Trái ngược với những game co-op hoặc game chơi mạng (multiplayer) thông thường, cho phép bạn phối hợp cùng đồng đội để giành lấy chiến thắng, thì song song đó cũng có một số game yêu cầu người chơi lật mặt, phản bội đồng đội để đạt được mục đích của mình. Điều này sẽ lại càng tàn nhẫn hơn khi bạn không biết được rằng sắp tới sẽ là lúc mà bạn phải “ra tay” với chính người bạn đồng hành của mình. Sau đây là top 10 tựa game khiến bạn phản bội đồng đội.

Age Of Empires

Trong Age of Empire (Đế chế), game thủ không chỉ đơn thuần là phản bội lại những người đồng đội mà thực chất, bạn sẽ phản bội họ trong suốt 4 tiếng liền sau khi đã liên minh với nhau trong 4 tiếng trước. Càng cay đắng hơn nữa là những màn phản bội này rất tàn bạo các bạn ạ. Để liên kết với đồng minh thì bạn có thể ký những hiệp ước với người chơi khác, sau đó lẳng lặng hủy bỏ hiệp ước này và giết chết tất cả các binh lính của họ trước khi bên kia biết chuyện gì đang xảy ra.

Vấn đề ở đây là bạn sẽ thường làm điều này để… chặn đứng âm mưu phản bội của họ. Nghe thì cũng… hợp lý, nhưng nếu người bạn kia không hề có ý định đó thì mọi tội lỗi đều thuộc về bạn. Mặc dù phần lớn giá trị chơi lại và thú vui trong Age of Empires đến từ việc học cách tối ưu lực lượng và chiến thuật sao cho hợp lý, việc chiến đấu chống lại bạn bè cũng là một tính năng thú vị và đáng gờm đối với game thủ. Kiểu như bạn không biết là người kia có trung thành với mình hay không, hay là sẽ tìm cơ hội để đâm lén sau lưng mình.

Friday The 13th: The Game

Theo lý thuyết thì Friday the 13th nên khuyến khích game thủ phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau. Một phần là vì đó là việc nên làm, một phần là để cho tên ác nhân Jason có nhiều mục tiêu để tiêu diệt chứ không chỉ riêng mình bạn. Tuy nhiên, đôi lúc bạn sẽ phải hi sinh người bạn thân của mình vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, khi bạn thân của bạn rơi vào tầm ngắm của Jason và bạn không tìm được cách giúp họ, hoặc là bạn cần làm một nhiệm vụ khác để giúp những người còn lại an toàn, thì khả năng cao là bạn sẽ bỏ mặc họ.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà bạn chỉ đơn thuần là… chẳng thèm cứu, hoặc có thể là do kế hoạch đào tẩu của bạn không cho phép nhiều người trốn thoát (ví dụ trốn bằng tàu 2 ghế ngồi). Tất cả lý do này đều rất hợp lý, nhưng tất cả đều yêu cầu bạn phải bỏ mặc chiến hữu của mình để tăng tối đa khả năng giành chiến thắng cho mình. Tất nhiên thì lúc này bạn sẽ không còn là người tốt cho lắm.

Nhìn về mặt tích cực thì bạn hoàn toàn có thể tìm cách giết Jason, nhưng bạn sẽ cần phải lên kế hoạch hẳn hoi và phối hợp thật ăn ý với nhau. Nói chung là phương án này rất nguy hiểm, nhưng nếu bạn cảm thấy nó bớt tội lỗi hơn thì cứ việc thoải mái nhé.

Project Winter

Tuy Project Winter không thật sự nổi bật cho lắm, nhưng nói một cách khách quan thì đây là một tuyệt phẩm trong thể loại game “lừa lộc” các bạn ạ. Và đây cũng chính là lý do vì sao mà Project Winter sẽ vui gấp bội phần khi chơi với bạn bè.

