Kể từ năm 2003 thì game thủ mỗi năm đều được trải nghiệm các tựa game Call Of Duty đến từ nhà phát hành Activision. Từ bối cảnh lịch sử như trong World At War cho đến bối cảnh tương lai như trong Advanced Warfare, nói chung là Activision đã phát triển dòng game này theo rất nhiều hướng khác nhau để phục vụ fan. Tuy nhiên, bên cạnh đó họ cũng có không ít pha “đi xa quá”, khiến cộng đồng game thủ bao phen dậy sóng, tranh cãi gay gắt về nội dung của Call of Duty. Sau đây là danh sách 10 pha “đi vào lòng đất” trong Call Of Duty mà Activision không bao giờ muốn nhắc đến.
Cáo buộc người đồng tính
Call of Duty: Modern Warfare 2 là một trong những tựa game bắn súng xuất sắc nhất trong lịch sử. Để chuẩn bị cho đợt ra mắt vào tháng 11/2009, Activision đã lập ra chiến lược marketing khá là hùng hổ. Tuy nhiên, họ có phần hơi quá đáng trong một video clip quảng bá tên là “Fight Against Grenade Spam”, khiến fan ném gạch không thương tiếc. Trong video, người chuyền bóng Cole Hamels của đội Philadelphia Phillies khuyến khích người chơi không nên sử dụng lựu đạn bom mìn nữa – thứ mà game thủ lại rất thích sử dụng trong một tựa game hành động – bắn súng như Call Of Duty.
Nhìn thì chẳng có vẻ gì liên quan đến vấn đề đồng tính cả, nhưng bằng một cách nào đó mà Activision cùng vời Infinity Ward đã lái nó sang chuyện đồng tính được luôn mới hay. Bắt đầu với cái tên clip, khi viết tắt thì nó sẽ trở thành một từ dùng để sỉ nhục người đồng tính (tất nhiên là game thủ đã phát hiện ra điều này chứ dễ gì mà qua mặt được họ). Đoạn video đã bị chỉ trích dữ dội và sau đó buộc phải tháo xuống. Ngoài ra, trong MW2 còn có một Easter Egg khiến Activision bị ghét nhiều hơn nữa. Ở màn đầu tiên trong mục chơi chiến dịch, người chơi có thể nghe thấy 2 người lính bàn về chuyện giới tính. Một người lính đã nói câu “don’t ask, don’t tell” và câu này liên quan đến chính sách cùng tên của Mỹ về việc không cho người đồng tính nhập ngũ.
Màn “No Russian”
Có lẽ đây cũng là màn chơi đầy tai tiếng nhất trong lịch sử gaming. Trong màn chơi thứ 4 này, bạn sẽ được điều khiển một điệp viên CIA chìm bị bắt tham gia vào cuộc tàn sát đẫm máu tại một sân bay ở Moscow, Nga. Mục đích là để thân phận không bị bại lộ và để tiếp cận tên khủng bố Vladimir Makarov. Nói ngắn gọn thì bạn sẽ phải xả súng vào thường dân đang có mặt tại sân bay, và sau đó là tiêu diệt luôn cả một đội cảnh sát Nga.
Do đó, màn chơi này đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích vì tại thời điểm đó, ngoài đời thực cũng đang diễn ra những trường hợp giết người hàng loạt bằng súng. Màn “No Russian” bị cắt khỏi phiên bản MW2 ở Nga, còn ở những quốc gia khác thì bạn sẽ được quyền bỏ qua màn chơi này nếu muốn. Nhưng kì thực mà nói thì có game thủ nào muốn bỏ qua một màn chơi trong tựa game yêu thích của mình đâu.
Giết Fidel Castro
Chỉ với một tựa game, Activision đã làm cả một quốc gia phẫn nộ. Cụ thể ở đây là trong game Call of Duty: Black Ops với nước Cuba. Trong phiên bản năm 2010 này, sẽ có một màn chơi với nội dung ám sát Fidel Castro. Sau khi giết chết “hàng fake” thì bạn sẽ phải tiêu diệt quân chống đối ở Havana và đồng thời đuổi theo Fidel Castro “hàng real”. Và tất nhiên là màn này đã khuấy động Cuba, và trang web ủng hộ Fidel Castro do chính phủ điều hành đã ghi rằng: Điều mà Hoa Kỳ thất bại trong hơn 50 năm qua giờ cũng đã xuất hiện trong game. Đồng thời, trang web tiếp tục lên án tựa game Black Ops vì đã để cập đến 636 lần ám sát hụt Fidel Castro bằng nhiều hình thức khác nhau như điếu xì-gà phát nổ hay bộ đồ lặn có tẩm độc.
