Thông thường, mỗi khi gặp một sự cố trong quá trình sử dụng Windows 10, các bạn sẽ gõ trường hợp mà bạn gặp lên Google để tìm kiếm các hướng giải quyết, và nếu hết cách thì các bạn đành phải bâng cả thùng máy hay laptop ra các chỗ sửa chữa PC. Tuy nhiên, trước khi thực hiện các cách trên, các bạn hãy áp dụng thử 5 cách khắc phục cơ bản mà mình sắp giới thiệu dưới đây. Bởi vì nếu thành công các bạn sẽ đỡ phải mất công dò Google hay mang máy tính của mình đi sửa đấy.
Cách 1: Khởi động lại máy tính
Các lỗi mà bạn gặp trong quá trình sử dụng Windows 10 có thể được khắc phục sau khi bạn khởi động lại toàn bộ hệ thống. Đây là cách đơn giản và dễ thực hiện nhất mà bạn nên áp dụng thử bởi vì nó không đòi hỏi bất kỳ kiến thức hay kỹ năng nào cả. Đã từng rất nhiều người đăng các vấn đề mà họ gặp phải trên máy tính lên các diễn đàn công nghệ và nhận được rất nhiều lời tư vấn và phương pháp giải quyết cho dù lỗi mà họ gặp phải hoàn toàn có thể giải quyết được bằng cách khởi động lại.
Cách 2: Chạy ứng dụng Troubleshoot của Windows 10
Nếu như khởi động lại máy không giải quyết được vấn đề mà bạn gặp phải, bạn có thể thử chạy ứng dụng Troubleshoot (tự kiểm tra và sửa lỗi) có sẵn trên Windows 10.
Để chạy Troubleshoot, bạn bấm Windows + I để mở Settings. Sau đó, tìm và chọn mục Update & Security.
Tiếp theo, chọn mục Troubleshoot rồi kéo xuống tìm và chọn loại lỗi liên quan tới vấn đề bạn đang gặp. Đợi Troubleshoot quét và áp dụng bất cứ cách khắc phục lỗi nào mà Troubleshoot tìm thấy.
Cách 3: Tùy chỉnh các ứng dụng khởi động cùng Windows
Một số vấn đề bạn gặp phải khi khởi động máy có khả năng đến từ các ứng dụng được cho phép khởi động cùng lúc với Windows. Thông thường, các lỗi này sẽ không xuất hiện ngay mà đợi khoảng vài phút sau khi máy tính của bạn khởi động màn hình desktop. Nguyên nhân là Windows 10 không khởi động tất cả mọi thứ cùng một lúc mà khởi động theo lượt để hệ thống không bị quá tải.
Nếu như bạn gặp lỗi sau khi khởi động thì có khả năng là do một trong số các ứng dụng khởi động cùng Windows đang có vấn đề. Để kiểm tra, bạn hãy tắt các ứng dụng khởi động cùng Windows đi bằng cách nhấn Ctrl + Shift + Esc để mở Task Manager. Sau đó chọn mục Startup rồi nhấp chuột phải vào các ứng dụng mà bạn đã cài vào máy rồi chọn Disable rồi khởi động lại. Nếu máy tính khởi động bình thường thì khả năng cao lỗi đến từ các ứng dụng này.
Để biết chính xác là ứng dụng nào thì bạn cho từng ứng dụng một khởi động cùng Windows cho đến khi nào lỗi xuất hiện. Để cho phép ứng dụng khởi động cùng Windows lại, bạn mở Task Manager rồi nhấp chuột phải chọn Enable.
Cách 4: Gỡ linh kiện ra khỏi máy
Lỗi máy tính không phải lúc nào cũng đến từ phần mềm hay hệ điều hành, mà có thể đến từ các linh kiện phần cứng trong bộ PC của bạn. Trước đây, mình đã từng viết một bài về cách phân biệt rằng đâu là lỗi phần mềm, đâu là lỗi phần cứng. Các bạn có thể tham khảo bài viết đó tại đây.
Cách 5: Kiểm tra driver cập nhật
Windows 10 rất hay cập nhật, nhưng không phải bản cập nhật nào cũng ổn định. Nó thường đi kèm một số lỗi nhất định cho tới khi Microsoft tung các bản vá về sau. Mặc dù hiện nay, bạn đã có thể quản lý các bản cập nhật mới một cách dễ dàng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể trì hoãn mãi. Cũng sẽ tới lúc bạn sẽ bị buộc phải cập nhật lên bản mới nhất.
Tuy nhiên, nếu lỡ cập nhật lên phiên bản mới và gặp lỗi, bạn vẫn có thể quay lại phiên bản trước của Windows và chờ cho đến khi Microsoft cho ra các bản vá cập nhật. Ngoài Windows cập nhật thì còn có các driver khác về Network, card đồ họa, Bluetooth, audio hay thậm chí là cả cập nhật BIOS cũng có khả năng bị lỗi. Các bạn có thể kiểm tra các bản driver cập nhật trong Device Manager bằng cách bấm vào Windows và gõ Device Manager rồi Enter. Sau đó nhấn đúp vào một mục mà bạn muốn kiểm tra cập nhật rồi click chuột phải vào một thiết bị và chọn Update driver.
Trên đây là 5 cách khắc phục lỗi Windows cơ bản mà hầu hết các bạn đều có thể dễ dàng thực hiện để sửa lỗi. Chúc các bạn thành công!