Game dù hay cách mấy đi chăng nữa thì mỗi lần màn hình loading xuất hiện, hẳn sẽ có nhiều bạn bị “tuột mood” vì tiết tấu của màn chơi bị gián đoạn. Ngày nay thì game càng ngày càng nặng, khiến thời gian load game cũng tăng theo. Hiểu được nỗi khổ của game thủ, một số nhà phát triển đã sáng tạo ra cách để giấu màn hình loading này nhằm “đánh lừa” game thủ rằng màn chơi vẫn đang diễn ra bình thường, giúp bạn tiếp tục đắm chìm trong thế giới ảo. Sau đây là top 10 thủ thuật giấu cảnh loading đầy sáng tạo giúp game thủ không bị mất kiên nhẫn.
Chơi minigame bạch tuộc – Splatoon (2015)
Thường thì Nintendo được rất nhiều game thủ ủng hộ vì biết cách quan tâm, lắng nghe phản hồi từ cộng đồng fan. Một trong những ví dụ điển hình cho việc này là trò bắn súng Splatoon đầy màu sắc. Đây là game chơi mạng (multiplayer) nên trước khi tìm được phòng để vào trận thì game thủ cần phải ngồi chờ một thời gian. Đây chính là lúc tính năng 2 màn hình của Wii U phát huy tác dụng các bạn ạ.
Khi màn hình chính đang chờ vào trận thì trên màn hình GamePad, bạn sẽ được chơi và minigame xoay quanh một con bạch tuộc tí hon. Trò mặc định sẽ là Squid Jump, yêu cầu người chơi phải nhanh chóng nhảy lên các bậc thềm trên cao trước khi nước kịp dâng lên. Còn bạn nào có thêm những món phụ kiện Amiibo thì sẽ mở khóa thêm được 3 game là Squidball, Squid Racer, và Squid Beatz. Những game này cuốn hút đến mức có khi bạn quên luôn trận đấu đã bắt đầu trên màn hình chính. Đáng tiếc là Splatoon 2 không còn trò này nữa, vì Nintendo Switch chỉ có 1 màn hình mà thôi.
Buộc phải đi chậm để gọi bộ đàm – Dòng game Gears Of War
Là một chiến binh dũng mãnh tinh nhuệ, lúc nào cũng hừng hực máu lửa xông pha mặt trận, nhưng đôi lúc bạn sẽ thấy nhân vật chính… sống chậm lại, đi từng bước một để liên lạc qua bộ đàm nhằm thu thập thêm thông tin về nhiệm vụ phía trước. Và đây cũng chính là lúc mà game chuẩn bị load khu vực tiếp theo, sẵn sàng cho bạn tham chiến.
Trong series Gears of War, bạn sẽ phải thường xuyên liên lạc với cấp trên để cập nhật tình hình. Trong những lúc như thế này thì bạn sẽ không thể chạy, bắn súng, ngay cả lộn nhào cũng không. Thay vào đó là bạn sẽ đi thật chậm rãi, vừa đi vừa nói chuyện, và game sẽ tận dụng thời gian này để load cảnh tiếp theo, tránh làm người chơi khó chịu khi phải nhìn màn hình loading.
Xem video clip trượt ván – Tony Hawk’s Project 8 (2006)
Vì đây là tựa game trượt ván lấy tên của nhân vật Tony Hawk trứ danh trong bộ môn thể thao này, cho nên cũng không có gì là lạ khi game được chèn những đoạn clip live-action, phô diễn những màn trượt ván điệu nghệ của dân chuyên nghiệp. Phần đầu tiên trong series Pro Skater có chèn những đoạn clip này ngay trước khi hiện ra màn hình menu chính, và đến phiên bản Project 8 (2006) thì nó cũng có những đoạn clip này, khác cái là nó có thêm một vài điều chỉnh nho nhỏ.
Thay đổi đầu tiên dễ nhận thấy nhất chính là video này đã được làm bằng kỹ xảo (computer-generated), với Tony Hawk cùng những nhân vật khác đều được vẽ lại theo phong cách đồ họa trong game. Thú vị hơn nữa là trên hệ máy PS3, những đoạn phim này sẽ chạy khi bạn bỏ đĩa vào máy lần đầu tiên. Nhìn thì có vẻ như mục đích của nó là để cho bầu không khí trở nên sôi động, giúp bạn háo hức hơn trước khi bắt đầu trượt ván. Nhưng thật ra thì chính trong lúc này, dữ liệu đang được chép từ đĩa vào ổ cứng trong máy. Thay vì nhìn màn hình loading thì giờ Project 8 cho bạn xem mấy đoạn video xịn sò; xem hết thì cũng vừa lúc game được cài xong xuôi, thế là cứ vào chơi thôi.
