Vì plot twist (tạm dịch: nút thắt trong cốt truyện) thường mang đến cho chúng ta những thông tin vô cùng bất ngờ nên hầu như ai cũng rất thích những tình tiết như thế này, kể cả game thủ. Khác với những hình thức như phim ảnh hay truyện chữ, game cho phép người chơi tham gia vào chính cốt truyện đó, khiến họ suy nghĩ và hành động một đường nhưng sự thật lại là một nẻo, tạo ra những tình huống oái oăm mà game thủ lại chính là một phần trong đó. Sau đây là top 10 cú plot twist làm đảo lộn mọi suy nghĩ của game thủ.


Cảnh báo: Có spoiler!!!


The Turing Test – Ava thực chất là rôbốt

The Turing Test mở đầu với kỹ sư Ava Turing bị đánh thức bởi một AI (trí thông minh nhân tạo) có tên là T.O.M. Người bạn dễ mến này sẽ cho bạn biết là anh ta đã mất liên lạc với nhóm nghiên cứu và cần bạn đi điều tra. Bạn sẽ phát hiện ra một điều rằng nhóm nghiên cứu đã “biến tấu” khu nghiên cứu này thành một tổ hợp các phòng chứa những câu đố khác nhau, mục đích là để giam AI lại nơi này. Chúng được gọi là các bài kiểm tra Turing Tests, chỉ có con người mới có thể giải được mà thôi.

Sau nhiều diễn biến thì game thủ phát hiện ra rằng Ava là một con robot, hay nói cách khác là con rối được điều khiển bởi T.O.M. Lúc này thì câu chuyện dần trở nên căng thẳng hơn, và đồng thời gameplay cũng được “nâng tầm” lên thêm một bậc các bạn ạ. Giờ thì Ava đã nhận thức được rằng mình đang bị T.O.M. điều khiển nên người chơi có thể chuyển đổi giữa nhiều góc nhìn khác nhau, chiếm quyền kiểm soát các camera giám sát của T.O.M. và những chiếc xe rôbốt để hỗ trợ Ava trong việc giải các câu đố. Nôm na thì lúc này gameplay sẽ chuyển theo hướng kiểu như co-op vậy.

Cú twist trên sẽ khiến bạn nghĩ về bản chất của nhân vật trong game, liệu họ có phải là nhân vật không? Hay họ chỉ là những con rôbốt tuân theo lệnh của bạn?

Half-Life Alyx – Sự xuất hiện của G-Man

Khi Half-Life Alyx được công bố thì fan đã thắc mắc không biết Valve sẽ giải quyết đoạn kết chưng hửng trong Half-Life 2: Episode 2 như thế nào. Cái chết của Eli Vance đã được Vortigaunts ám chỉ nhiều lần xuyên suốt Half-Life: Alyx, chỉ có một vấn đề nho nhỏ là điều đó vẫn chưa xảy ra. Và game thủ nào tinh ý sẽ nhận ra rằng sắp tới sẽ có một cú “plot twist”.

Khúc cuối game, khi Alyx tiến đến phần trung tâm của căn hầm Combine, cả Alyx và người chơi sẽ đều cảm nhận được rằng có gì đó không ổn. Một bóng hình đầy ma quái của người đàn ông gầy gò mặc bộ đồ vest xuất hiện trước mặt bạn, và khi ông ta quay lại để đối mặt với bạn thì mọi thứ đã được sáng tỏ. Trong căn hầm này có chứa G-Man – một thực thể toàn năng với sức mạnh thay đổi thực tại, và cũng là một bí ẩn trong vũ trụ Half-Life.

G-Man cho Alyx thấy trước tương lai, đó chính là cái chết của Eli – cái kết mà biết bao game thủ đang ngóng trông. G-Man cho phép Alyx ngăn điều này xảy ra, thay đổi dòng thời gian và cho phép series Half-Life được tiếp tục. Chính những thay đổi này sẽ làm thay đổi góc nhìn của bạn, vì một trong những sự kiện trứ danh trong lịch sử gaming giờ đây đã bị thay đổi. Tính ra thì phần tiền truyện cũng có khả năng tác động đến các sự kiện trong tương lai đó chứ.

Undertale – Flowey là con trùm cuối

Nhân vật đầu tiên mà bạn gặp trong tựa game indie Undertale là một bông hoa nhỏ có tên là Flowey. Nhìn thì có vẻ như là vô hại… cho đến khi nó tìm cách giết bạn. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng điều này không thể chấp nhận được thì đợi đến lúc Flowey hiện nguyên hình đã nhé.