Trong game sẽ có 8 người chơi được chia làm 2 nhóm, bao gồm những người còn sống sót (survivor) và kẻ phản bội (traitors). Nhiệm vụ của những người còn sống sót là hoàn thành các nhiệm vụ để tìm cho ra một trong các phương tiện giao thông đang được ẩn giấu trong khu vực và tẩu thoát.

Ngược lại, nhiệm vụ của nhóm phản bội là không cho nhóm kia hoàn thành mục tiêu, và đây cũng chính là lúc cuộc vui bắt đầu. Thông thường, bất kì ai cũng đều sẽ nghi ngờ một người chơi nào đó là kẻ phản bội, và biểu lộ bằng những hành động đáng nghi ngờ. Tuy nhiên, chính kẻ phản bội cũng có thể trà trộn vào đó và hành xử y như một người trong nhóm sống sót kia. Cho nên là bạn chỉ có thể tin chính mình chứ không thể nào đặt niềm tin 100% vào người khác được.

Ngoài ra, Project Winter còn thú vị ở chỗ nó có nhiều chế độ chat voice khác nhau: chat giữa những người chơi, chat theo khoảng cách xa/gần, vân vân. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội khác nhau để người chơi chia bè kết phái, rỉ tai nhau những thông tin bí mật nhằm thực hiện ý đồ của mình. Tất cả đều khiến cho tựa game này càng trở nên hỗn loạn và cực kì thú vị.

Pokémon Go

Ban đầu, Pokémon Go nhìn có vẻ như là game bạn bè hợp tác vui vẻ với nhau. Nó sẽ cho phép bạn trao đổi với đồng đội, cùng nhau tham gia vào những trận đột kích, và thậm chí là gửi nhau những món quà bé bé xinh xinh xem như là thể hiện thiện chí…. Cho đến khi cơ chế phòng Gym xuất hiện.

Tại mỗi địa danh ngoài thực tế mà game nhận diện, người chơi có thể đặt con Pokémon của họ ở đó để “trấn ải”. Con Pokémon trụ được càng lâu thì chủ nhân của nó sẽ càng được nhiều tiền. Tuy nhiên, xúi quẩy một điều rằng nếu bạn và đồng đội sống gần nhau thì khả năng cao là 2 người sẽ chạm mặt nhau tại một địa điểm Gym nào đó. Có nghĩa là bạn và người chiến hữu của mình sẽ trở thành đối thủ trực tiếp của nhau trên con đường trở thành huấn luyện viên Pokémon tài giỏi nhất.

Và việc phản bội này cũng không thể che giấu một cách dễ dàng được, vì mỗi khi có gì bất ổn xảy ra là bạn sẽ được nhận một lời nhắn thông báo rằng dàn Pokémon “trấn ải” kia đã bị đánh bại cả rồi. Và thủ phạm không ai khác chính là người bạn thân của bạn bấy lâu nay, quyết tâm giành phòng Gym cho bằng được để lấy thêm tiền. Với những người bạn như thế này thì chả trách tại sao Team Rocket lại có số lượng thành viên đông đảo đến như thế.

Town Of Salem

Nếu muốn tìm ra ai là người giỏi nói láo nhất trong hội bạn của mình, bạn có thể nghĩ đến chuyện rủ họ chơi Ma Só… à nhầm, Town Of Salem!

Về căn bản thì tựa game này tương đối giống với Project Winter, chỉ là phức tạp hơn đôi chút. Thay vì 2 phe thì người chơi sẽ được chia thành 3 phe, bao gồm phe thị trấn, phe mafia và phe trung lập. Dân thị trấn sẽ cố giết mafia, mafia cũng sẽ giết lại, còn phe trung lập thì giết cả 2. Với kịch bản được thiết lập sẵn như vậy, tựa game này sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm cực kỳ “drama” và kích thích. Mọi người đều cố gắng che đậy vai diễn của mình và lừa đảo những người chơi khác để sống sót đến cuối game.

