngày nay.
Khủng long chưa chắc là loài máu lạnh
Chúng ta được học trong chương trình phổ thông rằng các loài sinh vật thuộc lớp Bò Sát đều là động vật máu lạnh. Tuy nhiên như chúng ta vừa nói đến bên trên thì bộ khủng long là tiền thân của lớp Chim, mà chim thì máu nóng. Việc giữ thân nhiệt ở mức nhất định cho phép các sinh vật có thể tồn tại trong môi trường có nhiệt độ thấp hay thậm chí là băng giá dưới 0 độ C, chúng cũng sẽ chủ động hơn trong việc kiểm soát và giải phóng năng lượng trong cơ thể, giúp đạt cường độ hoạt động cao hơn. Đã có những bằng chứng cho thấy nhiều loài khủng long sống trong môi trường lạnh giá, số khác thì có cường độ hoạt động cao mà loài máu lạnh sẽ rất khó đạt tới.
Khủng long tuyệt chủng chủ yếu vì… đói chứ không phải va chạm thiên thạch
Có nhiều giả thuyết cho sự tuyệt chủng của khủng long trong Sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn Trắng – Cổ Cận. Có thể là do một hoặc nhiều thảm họa tự nhiên diễn ra cùng lúc hoặc dồn dập. Tuy nhiên gần như tất cả bằng chứng hóa thạch trong thời kỳ này đều chứng minh cho một sự thật rằng các thảm họa trên đã làm giảm lượng ánh sáng mặt trời trên khắp trái đất trong nhiều năm, ngăn cản quá trình quang hợp và hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái thực vật.
Giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là vụ va chạm thiên thạch cuối kỷ Phấn Trắng và các vụ phun trào núi lửa đã gây ra mùa đông hạt nhân kéo dài, làm cho khói bụi trở nên dày đặc trong bầu khí quyển và hạn chế ánh sáng mặt trời. Thực vật không sống được kéo theo sự tuyệt chủng của loài ăn thực vật. Kế đó là loài ăn thịt do không còn gì để ăn. Chỉ có những loài sinh vật nhỏ bé và cực kỳ linh hoạt mới có thể sống sót. Kết quả là sự kiện kinh hoàng này đã kéo theo 3/4 số loài động vật, gây sụt giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng. Tất cả các loài sinh vật ngày nay đều là hậu duệ của 1/4 số loài sinh vật đã kiên cường sống sót!