Một thành viên trên diễn đàn Chip Hell (Trung Quốc) đã may mắn có được trên tay mẫu bo mạch chủ chipset B560 và phiên bản thử nghiệm (ES – engineering sample) của 3 con chip Intel Rocket Lake, bao gồm Core i7-11700, Core i9-11900, và Core i9-11900K. Tận dụng cơ hội này, anh đã đem chúng ra “tỉ thí võ công” với CPU AMD Ryzen 7 5800X – con chip 8 nhân mạnh nhất của đội đỏ. Lưu ý rằng vì CPU Intel là bản ES nên xung nhịp của nó sẽ thấp hơn so với khi ra mắt chính thức. Những con chip này cụ thể gồm có:
- QV1J, Core i7-11700 ES – xung nhịp cơ bản 1,8 GHz, xung nhịp boost 4,4 GHz
- QVTE, Core i9-11900 ES – xung nhịp cơ bản 1,8 GHz, xung nhịp boost 4,5 GHz
- QV1K, Core i9-11900K ES – xung nhịp cơ bản 3,4 GHz, xung nhịp boost 4,8GHz
Trên Chip Hell có nhiều bài test khác nhau (tham khảo tại đây), nhưng trong khuôn khổ bài viết này thì chỉ lấy kết quả benchmark của các con chip khi bị khóa ở mức 4 GHz mà thôi. Lý do là để phản ánh thực lực của những con chip ES này, chứ để phô diễn sức mạnh thật sự của chip “Rocket Lake-S” thì phải đợi đến khi ra mắt chính thức mới có kết quả chính xác được.
Với bài test Cinebench R15 thì chúng ta có thể thấy so với Comet Lake, mức IPC của Rocket Lake được cải thiện khá là đáng kể (do xung nhịp trong bài test này không còn là yếu tố quyết định hiệu năng nữa). Cụ thể thì Rocket Lake mạnh hơn 13% so với thế hệ tiền nhiệm, còn trường hợp của Coffee Lake và Comet Lake thì cách biệt ở đây chỉ có 4% mà thôi. Tuy IPC được cải thiện nhiều như thế nhưng nhiêu đây vẫn chưa đủ để đánh bại AMD Ryzen 7 5800X với điểm số cao hơn 8%.
Có vẻ như Intel sẽ tập trung dùng xung nhịp để đánh bại chip AMD Ryzen 5000-series, thay vì chỉ dựa vào IPC vì có vẻ như AMD vẫn giành chiến thắng khi so sánh riêng phần xung nhịp. Tuy nhiên, ít nhất thì chúng ta vẫn thấy được rằng chip Intel Rocket Lake có sự cải thiện đáng kể so với Comet Lake, cộng với xung nhịp thì có thể khoảng cách sẽ còn nhiều hơn nữa. Còn đối với nền tảng AMD Zen 3 thì Intel vẫn tỏ ra hụt hơi khi số nhân vẫn chưa thể bì kịp, chỉ hi vọng là sẽ giành chiến thắng trong phần hiệu năng đơn luồng mà thôi.
Nguồn: tom’s HARDWARE