Ngay khi bạn đang sắp giảng hòa với King Asgore, lúc câu chuyện đang cao trào, thì Flowey bỗng dưng xuất hiện và giết ông ta, sau đó buông lời chế giễu bạn vì đã cố gắng cứu lấy Asgore. Sau đó thì game… bị crash, và bạn bị văng ra ngoài desktop. Khi người chơi mở game lên lại thì đoạn clip mở đầu sẽ bị glitch và save game của bạn đã bị thay thế bằng một cái khác có tên là “Flowey: My World”. Lúc này thì Flowey trở thành con trùm duy nhất trong game.

Khi mở save game này lên thì Flowey xuất hiện và thề là sẽ tiêu diệt bạn. Sau đó hắn ta biến hình thành một con quái vật vô cùng kinh tởm. Nói chung thì Flowey lúc này nhìn rất là ám ảnh, và nó đã hoàn toàn phá vỡ phong cách đồ họa của game này. Không chỉ thế, mỗi lần mà bạn bị Flowey giết chết thì hắn ta sẽ cười một cách ngạo nghễ và làm game crash thêm lần nữa, buộc bạn phải đấu lại từ đầu.

Lúc này thì người chơi mới nhận ra rằng Undertale không phải là tựa game nhập vai dễ thương như mình nghĩ, và save game kia chưa chắc là đã an toàn đâu nhé.

The Beginner’s Guide – Coda vạch mặt Wreden

The Beginner’s Guide được tạo ra bởi Davey Wreden, và đây là tựa game đầy sâu sắc xoay quanh câu chuyện về quá trình phát triển game. Wreden sẽ dẫn dắt người chơi qua một series minigame được tạo ra bởi người bạn của mình là Coda – một nhà thiết kế game sống ẩn dật và hay xem thường tài năng của chính bản thân. Những minigame này ban đầu nhìn rất đơn giản, dễ thương, nhưng càng về sau thì càng trở nên siêu thực và khá là bất ổn.

Cú twist sẽ xảy ra vào khúc cuối game, khi Wreden nhận được email của Coda với đường link dẫn tới tựa game “không thể phá đảo”. Wreden đã ăn gian từ đầu đến cuối game và đến cuối con đường, anh nhận được một lời nhắn bất ngờ từ Coda. Nội dung của nó là kêu Wreden ngừng chia sẻ những tựa game của Coda với người khác, đồng thời cáo buộc Wreden rằng anh này đã thay đổi nội dung game để phù hợp hơn với góc nhìn cá nhân, biến Coda thành một người đàn ông bị giằng xé trong tinh thần. Thực tế thì chỉ là Coda cảm thấy hứng thú với việc làm ra những tựa game kỳ dị mà thôi.

Cái hay của The Beginner’s Guide là nằm ở sự mơ hồ: game thủ sẽ khó thể nào biết được rằng những sự kiện trong game có diễn ra ngoài thực tế hay không. Liệu game này có được xây dựng dựa trên những sự kiện có thật? Liệu nó có phải là một phép ẩn dụ cho vốn sống của nhà phát triển? Sau khi chơi xong game này thì khả năng là bạn sẽ có một cái góc nhìn khác về game và nhà phát triển game nói riêng, cũng như những tác phẩm nghệ thuật và nhà sáng tạo ra chúng nói chung.

Prey – Đừng tin vào những gì mắt mình thấy

Vào đầu game, các bạn sẽ tỉnh dậy trong một căn hộ sang trọng và giàu sang với view nhìn ra thành phố cực xịn sò. Sau khi thức dậy, bạn sẽ thực hiện các bài kiểm tra hằng ngày để chuẩn bị bước lên con tàu bay ra ngoài vũ trụ. Tuy nhiên, có gì đó sai sai đang diễn ra ở đây. Các nhà khoa học có nhiệm vụ giám sát quá trình kiểm tra của bạn có vẻ thất vọng, cứ như thế những bài kiểm tra bạn đều làm sai toàn tập vậy. 

Đột nhiên, từ đâu đó xuất hiện một con quái vật ngoài hành tinh có xúc tu giả dạng làm một tách cà phê xuất hiện và giết các nhà khoa học. May mắn thay là bạn vẫn an toàn, hay nói đúng hơn là bị ngất đi bởi khí ga chứ không bị giết bởi con quái vật. Sau khi tỉnh dậy sau cơn hôn mê thì bạn thấy bản thân mình đang nằm trong một căn hộ sang trọng với view nhìn ra thành phố cực xịn sò… Đương nhiên, là con nít cũng biết là có chuyện gì đó không đúng đang xảy ra ở đây. 

