Khi anh em mua muốn build hoặc nâng cấp dàn PC mới thì anh em sẽ phải đắn đo chọn lựa các loại linh kiện, phần cứng với nhau. Trong đó, anh em thường sẽ dựa vào các tiêu chí như ngoại hình, có đèn LED RGB, thương hiệu yêu thích,… và thứ không kém phần quan trọng là số benchmark. Vậy thì số benchmark là gì và anh em nên dựa vào số benchmark nào để xác định sức mạnh của phần cứng, mời anh em cùng mình tìm hiểu qua bài viết này.
Benchmark là gì?
Benchmark là một hoặc một loạt bài kiểm tra được thiết kế để đẩy hiệu suất của toàn bộ PC hoặc một linh kiện cụ thể nào đó lên mức cao nhất và ghi nhận lại khả năng của chúng. Thông thường, thì chúng ta sẽ benchmark 3 loại linh kiện là card đồ họa, CPU và ổ cứng.
Đối với card đồ họa thì sẽ kiểm tra liệu dòng card đó có thể chạy render, dựng ra các khung cảnh nặng về đồ họa trong một tựa game nào đó hay không. Các phần mềm benchmark card đồ họa thường được sử dụng là 3DMark, PassMark và Unigine Heaven.
Đối với CPU thì sẽ kiểm tra khối lượng công việc và tốc độ thực hiện các công việc đó. Trên thực tế thì mỗi PC sẽ có một thế mạnh riêng và sẽ thực hiện tốt một loại công việc nào đó mà thôi. Chẳng hạn một số loại PC thì sẽ thích hợp để chơi game, một số khác để làm thiết kế đồ họa, tạo mô hình 3D và nhiều thứ khác nữa. Các chương trình dùng để benchmark CPU, chẳng hạn như PCMark 10 sẽ cho PC của anh em chạy qua một loạt bài kiểm tra và đánh giá xem hiệu suất của CPU như thế nào. Các bài kiểm tra đó bao gồm khả năng làm việc với các bảng tính, chính sửa hình ảnh, video call, tính toán vật lý để chơi game và cả khả năng lướt web. Ngoài PCMark 10 thì người ta còn hay dùng thêm phần mềm CineBench để kiểm tra khả năng render video.
Điểm benchmark của CPU cũng sẽ bao gồm các tác vụ anh em thường sử dụng hằng ngày như thời gian nén một thư mục có dung lượng lớn thành file nén hoặc thời gian load một ứng dụng chẳng hạn.
Cuối cùng là benchmark ổ cứng SSD hoặc HDD. Phần này thì đơn giản hơn anh em ạ, Benchmark ổ cứng là xem tốc độ đọc, ghi dữ liệu bằng các bài kiểm tra tuần tự và ngẫu nhiên. Kiểm tra tuần tự có nghĩa là sẽ cho ổ cứng đọc hoặc ghi một lượng lớn dữ liệu trên các ô nhớ liền kề bên trong ổ cứng. Ngược lại, kiểm tra ngẫu nhiên thì sẽ ghi vào các ô nhớ ngẫu nhiên. Ngoài ra còn có các bài kiểm tra với file dung lượng lớn (khoảng 50GB) để kiểm tra bộ nhớ cache của ổ cứng vì khi hết cache thì ổ cứng sẽ bị chậm lại.
Benchmark để làm gì?
Thật ra, người ta benchmark thì chỉ có một mục đích thôi anh em, đó chính là “lấy số ra đọ”. Số điểm benchmark sẽ cho anh em biết con CPU hoặc GPU này như thế nào khi so với các dòng khác, mạnh hơn yếu hơn như thế nào. Mà anh em lưu ý là có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến số điểm benchmark. Trong đó, yếu tố nhiệt độ và các linh kiện được dùng trong lúc benchmark là một yếu tố quan trọng.
Chẳng hạn như anh em đang dùng loại RAM nào, tản nhiệt khí hay tản nhiệt nước hoặc dòng khi trong case di chuyển có tốt hay không. Nếu nhiệt độ quá cao thì các loại phần cứng sẽ tự động giảm hiệu năng để tự bảo vệ và đảm bảo không bị nóng chảy. Ngay cả nhiệt độ môi trường nơi anh em benchmark cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất. Nếu benchmark trong một căn phòng không máy lạnh vào mùa hè thì thế nào số điểm cuối cùng sẽ thấp khi ngồi trong phòng có máy lạnh bật 22 độ.
Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng nên nếu có đem số ra độ thì anh em chú ý thêm cả phần yếu tố bên ngoài để có cái nhìn khách quan nhất.
Đánh giá card đồ họa thông qua điểm benchmark
Khi anh em xem điểm benchmark của card đồ họa thì nên để ý đến hai yếu tố là độ phân giải và mức thiết lập đồ họa (hay còn được gọi là mức setting đồ họa). Hai yếu tố này sẽ liên quan với nhau và ảnh hưởng đến điểm benchmark cuối cùng.
