Mời các bạn cùng du ngoạn một chuyến xuống lòng đại dương bao la với bài đánh giá tựa game Abzû nhé.
Có câu “rảnh rỗi sinh nông nỗi”, thế là hôm lễ 30/4-1/5 vừa rồi mình đã lôi con game indie Abzû ra và làm luôn 1 chuyến du lịch xuống thủy cung các bạn ạ. Mình vốn là dân chơi hệ bắn súng FPS (first person shooter) và vẫn đang cày mấy trò như Call of Duty: Warzone với Apex Legends, nhưng bị bom đạn dập riết cũng… mệt nên mình mới quyết định đổi gió cho thư thả đầu óc. Sẵn dịp này, mình cũng đánh giá Abzû để các bạn tham khảo luôn.
Lướt trong đống game miễn phí mà Epic đã hân hạnh tài trợ suốt 2 năm qua, mình thấy có 2 tựa game nhìn hình khá “chill” là Abzû và Subnautica. Sở dĩ lần này mình ưu ái Abzû hơn là vì đợt nghỉ lễ cũng không quá dài nên mình cần một tựa game có thời lượng ngắn để “về nước” trong dịp lễ luôn. Tựa game này chỉ cần khoảng 2 đến 4 tiếng là chơi xong, với lại mình có hóng hớt và biết trò này được đề cử tới mấy giải thưởng lận nên cũng muốn xem xem 2 tiếng đó xuất sắc đến mức nào.
Nguồn gốc của cái tên “Abzû”
Trước khi lặn xuống biển, hẳn sẽ có nhiều bạn tò mò về cái tên Abzû, nghe lạ tai mà cũng chẳng biết nó thuộc ngôn ngữ gì. Mình cũng thế, và sau khi lượn vài vòng trên mạng thì mình biết nó có nguồn gốc từ thần thoại Sumer. Người Sumer xem các vị thần của họ là người chịu trách nhiệm cho tất cả vấn đề liên quan đến tự nhiên và xã hội, và trong trường hợp game này là nữ thần đại dương Tiamat và thần nước ngọt (fresh water) Abzu cùng hợp nhất để hình thành mọi sự sống.
Theo nhà phát triển Giant Squid Studios thì “Ab” nghĩa là “nước”, còn “Zû” nghĩa là “hiểu biết”, dịch thoáng ra là “đại dương của sự thông thái”. Nghe tới đây thôi là mình đã muốn lao ngay xuống biển rồi đó.
Abzû có cốt truyện đơn giản và dễ theo sát
Một trong những điều mà mình đánh giá ấn tượng nhất về Abzû là game được dẫn dắt hoàn toàn bằng hình ảnh và âm thanh. Chỉ có mình, những đàn cá, và đại dương mênh mông mà thôi, không có bất kì lời thoại nào hết.
Nội dung game cũng khá là đơn giản. Vào vai một thợ lặn, bạn sẽ bắt đầu hành trình khám phá những tàn tích của một nền văn minh lâu đời bị nhấn chìm dưới lòng đại dương. Trên hành trình, bạn sẽ được một chú cá mập trắng dẫn đến những cái giếng và dùng năng lượng trong người để kích hoạt nó, giúp thảm thực vật ở vùng đó xanh tươi trở lại và sinh vật biển ùa nhau quay về.
Tuy nhiên, nguồn năng lượng này đang bị bòn rút bởi những thiết bị hình kim tự tháp. Nếu muốn trả lại sự sống cho toàn đại dương thì bạn phải “nhổ cỏ tận gốc”, tìm cho ra nơi nguồn cơn bắt đầu và xử lý nó một cách triệt để.
Cơ chế điều khiển của Abzû siêu dễ, hầu như game thủ nào cũng làm quen được
Có một điều khiến mình thấy Giant Squid Studios xứng đáng được khen ngợi đó là cơ chế điều khiển trong game cực kì đơn giản luôn các bạn ạ. Thay vì phải phối hợp tay mắt, phản xạ nhanh lẹ để di chuyển, thay đạn, đổi súng, xài chiêu như trong mấy game bắn súng mình thường hay chơi thì về cơ bản, ngoài nút xoay nhân vật và xoay camera ra thì Abzû chỉ cần mình nhớ thêm 2 nút nữa thôi: bơi và tương tác. Muốn tiến tới thì chỉ việc xoay nhân vật đúng hướng muốn bơi rồi đè nút bơi là được, gặp cái gì lạ lạ có thể tương tác thì cứ bấm nút tương tác là xong, dễ ẹc.
