Trong những năm gần đây thì thể loại thế giới mở đã và đang thu hút đông đảo game thủ, một phần là nhờ nó có bản đồ rộng mở cho phép người chơi tự do khám phá theo ý thích. Và để thành công được như ngày hôm nay thì thể loại này đã có những cải tiến, ý tưởng đáng giá qua nhiều năm tháng, giúp những tựa game thế giới mở sau này ngày càng hoành tráng hơn và hấp dẫn hơn. Để có cái nhìn tổng quan về việc thế loại này đã phát triển như thế nào, mời các bạn cùng GVN 360 điểm qua top 10 tính năng đột phá giúp định hình game thế giới mở hiện đại.

Thế giới 3D

Game thế giới mở 3D thì ngày nay chúng ta đã thấy quá quen mặt rồi. Tuy nhiên, với những game thế giới mở đầu tiên thì chúng không được như vậy do giới hạn về mặt công nghệ. Ví dụ như trò Taito’s Western Gun ra mắt vào năm 1975, nó là một game 2D. Sự ra đời của công nghệ 3D đã giúp mang đến trải nghiệm chân thực cho người chơi, giúp game giống thế giới mà chúng ta đang sống nhiều hơn.

Kể từ khi trò Mercenary ra mắt vào năm 1985 thì game 3D ngày càng trở nên phổ biến. Game 3D hấp dẫn ở chỗ nó cho chúng ta cảm nhận được chiều sâu, từ đó đem đến khả năng sáng tạo gần như vô hạn. Sẽ chẳng có gì là quá nếu nói công nghệ 3D là yếu tố quan trọng nhất nhì tạo nên thể loại game thế giới mở mà chúng ta được biết ngày nay.

Những phương thức di chuyển nâng cao (dù bay, tàu lượn, cánh…)

Vì là một tựa game thế giới mở, game thủ bắt buộc sẽ phải dành rất nhiều thời gian để chu du từ khu vực này tới khu vực khác để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, và tùy vào diện tích của bản đồ lớn hay nhỏ mà khoảng thời gian này sẽ dài hay ngắn. Để giúp cho game thủ không cảm thấy nhàm chán và buồn ngủ mỗi khi di chuyển trên một chặng đường dài như vậy, các nhà phát triển đã nghĩ ra một số cách thức di chuyển thông minh và độc đáo, đơn cử như glider (dù lượn) chẳng hạn.

Bạn sẽ được sử dụng một số phương tiện như tàu lượn, dù bay, hay trong những game fantasy thì nó sẽ là những đôi cánh để bay lượn trên bầu trời, nhìn ngắm khung cảnh phía dưới. Điều này giúp cho game thủ không cảm thấy mệt mỏi và chán nản dù cho có phải di chuyển một chặng đường dài đi chăng nữa.

Tương tác giữa các người chơi (PvP)

Các tựa game thế giới mở hầu hết đều có tính năng tương tác giữa các người chơi với nhau, hay còn gọi là PvP. Đồng thời, việc kết hợp thêm yếu tố chơi mạng (multiplayer) đã càng giúp tính năng này như hổ mọc thêm cánh. Một trong số những tựa game thể hiện yếu tố này nổi trội nhất chính là DayZ. Lý do là vì nó cho phép bạn tương tác với những người chơi khác, bất kể có là đồng đội hay kẻ thù đi chăng nữa.

Tính năng PvP đã giúp các tựa game tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc khi các người chơi tương tác với nhau, ví dụ như tạo thêm sự kịch tính trong những màn đối đầu, từ đó giúp thể loại thế giới mở trở nên độc đáo và thú vị hơn trong mắt game thủ. Đương nhiên, tính năng tương tác này hoàn toàn có thể dùng để kêu gọi mọi người lập team đi chung với nhau, tuy nhiên nếu chúng ta sử dụng nó vào mục đích đối kháng, tạo thêm sự kịch tính cho cốt truyện thì sẽ hay hơn nhiều.

