Khủng long thật ra không tuyệt chủng hoàn toàn, hậu duệ chúng vẫn cùng san sẻ trái đất với loài người. Chúng bay trên đầu chúng ta, chúng nhặt thức ăn dưới đất, ở đâu bạn cũng thấy chúng và chúng xuất hiện trên cả bàn ăn. Con cháu của một số loài khủng long đã sống sót qua cơn đại tuyệt chủng để tiếp tục tiến hóa và trở thành chim.

Khủng long không tuyệt chủng hoàn toàn

Thời đại của khủng long bắt đầu từ kỷ Tam Điệp (cách đây 243 – 233,23 triệu năm) và phát triển rực rỡ trong kỷ Jura (201.3–145 triệu năm trước) trước khi chấm dứt từ trận đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng mà chúng ta đều biết cách đây 66 triệu năm.

Vụ va chạm thiên thạch cuối kỷ Phấn Trắng và các vụ phun trào núi lửa mà nó kéo theo đã xả một lượng khói khói bụi khổng lồ vào trong bầu khí quyển. Khói bụi che lấp ánh mặt trời, làm trái đất lạnh hơn tạo nên hiệu ứng mùa đông hạt nhân kéo dài hàng chục năm trên phạm vi toàn cầu. Thực vật không sống được kéo theo sự tuyệt chủng của loài ăn thực vật. “Lên dĩa” đầu tiên là mấy con thằn lằn sấm to nặng hàng chục tấn cần quá nhiều thức ăn, tiếp đến là mấy con ăn thịt cỡ lớn chết đói do không còn đủ thịt để nuôi chúng nữa. Những loài động vật càng nhỏ, càng cần ít thức ăn hơn thì càng có nhiều cơ hội sống sót. Chúng đào xuống đất, nấp trong những cánh rừng chết hoặc ẩn mình dưới lòng đại dương sâu thẳm để sống sót và chờ ngày tận thế trôi qua.

Sự kiện kinh hoàng đó đã quét sạch 3/4 số loài động vật. Tất cả các loài sinh vật ngày nay đều là hậu duệ của 1/4 số loài sinh vật đã kiên cường sống sót. Trong đó có cả những hậu duệ nhỏ nhắn đáng yêu của một số loài khủng long, đang sống cùng chúng ta trong thế giới hiện đại – chim.

Chim là hậu duệ của khủng long chân thú (Theropoda)

Theo các chứng cứ được thu được trong suốt lịch sử của ngành cổ sinh vật học thời kỳ Đại Trung Sinh thì chim là hậu duệ của một số loài thuộc nhóm Khủng Long Chân Thú. Trong đó đáng chú ý nhất có thể kể đến kết quả của một công trình nghiên cứu từ các nhà cổ sinh vật học thuộc đại học Adelaide (Úc) được đăng trên tạp chí Science hồi năm 2014

Trong công trình nghiên cứu này, họ đã phân tích và so sánh hơn 1500 đặc điểm giải phẫu của rất nhiều loài khủng long trong một quá trình tiến hóa 50 triệu năm (từ khoảng 200 triệu năm trước đến 150 triệu năm trước) để tạo cây phả hệ của chúng. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều mô hình toán học phức tạp để theo dõi sự thích nghi và thay đổi kích thước cơ thể theo thời gian trên các nhánh khủng long trong cây tiến hóa. Kết quả là họ tìm ra được chính xác nguồn gốc của chim hiện đại là từ một số loài thuộc nhóm khủng long chân thú.

Trong 50 triệu năm đó, Khối lượng trung bình của chúng giảm từ 163kg xuống chỉ còn 0.8kg, và loài Archaeopteryx (chim thủy tổ) xuất hiện. Loài này được xem là bước chuyển tiếp giữa khủng long và chim hiện đại, chúng có lông vũ, cơ thể nhẹ nhàng, ăn thịt và biết bay.

Về việc vì sao chúng lại nhỏ hơn và phát triển lông vũ như thế thì các nhà cổ sinh vật học của đại học Adelaide cho biết rằng những con khủng long nhỏ con, biết leo trèo và có lông vũ sẽ đạt được những lợi thế nhất định. Ví dụ như chúng có thể trèo cây để trốn kẻ thù, nhảy-lướt tốt hơn và tiếp cận những nguồn thức ăn mà bọn to xác không với tới được. Sau đó các loài chim đã tiến hóa trong hàng chục triệu năm nữa, cùng chia sẻ bầu trời với thằn lằn ngón cánh cho đến khi chúng vượt qua được sự kiện đại tuyệt chủng cùng với tổ tiên loài người và nhiều sinh vật bé nhỏ kiên cường khác.

“Khủng long hiện đại”

Ngày nay thế giới hiện có khoảng 10000 loài chim. Thế nên thay vì nói rằng khủng long đã tuyệt chủng thì bạn có nghĩ một cách tích cực hơn cho chúng, rằng có 10000 loài khủng long hiện đại đang chia sẻ trái đất này cùng chúng ta và nhiều sinh vật khác nữa. Điều này có nghĩa là mấy con như gà, vịt, cò, hải âu, đà điểu, cánh cụt… đều là có những tổ tiên oai hùng đấy.

*Thông tin thêm cho bạn nào còn lạ lẫm khủng long chân thú: Thật ra chúng khá nổi tiếng trên phim ảnh đấy. Từ con T-rex to đùng cho đến Carnotaurus 2 sừng hay bọn Velociraptor nhanh nhẹn xảo trá đều thuộc nhóm khủng long chân thú.

Tham khảo: Seeker, Đại học Adelaide


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360