Tính năng S.M.A.R.T. xuất hiện trên hầu hết HDD và SSD, nhưng nó là gì và có thật sự “thông minh” hay không thì không phải ai cũng biết.
Trong đợt trên tay nhanh chiếc SSD KLEVV CRAS C710, ngoài những cái tên “chai mặt” như NVMe, PCIe 3.0 thì mình có vô tình gặp lại một tính năng vô cùng quen thuộc gọi là S.M.A.R.T. Hẳn nhiều bạn cũng đã từng bắt gặp chữ này kha khá lần trên mấy ổ HDD/SSD rồi, nhưng chức năng của nó là gì thì hầu như chẳng ai nhớ, và mình cũng thế. Vậy nên mấy ngày cuối tuần rảnh rỗi, mình đã ôn lại kiến thức xem xem “người bạn thân lạ mặt” này là ai, và nó có thật sự giúp ổ cứng thông minh hơn như tên gọi hay không. Mời các bạn cùng mình tìm hiểu nhé.
Hầu như ổ cứng nào (HDD lẫn SSD) cũng đều được trang bị tính năng Self-Monitoring, Analysis, and Reporting Technology (gọi tắt là S.M.A.R.T.). Nó có nhiệm vụ theo dõi nhiều thuộc tính của ổ cứng có khả năng hư hỏng, và thông báo cho người dùng biết rằng tình trạng hiện tại ra sao, còn sống tốt hay là đang sắp ngỏm.
Cụ thể thì nó sẽ theo dõi hơn 80 thuộc tính khác nhau liên quan đến độ bền của ổ cứng, chẳng hạn như mất bao lâu để HDD đạt vận tốc tối đa, khi hoạt động thì HDD rung đến mức nào, đọc/ghi có lỗi gì không, nhiệt độ hoạt động là bao nhiêu, có bị bad sector chỗ nào không, tuổi thọ của SSD còn bao lâu, vân vân. Hễ S.M.A.R.T. phát hiện ra có điều gì đó không ổn là nó sẽ báo hiệu ngay.
Bản thân Windows tương thích với tính năng này, cho nên nếu cần kiểm tra thì bạn có thể gõ dòng lệnh sau đây vào Command Prompt nhé: wmic diskdrive get status
Nếu các ổ cứng trong máy đều trả về kết quả là OK thì mọi thứ vẫn ổn. Còn nếu nó ghi là Bad (ổ cứng sắp hư), Unknown (không thể lấy thông tin của S.M.A.R.T.), hay Caution (nên sao lưu dữ liệu và thay ổ mới trước khi quá muộn) thì khả năng cao là ổ cứng của bạn đang bị lỗi và có nguy cơ hư hỏng đó. Ngoài ra, bạn có thể dùng những phần mềm phổ biến như CrystalDiskInfo (miễn phí) để kiểm tra lỗi chi tiết nhé. Về mã lỗi các bạn có thể tham khảo thêm tại đây.
Tuy xịn sò như thế, nhưng trên đời này không có gì là hoàn hảo hết các bạn ạ. Theo báo cáo của BackBlaze – một hãng nổi tiếng chuyên cung cấp dịch vụ lưu trữ – thì chỉ có khoảng 77% trường hợp ổ cứng bị hư là được S.M.A.R.T. báo lỗi từ trước mà thôi. Do đó, cẩn thận vẫn là trên hết, nếu bạn thấy ổ cứng phát ra tiếng kêu kì lạ, hoặc hoạt động không bình thường thì nên lưu dữ liệu sang một ổ khác và đem ổ kia đi kiểm tra nhé.
Nhiều bạn tới đây sẽ thắc mắc vì sao những linh kiện như bo mạch chủ, RAM không được trang bị tính năng tương tự. Mình cũng thấy khó hiểu điều này và tìm ra một lời lý giải đáp khá là hợp lý, đó là vì những linh kiện này cùng lắm hư thì bỏ, mua cái mới gắn vô xài tiếp là được; chứ như ổ cứng mà hư một cái là sẽ mất dữ liệu, muốn cứu nhiều khi chưa chắc đã cứu được, đó là chưa kể còn tốn thời gian và chi phí nữa.
Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Tóm tắt ý chính:Hầu như ổ cứng HDD/SSD nào cũng có tính năng S.M.A.R.T (viết tắt của Self-Monitoring, Analysis, and Reporting Technology)
S.M.A.R.T. theo dõi hơn 80 thuộc tính của ổ cứng và thông báo tình trạng hiện tại ra sao, còn sống tốt hay là đang sắp ngỏm
Có thể dùng Command Prompt hoặc phần mềm thứ 3 để kiểm tra tình trạng của S.M.A.R.T.
Tuy nhiên, S.M.A.R.T. không hẳn là hoàn hảo, nên nếu bạn thấy ổ cứng bất thường thì nên đem đi kiểm tra ngay
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao chúng ta không thể gắn GPU lên bo mạch chủ như CPU? Đây là câu trả lời cho bạn
- Tìm hiểu về sự khác biệt bên trong CPU Intel và AMD
Nguồn: BackBlaze; Windows Central; HowtoGeek
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!