Phần độ phân giải thì có lẽ đa số anh em đều biết cả rồi, đó là Full HD, 2K, 4K ấy. Còn mức thiết lập đồ họa thì trong game thường sẽ có các mức chỉnh sẵn như Low (thấp), Medium (trung bình), High (cao) và Ultra (rất cao). Dù chúng ta có thể tùy chỉnh lại các mức đồ họa bằng tay nhưng thường thì game sẽ tự động chọn mức đồ họa dựa trên sức mạnh của dàn PC của anh em. Còn đa số các bài review thì người ta sẽ để cấu hình Ultra khi benchmark.
Khi đọc các cài đánh giá và xem điểm benchmark thì điểm quan trọng nhất là người ta dùng điểm benchmark nào. Điểm từ công cụ benchmark tích hợp sẵn trong một tựa game nào đó hay điểm từ phần mềm riêng biệt. Điểm từ phần mềm riêng biệt thì sẽ hữu ích khi anh em so sánh các dòng card với nhau vì benchmark kiểu này thì mọi yếu tố bên ngoài sẽ giống nhau từ đầu đến cuối, chỉ khác em card. Tuy nhiên, điểm benchmark này sẽ không thể dùng để đánh giá khả năng chơi game thực tế và không thể tạo cho anh em kỳ vọng chính xác được.
Điểm từ công cụ benchmark của game thì cũng chưa chắc là chính xác hoàn toàn vì chúng không phản ánh đúng lúc anh em chơi game sẽ như thế nào. Thêm vào đó, điểm benchmark từ một game duy nhất cũng không thể nói lên bất cứ điều gì cả. Anh em cần kiểm tra nhiều điểm từ nhiều game khác nhau để có một bức tranh tổng quan về em card anh em đang nhắm đến.
Ví dụ như dòng card RTX 2080Ti của Nvidia có thể đạt 150-160fps, độ phân giải Full HD với mức thiết lập đồ họa Ultra khi chơi Middle-earth: Shadow of War. Tuy nhiên, theo nhiều kết quả trên mạng dùng RTX 2080Ti chơi Ghost Recon Wildlands ở cùng độ phân giải và mức thiết lập cấu hình chỉ đạt 90fps thôi.
Thông thường, các dòng card thuộc hàng cao cấp thì lý tưởng nhất là có thể chơi các tựa game AAA nặng về đồ họa ở độ phân giải 4K ổn định ở mức 70 fps với mức thiết lập là Ultra. Còn nếu anh em cần tìm một em card có giá thấp ổn áp mà vẫn đảm bảo độ mượt và hình ảnh đẹp thì cần xem xét thêm cả yếu tố hiệu năng trên giá thành (P/P) nữa. Nhưng mà nói chung thì anh em nên ưu tiên tìm một em card có thể chơi game mong muốn và có thể là các game AAA ở mức tối thiểu là 60 fps để hình ảnh chuyển động mà, không bị giật giật gây khó chịu.
Đánh giá CPU và ổ cứng thông qua điểm benchmark
Điểm benchmark của CPU thì rất quan trọng, nhất là khi anh em so sánh chúng với các dòng CPU khác. Tuy nhiên, CPU thì không có mức ưu tiên như GPU anh em ạ. Công việc của CPU là thực hiện tất cả mọi thứ từ chơi game, chỉnh sửa hình ảnh, tính toán, chạy chương trình các thứ nên khi nhìn vào điểm số của CPU thì anh em nên dựa vào nhu cầu của bản thân. Nếu anh em chỉ cần chơi game thì nên nhìn vào điểm benchmark khi chơi game chứ không cần nhìn điểm dựng video hoặc dựng 3D cho lắm.
Đối với ổ cứng thì anh em cũng nên đánh giá theo nhu cầu của bản thân và nhớ là cũng phải xem so sánh trong cùng một điều kiện nhất định. Như mình đã đề cập ở trên, điểm benchmark của ổ cứng chủ yếu là tốc độ đọc ghi dữ liệu, nếu anh em cần di chuyển nhiều hình ảnh và video từ thể nhớ, ổ cứng ngoài vào PC thì nên chú ý thêm các bài kiểm tra truyền file dung lượng lớn. Còn chơi game thì thường là xem tốc độ màn hình tải game biến mất nhé.
Mà anh em lưu ý là khi benchmark thì người ta không có ép xung linh kiện nhé, chỉ để mặc định mà kiểm tra thôi. Nếu ép xung thì hiệu suất sẽ tăng lên kha khá nên điểm benchmark không còn được công bằng nữa.
Tóm lại thì điểm benchmark giống như một cuốn sổ tay hướng dẫn về sức mạnh của linh kiện PC nhưng anh em phải chú ý đến môi trường khi benchmark và nên chọn các bài kiểm tra, phần mềm có tiếng nhé.
Nguồn: How To Geek