Game thủ, dù là casual hay hardcore, thì đều có nét thú vị trong các mối quan hệ. Mặc dù nhìn sơ qua thì họ có vẻ như là hiền lành và chung thủy (vì bận chơi game rồi, thời gian đâu mà đi bar để cắm sừng người yêu cơ chứ), nhưng họ có một số bản chất mà bạn nên biết trước để đỡ bị bỡ ngỡ khi quen nhau.
Sau đây là 10 điều mà bạn cần lưu ý khi có người yêu là game thủ.
“Nốt ván này nữa thôi…”
Câu này không chỉ xuất hiện trong mối quan hệ yêu đương mà nó còn từng xuất hiện giữa con cái và ba mẹ. Nếu ngày xưa là “Nốt ván này nữa là con đi ngủ liền” thì phiên bản người yêu có thể sẽ là “Đánh xong trận này nữa là anh lên giường với em ngay”.
Mấu chốt cần hiểu ở đây là khi game thủ nói câu này, bạn cần phải biết người yêu bạn đang chơi game gì, đang trong ngữ cảnh nào. Có thể ý của họ là cho đến chỗ savegame tiếp theo, cho đến khi kết thúc nhiệm vụ, hoặc thậm chí là khi đánh xong con trùm cuối. Vì thế, bạn có thể chỉ phải chờ 5 phút, 10 phút, hoặc nhiều khi là cả tiếng đồng hồ không chừng. Còn nếu người yêu bạn đang trong trận Raid của World of Warcraft thì thôi tốt nhất nên trùm mền đi ngủ luôn cho lành.
Hướng giải quyết tốt nhất là bạn không nên du di quá nhiều, bởi vì người yêu của bạn sẽ có khuynh hướng sử dụng tiếp câu này cho lần sau, lần sau nữa, và kết quả là buổi tối đó bạn bị “bơ” luôn. Hãy thỏa thuận một khoảng thời gian cụ thể, như thế thì sẽ dễ cho bạn cân đong đo đếm hơn là đơn vị “ván” kia.
Không nên bàn chuyện quan trọng khi đang chơi game
Nếu bạn đang muốn trao đổi hoặc bàn bạc điều gì quan trọng, cần thiết với game thủ thì nên lựa lúc đối phương đang không chơi game, hoặc chí ít là đang không cày rank hoặc đang giết trùm cuối. Bởi vì những lúc đó là lúc họ đang tập trung cao độ vào trong game, cho nên cuộc nói chuyện giữa bạn và người ấy thường sẽ không đi đến đâu, chả giải quyết được điều gì. Thậm chí cứ cho là họ tạm dừng (pause) game lại để nghe bạn nói đi, thì tâm lý của họ cũng sẽ là làm cách nào để kết thúc cuộc nói chuyện một cách nhanh gọn lẹ để còn vào game chơi tiếp.
Ngoài ra thì khả năng cao là họ cũng chẳng nhớ bạn đã nói những gì vào lúc đó đâu, cho nên cách tốt nhất là bạn nên nói chuyện trước khi người ấy chơi game, hoặc là đợi cho đến khi chơi xong thì hãy lôi ra nói chuyện. Ít ra thì lúc đó tâm trạng của họ cũng sẽ thoải mái hơn vì đã được xả stress xong xuôi hết rồi.
Phong cách thời trang có thể làm bạn ngượng chín mặt
Cái này thì bạn phải học cách chấp nhận thôi. Đừng kì vọng rằng họ sẽ mặc những bộ quần áo mới nhất hoặc đắt tiền nhất, bởi vì thường game thủ không mấy quan tâm đến chuyện thời trang đâu. Họ sẽ ăn mặc theo một cái gu riêng, và tự hào về điều đó. Đa số trường hợp thì những món đồ họ mang trên người sẽ liên quan đến game hoặc nhân vật trong game mà họ thích. Vì thế nên bạn đừng trêu chọc gì hết nhé, kẻo bị cắn đấy.
Tất nhiên, vẫn có những game thủ không quá lố lăng và ăn mặc cho hợp thời một chút để đi chung với bạn. Nhưng đối với game thủ hardcore thì đừng mơ nhé. Chỉ còn nước là học cách chấp nhận mà thôi.
Hoặc nếu bạn thấy thích thú với bộ môn cosplay thì càng tốt. Cả 2 đều có thể hóa trang thành nhân vật mà mình thích và cùng tham gia vào các hội chợ triển lãm.
Đừng làm game thủ mất mặt trước đám bạn
Không có gì nhục nhã và ê chề hơn là việc bị đánh bại bởi người yêu vừa không phải là gamer, vừa ít kinh nghiệm hơn mình ngay trong tựa game ruột. Cho dù là may mắn đi chăng nữa thì sự thất bại này rất là khó để “nuốt trôi”, nhất là khi có bạn bè xung quanh ngồi chứng kiến thì nó còn cay cú hơn gấp bội phần.
Nếu cả 2 đều là game thủ thì ok không sao, mọi thứ vẫn ổn thỏa. Nhưng bạn không phải là game thủ thì tốt hơn hết nên xem phản ứng của người yêu mình ra sao, rồi tiết chế lại cho phù hợp với tình hình nhé.
