Số FPS chính là thông số thường được nhiều anh em game thủ mang ra để đọ nhau nhất. FPS càng cao trên cùng một mức cấu hình đồng nghĩa với việc hiệu năng chơi game của máy tính càng lớn. Tuy nhiên anh em cũng cần nhớ là số FPS không phải lúc nào càng cao cũng càng tốt, nó phải nằm trong tầm kiểm soát đã.
Mình thấy đến nay vẫn có rất nhiều anh em giữ quan điểm FPS càng cao càng tốt, không cần quan tâm đến tần số quét của màn hình. Họ xem những tính năng đồng bộ khung hình như V-Sync và FreeSync là thừa thãi vì cho rằng việc nó khóa mức FPS lại bằng với tần số quét màn hình là làm giảm hiệu năng máy tính, tăng độ trễ. Nếu anh em vẫn còn giữ suy nghĩ như thế thì anh em sai rồi nhé.
Thả FPS thì được gì?
Thứ duy nhất mà anh em có khi thả FPS là số sẽ nhảy liên tục và không có một mức trần nào cho nó cả. Nói chung là nhìn vào sẽ có giá trị tự sướng, chấm hết, chỉ nhiêu đó thôi. Máy anh em chạy được vài trăm FPS mà màn hình 60Hz thì anh em cũng chỉ nhìn được đến đó mà thôi. Nói trắng ra là chằng có tác dụng quái gì cả, nó chỉ show ra số lớn làm anh em cảm giác mượt hơn thôi.
Nhiều anh em có thể cho rằng giới hạn FPS thì chơi game không mượt, bị khựng… các kiểu. Tuy nhiên vấn đề này chỉ xảy ra khi anh em dùng V-Sync vốn đã rất cũ mà thôi. Đối với công nghệ này thì màn hình không thay đổi được tần số quét nên sẽ tạo ra những khoảng “lag” nhỏ giữa các khung hình làm anh em thấy giật giật nhẹ. V-Sync chỉ hoạt động tốt khi mức FPS của anh em luôn cao hơn tần số quét tối đa của màn hình.
Bây giờ người các công nghệ chống xé hình tiên tiến hơn đã được áp dụng đầy cả ra rồi. Màn hình bình dân nhất cũng được trang bị FreeSync, hàng tầm trung thì có FreeSync Premium với G-Sync Compatible, Cao cấp hơn nữa thì G-Sync, G-Sync Ultimate. Các công nghệ này có thể thay đổi được tần số quét màn hình để trùng khớp với số FPS mà card xuất ra nên tha hồ mà mượt, tha hồ nhanh.
Trên thực tế thì thả FPS chỉ gây hại mà thôi
Việc thả FPS chẳng những không giúp ích được gì mà còn hại mắt, hại não, hại máy anh em nữa! Sẽ có 2 vấn đề chính sau đây phát sinh khi anh em chày cối tắt chống xé hình và thả FPS.
Xé hình
Hiện tượng “xé hình” nghĩa là khi một khung hình bị “rách” ra làm nhiều mảnh, tạo ra những khung hình không hoàn hảo và gây khó chịu cho người dùng.Hiện tượng này xuất hiện là do tần số quét của màn hình không đồng bộ với số khung hình (mức FPS) của GPU xuất ra, làm cho các khung hình bị chồng chập lên nhau, khung mới đè lên khung cũ. Giờ mà anh em chơi CS:GO 300FPS trên con màn hình 60Hz thì kiểu gì nó cũng xé nát nhé. Thế nên để loại bỏ chúng thì việc đầu tiên chúng ta phải làm là dùng một biện pháp nào đó để giúp cho tần số quét và mức FPS bằng nhau. Và đó là cách các công nghệ chống xé hình ra đời.
Card luôn chạy hết công suất
Ví dụ anh em chơi một con game siêu nhẹ, máy xuất được 300Hz mà màn hình chỉ có 60Hz thì anh em biết chuyện gì xảy ra không? COn card của anh em sẽ phải chạy hết công suất để sản sinh ra mức hiệu năng gấp 5 lần mức cần thiết cho cái màn hình 60Hz đó. Kết quả là anh em chơi game nhẹ cũng phải bắt card chạy hết công suất không cần thiết, gây nóng máy nói chung và giảm tuổi thọ card nói riêng. Tóm lại là kiểu gì cũng lỗ chứ chẳng được tích sự gì cả.
Kết luận
Tóm lại là có FreeSync hay G-Sync thì anh em cứ bật lên mà dùng. Tắt chúng đi chỉ đơn giản là cách để anh em tự thẩm mà gây thiệt hại cho chính mình mà thôi. Riêng đối với anh em nào dùng màn hình “đời nhà Tống” chỉ có V-Sync thì hãy bật khi FPS luôn trên tần số quét, còn FPS dưới tần số quét thì tùy sở thích của anh em.