Mặc dù một số người chơi giỏi có thể tìm ra được ai đang trong vai nào thông qua suy luận logic, đó chỉ là số ít mà thôi. Hầu hết mọi người đều thích đoán mò, phán bừa và giết đại dựa trên cảm tính của mình khi chơi game này. Cũng như trò Ma Sói, thường thì sẽ có khá nhiều người người vô tội bị giết vì một người chơi nào đó cùng nằm trong phe mình. Thế nên nếu có tình bạn keo sơn nào đó chỉ vì con game này mà rạn nứt thì cũng chẳng có gì là lạ cả.

Mario Kart

Không ai có thể nói rõ là bạn bè phản bội nhau như thế nào trong Mario Kart, nhưng gần như chắc chắn một điều rằng cảm giác đang dẫn đầu, sắp về đến đích mà bị ăn một cái mai rùa màu xanh (blue shell) thì chẳng hề vui vẻ một chút nào cả. Còn khi không sử dụng vũ khí thì kiểu gì bạn cũng sẽ đẩy những người bạn của mình xuống vực sâu để vừa loại bớt một đối thủ, vừa rút ngắn thời gian chạy của mình.

Ngoài ra, trong game còn có một cơ chế khá là “đê tiện”, gọi là slipstreaming (tạm dịch: núp gió) – một thuật ngữ sẽ khá là quen thuộc với dân đam mê đua xe. Nói một cách đơn giản thì khi bạn chạy ngay sát sau đít xe đằng trước đủ lâu thì xe của bạn sẽ chạy nhanh hơn, và bạn có thể tận dụng trò này để qua mặt chiếc xe đằng trước.

Nếu chạy một mình thì hơi khó để xài chiêu này, nhưng nếu bạn chơi với bạn bè thì hoàn toàn có thể phối hợp với nhau để giành lấy phần thắng. Bạn và đồng đội sẽ phối hợp thực hiện “combo” núp gió này để xe bạn chạy sau có thể bứt tốc vượt lên trước, giành lấy vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, trường hợp thứ hai (và đau đớn hơn) đó là bạn sẽ núp phía sau lưng xe dẫn đầu, cho đến khi nhìn thấy vạch đích thì mới bứt tốc vượt lên trước. Kiểu như đứa phía trước bỏ công sức ra để vượt bao gian khó, để rồi đến “phút 89” bị một chiếc xe bám đít từ đầu buổi đến cuối buổi… qua mặt cái vèo một cách dễ dàng, trông cũng tội mà thôi cũng kệ.

Splinter Cell: Conviction

Phần chơi mạng theo cốt truyện của Splinter Cell: Conviction phải nói là vừa ngầu vừa… làm tổn thương tinh thần của người chơi các bạn ạ.

Lý do là vì sau khi được hỗ trợ (hoặc hỗ trợ) người bạn của mình vượt qua bao khó khăn thử thách của chế độ chơi chiến dịch, bạn sẽ nhận được cuộc gọi “định mệnh” từ sếp của mình. Nhiệm vụ lúc này là “thủ tiêu” người đồng đội đã vào sinh ra tử của mình bấy lâu nay. Và ở chiều ngược lại, đồng đội của bạn cũng sẽ nhận được nhiệm vụ tương tự. Thế là cả hai rơi vào thế “huynh đệ tương tàn”, cực kỳ đau lòng.

Đây có thể nói là giây phút kinh hoàng đối với game thủ chơi Splinter Cell: Conviction, chẳng biết phải làm sao để đối diện với người bạn của mình. Và rồi sau bao chần chờ và cảm xúc, đôi bạn thân cùng vào sinh ra tử rồi chỉ còn một mà thôi. Ở góc độ tích cực thì đây là nhiệm vụ mà cả hai đều đồng thuận, quyết tử trong game nhưng tình bạn ngoài đời thì không hề sứt mẻ… hi vọng là vậy.

Castle Crashers

Bạn có thể chơi hết phần lớn các màn của Castle Crashers và nghĩ rằng đây chỉ là một tự game co-op thông thường như bao tựa game khác. Bạn cùng 3 chiến hữu của mình tả xung hữu đột giữa đám ác quỷ, với tình đồng đội keo sơn giúp vượt qua mọi thử thách trên đời.