Game vẫn còn 3 nút khác nữa với các chức năng bao gồm bơi nhanh, thiền, và cưỡi cá. Phần lớn game chỉ cần mấy nút trên kia là đã có thể “về nước” được rồi. Còn 3 nút này thì chủ yếu là giúp lối chơi đa dạng hơn, đỡ bị nhàm chán. Thay vì lặn như bình thường thì mình có thể cưỡi mấy con cá lớn để di chuyển một cách nhanh hơn, thú vị hơn. Đến khi gặp những pho tượng thì có thể ngồi trên đó thiền và ngắm nhìn những đàn cá rực rỡ đang bơi lội tung tăng xung quanh mình, hoặc thậm chí còn được tận mắt chứng kiến cảnh cá lớn nuốt cá bé là đằng khác.
Riêng nút bơi nhanh thì trong một lần spam theo thói quen, mình tình cờ phát hiện ra một tính năng ẩn đó là nếu spam đúng kỹ thuật thì phần chân nhái (chân vịt) sẽ phát ra ánh hào quang và kích hoạt chế độ… bứt tốc, nhìn cũng khá là cool ngầu và đẹp mắt.
Abzû không phải là game mô phỏng, đây đơn thuần chỉ là game “cưỡi ngựa xem hoa”
Ban đầu cứ nghĩ đây là một tựa game mô phỏng bơi lặn, nhưng đến khi làm quen với cơ chế điều khiển, tiếp xúc với gameplay rồi thì mình mới thấy chẳng có mô phỏng gì ở đây cả các bạn ạ. Đơn giản mà nói, Abzû là một tựa game đúng nghĩa cưỡi ngựa xem hoa để thư giãn đầu óc, cho phép mình tự do khám phá đại dương xanh biếc, hòa mình cùng với những bầy cá đủ màu sắc và ngắm nhìn những thảm thực vật thủy sinh xanh mướt, y như là đang mơ một giấc mơ hão huyền vậy.
Game có lối chơi theo kiểu tuyến tính nên mình hiếm khi nào bị lầm đường lạc lối. Khi nào khám phá xong xuôi thì mình chỉ việc tìm đến nơi nào đang có nhiều cá nhất, vì thường thì chúng sẽ bơi theo hướng dẫn đến khu vực tiếp theo. Đôi lúc, những đàn cá này sẽ đưa bạn đến một nơi đặc biệt, nằm ẩn sâu trong một cái hốc hoặc sau vách đá chứa một số món đồ mà bạn có thể thu thập (collectibles).
Một số khu vực nhất định còn có dòng biển (hải lưu). Bạn nào đã từng xem phim hoạt hình Finding Nemo, lúc Marlin và Dory đang cưỡi trên mai rùa Crush xuôi theo dòng chảy thì hải lưu chính là nó đó. Khi hòa mình vào dòng biển thì nhân vật sẽ tự động di chuyển xuôi dòng nước, xuyên qua những đàn cá đang trên hành trình đến vùng biển mới, còn mình thì tranh thủ ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, chứng kiến khung cảnh đang dần thay đổi vì mình sắp được khám phá một khu vực mới.
Những chú cá trong Abzû còn được chăm chút nhiều hơn cả nhân vật chính
Đánh giá Abzû với góc độ một game mô phỏng thực tế thì thực sự không đúng lắm (một phần vì phong cách đồ họa theo kiểu hoạt hình) nhưng theo mình được biết thì mỗi loại đều được Giant Squid Studios thiết kế dựa trên loài cá có thật. Họ đã lấy ra những đặc điểm nổi bật nhất của loài cá đó rồi gán nó vào trong game, riêng cách bơi của chúng thì được “copy & paste” thẳng từ ngoài đời thực vào trong Abzû luôn.
