Trải nghiệm và đánh giá tai nghe HyperX Cloud 2 Wireless: Kế thừa di sản, tiếp bước thành công, nâng tầm trải nghiệm
Các game thủ chắc hẳn từ lâu đã không còn xa lạ với thương hiệu đình đám HyperX Cloud, một dòng tai nghe gaming có thể nói là lá cờ đầu về hiệu năng trong tầm giá. Đăc biệt, HyperX Cloud 2 là một chiếc tai nghe đã trở thành huyền thoại trong làng game bắn súng nói riêng và trong lòng game thủ nói chung bởi thiết kế quá hoàn hảo và chất lượng âm thanh siêu việt trong game mà nó mang lại. Và việc thiếu đi “nàng thơ” HyperX Cloud 2 để “nâng khăn sửa túi” quả thật khiến các xạ thủ không thể nào vững tay mà cầm súng tung hoành ngang dọc được.
Nhưng có lẽ cũng rất nhiều người giống như mình, sau một thời gian dài mỏi mệt bên bàn máy tính muốn tạm gác lại những trận game để ngả lưng nghỉ mệt, và những lúc ấy thật bất tiện làm sao khi mình không thể ấp iu chiếc HyperX Cloud 2 yêu dấu và cùng “nàng thơ” trải nghiệm khoảnh khắc thư giãn với những bài nhạc lofi nhẹ nhàng: tất cả chỉ vì sợi dây kết nối đã ngăn cách cả hai.
Tiếp bước thành công và hiểu được tâm tư nguyện vọng của game thủ, HyperX Cloud 2 đã thay xiêm đổi phục, khoác lên một chiếc áo nâng cấp “Wireless” để giải quyết mọi ưu phiền của game thủ. Và hôm nay mình sẽ đánh giá huyền thoại HyperX Cloud 2 phiên bản Wireless này sau một tuần Nam chinh Bắc chiến cùng em trong những tựa game CS:GO, Valorant, PUBG, LoL và thưởng thức âm nhạc nhé.
Mở hộp HyperX Cloud 2 Wireless và những phụ kiện tiện lợi kèm theo, nay có thêm phần hướng dẫn sử dụng trực quan, dễ hiểu
Các phụ kiện đi kèm bao gồm
- Một chiếc mic rời,
- Một miếng mút lọc âm
- Dây sạc cổng type C
- Giấy hướng dẫn sử dụng
Đặc biệt nay với phần hình ảnh trực quan và dễ hiểu trong tờ hướng dẫn, những ai không giỏi tiếng Anh lắm cũng có thể nhìn theo hình để biết cách sử dụng cơ bản, chẳng hạn như các trạng thái sạc, cách kích hoạt chế độ giả lập âm vòm 7.1,…
Mình có đôi phần hụt hẫng khi các phụ kiện đi kèm HyperX Cloud 2 Wireless lại thiếu đi một cặp lót tai thay thế giống như phiên bản có dây. Mình khá là thích miếng lót tai với chất liệu vải đấy vì mình là một người dễ ra mồ hôi, và nếu như có di chuyển liên tục để working outdoor thì mình sẽ đổi miếng lót da thành miếng lót vải để thấm hút. Tuy nhiên thì có vẻ như đa số người dùng không “hảo” miếng lót này lắm vì nó khá cứng, nếu đeo thời gian dài thì có thể sẽ hơi đau tai, nên phiên bản Wireless đã cắt giảm đi phụ kiện này.
HyperX Cloud 2 Wireless mang thiết kế cổ điển và sang trọng, thừa hưởng ngôn ngữ thiết kế của phiên bản tiền nhiệm
Trước hết là khi vừa nhìn thấy em nó nằm gọn gàng tươm tất trong hộp, chắc hẳn mọi người đều nhận thấy rằng phiên bản Wireless vẫn giữ nguyên thiết kế tổng quan so với phiên bản có dây, và tất nhiên rằng nếu đặc điểm ngoại hình đang làm rất tốt nhiệm vụ của nó và nhận về những phản hồi tích cực về mặt mỹ quan thì không việc gì phải thay đổi cả.
Điểm khác biệt nằm ở chỗ không có dây, nên HyperX Cloud 2 Wireless cũng không có soundcard cùng với nút bấm kích hoạt 7.1 một cách dễ dàng. Để thiết lập âm vòm 7.1, bạn phải vào phần cài đặt âm thanh trên máy tính (sẽ được hướng dẫn bằng hình ảnh trong tờ phụ kiện đi kèm).