Đừng cố gắng giúp đỡ khi không cần thiết
Nếu thấy người yêu đang chơi game thì trừ khi bạn có hiểu biết về tựa game đó, bằng không thì tốt nhất là đừng nên đưa ra lời khuyên nào cả. Nó không chỉ phản tác dụng, khiến người yêu của bạn căng thẳng và “rối não” hơn, mà nó còn khiến họ phải căng não suy nghĩ, tính toán xem xem lỡ lời khuyên của bạn… đúng thì sao?
Ngoài ra, nó còn khiến người yêu của bạn cảm giác rằng họ “phá đảo” được game là nhờ có sự trợ giúp của bạn, chứ không phải là do họ tự thân tự sức “phá đảo” trò đó. Vì thế, tốt hơn hết là bạn chỉ nên dừng lại ở mức độ động viên mà thôi, trừ khi “nửa kia” thực sự nhờ bạn làm “quân sư quạt mo”. Cứ hỏi trước là chắc ăn nhất.
Đúng vậy, một chiếc card màn hình mới là thứ cần thiết
Khi yêu một game thủ PC, bạn phải sẵn sàng thông cảm mỗi khi anh ấy bỏ thêm tiền để mua một chiếc card màn hình mới cóng cho dàn PC vốn đã khủng của mình. Một chiếc card màn hình bây giờ giá 7-8 triệu là điều bình thường. Vậy nên sau khi mua card đồ họa thì bạn cũng khó có thể được anh ấy dắt đi ăn những buổi tối sang trọng, đắt tiền.
Do đó, nếu bạn yêu một anh game thủ chơi console thì không sao, chứ đã lỡ yêu game thủ PC rồi thì hãy thông cảm cho niềm đam mê của người yêu nhé.
Khi nói “ngủ ngon” thì không có nghĩa là sẽ đi ngủ
“Em ngủ ngon nhé” là câu nói hạnh phúc nhất mà game thủ chỉ chờ để nói ra mỗi tối. Đôi lúc bạn thấy người yêu tỏ ra buồn ngủ, trả lời chậm, hay chúc ngủ ngon lúc 11 giờ, thì đảm bảo là “nửa kia” đang chuẩn bị chơi game, vì chẳng có game thủ nào mà đi ngủ lúc 11 giờ tối cả. Vậy nên, câu “chúc ngủ ngon” kia có thể dịch ra là “Em đi ngủ đi, anh còn phải gánh team nữa”.
Thật ra thì các bạn nữ cũng cần có không gian riêng, vậy nên cứ nghĩ đây là lúc bạn có thể dành thời gian cho bản thân mình cũng được. Còn nếu bạn muốn nói chuyện thì cứ thẳng thắn nói ra, và anh ấy sẽ dành thời gian lúc chờ… hồi sinh để nói chuyện với bạn thôi.
Game cũng là một loại hình nghệ thuật
Ai cũng có đam mê, và đam mê của game thủ tất nhiên là game. Vì thế, anh ấy sẽ hi vọng rằng bạn cũng tôn trọng đam mê này. Đối với game thủ, game là một hình thức nghệ thuật, do đó đừng phê phán rằng họ không trường thành, họ con nít, hay chính xác hơn là… “trẻ trâu”.
Tôn trọng anh ấy và anh ấy sẽ tôn trọng bạn. Đôi lúc, nếu bạn thấy họ dành quá nhiều thời gian cho game thì hãy góp ý nhẹ nhàng, còn nếu không được thì hãy cứ tạm bỏ qua. Tiếp tục tranh cãi chỉ khiến mọi thứ trở nên tệ hơn mà thôi, vì game thủ khá là cứng đầu và không chịu thay đổi suy nghĩ đâu.
Cutscene không phải là lúc để nói chuyện
Nhiều người nghĩ rằng cutscene trong game không mang ý nghĩa gì cả, xem cho có lệ là chính. Nhưng thật ra chơi game là phải xem cốt truyện. Vì thế nên mỗi lúc thấy game thủ buông tay cầm hoặc bàn phím để xem cutscene thì cũng đừng nhào vô nói chuyện, khiến họ bị xao nhãng.
Những tựa game hay thường đi đôi với cốt truyện hấp dẫn, và vì thế nên game thủ rất muốn trải nghiệm nó một cách tập trung hết mức. Bạn cứ tưởng tượng là như đang trong rạp phim ấy. Im lặng là vàng!
Nếu bạn chịu chơi game chung, bạn là một “báu vật”
Khi có bạn trai là game thủ không phàn nàn thì đã là quá tốt. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn hỏi anh ấy cho chơi cùng, và chính lúc này bạn sẽ trở thành một “báu vật” trong mắt họ. Cảm giác được hướng dẫn bạn chơi chung, thể hiện kỹ năng và được bạn tấm tắc khen ngợi là cảm giác mà biết bao game thủ hằng mơ ước. Chưa kể, được “gánh” người yêu trong team, bảo vệ bạn trước kẻ địch là một viễn cảnh quá tuyệt vời trong tâm trí của game thủ.
Vậy nên đôi lúc hãy thử bước vào thế giới của game thủ xem sao. Tìm hiểu xem nó có cái gì mà hay đến vậy, có cái gì mà khiến anh ấy đam mê đến thế. Biết đâu được bạn sẽ trở thành một game thủ luôn thì sao.
Nguồn: What Culture