Ngoài ra thì cái cách mà những loài cá tương tác với nhau và với môi trường xung quanh cũng được chăm chút rất kỹ lưỡng, cho nên mình hoàn toàn bị thuyết phục khi bơi chung với chúng. Tuy chỉ là nhà phát triển indie nhưng Giant Squid Studios cho thấy họ có sự đầu tư hẳn hoi, không phải cứ vẽ đại mấy con lấy lệ rồi cho nó ngọ nguậy là xong.
Đồ họa và âm thanh trong Abzû hòa quyện làm một, tạo cảm giác bình yên đến lạ thường
Đánh giá Abzû mà tách hình ảnh và âm thanh ra thì chắc chắn là một ý kiến tồi. Bởi vì rõ ràng là sự hòa hợp giữa 2 yếu tố này được Giant Squid Studios đặc biệt quan tâm. Khác với những khẩu súng cực kì chi tiết, những tòa nhà bị xe tăng bắn banh chành thành đống gạch vụn mà mình đã quá quen thuộc, đồ họa trong Abzû được thiết kế theo phong cách hoạt hình nhìn rất đơn giản, không cầu kỳ hay phức tạp gì cả.
Và cũng chính nhờ điều này mà mình không cần phải bận tâm về chuyện chú ý vào các tiểu tiết trên màn hình, mà thay vào đó là thả mình vào không gian rộng lớn của đại dương mênh mông bao la, đắm chìm trong khung cảnh thực vật xanh tươi, đùa giỡn cùng những đàn cá đang bơi lội tung tăng, và đồng thời điều tra xem kẻ nào đang âm mưu phá hoại nơi này. Tất cả đã mang đến cho mình một cảm giác yên bình, nhẹ nhàng, và thư thái mà hầu như rất ít game bắn súng nào có được.
Về khoản âm thanh thì bên cạnh những bản nhạc nền du dương, êm dịu giúp mình thả lỏng cơ thể thì thứ âm thanh cũng quan trọng không kém đó là tiếng kêu của những loài cá. Mỗi loài sẽ phát ra tiếng kêu khác nhau, và mình có nhận ra những âm thanh quen thuộc như tiếng kêu của cá heo, cá voi xanh xen lẫn tiếng kêu của hàng chục loài khác. Đã có một lúc mình sử dụng chức năng thiền trong game chỉ để ngắm nhìn và lắng nghe âm thanh của đại dương, của những chú cá.
Mình không rõ những tiếng kêu đó có ý nghĩa gì hay không, chỉ biết là con cá đó sắp được một bữa no nê, hoặc trường hợp khác là được… đầu thai vì sắp bị con khác đớp. Lúc mình đặt tay cầm xuống, chỉ còn tai nghe mắt thấy thì đó cũng là lúc mình cảm nhận được rằng bản thân không còn là nhân vật chính nữa, mà bây giờ mình đã trở thành một phần của sự sống nơi này.
Abzû hoàn toàn xứng đáng với mức giá chưa đến 200.000 VNĐ
Đây là trò mình được Epic Games Store tặng hồi tháng 10/2020 nên để có một con số tham chiếu khách quan hơn, mình sẽ lấy mức giá trên Epic Games Store tại thời điểm bài viết là 185.000 VNĐ nhé (của Steam là 188.000 VNĐ). Theo mình đánh giá thì một tựa game indie thư giãn như Abzû với mức giá chưa đến 200.000 VNĐ quả thật là hoàn toàn xứng đáng các bạn ạ.
Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, Abzû đã kéo mình ra khỏi làn lửa đạn rồi thả mình vào làn nước xanh ngắt để vờn nhau với những chú cá, thám hiểm những vùng biển đầy huyền ảo, và đặc biệt là thả lỏng đầu óc sau những trận đọ súng căng thẳng đầy kịch tính. Vì thời lượng game cũng chỉ có 2 tiếng nên Abzû hầu như rất ít lộ “sơ hở”, duy nhất chỉ có một điều khiến mình hơi bối rối là game chỉ hướng dẫn những thứ căn bản. Về sau, khi bắt đầu có thêm một số cơ chế giải đố thì mình phải loay hoay một lúc mới tìm được cách qua màn. Nhưng nhìn chung thì điều này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm vì dù gì Abzû cũng không phải là một tựa game phức tạp.
Trên đây là bài đánh giá của mình về tựa game Abzû, mong rằng các bạn thấy thích và hy vọng có ích cho bạn nào sắp mua.
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!