Tiếc rằng đó chỉ là một cảm giác thoáng qua mà thôi. Người ta nói rằng anh hùng không thể vượt ải mỹ nhân, 4 hiệp sĩ đi cứu công chúa thì chỉ có 1 người là được hưởng thôi. Nếu như có hơn 1 hiệp sĩ sống sót vượt qua trùm cuối, bạn và chiến hữu của mình phải quyết tử để giành lấy… nụ hôn của công chúa.

Bất chấp chẳng ai có ý định sống trăm năm với công chúa, cả bọn vẫn lao vào loạn đả để quyết định ai sẽ là người giỏi nhất team (để được công chúa hôn). Tình cảm anh em liệu có bền lâu?

Nói chứ sau khi đập nhau khí thế thì bạn và các chiến hữu vẫn “bắt tay làm hoà”, khởi đầu lại vòng chơi mới khó hơn. Tình cảm anh em lại gắn kết, để rồi hạ trùm cuối xong lại sống còn với nhau. Thiệt là lộn cái bàn mà!

A Way Out

A Way Out được giới game thủ mệnh danh là “tựa game mô phỏng tình bạn và sự phản bội”, bởi lẽ bán rẻ bạn bè là cốt lõi để… chiến thắng.

Sau khi sống sót và thoát khỏi nhà tù cùng nhau, vượt pháp luật như là một cặp đôi ăn ý, bạn và chiến hữu của mình sẽ phát hiện ra sự thật không đơn giản như chúng ta tưởng. Lý do là bởi vì một trong hai là cảnh sát ngầm và hoàn toàn không có ý định cho chiến hữu của mình được tự do.

Chính vì thế mà vào cuối game bạn sẽ bị cuốn vào cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”, với kẻ đối đầu chính là người bạn chí cốt của mình. Đã vậy nhà phát triển còn thêm dầu vào lửa khi đưa ra 2 kết cục tuỳ theo ai chiến thắng, vậy nên người nào cũng có động lực để… xử bạn mình.

Dĩ nhiên, bạn có thể chơi lại để xem kết thúc tiếp theo. Tuy nhiên lúc này thì tình cảm “trong game” có lẽ đã không còn như xưa, còn ngoài đời thì chắc là cũng một phen bối rối không biết phải ăn nói thế nào.

Mario Party

Và tựa game cuối cùng chắc ít nhiều người cũng đã đoán được: Mario Party. Phàm là những tựa game theo kiểu tiệc tùng thi thố với nhau mà không cẩn trọng thì rất dễ “vui chẳng bao nhiêu, ức chế thì nhiều”.

Công bằng mà nói thì Mario Party có đồ hoạ rất là dễ thương, âm nhạc cuốn hút, ngặt nỗi đấu với nhau thì có người thắng thì phải có kẻ thua. Mà gì chứ tuổi nào cũng vậy, háo thắng là điều không thể tránh khỏi rồi. Nhưng phải công nhận là Nintendo rất biết cách làm game, bởi vì dù thi thố với nhau, sử dụng nhiều mánh khóe thủ thuật thì ai ai cũng sẽ có niềm vui của mình.

Mario Party phần lớn đòi hỏi bạn phải “tàn bạo” để chiến thắng, nhưng cũng có một phần nhỏ là tuỳ vào may mắn nữa. Chính điều này khiến game thủ dù có chơi chiêu với bạn mình cũng mang tính chất vui là chính, không có ác ý. Bởi lẽ đời không ai biết được chữ ngờ, bạn bán hành cho người ta lượt này thì không chừng lại ăn hành ngập mồm lượt sau.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

·         Top 10 tựa game vui chơi cùng hội bạn nhân dịp Tết 2022

·         Top 10 tựa game nhập vai có đồ họa đẹp mãn nhãn trên PC

·         Top 10 tựa game cực hay đưa bạn vào những chuyến phiêu lưu kỳ thú

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360