Cuộc tấn công Luân Đôn bằng chất độc hóa học
Sau khi Call of Duty: Modern Warfare 3 ra mắt thì Activision đã phải hứng chịu nhiều phản ứng trái chiều từ fan vì trong game, có một màn chơi cho thấy quân khủng bố Nga sử dụng chất độc hóa học để tấn công Luân Đôn. Người chơi sẽ được nhìn thấy cảnh khủng bố thông qua màn hình máy quay của một người chồng đang ghi hình vợ con mình đi chơi. Khi người con gái tiến gần đến một chiếc xe tải đang đậu thì vụ nổ xảy ra, làm rung động cả con đường và khí độc bắt đầu bao trùm lấy gia đình này.
Game thủ cho rằng nó có nhiều nét tương đồng với vụ đánh bom hồi 07/07 ở Luân Đôn, và vụ việc này đã đến tai của Quốc hội Anh. Họ tỏ ra vô cùng quan ngại về tựa game này, cho rằng nó đã buộc người chơi tham gia vào những tình huống bạo lực, làm hại người dân vô tội. Đến năm 2019, trong bản Modern Warfare thì Activision lại một lần nữa bị ném gạch vì trong chế độ chơi mạng có tính năng cho phép người chơi thả bom phốtpho trắng – thứ vũ khí bị cấm sử dụng gần nơi đông dân cư.
Liên quan đến những cuộc giết người hàng loạt
Anders Breivik – tên khủng bố một mình giết chết 77 người trong những cuộc tấn công – đã cho biết hắn ta “luyện tập” bằng cách chơi game Call of Duty: Modern Warfare, sử dụng thiết bị ngắm bắn holographic để tập canh súng sao cho chính xác. Breivik cho biết hắn đã bỏ ra 16 giờ mỗi ngày để rèn luyện với game này trong vòng hơn 12 tháng.
Sau đó còn có thêm một vụ nữa liên quan đến Call Of Duty. Cụ thể, tên sát nhân Adam Lanza được cho là có “đam mê” với vũ khí và bạo lực trong dòng game Call Of Duty, sẵn sàng bỏ ra liên tục nhiều tiếng đồng hồ để chơi game. Vụ việc của cả Breivik lẫn Lanza đã khiến không ít người có cái nhìn không mấy thiện cảm về Activision. Đã có nhiều chiến dịch phản đối game bạo lực và Call Of Duty chính là một trong những “thủ phạm” được nhắc đến nhiều nhất.
Sự kiện ra mắt Infinite Warfare
Khi chuẩn bị ra mắt một game nào đó thì trailer là thứ đóng vai trò quan trọng hàng đầu, dùng thúc đẩy doanh số tăng càng nhiều càng tốt. Vì thế, nếu một trailer mà làm tệ thì khả năng cao là doanh số game cũng “toang” luôn, không ít thì cũng nhiều, và trailer của Call of Duty: Infinite Warfare là một ví dụ điển hình cho chuyện này. Trailer của game ra mắt vào tháng 05/2016 và nó đã bị vô số người chỉ trích lẫn lên tiếng phản đối về vấn đề lấy bối cảnh tương lai – trong khi game thủ thì lại mong chờ series sẽ quay về với bối cảnh như những ngày đầu.
Đây cũng là trailer bị dislike nhiều nhất của Call Of Duty, gấp 15 lần so với Black Ops III ra mắt trước đó. Mặc dù đây là game bán chạy nhất tháng 11 tại Mỹ nhưng nhìn chung doanh số vẫn rất thê thảm anh em ạ.