Mở rộng khả năng sáng tạo và xử lý tình huống (Sandbox)

Trong thời buổi “sơ khai” của những dòng game thế giới mở, hành động của người chơi thường bị giới hạn. Điều này có nghĩa là khi một tình huống trong game xảy ra, người chơi chỉ có thể giải quyết nó dựa theo một cách cụ thể mà game đã thiết lập sẵn. Nếu người chơi tự ý xử lý tình huống theo cách của riêng mình thì nhiệm vụ đó thường sẽ thất bại. 

Tuy nhiên, kể từ khi tính năng sandbox xuất hiện, người chơi có thể sáng tạo hơn trong việc lựa chọn cách xử lý tình huống trong game theo chiều hướng mà thậm chí ngay cả nhà làm game cũng không nghĩ ra. Ví dụ như để tránh bị phát hiện khi ở trong rừng, bạn có thể quăng một miếng mồi vào đám lính tuần tra để con hổ lao ra và tấn công đám lính đó, hay thậm chí là gọi đồ tiếp tế từ trên không và canh làm sao cho nó rơi trúng đầu kẻ địch chẳng hạn.

Lịch sinh hoạt của NPC

NPC là thành phần thiết yếu trong bất kỳ tựa game thế giới mở nào, bởi vì chúng mang đến sức sống cho thế giới mà nhà phát triển đã tạo ra. Trong rất nhiều tựa game thì NPC chỉ là những nhân vật đứng yên ở đâu đó, đợi người chơi đến tương tác với họ chứ không sinh hoạt như con người. Điều đó làm cho thế giới trong game trở nên “giả trân”.

Đó là lý do mà một số nhà phát triển thêm vào lịch sinh hoạt cho NPC. Lịch trình này giúp các NPC thực hiện các hành động theo chu kỳ. Ví dụ bác nông dân thì sáng ra đồng, chiều đi nhậu; anh bác sĩ thì sáng ở phòng khám, tối về nhà; còn tên trộm thì rày đây mai đó, mỗi tối lại ra đường kiếm ăn. Khi kết hợp lại, lịch trình sinh hoạt của các NPC sẽ tạo ra một thế giới sống động, thực tế hơn, thuyết phục hơn cho người chơi.

Dịch chuyển nhanh

Khi những tựa game thế giới mở ngày một rộng lớn thì các nhà làm game cần phải có cách gì đó để đưa người chơi băng qua bản đồ, nếu không thì game sẽ giống như một phần mềm “giả lập đi bộ”. Thế là hệ thống dịch chuyển nhanh (mấy game võ lâm thì hay gọi là truyền tống) ra đời. Với hệ thống này, người chơi có thể được dịch chuyển đến các điểm mà mình đã từng đến chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Với hệ thống này, nhà phát triển có thể đẩy nhịp độ của game lên nhanh hơn mà không cần thu nhỏ thế giới trong game. Ngoài ra, những game thủ nào muốn cưỡi ngựa xem hoa, chu du ngắm cảnh thì cũng có thể dịch chuyển nhanh đến địa điểm mong muốn rồi cuốc bộ tàn tàn cho nó thư thả cũng được. Chứ mà lội bộ đến chỗ mình muốn thì nhiều khi không còn hơi sức với tâm trí để ngắm cảnh nữa luôn.

Các tòa tháp quan sát

Hầu như trong phần lớn game thế giới mở hiện nay, kiểu gì bạn cũng sẽ bắt gặp một vài tòa tháp cao chọc trời trên bản đồ. Đây là một trong những tính năng dùng để khuyến khích game thủ khám phá những vùng đất mới, mở ra nhiều sự kiện thú vị hơn. Do cơ chế này đã xuất hiện khá nhiều và game thủ cũng bắt đầu cảm thấy nhàm chán, một số nhà phát triển đã tìm cách làm mới nó để mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người chơi.

