Windows 10 luôn nhận được các bản cập nhật định kỳ, các bản cập nhật này có thể là bản cập nhật lớn hoặc là các bản cập nhật nhỏ lẻ. Theo lý thuyết thì đáng lý ra các bản cập nhật phải thật hoàn hảo, nó cung cấp những tính năng mới, sửa lỗi, và giúp cho máy tính hoạt động một cách trơn tru. Tuy nhiên, trên thực tế thì mọi thứ không màu hường như thế. Các bản cập nhật của Windows rất hay bị lỗi và gây ra những thứ tác oai tác quái khiến người dùng bực mình.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, mặc dù rất hay dở chứng, Windows cập nhật lại không mấy khi phát sinh lỗi vì những lý do ngẫu nhiên đâu, mà thường chúng sẽ rơi vào một trong những lý do sau đây.
Hết dung lượng ổ cứng
Nếu như bạn được Windows thông báo rằng “dung lượng ổ cứng đang thấp, một vài chức năng hệ thống sẽ không thể hoạt động được” thì bạn nên bắt tay vào dọn dẹp ngay các file dữ liệu hay ứng dụng không cần thiết của mình. Bởi vì một số chức năng hệ thống quan trọng của Windows sẽ không thể hoạt động, hoặc là hoạt động một phần khi ổ cứng của bạn không còn nhiều dung lượng trống. Ví dụ điển hình chính là chức năng cập nhật Windows, chức năng này sẽ dừng hoạt động khi PC của bạn hết dung lượng lưu trữ.
Khi Windows 10 nhận được bản cập nhật mới từ Microsoft, nó sẽ cần một dung lượng trống nhất định để tải file cập nhật này xuống. Các file này chính là những file mà Windows cài đặt vào máy khi bạn restart (cái màn hình xanh xoay xoay chạy số từ 0-100% khi bạn khởi động lại sau khi cập nhật hoàn tất). Chính vì thế nên khi máy tính không có đủ dung lượng trống, Windows sẽ không thể tải đủ các file cần thiết của bản cập nhật, từ đó dẫn đến hiện tượng cập nhật Windows bị lỗi.
Có quá nhiều bản cập nhật đang trong hàng đợi
Về cơ bản, cập nhật Windows sẽ có 2 loại. Một loại sẽ liên quan đến các thành phần cốt lõi trong hệ thống, loại còn lại sẽ liên quan đến các tính năng được xây dựng dựa trên những thành phần cốt lõi đó. Chính vì thế, khi bạn có quá nhiều bản cập nhật đang trong hàng đợi để được cập nhật thì bạn nên ưu tiên các bản cập nhật nào liên quan tới hệ thống trước. Ví dụ như nếu trong hàng chờ đang có bản cập nhật Servicing Stack Update (bản cập nhật sửa lỗi liên quan tới dịch vụ Windows Update) mà bạn lại không ưu tiên nó trước thì có khả năng cao là các bản cập nhật sau sẽ bị lỗi khi cài vào máy.
Nói chung, hệ điều hành Windows bao gồm nhiều thành phần khác nhau và mỗi thành phần đều yêu cầu được cập nhật thường xuyên để đảm bảo cho nó luôn hoạt động tốt nhất, đặc biệt là các thành phần giữ nhiệm vụ quản lý cập nhật. Vì vậy, để tránh tình trạng các bản cập nhật bị ứ đọng theo thời gian dẫn tới thứ tự ưu tiên cập nhật bị sai, các bạn nên cập nhật máy tính của mình thường xuyên hơn.
Xung đột driver
Chức năng chính của một hệ điều hành đó là quản lý các phần cứng khác nhau khi chúng được kết nối vào PC. Để làm được điều đó, hệ điều hành sẽ phải sử dụng các driver đi kèm với các thiết bị phần cứng này. Và mặc dù driver đóng vai trò quan trọng như là một cầu nối ngôn ngữ giúp cho các linh kiện phần cứng hiểu ngôn ngữ của nhau, chúng vẫn hoàn toàn có khả năng bị xung đột. Ví dụ như driver GPU của bạn lại không chịu “chơi chung” với RAM trong máy tính thế là chúng xung đột với nhau, từ đó dẫn tới sự bất ổn định của hệ thống, cập nhật bị lỗi hay thậm chí khiến cho hệ thống gặp lỗi nghiêm trọng.
Tóm lại, khi các driver xung đột với nhau có thể khiến cho quá trình cập nhật không thành công. Bạn có thể loại bỏ các driver bị lỗi này bằng cách cập nhật nó lên phiên bản mới nhất hoặc là quay lại phiên bản trước mà các bạn dùng vẫn bình thường.
File hệ thống bị hỏng
Windows có rất nhiều file hệ thống quan trọng mà chỉ cần một trong số chúng bị bị lỗi cũng có thể gây ra hậu quả lớn khiến cho hệ điều hành lâm vào cơn nguy kịch, trong đó bao gồm cả lỗi cập nhật. Chính vì thế khi phát hiện cập nhật Windows bị lỗi, các bạn có thể thử sử dụng công cụ SFC để quét, tìm và sửa các file hệ thống đang gặp vấn đề.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng công cụ SFC để quét thì bạn nên quét máy tính trước bằng công cụ DISM. Bởi vì công cụ DISM sẽ quét và tìm ra các vấn đề liên quan tới Windows Component Store. Windows Component Store là nơi lưu trữ các thành phần mà Windows dùng để khôi phục lại các thiết lập trước đây của một file, hoặc sửa chữa các file bị lỗi trong Windows.
Do đó, nếu như chính bản thân Windows Component Store đang gặp vấn đề thì công cụ SFC sẽ không thể sử dụng nó để sửa chữa các file hệ thống bị lỗi được. Bạn có thể thực hiện cả 2 chức năng quét SFC và DISM trong Command Prompt của Windows, chỉ có điều là bạn nhớ cho phép Command Prompt chạy với quyền administrator. Sau khi chạy 2 công cụ quét, bạn hãy thử cập nhật lại Windows nhé.
Dịch vụ cập nhật của Windows bị lỗi
Nếu cập nhật Windows bị lỗi thì đương nhiên không thể không nghĩ tới trường hợp chính bản thân dịch vụ đảm nhiệm chức năng cập nhật có vấn đề. Dành cho bạn nào chưa biết thì dịch vụ cập nhật Windows là dịch vụ chịu trách nhiệm trong việc tự động kiểm tra xem có bản cập nhật mới không, nếu có thì tải xuông và cài đặt. Nếu dịch vụ này vào một ngày đẹp trời dở chứng không hoạt động thì nó sẽ khiến cho quá trình cập nhật bị đình trệ, hoặc cài đặt không thành công.
Nếu cập nhật bị lỗi và máy tính hiển thị thông báo “Windows Update cannot currently check for updates, because the service is not running” thì tức là dịch vụ cập nhật Windows đang không hoạt động. Để sửa lỗi này, các bạn sẽ cần phải tắt và khởi động lại dịch vụ bằng cách thủ công hoặc khởi động Windows ở chế độ Safe Mode. Khởi động máy ở chế độ Safe Mode sẽ là một biện pháp nhanh và an toàn hơn. Sau khi truy cập vào chế độ Safe Mode của Windows, bạn hãy xóa cache cập nhật rồi khởi động lại máy.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Tìm hiểu nguyên nhân khiến chất lượng webcam trên laptop lại tệ hơn cả camera của smartphone
- Gắn iPhone lên xe máy có thể làm hỏng camera, anh em thích quay vlog cẩn thận
Nguồn: makeuseof
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!