Cơ chế bán vật phẩm
Mặc dù bị cộng đồng chê tơi tả, Activision vẫn cứ muốn tạo ra nội dung mở rộng cho Call of Duty: Black Ops 4 thông qua cơ chế bán vật phẩm. Activision đã phải nhận rất nhiều gạch vì mô hình tải thêm nội dung trong Black Ops 4. Cụ thể là họ đã cho biết game thủ không thể mua riêng những nội dung mới trong gói season pass. Nhà phát hành bị cáo buộc là đã quá tham tiền và chẳng hề khôn ngoan một chút nào khi quyết định chia 5 xẻ 7 cộng đồng Call Of Duty vì có người thì mua nội dung mới, có người không, nên cả 2 sẽ không chơi chung được với nhau.
Những nhà báo từ các trang nổi tiếng như Forbes, Eurogamer đã tốn rất nhiều mực giấy để nói về vấn đề mua vật phẩm trong game với giá cao mà cũng chẳng mang lại lợi ích gì đáng kể cho người chơi ngoài việc nó… đẹp. Những ai mà không muốn xùy tiền ra thì phải tốn rất nhiều thời gian để cày cuốc, khiến game thủ muốn bỏ cuộc hoặc nếu rủng rỉnh thì chấp nhận nạp tiền luôn cho Activision để lên cấp cho nhanh. Pha này coi bộ Activision đã quá tham lam rồi anh em ạ.
Quảng cáo sai sự thật
Trường hợp này là video quảng cáo trên truyền hình nhằm giới thiệu tựa game Call Of Duty 2 vào năm 2005. Đoạn clip này có góc nhìn thứ nhất với bối cảnh là các sự kiện diễn ra trong game. Tuy nhiên, nó lại không dùng những cảnh mà game thủ có thể chơi được, khiến nhiều người lầm tưởng về trải nghiệm của game và cảm thấy ngỡ ngàng khi mở game lên chơi. Để xử lý tình huống này, đoạn video quảng bá đã bị gỡ xuống. Bên xét duyệt quảng cáo nói là họ có biết các cảnh trong video là được lấy ra từ trong game, nhưng họ đã không kiểm tra kĩ càng hơn. Tệ hơn nữa là các cảnh trong clip quảng cáo có đồ họa vượt trội hơn hẳn những gì mà game thủ nhận được trong Call Of Duty 2, dẫn đến hậu quả là lại càng “thêm dầu vào lửa”.
Việc bổ sung nhân vật Manuel Noriega
Pha bị cựu lãnh đạo Panama kiện cáo có lẽ là một trong những vụ kiện nhớ đời của Activision. Vào tháng 7/2014, Manuel Noriega đã cáo buộc Activision vì tội sử dụng hình ảnh giống với ông ngoài thực tế và gán nó với một kẻ bắt cóc, giết người, và là kẻ thù của nhiều người, khiến danh tiếng của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, ông còn cho rằng nhờ việc này mà doanh số Call of Duty: Black Ops 2 đạt được là rất cao. Tòa án đã bác bỏ đơn kiện này, cho rằng đây là sản phẩm của sự sáng tạo của nhà phát triển chứ chẳng có liên quan gì đến Noriega cả. Còn game thủ thì chả quan tâm mấy đến vụ kiện khôi hài này, chỉ biết game có mục chơi đơn vô cùng thú vị mà thôi.
Dòng Tweet sai sự thật
Đây là một chiến lược quảng bá Call of Duty: Black Ops 3 rất sáng tạo nhưng cũng không kém phần quái đản của Activision: tài khoản Twitter chính thức của Call Of Duty được đổi tên thành “Current Events Aggregate”. Vào ngày 29/09/2015, với tài khoản mới đó, họ đã tung ra một loạt dòng tweet về một vụ khủng bố hư cấu tại Singapore. Dòng tweet đầu tiên ghi là đã có một vụ nổ tại phía bắc vịnh Marina, Singapore. Sau đó thì Activision xác nhận đây chỉ là tin giả và nó được tạo ra nhằm quảng bá cho tựa game sắp tới.
Tất nhiên, đã có rất nhiều game thủ chỉ trích rằng Activision đã cực kì vô trách nhiệm với nước đi này, nhất là khi nó liên quan đến việc hình ảnh của một thành phố bị khủng bố tấn công. Sau đó thì Activision cũng đã có lời xin lỗi trong những đoạn tweet tiếp theo.
Nguồn: What Culture