Phía bên dưới ốp tai trái là 2 phím nguồn và bật/tắt mic cùng với một đèn báo tín hiệu. Khi không sử dụng, tai nghe sẽ tự động tắt nguồn trong 1 đến 2 phút để tiết kiệm pin cho bạn. Phía bên phải tai nghe là nơi cắm mic rời cùng với núm điều chỉnh âm lượng, và đây có lẽ là điểm trừ đáng lưu ý nhất của phiên bản HyperX Cloud 2 Wireless, đặc biệt là khi đây là chiếc tai nghe gaming chuyên dụng cho dòng game bắn súng.
Đối với phiên bản tiền nhiệm, mình có thể dễ dàng điều chỉnh âm lượng trên soundcard, hay nói chính xác hơn là điều chỉnh bằng tay trái. Còn về phiên bản Wireless với nút âm lượng nằm bên tay phải, việc điều chỉnh âm lượng nay lại có đôi phần khó khăn.
Thực ra thì mình gặp phải vấn đề khá lớn về việc này, vì nó trái tay, ít nhất là đối với thói quen sử dụng các dòng tai nghe gaming khác mà mình trải nghiệm gần đây. Trong những pha xử lý quan trọng và cần nghe tiếng chân rõ hơn, mình bất giác giơ tay trái lên để điều chỉnh âm lượng lớn lên thì giật mình vì không tìm thấy nút chỉnh volume đâu cả, và trong khoảnh khắc đó mình đã đánh mất sự tập trung cần có. Mặt khác nếu cố rướn tay trái sang nút âm lượng, bàn tay mình phải vặn xoắn khá khó chịu và làm mình mất tư thế ngồi; còn nếu bỏ chuột ra để đưa tay phải lên chỉnh cho thuận, thì mình đã mất đến 3 mạng trong game đấu rồi đấy: kẻ địch nhảy ra không kịp cầm lại tay súng!
HyperX Cloud 2 Wireless có thời lượng pin cực khủng, sở hữu micro lọc tạp âm đẳng cấp
Chiếc tai nghe HyperX Cloud 2 Wireless sở hữu pin cực kì trâu và thời gian sạc cũng ấn tượng. Mình chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng để sạc đầy và mất hơn 12 tiếng chiến game và nghe nhạc liên tục để kéo pin xuống mức yếu. Khi pin yếu, sẽ có một âm thanh thông báo đến bạn và đèn trạng thái sẽ nháy đỏ, giúp bạn có thời gian tầm dưới 1 tiếng để xoay sở “nốt trận” và cắm sạc chứ không chập chờn tín hiệu âm thanh như các dòng tai nghe wireless khác.
Phải nói rằng mình cực kỳ ưng ý với chiếc tai nghe không dây này, và nó cũng là một trong số rất những tai nghe có thời lượng sử dụng pin dài nhất để bạn có thể thoải mái trải nghiệm game mà không phải lo “đứt gánh giữa đường”, bởi bạn sẽ mệt lử trước khi pin cạn đấy.
Phần mic tháo rời khá tiện lợi (như thường lệ), và với mút lọc âm, dù có ngồi cạnh quạt thổi, sẽ không có một tiếng gió nào được phép lọt vào.
HyperX Cloud 2 Wireless là lựa chọn lý tưởng dành cho game thủ bắn súng FPS
Ngoại hình ổn áp, thời lượng pin ấn tượng, vậy còn trải nghiệm sử dụng với âm thanh mà HyperX Cloud 2 Wireless mang lại thì sao? Sau đây lần lượt là đánh giá của mình đối với các tựa game lần lượt: CSGO, Valorant, PUBG, 3 tựa game bắn súng cùng chế độ âm vòm 7.1 và Liên Minh Huyền Diệu cùng với phần thưởng thức âm nhạc nhé.
CSGO
Lần đầu mình trải nghiệm với phiên bản HyperX Cloud 2 có dây cũng chính là trong tựa game này, và giờ đây ngay khi vào game với siêu phẩm Wireless cùng tên, cảm giác quen thuộc và hoài niệm chợt ùa về của những ngày còn trên đỉnh rank Supreme Master. Những tiếng bước chân của đồng đội và kẻ địch được phân biệt khá rõ ràng. Mình đã chọn map Inferno để test, vì âm thanh phát ra từ một số vị trí đặc thù trong map này rất khó để nhận biết nếu như không có một chiếc tai nghe gaming “hàng hiệu” như HyperX Cloud 2. Và phiên bản Wireless đã không làm mình thất vọng: khi đứng ở gần khu vực boost chống khói ở bomsite B, âm thanh ở Arch và Banana rất dễ nhận biết, tương tự như khi đứng ở khu vực boiler, có thể dễ dàng nhận ra ngay ai đang fake tiếng ở second mid hoặc trong apartment; hay khi đang bị ép góc và phải đứng thủ ở CT Spawn, mình có thể nhận biết ngay kẻ địch đang tiến công từ connector hay library.