Tua ngược thời gian trong game – The Talos Principle (2014)
Đối với những tựa game giải đố thì nút “Restart” sẽ khá là quen thuộc vì bạn sẽ cần dùng nó nhiều lần. Bị bí đường là đã khó chịu rồi, giờ lại còn phải ngồi chờ game tải lại màn chơi nữa thì lại càng bực bội hơn. Trong The Talos Principle, bạn sẽ vào vai một con người máy tối tân được trang bị nhiều đồ chơi thú vị. Trên cánh tay của bạn sẽ là một thiết bị cho phép tua ngược thời gian về ngay lúc bạn bắt đầu giải một câu đố. Quá trình này chỉ tốn có 2 giây mà thôi, và bạn chẳng cần phải làm các bước bật menu, chọn “Restart”, rồi ngồi chờ màn chơi tải lại.
Bất kể dù bạn có đang bị mắc kẹt chỗ nào đó không thể thoát ra được, đánh mất một món đồ vật quan trọng nào đó, hoặc đơn thuần chỉ là muốn chơi lại từ đầu thì chỉ cần giữ một cái nút là mọi thứ sẽ được đảo ngược lại như ban đầu. Bằng cách này thì bạn sẽ không phải chịu cảnh phiền phức khi phải nhìn màn hình loading, và đồng thời cho phép bạn điều khiển nhân vật chính nhiều hơn.
Cho Kratos chạy qua một khu vực vắng vẻ – Dòng game God Of War
Có nhiều game xài thủ thuật này rồi, nhưng riêng God of War thì ứng dụng chiêu này tốt nhất, và nó xuất hiện xuyên suốt nguyên cả series luôn các bạn ạ. Cơ bản thì bất kể khi nào bạn đi qua một đoạn đường vừa dài vừa vắng, trèo lên một bức tường cao chót vót, hoặc leo lên những bậc thang dài bất tận thì lúc đó cũng là lúc game đang load màn chơi tiếp theo đó các bạn ạ. Dù sao thì Kratos cũng không hẳn là người thích đứng chờ lâu.
Đồng ý rằng những thứ này sẽ không có gì quá thú vị, nếu không muốn nói thẳng ra là khá nhàm chán, nhưng giữa việc leo một con dốc với việc ngồi nhìn chằm chằm vào màn hình loading thì dĩ nhiên là phương pháp đầu tiên sẽ được nhiều game thủ chọn hơn.
Xem clip phi thuyền lao vun vút ngoài không gian– Dòng game Ratchet & Clank
Trong các phần Ratchet & Clank thì bạn sẽ được khám phá rất nhiều hành tinh, khiến bạn cảm thấy bản thân như là một nhà thám hiểm vậy. Tất nhiên, bạn sẽ không tốc biến từ hành tinh này sang hành tinh khác mà nó sẽ có thời gian di chuyển đàng hoàng.
Trong những phần đầu tiền, mỗi khi di chuyển giữa các hành tinh thì bạn sẽ được xem những đoạn clip với hình ảnh con tàu đang lao đi vun vút trong vũ trụ, và thường thì chỉ cần xem tầm 3 đoạn là tới nơi (tất nhiên là mỗi đoạn đều có hiệu ứng khác nhau hoàn toàn nhé). Độ dài của những phân đoạn này cũng được căn chỉnh vừa đủ, khiến game thủ có cảm giác như là đang thật sự du hành xuyên không gian.
Đặc biệt, mỗi khi phi thuyền được nâng cấp thì đây cũng chính là cơ hội để bạn chiêm ngưỡng nó khi đang vút bay đến một hành tinh xa xôi.
Xem animation khi mở cửa qua màn – Resident Evil (1996)
Là một tựa game mang tính đột phá nên ắt hẳn Resident Evil sẽ có một vài chiêu trò hay ho gì đó. Trong đó có một trò xịn đến mức mà bạn sẽ thấy nó xuất hiện trong những phần game đầu tiên, thậm chí ở những bản remake sau này cũng vẫn còn xuất hiện. Nhờ cơ chế góc quay camera cố định mà khi tiến vào những căn phòng trong căn biệt thự đầy u ám, bạn sẽ thấy mọi thứ khá là khó chịu. Và nhiều lúc bạn buộc phải đi qua cánh cửa thì mới tới được bên kia căn phòng.
