Vừa rồi Intel có cho biết nhà máy Fab 42 đã bắt đầu đi vào hoạt động sau khi được tiến hành xây dựng vào năm 2011. Nhà máy này sẽ sản xuất vi xử lý dựa trên tiến trình 10 nm của Intel, và đây cũng là nhà máy thứ 3 của công ty sử dụng tiến trình này. Qua đó, sản lượng chip của Intel sẽ tăng lên rất đáng kể, giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt CPU.
Intel có thể sản xuất chip 10 nm tại các nhà máy ở Israel, Oregon, và Arizona. Tất cả vi xử lý tiến trình 10 nm tính đến hiện tại đều được sản xuất tại Oregon hoặc Israel, trong lúc Fab 42 tại Arizona chờ cho đến khi nhu cầu mua CPU 10 nm tăng cao. Thông thường thì Intel sẽ không tiết lộ công suất của các nhà máy, nhưng họ có cho biết nó kết nối với 3 nhà máy Intel khác để tạo thành mạng lưới nhà máy lớn (mega-factory network) đầu tiên của đội xanh. Các nhà máy lớn thường có công suất nằm trong khoảng 25.000 đến 100.000 tấm wafer mỗi tháng. Nhưnh cũng cần lưu ý là sản lượng này sẽ phụ thuộc vào công nghệ và từng tiến trình khác nhau.
Theo Intel, họ đã đầu tư hơn 23 tỷ USD vào nhà máy tại Arizona. Hiện tại thì đang có 12.000 nhân viên đang làm việc tại đây. Fab 42 có một lịch sử khá là thú vị. Nhà máy này được hoàn thành vào năm 2013 và mọi thứ thiết yếu như hệ thống điều hòa cũng đã được lắp đặt xong xuôi. Nhưng đến đầu năm 2014 thì Intel quyết định không lắp đặt các máy móc, trang thiết bị dùng để sản xuất tiến trình 14 nm vì chưa rõ nhu cầu thị trường lúc đó là như thế nào.
Đến đầu năm 2017 thì Intel công bố kế hoạch chi 7 tỷ USD để lắp đặt dây chuyền 7 nm cho Fab 42, nhưng dần dần Intel thấy mình đang cần tăng sản lượng chip 10 nm nên họ lại thay bằng những công cụ phù hợp với tiến trình này. Còn chuyện nhà máy này có khả năng sản xuất chip 7 nm không thì vẫn chưa rõ.
Nguồn: tom’s HARDWARE