Chính vì thế, nhân vật chính của chúng ta nhanh trí nhặt cái mỏ lết và đập vỡ cửa sổ để nhảy ra ngoài. Ngạc nhiên thay, bên kia cửa sổ giờ không còn là thành phố view đẹp nữa mà là khung cảnh của trạm vũ trụ Talos I, còn những cảnh mà bạn nhìn thấy chỉ là ảo mà thôi. Cú “plot twist” này đã cho bạn một cái nhìn khác về tựa game rằng mọi thứ bạn thấy trong game không phải lúc nào cũng là thật, và bạn cũng đừng nên lúc nào cũng tin vào nhận thức của chính mình.

Doki Doki Literature Club! – Monika biết tương tác với người chơi

Doki Doki Literature Club! bắt đầu với một thông báo rằng tựa game này không dành cho trẻ em hoặc những người nhạy cảm. Tuy nhiên, rất nhiều game thủ hay bỏ qua cảnh báo này và bay thẳng vào game luôn. Đơn giản là bởi vì một tựa game có đồ họa hoạt hình như thế này thì có gì mà ghê gớm đâu chứ. Và đúng là thế thật, Doki Doki Literature Club! không có gì ghê gớm cả… cho đến khi bạn chứng kiến cảnh cô bạn thân ngày nào Sayori treo cổ tự vẫn trong phòng mình. 

Ngay sau khi sự việc này xảy ra thì tựa game kết thúc và bạn phải bắt đầu lại game, nhưng kỳ lạ thay là game khi khởi động lại xuất hiện lỗi glitch và bị đơ, cứ như game bị hư vậy. Dù thế, trưởng nhóm Monika lại hoàn toàn thờ ơ trước những sự kiện này. Và nếu bạn cố bám trụ lại tới cùng thì sẽ phát hiện ra rằng chính Monika là người đã gây ra toàn bộ sự việc kinh dị và điều khiển toàn bộ game. Monika đã “phá vỡ bức tường thứ 4” (nghĩa là nhân vật trong game biết tương tác với chính người chơi) và thổ lộ rằng cô ấy yêu bạn mặc dù nhận thức rõ rằng mình chỉ là một nhân vật trong game.

Monika thao túng những nhân vật nữ khác trong game để họ ra đi một cách đau đớn để đạt được mục tiêu rằng cô ấy sẽ là người duy nhất dành cho bạn. Cách duy nhất để bạn kết thúc cơn ác mộng này chính là truy cập vào file game và xóa file dữ liệu của nhân vật Monika một cách thủ công. Cú “plot twist” này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ về ranh giới giữa người chơi và các nhân vật trong game, không chỉ ở game này mà ở tất cả các game bạn đã chơi qua.

Bioshock – Bản thân chỉ là nô lệ cho một kẻ khác 

https://www.youtube.com/watch?v=Ymg2HzHF9-4

BioShock là một trong những tựa game hay nhất mọi thời đại, bạn sẽ được chìm đắm trong bầu không khí cách kể chuyện vô cùng lôi cuốn. Chính vì thế, cũng không lạ gì khi tựa game này cũng sở hữu một cốt truyện có thể thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ và nhìn nhận của bạn không chỉ đối với tựa game này mà còn đối với những tựa game khác.

Khi đến văn phòng của đô thị dưới nước Rapture do nhà sáng lập Andrew Ryan tạo nên, người chơi sẽ biết được một sự thật gây sốc về các tính cách của nhân vật chính, cũng như là lời nói đầy thân thiện của người dẫn dắt nhân vật chính cho tới thời điểm hiện tại có tên là Atlas. Hóa ra, nhân vật chính Jack của chúng ta là một sản phẩm thí nghiệm được tạo ra ở Rapture và bị Atlas kiểm soát tâm trí mỗi khi lặp đi lặp lại câu nói: “Would you kindly?”. Không chỉ dừng lại ở đó, các bạn cũng sẽ khám phá ra một điều nữa là Atlas thực chất là một tên trùm xã hội đen Frank Fontaine, một đối thủ không đội trời chung của Andrew Ryan.

Nếu các bạn nghĩ rằng nhiêu đó đã đủ sốc thì chưa đâu, sự thật cuối cùng được phơi bày sẽ làm các bạn bị ngợp hơn đó là chính bàn tay của Jack đã đánh chết Andrew Ryan bằng một cây gậy đánh gôn khi bị Atlas thao túng. Đây không chỉ là một cú “plot twist” hấp dẫn mà nó còn khiến cho người chơi phải suy ngẫm rằng liệu chúng ta có thực sự chỉ là nô lệ cho ý định của nhà phát triển.