Khi người chơi tương tác với những cánh cửa này thì nó sẽ kích hoạt một đoạn animation đã được viết sẵn. Lúc này, cánh cửa sẽ được mở ra một cách chầm chậm và phía sau đó là một không gian tối hù. Khi camera đi xuyên qua thì bạn sẽ thấy mình đang ở trong căn phòng tiếp theo. Mục đích của đoạn animation này là để khiến người chơi có cảm giác hồi hộp và lo sợ khi khám phá những khu vực tiếp theo, nhưng song song đó là nó cũng tận dụng khoảng thời gian này để load những dữ liệu cần thiết cho khúc tiếp theo.
Sử dụng thang máy – Bloodborne
Hầu như game nào của FromSoftware cũng đều có cảnh thang máy để loại bỏ cảm giác phải chờ đợi khi load khu vực tiếp theo. Trong đó, có một nơi mà bạn sẽ dễ dàng nhận ra thủ thuật này là Chalice Dungeons trong Bloodborne. Nếu không kể đến chuyện phải cày mệt bở hơi tai thì cũng phải công nhận một điều rằng bạn có thể đi từ đầu chí cuối mà không cần phải nhìn bất kỳ màn hình loading nào cả.
Sâu nhất thì Chalice Dungeons có 4 màn, mỗi màn sẽ được ngăn cách bằng một cái thang máy sau khi đánh xong con trùm cuối của khu vực đó. Những màn này sẽ được load theo thời gian thực, và thời gian đứng trong thang máy sẽ vừa đủ dài để tầng phía dưới vừa kịp load xong và thang máy cũng dừng lại luôn. Chalice Dungeons là một nơi vô cùng rộng lớn, và việc nhà phát triển tìm được cách giúp màn chơi không bị gián đoạn là một điều rất đáng hoan nghênh.
Đi qua hành lang đầy chông gai – Mega Man (1987)
Dòng game Mega Man thấy vậy thôi chứ nó khá là khó đó các bạn ạ, nhất là những màn đấu trùm. Trước khi đối đầu với những con này thì bạn sẽ phải đi qua một hành lang, báo hiệu khu vực sắp tới sẽ có một đối thủ vô cùng mạnh. Đồng thời, game cũng sẽ tận dụng lúc này để load màn đấu trùm.
Khúc hành lang này sẽ được thiết kế khác biệt tùy theo mỗi màn, và thường sẽ có đầy chông gai, vực sâu, và kẻ thù nhảy loạn xạ, càng khiến cho bạn cảm nhận được rằng kẻ địch phía trước hung hãn và “khó nuốt” đến mức nào. Nhưng mục đích của khúc này không chỉ là để khiến game thủ cảm thấy hồi hộp mà nó còn là để “câu giờ” để game kịp load màn đấu trùm.
Sử dụng bản đồ Star Map – No Man’s Sky (2016)
Thời gian load game trong No Man’s Sky không hẳn là thuộc dạng nhanh nhất, nhưng chí ít thì Hello Games cũng đã có cố gắng trong việc giấu nó đi để game thủ không cảm thấy bị phiền. Đầu tiên, bản đồ hành tinh xuất hiện khi bạn mới mở game lên không chỉ đơn thuần là một đoạn video mà nó chính là đoạn clip render 18 nghìn tỷ hành tinh trong game theo thời gian thực. Bạn sẽ khó thể nào đặt chân lên hết những hành tinh này, nhưng nó vẫn cho bạn cảm giác du hành khắp thiên hà.
Mỗi hành tinh sẽ được tạo ra ngẫu nhiên khi bạn đặt chân lên đó lần đầu tiên. Và việc bay vào tầng khí quyển từ ngoài vũ trụ sẽ diễn ra một cách trơn tru, mượt mà, không cần phải ngồi chờ màn hình loading gì cả. Tuy nhiên, đôi lúc bạn sẽ bắt gặp một số lỗi vụn vặt, chẳng hạn như cảnh quan của hành tinh bỗng dưng xuất hiện đột ngột, nhìn khá là kì cục. Ngoài ra, việc dùng cánh cổng “portal” từ trạm không gian để trở về căn cứ cũng là một hình thức để “ngụy trang” thời gian load game, chỉ là cách này hơi tốn thời gian một chút.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
· Top 10 tựa game vui chơi cùng hội bạn nhân dịp Tết 2022
· Top 10 tựa game nhập vai có đồ họa đẹp mãn nhãn trên PC
· Top 10 tựa game cực hay đưa bạn vào những chuyến phiêu lưu kỳ thú
Nguồn: What Culture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!