Đúng lý ra là bo mạch chủ H410 và B460 đều hỗ trợ tốt CPU Intel thế hệ 11 “Rocket Lake”, nhưng thực tế lại không. Mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé
Theo thông tin chính thức thì CPU Intel thế hệ 11 “Rocket Lake” sẽ không tương thích với bo mạch chủ chipset H410 và B460. Thậm chí, còn có luồng tin còn cho rằng thế hệ này còn không tương thích với một số bo mạch chủ Z490 là đằng khác. Điều này đã khiến fan Intel vô cùng bất ngờ, vì theo “lẽ thường tình” thì bo mạch chủ 400-series vẫn sẽ tương thích với CPU Intel thế hệ thứ 11, chỉ cần dành chút thời gian cập nhật BIOS là được.
Theo một “vọc sĩ” trên diễn đàn Trung Quốc thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, nhìn chung là do chipset và BIOS không thể hỗ trợ tốt cho CPU Intel thế hệ 11. Nhưng lý do quan trọng hơn hết là nằm ở hệ thống cấp điện trên bo mạch chủ.
Nguồn điện không đủ
Nhiệm vụ của hệ thống cấp điện là chuyển điện áp 12 V và 5 V xuống mức thấp hơn để cho CPU sử dụng. Đến đây thì chúng ta có các loại điện áp như Vcore (nhân CPU), Vgt (nhân iGPU), VCCSA (system agent), VCCIO (input và output), VCCM (bộ nhớ), vân vân.
Theo thông tin được biết thì CPU “Comet Lake-S” và “Rocket Lake-S” không thay đổi Vcore và Vgt, nhưng VCCSA và VCCIO thì lại có thay đổi.
Để đi sâu vào chi tiết thì nó khá là khô khan và thiên về mặt kỹ thuật. Nhưng đơn giản mà nói thì với CPU “Rocket Lake-S”, khả năng là Intel đã thay đổi chế độ cấp điện của VCCSA sang SVID. Điều này có nghĩa là điện áp được cung cấp bởi pha này sẽ do CPU trực tiếp điều khiển, y như Vcore, cho nên nó sẽ không có nguồn cấp điện chung hoặc là PWM khác.
Thêm vào đó, một số bo mạch chủ không có bộ điều khiển SVID PWM sẽ không tương thích với chip Rocket Lake-S. Ngoài ra thì việc chia hệ thống cấp điện hoặc dùng PWM khác cũng là điều bất khả thi. Lúc này thì chúng ta sẽ cần một PWM IC tuân theo các thông số IMVP8 của Intel.
Đến phần VCCIO thì chúng ta có thể tham khảo 2 sơ đồ mạch điện của bo mạch chủ B460 và Z590. Theo đó, VCCIO cho chip “Rocket Lake-S” sẽ được chia thành VCCIO_0 và VCCIO_1_2. Bo mạch chủ B460 thì không có kết nối đến VCCIO_1_2, điều này nghĩa là các chân pin RSVD trên bo mạch chủ B460 và H410 đều bị bỏ trống và không có điện để cấp cho VCCIO_1_2. Và vì VCCIO_1_2 liên quan đến PCIe nên CPU sẽ không thể hoạt động bình thường.
BIOS không hỗ trợ
BIOS cũng đóng một phần quan trọng trong việc hỗ trợ CPU thế hệ mới. Nếu microcode của con chip không nằm trong cơ sở dữ liệu thì dĩ nhiên là nó sẽ không tương thích với bo mạch chủ. Theo phỏng đoán thì Intel đã xác định là chipset Comet Lake PCH-V sẽ không hỗ trợ Rocket Lake nên những con chip đó sẽ không nằm trong kế hoạch khi phát triển BIOS.
Để khắc phục vấn đề này thì cũng không quá khó, chỉ cần trích xuất microcode từ BIOS của chipset Z590 rồi cài vào bo mạch chủ mong muốn là được. Chuyện này cũng không mới mẻ gì vì các hãng bo mạch chủ đã nghĩ ra trò này từ lâu rồi.
Phân loại chipset
Chipset Intel 400-series gồm có Z490, W480, Q470, H470, B460 và H410. Theo thông tin rò rỉ trước khi CPU Intel thế hệ 10 “Comet Lake” ra mắt thì Intel chia chipset 400-series ra làm 2 nhóm. Một nhóm là Comet Lake PCH-H gồm Z490, W480, Q470 và H470, nhóm còn lại là Comet Lake PCH-V gồm B460 và H410. Vẫn chưa rõ 2 nhóm đó nghĩa là gì, nhưng nhìn cách chia như thế thì bây giờ chúng ta có thể phần nào hiểu được vì sao chipset B460 và H410 không hỗ trợ chip “Rocket Lake”.
Được biết, mỗi vi xử lý sẽ có một CPU_ID mà chipset sẽ dùng để nhận diện con chip. Theo logic thì vi xử lý sẽ trở nên vô dụng nếu chipset không nhận diện được CPU_ID. Và có vẻ như cách “vượt rào” khá là đơn giản: vô hiệu hóa CPU_ID trong phần Intel Management Engine của BIOS. Các hãng bo mạch chủ như Gigabyte thì có tìm ra một cách tinh tế hơn, đó là âm thầm sử dụng một con chipset khác cho dòng bo mạch chủ H410.
Nguồn: tom’s HARDWARE; DSOGaming
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!