Silent Hill 2 – Con shiba chết tiệt thao túng cả tựa game

Silent Hill 2 được xem là một trong những tựa game kinh dị hay nhất trên, tuy nhiên các đội ngũ game này không chỉ biết làm chúng ta sợ hãi, họ còn ẩn chứa một điều đặc biệt trong game nữa. Silent Hill 2 có một ending thuộc hàng vui nhộn nhí nhố nhất từ trước đến nay.

Ending này chỉ có thể được mở khóa khi bạn đã hoàn thành 3 ending chính của tựa game. Lúc này bạn sẽ thấy một chiếc chìa khóa trong cũi chó mở ra một cánh cửa bí mật ghi là “Phòng quan sát” trong khách sạn Lakeview, bạn mở cửa ra để đối mặt với nỗi kinh hoàng khủng khiếp nhất – và nó là một con cờ-hó vàng…

Thật vậy đấy, con chó xảo quyệt này chính là kẻ chủ mưu xảo quyệt, đứng sau tất cả mọi thứ từ trong “khoang điều hành” của mình. Điều này sẽ làm bạn phải thay đổi cách nhìn nhận của mình về Silent Hill 2, những gì bạn đã phải trải qua bỗng chốc tưởng chừng như không còn đáng sợ nữa, nó thậm chí còn có chút buồn cười.

Frog Fraction – Con ếch bay nhảy khắp vũ trụ

Mới nhìn thì Frog Fraction trông có vẻ như là một con game giáo dục thông thường thôi, người chơi sẽ giải các phân số đơn giản, kiểu giống như trò gõ chữ Mario để chúng ta học đánh máy ngày xưa ấy mà. Chính vì vẻ ngoài như thế nên Frog Fraction trở thành môt trong những tựa game hiếm hoi thoát được khâu kiểm duyệt của trường học.

Tuy nhiên Frog Fraction chỉ như thế trong vài phút đầu mà thôi. Những thứ đơn giản sẽ nhanh chóng trở nên cực kỳ phức tạp. Con rùa thân thiện mà con ếch cưỡi sẽ tiến hóa thành một con rồng được trang bị động cơ dịch chuyển không gian.

Ếch thường nhảy khá giỏi, nhưng riêng con ếch này thì hơi bị quá đáng, nó “nhảy” qua ranh giới giữa nhiều thể loại game như bắn súng, visual novel, game âm nhạc,… nói chung là tùm lum tá lả. Game có thể hơi kỳ cục một chút xíu nhưng chắc chắn nó sẽ mang đến cho người chơi những trải nghiệm cực kỳ độc đáo và đáng nhớ.

Spec Ops: The Line – Nhân vật chính cứ nghĩ mình anh hùng cho đến khi nhận ra bị lừa đi làm kẻ ác

Đối với những ai chưa chơi hoặc mới chơi thử thì Spec Ops: The Line cũng giống như bao tựa game bắn súng lấy chủ đề quân sự khác. Bạn sẽ vào vai một quân nhân mẫu mực, lối chơi không có gì nổi bật và cái không khí trong game nặng mùi thuốc súng mà bạn “ngửi” đã phát chán từ nhiều tựa game khác.

Tuy nhiên nếu bạn tìm hiểu kỹ hơn mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Tất cả những hình ảnh đó chỉ được dựng lên để đánh lừa người chơi mà thôi. Một ngày nọ bạn nhận được lệnh từ chỉ huy để tấn công kẻ địch một khu vực bằng phốt pho trắng – thứ vũ khí hóa học có thể ăn sâu vào tận xương tủy và giết người theo cách tàn nhẫn nhất. Thế nhưng sau khi đến hiện trường thì hỡi ôi, chẳng có tên “địch” nào ở đây cả, chỉ có dân thường vô tội mà thôi.

Chắc chắn hình ảnh cái xác cháy nát của một người mẹ đang dùng tay che đi đôi mắt đứa con không còn hơi thở sẽ ám ảnh người chơi mãi về sau. Dân dần, bạn sẽ nhận ra nguồn gốc của tội ác chính là bản thân nhân vật chính Martin Walker khi bị sang chấn tâm lý gây ra ảo giác chứ chẳng có tên trùm nào ở đây cả. Đến đây rồi, bạn có còn nghĩ mình là anh hùng được nữa hay không?

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Whatculture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360