Ví dụ như trong game Breath of the Wild, người chơi có thể dùng các tòa tháp để quan sát khu vực xung quanh từ trên cao, hoặc dùng nó để di chuyển đến những vị trí khó tiếp cận theo cách thông thường. Nói một cách nôm na thì những tòa tháp này đã trở nên đa dụng hơn trước khá nhiều. Tính năng này vẫn được làm mới qua từng game, vì thế cho nên có thể nói đây là một phần không thể thiếu trong thể loại thế giới mở.

Chiếm đóng căn cứ địch

Nhắc đến thế giới mở thì kiểu gì cũng sẽ có những căn cứ địch xuất hiện trong game. Đây thường là những nơi tập trung đông quân địch, được canh gác kỹ càng với hỏa lực mạnh. Vì thế cho nên để “dọn dẹp” khu này, bạn cần phải lên kế hoạch hẳn hoi, quan sát xem xem tình hình như thế nào để tấn công mà không bị “game over”. Tùy theo cách chơi của mỗi người mà chiến thuật có thể khác nhau: có người thì thích rambo xông thẳng vào cửa chính, gặp đứa nào là bắn đứa đó; người khác thì chậm rãi tìm cách chia rẽ mục tiêu để âm thầm tiêu diệt từng tên một, tránh trường hợp rút dây động rừng.

Đây là một trong số các tính năng cho phép game thủ tự do làm những điều mình thích, và đó cũng là cốt lõi của thể loại thế giới mở. Một vài căn cứ chỉ cần bạn dọn sạch bóng dáng kẻ địch là xong, nhưng một số khác thì bạn cần phải phá hủy thêm thứ gì đó, hoặc cố thủ cho đến khi đồng đội ứng cứu. Mặc dù những căn cứ này hầu như game thế giới mở nào cũng có, chúng lại được biến tấu theo nhiều kiểu khác nhau qua từng game nên người chơi cũng ít cảm thấy nhàm chán.

Xuất hiện nhiều phe phái

Trong game thế giới mở, nhiều game thủ sẽ muốn có cảm giác như là đang trong một thế giới sống động, có sự tương tác giữa các nhân vật. Một trong những cách nhà phát triển hiện thực hóa điều này là bổ sung hệ thống phe phái (faction) trong game. Mỗi phe sẽ nắm quyền hành trong một khu vực nhất định và sẽ có những tố chất, kỹ năng riêng.

Người chơi sẽ có toàn quyền quyết định đối với những phe phái này. Chẳng hạn, bạn có thể chọn cách giao tranh với bọn họ, từ đó giúp người chơi tiến sâu hơn vào thế giới trong game, khám phá ra nhiều điều thú vị, mới lạ hơn. Đôi lúc, việc gia nhập những phe phái này còn giúp bạn thay đổi cục diện, tạo ra những trường đoạn đầy ấn tượng trong cốt truyện. Có thể nói nhờ tính năng này mà game thế giới mở càng ngày càng trở nên thu hút hơn, đối với những người mới trải nghiệm thể loại này cũng như là fan gạo cội.

Yếu tố ngẫu nhiên

Sau thảm họa No Man’s Sky, nhiều game thủ nghĩ đã tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của yếu tố ngẫu nhiên trong game thế giới mở. Tuy nhiên, nếu biết cách ứng dụng hợp lý thì tính năng này sẽ mở ra nhiều thứ hay ho khác để mỗi lần bật game lên chơi là có điều mới mẻ đang chờ đón game thủ.

Nhờ vậy mà mỗi người chơi sẽ có một cảm nhận khác nhau, một trải nghiệm độc nhất, không ai giống ai cả. Mỗi game thủ sẽ có một câu chuyện riêng để kể, để chia sẻ với những người xung quanh. Từ đó game sẽ được lan truyền rộng rãi hơn, được nhắc đến và bàn luận nhiều hơn, thậm chí là thu hút thêm người chơi mới trải nghiệm tính năng hay ho này. Tất nhiên, nhà phát triển phải làm sao cho thật khéo, chứ không là nó sẽ mang tính lặp đi lặp lại khiến game thủ mau nhàm chán.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Game Rant


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360