Valorant
Valorant là một tựa game khá mới, và thực sự mình vẫn chưa làm quen hết với địa hình và tên gọi của các khu vực trong bản đồ. Tuy nhiên bất chấp các lối đi ngoằn nghèo phức tạp và độ cao/thấp của địa hình. HyperX Cloud 2 Wireless giúp mình nhận ra ngay đối phương đang ở đâu, tại bất kì ngóc ngách nào. Với giả lập âm 7.1, chiếc tai nghe như vẽ ra trong đầu mình một bản đồ 3D như một chiếc mạng nhện và cho lại phản hồi thính giác lẫn xúc giác cực chính xác mỗi khi có ai đó chạm vào “khu vực kiểm soát” của mình. Và cũng vì thế nên mình rất sợ khi phải đối đầu với Yoru, một agent có khả năng khá quái dị, teleport và fake tiếng bước chân. Nó làm mình cực kì rối vì âm thanh quá rõ, và tên này thì là chúa làm ồn luôn.
PUBG
Chắc hẳn các game thủ PUBG đều đau đầu với việc tiếng chân đồng đội quá to, còn tiếng của địch thì quá nhỏ, dẫn đến những pha đang cười nói vui vẻ thì bị địch úp sọt mà chết với dấu chấm hỏi to đùng “Ủa nó trèo lên từ hồi nào ta?”. Với tai nghe Hyper X Cloud 2, nay bạn sẽ còn nghe tiếng chân của đồng đội… rõ hơn, nhưng đồng thời cũng sẽ nghe được tiếng chân của địch, kể cả đối phương có tháo giày và đi chậm. Khả năng tách biệt âm thanh môi trường so với âm thanh do nhân vật tạo ra của chiếc tai nghe này là cực kì ấn tượng. Từ bây giờ không phải lo nhầm tiếng thằng bạn xoay người sột soạt với tiếng chân của địch nữa rồi nhé.
Và chắc hẳn không cần phải bàn về định vị tiếng súng và vị trí bắn của Cloud 2 Wireless rồi nhỉ, vì với bán kính 500m trong game, không một viên đạn nào có thể thoát khỏi tầm kiểm soát của bạn.
Liên Minh Huyền Thoại
À thì, rõ ràng đây là tai nghe chuyên về các tựa game bắn súng hơn, nên khi trải nghiệm LoL, mình có phần hơi… chói tai và nhức đầu, bởi các hiệu ứng sfx trong game được khuếch đại quá rõ, dẫn đến tiếng ping lẫn hiệu ứng đánh đấm và dùng chiêu cứ choang choang ầm ầm trong đầu. Đây cũng là một trong những điều mình cực ghét ở Liên Minh. Không phải chỉ riêng HyperX, mà gần như chẳng có tai nghe gaming nào có thể làm cho mình hài lòng khi trải nghiệm với tựa game này.
Trải nghiệm âm nhạc nhẹ nhàng cùng HyperX Cloud 2 Wireless
Đối với mình thì âm nhạc là phải trầm lắng, dịu êm, nên rõ ràng chất âm của một chiếc tai nghe gaming chuyên bắn súng là thực sự không phù hợp lắm. Tuy nhiên đối với những bạn thích nghe thể loại rock hay metal thì rõ ràng đây chính là sự lựa chọn hoàn hảo, vì HyperX Cloud 2 Wireless cho bạn phân loại âm thanh rất tốt, phần lời và phần nhạc đệm được chia ra rõ ràng, và mình có thể nhận ra được bài hát được phối khí và hòa âm bởi những nhạc cụ nào luôn đấy. Khá là thú vị phải không nào.
Tất nhiên, cách âm hoàn hảo cũng chính là điểm cộng chung của dòng Hyper X Cloud 2 này.
Vừa rồi là trải nghiệm cá nhân của mình sau một tuần “vui vẻ” cùng bình cũ rượu mới: HyperX Cloud 2 Wireless. Với những gì đã thể hiện, HyperX Cloud 2 vẫn chứng minh rằng mình đã vượt qua không ít những thương hiệu khác trong tầm giá và là một trong những tai nghe gaming tốt nhất dành cho game thủ. Tính năng wireless tiện lợi sẽ điểm họa thêm cánh cho con rồng vốn đã bá đạo này. Rõ ràng đây là một lựa chọn tuyệt vời cho những game thủ chuyên tựa game bắn súng và có nhu cầu giải trí âm nhạc không quá khắt khe.
Mời các bạn tham khảo giá bán tai nghe HyperX Cloud 2 tại đây.
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!