Máy bạn yếu không có nghĩa là bạn phải tắt hết tất cả mọi thiết lập trong game mới tăng được FPS. Thật ra vẫn có những mục mà bạn có thể bật một cách thoải mái mà lại không ảnh hướng đáng kể đến FPS.

Sau đây là những hiệu ứng hậu xử lý (ngoại trừ Ambient Occlusion – Đổ bóng tĩnh), không hưởng trực tiếp đến cấu trúc, chất lượng hình ảnh, mật độ texel… trong game. Đây là những hiệu ứng không chiếm dụng hoặc chiếm dụng rất ít tài nguyên, tuy nhiên chúng lại có thể đem lại những trải nghiệm rất thú vụ trong game.

Bộ lọc màu

Một số tựa game sẽ cho phép bạn tùy chỉnh bộ lọc màu cho game, đem đến những trải nghiệm hình ảnh rất khác nhau dù không tốn thêm tài nguyên. Bạn có thể thấy sự khác biệt rất rõ ràng giữa 2 bức ảnh chụp màn hình dưới đây.

2 bức ảnh là cùng một khung hình, cùng mức thiết lập nhưng lại cho cái nhìn rất khác nhau, một bức ảm đạm và u ám, bức còn lại một rực rỡ

Hiệu ứng lóe sáng (Lens flare)

Hiệu ứng này sẽ tạo ra hiệu ứng giả lập hiện tượng lóe sáng của máy ảnh khi ống kính máy ảnh bị nguồn sáng mạnh chiếu xuyên qua và phản xạ giữa các lớp thấu kính. Hiệu ứng này sẽ làm cho những nguồn sáng lớn trở nên sống động hơn nhưng lại tốn tài nguyên không đáng kể.

Tuy nhiên bạn không nên quá lạm dụng hiệu ứng này, đặc biệt là với những tựa game online vì nó sẽ gây cản trở tầm nhìn của bạn và gây ra những bất lợi trong game.

Hiệu ứng làm mờ chuyển động (motion blur)

Hiệu ứng này sẽ làm nhòe những cảnh vật di chuyển tốc độ cao trong game. Riêng đối với game đua xe thì việc những cảnh vật ven đường và mặt đường bị nhòe đi sẽ cho bạn cảm giác “lả lướt” hơn rất nhiều. Hiệu ứng này gần như không tốn tài nguyên.

Đa số các tựa game thường đều cho phép bật tắt hiệu ứng này, bạn nên chỉnh nó vừa đủ đẹp mắt thôi. Còn riêng đối với game bắn súng thì bạn nên tắt nó luôn, chẳng có gì khó chịu hơn khi bạn “vẩy” súng mà cảnh vật thì cứ bị mờ đi.

Đổ bóng tĩnh (Ambient Occlusion)

Khi tạo hiệu ứng đổ bóng cố định, máy tính sẽ tự làm tối những vùng mà nó “hiểu” là bị khuất sáng, tạo ra những cái bóng ảo trong một khung hình.

Một khung hình với các chi tiết đã được đổ bóng tĩnh nhưng chưa tô màu.

Khác với hiệu ứng shadow – Đổ bóng (thật), game sẽ khiến GPU render hình ảnh liên tục thì đối với Ambient Occlusion, các vùng tối được render trước như những vùng texture khác. Nếu shadow tạo ra những khung hình rất chân thực nhưng ngốn tài nguyên khá đáng sợ thì Ambient Occlusion cũng có thể làm cho cảnh vật trong game trở nên đẹp mắt hơn mà không tốn tài nguyên. Tuy nhiên, vì chỉ là một hiệu ứng “chết” nên Ambient Occlusion không thể tạo ra những hình ảnh sống động như shadow.

Kết

Trên đây là một số những hiệu ứng không tốn tài nguyên hoặc tiêu tốn rất ít tài nguyên. Ngoài ra, vẫn còn các hiệu ứng khác mà bạn có thể bật thoải mái bật mà không sợ chúng gây ảnh hưởng đáng kể đến FPS.

Những hiệu ứng này tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến những cấu trúc, hình ảnh trong game nhưng nếu biết sử dụng đúng cách thì chúng sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm thú vị hơn rất nhiều đấy.

GEARVN (Axium Fox)